“MONG ANH EM HIỂU ĐỪNG CƯỜI”
Phạm Xuân Nguyên
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi sinh ngày 20/12/1924. Hội Nhà văn Việt Nam đã làm lễ kỷ niệm trăm năm sinh của ông vào đúng ngày (20/12/2024). Trước đó, ngày 12/11/2024, Khoa Văn học, Trường đại học KHXH&NV Hà Nội, đã làm cuộc toạ đàm về ông mang tên: Nguyễn Đình Thi – “Bát ngát ánh bình minh”. Ngày 10/12/2024 hội thảo khoa học toàn quốc “Di sản văn hoá, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” đã được Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương phối hợp cùng Thành uỷ Hà Nội và báo Nhân Dân tổ chức. Tôi có được mời tham dự một trong ba cuộc này và đã định viết bài đọc theo ý nói ở đây, nhưng nghĩ nói ra không khéo lại bị cho là "phá rối cuộc vui", nên thôi.
Thông thường tại những cuộc kỷ niệm hội thảo thế này người ta hay ca ngợi, tán dương nhân vật. Điều đó đúng thôi. Những đóng góp, cống hiến ở vai trò lãnh đạo văn nghệ văn học, những thành tựu, giá trị ở các tác phẩm sáng tạo, của Nguyễn Đình Thi hẳn nhiên là có và đáng được khẳng định. Tuy nhiên, con người là phức tạp. Con người văn nghệ sĩ lớn càng phức tạp. Con người văn nghệ sĩ lớn kiểu Nguyễn Đình Thi càng phức tạp hơn. Nói như Chế Lan Viên, họ là những “tháp Bayon bốn mặt”. Nhìn họ là phải nhìn xuyên cái mặt phơi ra ngoài để thấu vào tận “ba mặt kia trong cõi ẩn hình”. Trân trọng họ là phải thấy, phải hiểu được họ cả ở những mặt khuất, những nỗi đau, những suy tư dằn vặt của họ trong đời và trong nghề mà họ đã viết ra để lại.
Tôi kỷ niệm Nguyễn Đình Thi cho riêng tôi bằng bài thơ “Gió bay” của ông.
Rồi hôm nào bỗng gió bay
Cái bóng ngoài kia đến đợi
Anh giật mình đứng dậy
Đến giờ rồi hôm nay
Trên tay cốc nhỏ không đầy
Uống chúc bạn bè ở lại
Anh chắt đời anh chắt mãi
Chút ngọt bùi chút đắng cay
Người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ
Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình
Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn
Mong anh em hiểu đừng cười
Tôi gửi lại đây thìa khóa
Tất cả cửa nhà tôi đó
Ngổn ngang qua tạm cuộc đời
Tiếng đập cửa thình thình gọi
Anh cười vẫy
Xin chia tay
Lời ai văng vẳng
Hôm nào gió bay.
Ai biết thơ của ông đã bị uốn nắn thế nào, tiểu thuyết của ông đã bị phê bình thế nào, kịch của ông đã bị ngưng diễn thế nào, những vụ việc văn chương đã bị xử lý thế nào dưới thời ông đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam 31 năm thì đọc bài thơ này mới thấm thía cho ông. Tôi coi đây là bản chúc thơ của Nguyễn Đình Thi để lại cho đời. Không dưng mà ông muốn xin người cùng thời và hậu thế “mong anh em hiểu đừng cười”.
Trước ông, Chế Lan Viên cũng đã có chúc thơ như vậy ở bài “Trừ đi”.
Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi làm đâu? Một nửa
Cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết rồi!
Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười,
Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ, tôi giết
Cái cánh sắp bay trước khi ngồi viết
Tôi giết bão ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ
Và giết mặt trời lên trên biển,
Giết mưa và giết cả cỏ mọc trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gày còm như thế
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình.
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi?
Không phải!
Nhưng đấy cũng chính là tôi - người có lỗi!
Đã giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình!
Nguyễn Khoa Điểm ngoài tuổi sáu mươi cũng đã tự chất vấn trước em Cu Tai khi “Trở lại A Lưới” (2006).
Em dẫn ta lên ngàn thước núi
Ngó về chất ngất bóng Ka Lưi
Nhớ Em lắt lẻo trên vai mẹ
Em có còn không, em Cu Tai?
Ta cõng em đi trọn một đời
Thơ ta, ta gửi đến bao người
Những lời ru ấy rơi trong núi
Biết có khi nào em đã nghe?
Kỷ niệm hay toạ đàm hội thảo Nguyễn Khải (nếu có, mà chắc là có, sang năm 2025 đã là 95 năm sinh của ông) thì đánh giá phân tích các sáng tác của nhà văn “Tầm nhìn xa” không thể bỏ qua bút ký “Đi tìm cái tôi đã mất”. Đó cũng là một chúc văn.
Những chúc thơ chúc văn như vậy là một phần hữu cơ trong văn nghiệp của các văn nghệ sĩ. Chúng chiếu một ánh sáng ngược từ chính họ để người đọc hiểu biết tác phẩm của họ rõ ràng hơn, thấu đáo hơn, dưới cái nhìn lịch sử và nghệ thuật.
Trở lại một trăm năm sinh Nguyễn Đình Thi. Năm 1924 cũng là năm học giả Phạm Quỳnh (1892/1945) phát ra câu nói nổi tiếng “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn” trong bài diễn văn đọc tại cuộc giỗ lần đầu tiên thi hào Nguyễn Du do Hội Khai trí Tiến Đức tổ chức bên Hồ Gươm ngày 8/9/1924 (10/8 âm, đúng ngày mất của cụ Nguyễn Tiên Điền). Ngẫm ra ông Thi và câu nói của cụ Quỳnh là đồng tuổi, chỉ kém tháng. Sau này Nguyễn Đình Thi có một nhận định đồng vọng với ý kiến của cụ Thượng Chi: “Ngôn ngữ Truyện Kiều như được làm bằng ánh sáng vậy”.
Đã 21 năm Nguyễn Đình Thi biệt cõi thế. Nhớ ông, thương ông, bực ông gì đi nữa thì giờ đây ông cũng đã “Từ bên ấy trông về”. Trăm năm và dài nữa ông vẫn cứ trông về như vậy. Ai có cười ông?
Từ bên ấy trông về
Đốm nắng vàng kia
Và mỗi lá cỏ
Nói với anh bao nhiêu điều
Trông về từ bên ấy
Những gì anh thu vén bao lâu
Những gì anh chăm chăm giành giật
Nào mang theo được gì đâu
Chỉ những niềm yêu của anh
Như mạch nước không ai thấy
Mỗi ngày nuôi anh lặng lẽ
Hà Nội, 4h 21/12/2024
pxn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét