DÙNG SÚNG BẮN
THU HẠT BẠCH ĐÀN GIỐNG
(Truyện ngắn - Thanh Bình)
C
ổ nhân có câu: “Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo” để răn dạy con cháu rằng, hãy tập bơi đi. Biết bơi từ nhỏ, lớn lên trên dải đất Việt Nam nhiều sông, suối, ao, hồ, lại thường xuyên bị lũ lụt này, thì khỏi bị chết duối. Những đứa trẻ hay trèo me, trèo sấu, hái bưởi, hái nhãn, dễ bị tai nạn gãy chân, gãy tay, thậm chí có khi bị tử thương. Cho nên trèo cây, trèo cối là một sự thật nguy hiểm.
Ấy thế mà những người làm công tác thu hái hạt giống trong ngành Lâm Nghiệp lại thường xuyên phải trèo lên hàng trăm, hàng ngàn cây bạch đàn, cây thông để thu hái hạt giống cung cấp cho cả nước trồng rừng hàng năm. Đã bao giờ bạn nhìn thấy những cây bạch đàn trắng cao 30 đến 40 mét, thân thẳng, tròn đầy, đường kính ngang ngực 40 đến 50 cm hoặc to hơn nữa, cành nhánh ít, thân nhẵn bóng mà họ vẫn phải trèo lên để thu hái quả bạch đàn làm giống, thì mới thấy rõ cái nghề này nó nguy hiểm và vất vả nhường nào?
Có ai đó nói rằng “Trèo cao thì ngã đau”. Vâng, biết cái sự ngã đau ấy nhưng công nhân làm nghề hái hạt giống này, thì càng yêu nghề, yêu màu xanh của những rừng cây trồng của Tổ quốc, thì cây giống càng cao, thân cây càng tròn đầy, thẳng thắn thì họ lại càng phải trèo lên để thu hái quả. Vì đó chính là những cây giống quý mang lại chất lượng rừng trồng tốt.
Nguy hiểm là thế, nhưng những con người mang trong mình dòng máu của ông cha đã từng ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh ngày nào, thì có gian khổ nào, có hiểm nguy nào mà họ lại chịu khuất phục?
Biết thế nhưng mạng người là vốn quý, phải làm sao bảo đảm an toàn cho người lao động. Chính vì vậy, ngành đã nhập về những bộ đồ trèo cây chuyên dùng của Đức cho công nhân thu hái hạt giống. Tôi đã từng chứng kiến những buổi thao tác trèo cây của công nhân thu hái hạt giống trong những bộ đồ này. Khỏi nói giá tiền bộ đồ khá cao, vì nó phải mua bằng Đô (*1), bằng Mác (*2). Vì nó là hàng xịn. Những đôi giày bằng da thật, dưới đáy lại có gắn những đinh thép nhọn và cứng, đủ sức có thể cắm sâu vào thân cây nâng đỡ cho người trèo, rồi những đai ngang, đai chéo ngang hông, ngang vai, ngang đùi, ngang ngực, những dây khóa, móc treo bằng thép sáng loáng... Tất cả để đảm bảo cho người trèo. Mỗi bước chân trèo, người công nhân phải nâng đai an toàn, treo người vào thân cây, rồi thúc đinh giầy cho đâm sâu vào thân cây, để bước lên, công đoạn cứ thế cho từng chân và người công nhân nhích dần từng bước lên cao. Những người thợ muốn làm được công việc này phải là người có thần kinh thép, không sợ độ cao, không yếu tim, không hay đau đầu chóng mặt, lại phải có đôi tay lực sĩ, đôi chân dẻo dai, mà lại rắn chắc. Đặc biệt nhất là phải có lòng
yêu nghề cao cũng như tính kiên trì, trung thực thì mới tồn tại được. Tập là thế, nhưng bộ đồ trèo trên chỉ thuận lợi khi trèo lên những cây thông gỗ mềm và có vỏ có nhiều khe rãnh, dễ cho đai đeo bám, nhưng đối với những cây bạch đàn gỗ rắn, thân thẳng, trơn tuột, thì thực sự khi thao tác, gặp rất nhiều khó khăn. Thế là công nhân vẫn cứ là trèo bộ cổ truyền, mặc dù nó rất nguy hiểm.
Nhiều công trình nghiên cứu để tìm ra giải pháp phù hợp, đảm bảo an toàn cho việc thu hái giống xuất hiện, người ta đua nhau nhập về xe ô tô chuyên dùng như xe ô tô của các công nhân sửa chữa bóng đèn điện trên đường giao thông, nhưng khốn nỗi vị trí những cây lấy giống lại ở quá sâu, quá xa, nơi địa hình cực kỳ khó khăn không thể cho xe vào được, thế là xe nhập về lại đành xếp xó.
Ở một phân viện nghiên cứu giống nọ, người ta đọc ở đâu đó văn bản bằng tiếng Anh có tin: “Người Úc thu hái quả bạch đàn bằng súng?”. Ô! Văn minh thật, họ là nước phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, chắc chắn họ phải chế được một loại súng nào đó bắn lên một phát, là quả bạch đàn rơi rào rào vào bạt thu hái, hay vào lưới giăng sẵn đón đợi. Đúng là văn minh. Đúng là tiện lợi. Thảo nào một ki lô gam hạt bạch đàn giá đến ba, bốn trăm đô la!
Thế là đề tài nghiên cứu “Dùng súng thu hái hạt giống thông 5 lá” của một vị đứng đầu Phân viện Giống X được triển khai.
Hay! Công trình này hay, công trình nghiên cứu này nhiều khả thi, lại xuất phát từ thực tế. Ở một đất nước đã từng chiến thắng hai đế quốc to, sừng sỏ nhất thế giới là Pháp và Mỹ, thì việc dùng súng đâu có gì khó, cho dù là bắn quả thông?”. Vì quả bạch đàn chỉ to bằng đầu đũa, hay đầu ngón tay út là cùng, thế mà người Úc bắn trúng, thì lẽ nào quả thông to hơn trứng ngỗng chúng ta lại không bắn trúng?
Quan tâm đến điều này, cho nên ngày thao diễn của Phân viện nọ tôi năn nỉ ông trưởng phòng xin cho đi dự bằng được. Tôi thuyết phục ông “Nào là cây thông 5 lá là cây thông quý - nó đã được ghi trong sách đỏ, trên thế giới đã bị hủy diệt, nó chỉ còn lại duy nhất ở nước ta, mà cũng chỉ còn lại có 5 cây mọc rải rác ven suối ở một khe sâu nào đó ở tỉnh Lâm Đồng. Nào là lấy được hạt giống của nó là nguồn gien quý để gieo trồng, gây lại loài này ở nước ta thực sự là một việc nên làm. Hơn nữa nó còn là một cây thuốc quý, từ thân, rễ, lá của nó người ta có thể chiết suất ra chất gì đó chữa được cả bệnh AID... Vân vân và vân vân... Mặt khác tôi còn là chủ
đề tài chế biến hạt giống thông, cho nên tìm
hiểu về vấn đề này cũng là hay lắm chứ, cũng hợp lý lắm chứ... Thế là cuối cùng tôi cũng được toại nguyện.
Ngày thực nghiệm, đúng 8 giờ sáng, một đoàn ô tô gồm 2 chiếc TOYOTA - 16 chỗ ngồi của Nhật chở chúng tôi, các đại biểu, các nhân viên nghiên cứu thực nghiệm, phục vụ của Phân viện, cùng 2 xe du lịch INOVA chở các vị lãnh đạo, thêm một chiếc UWAT chở các xạ thủ của đơn vị bộ đội N sang phối hợp. Cả đoàn xe xuất phát từ Công ty Giống Lâm Đồng đến khe K của huyện Đức Trọng, nơi có cây thông 5 lá cao và to lớn nhất - một trong 5 cây thông quý tìm được mà chúng tôi đã giới thiệu ở trên.
Sau 2 tiếng đồng hồ, đúng 10 giờ chúng tôi đã tới nơi tập kết gần cây thông. Tất cả mọi người, sau những màn chào hỏi thăm nhau, chúng tôi được vị chủ nhiệm đề tài nghiên cứu nọ giới thiệu về tầm quan trọng của buổi thực nghiệm này. Rằng các thủ trưởng đơn vị bộ đội N đã hiểu rất rõ tầm quan trọng của vấn đề, đã rất thông cảm với đề tài, nên mặc dù đang trong thời gian huấn luyện, họ vẫn sẵn sàng cử 5 đồng chí thiện xạ nhất của đơn vị sang giúp đỡ. Ông còn cảm ơn trời đất hôm ấy rất thuận lợi. Trời cao nguyên gần trưa, gió nhẹ, mặt trời ngày đầu hè đã rực rỡ trên cao, vài đám mây trắng đang lững lờ trôi xa xa trên nền trời xanh biếc, rừng reo xào xạc, xen với tiếng chim hót líu lo đâu đây. Không gian thật thoáng đãng, nếu không nhìn thấy các đồng chí bộ đội đang sửa soạn súng trường K54 để bắn quả thông, thì chúng tôi đúng là một đoàn du lịch về với thiên nhiên trong một ngày nắng đẹp.
Để đảm bảo an toàn, chúng tôi được phổ biến không được đến gần các chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ, chỉ được đứng ở một vị trí họ đã bố trí trước để nhìn về phía cây thông 5 lá cao vượt trội trên tán rừng ven khe suối. Tôi ước tính từ vị trí bắn đến quả thông trên cao cũng phải gần 40m, tôi hy vọng các chiến sĩ cừ khôi của chúng ta sẽ bắn trúng đích...
Người bắn đầu tiên là đồng chí Phạm Văn Mạch - 47 tuổi. Theo lời giới thiệu của đơn vị, đồng chí này đã từng là dũng sĩ diệt Mỹ trên mặt trận Khe Sanh năm nào. Khi đó đồng chí Mạch mới vừa tròn 19 tuổi, nhưng đã từng là xạ thủ bắn tỉa, tiêu diệt hàng chục tên Mỹ - Ngụy. Có phát súng bắn tỉa xuyên táo diệt 2 tên Mỹ một lúc khi chúng vừa nhô lên khỏi chiến hào, cách xa hàng trăm mét. Nhìn cách đồng chí ấy dương súng lên ngắm bắn quả thông đầu cành giữa tán lá theo tay chỉ của chủ nhiệm đề tài, thật điêu nghệ và chắc chắn. Tôi đang hồi hộp theo dõi thì bất ngờ, một tiếng: Đoàng - vang lên làm chấn động cả thung lũng, vài con chim đâu đó hốt hoảng vụt bay lên. Có tiếng ai đó reo lên: trúng rồi. Vâng, một quả thông to bằng hai quả trứng ngỗng, chưa xòe nón, màu cánh dán mọc thẳng hiên ngang đầu cành trước còn đó, nay đã biến mất trước những con mắt chứng kiến của mọi người như một phép lạ. Có ai đó thốt lên: “Đúng là thiện xạ - bộ đội cụ Hồ”. Nhưng bắn quả thông để lấy hạt cơ mà. Thế là viên đạn tuy trúng đích, nhưng phá vỡ quả thông, không thu được hạt giống nào? Ông chủ nhiệm đề tài mặt tái dần, thầm thì gì đó với đồng chí bộ đội, mọi người không ai nghe thấy. Nhưng ít phút sau lại thấy khẩu súng được dương lên nhằm vào quả thông khác. - Đoàng - lại một tiếng nổ chát chúa vang lên. Người chiến sĩ bắn đúng cuống quả thông, làm cho quả thông rơi xuống, nhưng lại rơi vào tán rừng cây rậm rạp, vào thảm thực vật dày đặc dưới đất khó mà tìm thấy được. Mặt vị chủ đề tài lại càng tái hơn, vài phút hội ý chớp nhoáng diễn ra ngay trên hiện trường của nhóm nghiên cứu và các anh bộ đội. Cuối cùng một mệnh lệnh được đưa ra: “Phải bắn vào một điểm trên cành thông, để cành này gãy xuống mang theo nhiều chùm quả thông thì mới lấy được hạt giống quý”. “Đúng, một giải pháp đúng lúc, kịp thời, sáng suốt đầy thực tế”.
Lần này dương súng lên là một chiến sĩ trẻ hơn, người cao lớn, mắt sáng, dáng nhanh nhẹn, tuổi đời chỉ mới 24, 25. Nghe đâu đồng chí này đã từng tham gia giải bắn súng trường quốc tế tại Trung Quốc năm trước. Lại một tiếng đoàng nữa vang lên, người ta thấy một cành thông to bằng cổ tay, trên có vài chục quả thông rung rinh, ở giữa cành sứt một mảng vỏ trắng. Mọi người reo lên trúng rồi, được đấy. Bắn tiếp đi, thế nào cành cũng gãy. Mặt ông chủ đề tài lúc này đã bớt tái, một tia hy vọng đã lóe lên trong mắt ông, mà chỉ có những người đã làm chủ các đề tài nghiên cứu mới có thể nhận ra. Đoàng - tiếng nổ thứ hai lại vang lên, cành thông chỉ nghiêng đi một chút, vết sứt có to hơn, nhưng cành thông vẫn đung đưa trước gió như trêu ngươi những người quan sát. Tức mình đồng chí chiến sĩ trẻ lại bắn tiếp 2 - 3 phát nữa, nhưng các v iên đạn chỉ đi sát mục tiêu mà không làm đứt được cành thông. Thế là đồng chí chỉ huy lại chỉ định đồng chí bộ đội thứ 3 lên bắn tiếp. Đó là một nữ chiến sĩ mới 20 tuổi đời, vừa mới đoạt giải nhất cuộc thi bắn súng trường mục tiêu bia di động toàn đơn vị tháng trước. Sau sáu phát đạn liên tiếp từ khẩu súng trường trong tay người nữ chiến sĩ, cành thông đã gãy lìa rơi xuống mắc trên tán lá. Mọi người hoan hô vang dậy mừng thắng lợi, chắc chắn sẽ lấy được vài lạng hạt giống quý. Mặt ông chủ đề tài đó lên, nhưng ít phút sau lại tái đi sau lời báo cáo của chàng thanh niên trẻ mới tốt nghiệp ra trường, làm cộng tác viên cho đề tài: “Cành thông rơi đúng vào một ngọn cây, trên đó có một tổ ong bò vẽ to như cái nón, từng đàn ong thấy động bay ra vù vù, không ai dám trèo lên để lấy kết quả”. Sau một hồi bàn tán, mọi người đi đến thống nhất: ngày hôm sau sẽ thuê một người dân tộc ở gần công ty có tài bắt ong đến tìm cách lấy cành thông xuống.
Cuối cùng mọi người ra về, tuy không khí không được tưng bừng như khi xuất phát, nhưng ai cũng tỏ ra vui vẻ đến chúc mừng ông chủ đề tài: “Kết quả bước đầu thành công mĩ mãn”. Đặc biệt là cám ơn các tay súng bắn giỏi của đơn vị bộ đội. Ngồi trên xe, với thói quen nghề nghiệp của một chủ đề tài, tôi thầm tính hiệu quả kinh tế: Mười lăm viên đạn, mỗi viên giá tương đương với 5kg gạo, vị chi mất 75kg gạo mới lấy được vài chục hạt thông. Ôi cái giá không thể gọi là rẻ. Mấy phút sau tôi lại tự an ủi rằng: “Đây là hạt giống quý - nguồn gien hiếm của quốc gia cơ mà... sao lại tính chuyện đắt rẻ ở đây”.
Bẵng đi một thời gian tôi không thấy ai nghe, nói về đề tài này nữa. Các tạp chí của ngành cũng không đả động đến, mà công việc và thời gian cuốn hút, làm cho tôi cũng quên đi mất.
Tình cờ năm sau tôi được cơ quan cử đi Úc 4 tháng học tập về các phương pháp thu hái, chế biến hạt giống, kinh phí do Chính phủ Úc tài trợ.
Khỏi nói thực sự tôi vui mừng và phấn khởi như thế nào! Một sự trùng hợp rất hy hữu: Cả lớp tập huấn chỉ có 2 người, lại cùng tên Sơn, cùng phóc người nho nhỏ như nhau (cao 1,56 mét - nặng khoảng 50 kg). Miền Bắc có anh Hoàng Sơn, đại diện cho các cơ sở Nghiên cứu Lâm nghiệp miền Nam có tôi: Vũ Sơn. Cho nên sang Úc, họ gọi tôi là MÍT TƠ VŨ, còn anh kia là MÍT TƠ HOÀNG để dễ phân biệt.
Chúng tôi học tập với từng cán bộ kỹ thuật, hay chuyên gia Úc trong phòng thí nghiệm, tập huấn ngoài hiện trường các lý thuyết về lai hữu tính, lai vô tính, được đi tham quan các vườn ươm cây giống nông lâm nghiệp ở một số bang trên đất Úc. Đặc biệt nhất là chúng tôi được học tập và thực hành phương pháp dùng súng để thu hái quả bạch đàn.
Ngày thực hành, chúng tôi được kỹ sư Jhon KeLy lái xe LANDCUZER chuyên dùng của Công ty CSIRO, đưa chúng tôi đến một khu rừng hỗn giao, chủ yếu là các loài bạch đàn và nhiều loại cây khác như Keo,... thẩu tấu,... cách thủ đô Cam Bera của Úc chừng hơn 200 km. Đi trên xe, chúng tôi được thoải mái ngắm nhìn những cánh rừng thông, bạch đàn tự nhiên, cũng như rừng trồng hai bên đường. Đi hết đường quốc lộ trải nhựa phẳng lỳ, ô tô chúng tôi chạy trên những con đường đá, chạy men theo các sườn núi, hoặc trên các đỉnh dông của các dải núi thấp. Đọc máy đo độ cao tự động gắn trên xe, chúng tôi biết mình đang đi trên các con đường nằm ở độ cao từ 300 đến 400m so với mặt nước biển.
Kỹ sư Jhon đã chuẩn bị đầy đủ cho chuyến thực tập, kế hoạch thu hái hạt giống bạch đàn URO, mà mùa quả chín của chúng đúng trong thời gian này, súng chuyên dùng, ống nhòm,
kéo cắt cành đủ cho 3 người, bạt đựng quả, phiếu ghi chép, mô tả chung về chất lượng cây giống, v.v...
Đến hiện trường kỹ sư Jhon xuống xe, dùng ống nhòm quan sát, chọn đúng loài bạch đàn URO, đặc biệt là quan sát xem những chùm quả trên cây đã thực sự chín để có thể thu hái được. Sau khi chọn lựa bốn đến năm cây, cuối cùng Jhon chuẩn bị súng để bắn thu hái quả.
Lúc này tôi mới để ý tới Jhon, một người Úc to lớn, anh cao 1,87m, nặng khoảng 90 kg, tính tình hiền lành, ít nói. Đứng bên anh, chúng tôi chỉ cao tới vai anh. Nhìn anh ta đứng cạnh Hoàng Sơn tôi cười thầm: trông như hai bố con.
Sau khi giở túi đựng súng trong hộp da, Jhon lắp các bộ phận của súng vào, tôi thấy nó cũng giống như một khẩu súng trường bắn tỉa mà người ta thường chiếu trên các phim hình sự. Trên thân súng cũng được lắp một ống ngắm để tăng độ chính xác. Đặc biệt là chỉ khác ở viên đạn. Mỗi lần bắn, tôi thấy Jhon nạp đạn để bắn từng phát một. Hình dạng viên đạn cũng giống như viên đạn súng trường thường, nhưng khác là trên đầu viên đạn có gắn thêm một cục chì to bằng hạt đậu đen. Tôi có hỏi tác dụng của nó thì Jhon giải thích là để tăng thêm tác dụng công phá của đạn.
Cây bạch đàn giống URO rừng tự nhiên này, không thẳng và to cao như các cây bạch đàn trồng ở Việt Nam, nó cũng cao không quá 30m, cành lá vươn dài mọi hướng. Tôi quan sát thấy Jhon đeo mũ bịt tai, dùng ống nhòm quan sát cành có nhiều chùm quả mới chọn để bắn. Cự ly từ chỗ đứng bắn đến cành bạch đàn khoảng 40m. Jhon ngắm bắn vào một điểm trên cành bạch đàn dài khoảng 5 - 6m, to bằng bắp đùi người lớn, rồi nổ súng. Sau phát đạn thứ nhất, cành bạch đàn vỡ một mảng trắng, nhưng vẫn nằm ngang, sau phát đạn thứ hai, điểm bị bắn bị phá vỡ, cành bạch đàn nghiêng đi. Cho đến sau 2 phát đạn tiếp theo, cành bạch đàn mới bị rơi xuống. Đến đây tôi mới biết người Úc đã dùng trọng lượng tự thân nặng hàng trăm ki lô gam của cành bạch đàn để hỗ trợ cắt đứt cành sau khi bị đạn phá vỡ cấu trúc gỗ tại điểm bị bắn trúng. Sang cây thứ hai. Cành này Jhon chỉ bắn có hai phát đã rơi. Chúng tôi dùng kéo cắt cành, cắt các chùm quả bạch đàn cho vào bao. Đến cây thứ 3, tôi mạnh dạn đề nghị Jhon cho bắn thử: (MAY I SHOOT IT?), sau một phút tự do Jhon trao súng cho tôi. Tôi cũng mạnh dạn đeo bao tai chống ồn vào rồi dương súng lên. Tôi thầm nhớ lại: ngày còn là sinh viên trong trường đại học, khi kiểm tra bắn đạn thật, tôi đã bắn rất chụm, cả ba viên đạn vào vòng 9, đạt 27 điểm. Mặc dù lúc đầu cũng hơi hồi hộp, nhưng sau tôi đã trấn tĩnh, nhớ lại các yếu lĩnh bắn cơ bản khi bắn đạn thật. Tôi từ từ dương súng lên, để báng súng chạm vào vai, nheo mắt ngắm qua ống ngắm gắn trên súng. Tôi điều chỉnh cho điểm giao dây chữ thập dọi đúng vào một điểm trên cành bạch đàn, cách thân cây khoảng 50 cm, tôi nín thở, nhẹ nhàng bóp cò. Sau 3 phát đạn, cành bạch đàn đã rơi xuống. Đến cây tiếp theo tôi bắn 4 phát, tuy đều trúng đích, nhưng cành bạch đàn vẫn trơ trơ như thách thức, tai tôi đã hơi ù đi, thế là tôi giao lại súng cho Jhon bắn tiếp. Sau 2 phát đạn nữa, cành bạch đàn đã chịu khuất phục rơi xuống. Cả buổi sáng, chúng tôi đã bắn gãy gần chục cành bạch đàn, thu hoạch hết quả, cho vào bạt, vào bao mang về. Sau này hỏi Jhon tôi được biết chỗ quả đó đem phơi, chế biến được hơn 5 kg hạt. Tôi nhẩm tính mỗi viên đạn 15 đô la, bình quân 4 viên/1 cành, tốn 60 đô la, được 0,5 k g hạt, bán được 180 đô la. Như vậy là cũng có hiệu quả. Còn nếu như thuê người trèo lên những cây cao như vậy, thì phải tốn biết bao nhiêu đô la? Nếu như mối công trèo ít nhất là 200 đô la, mà lại rất nguy hiểm đến tính mạng. Sau buổi thực tập về nhà tôi mới hiểu: Đọc tài liệu mà không tìm hiểu tới nơi tới chốn thì thực là tai hại.
Thanh Bình - Đồng Nai - tháng 10/1996
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét