QUÂN TỬ DÙNG DẰNG…
(Bình bài thơ
Thiếu nữ ngủ ngày,
- Hồ Xuân
Hương)
ĐƯỜNG VĂN
Trưa hè hây hẩy gió nồm đông,
Thiếu nữ nằm chơi, quá giấc nồng.
Lược trúc biếng (chải) cài (gài) trên mái tóc,
Yếm đào để (bỏ) trễ dưới nương long (lưng ong),
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm,
Một lạch đào nguyên nước (suối) chửa thông.
Quân tử dùng dằng, đi chẳng dứt,
Đi thì cũng dở, ở không xong!...
Trong sự đọc còn hạn hẹp của tôi, về bài thơ nổi tiếng này
của Bà Chúa thơ Nôm, từ khi ra đời (chưa rõ thời điểm cụ thể?!) cho đến nay, ít
nhất có 4 luồng ý kiến khác nhau:
1. Chê bai, phản
bác, cho rằng đây là 1 trong những dâm thi, quỷ thi của nữ sỹ họ Hồ, biểu
hiện cái ẩn ức tình dục do hoàn cảnh
riêng và tính cách, tâm hồn dâm đãng của bà.
2. Ngợi khen
tinh thần, tư tưởng chống phong kiến
(phản phong, nam quyền) mạnh mẽ, tiếng nói đòi hỏi bình đẳng của nữ giới, nữ
quyền, ca ngợi sắc đẹp và sự trẻ trung của người thiếu nữ.
3. Mô tả bức
tranh nuy, secsy, với cảm hứng đồng
cảm và ca ngợi vẻ đẹp tự nhiên trong trắng, đầy quyến rũ và hấp dẫn của hình
ảnh vừa hiện thực vừa biểu tượng: Thiếu
nữ ngủ ngày, trong cảm quan của chàng quân
tử đa tình với ý thức cá nhân bắt
đầu trỗi dậy; bằng biểu tượng ẩn dụ nước, và những hoài niệm phồn thực của
văn hóa dân gian (Nguyễn Đức Bính, Đỗ Long Vân, Đỗ Lai Thúy)*.
4. Gần đây, trong bài phê bình tiểu thuyết Người đi vắng (Nguyễn Bình Phương,
1999), Đoàn Cẩm Thi dùng con mắt của thi pháp thơ - hội họa hiện đại để chỉ ra chỗ hạn chế của nghệ thuật tả người trong Thiếu nữ ngủ ngày: đó là giới
hạn của thi pháp và họa pháp trung đại:
bức tranh lấp lánh hình ảnh biểu tượng, nhưng nhìn chung tĩnh tại, thiếu sộng động, đặc biệt là mới chỉ đậm chất tạo hình (thị giác (mắt) mang tính ước lệ mà thiếu cảm quan cụ thể của các giác quan khác: thính giác (tai),
khứu giác (mũi), vị giác (lưỡi)*…
Những quan điểm cảm luận, đánh giá rất
khác nhau về cùng 1 đối tượng nghệ thuật ấy phản ánh phần nào sự đa dạng, khác
biệt và cả sự tiến triển của lịch sử phê bình thơ Việt trong hơn 2 thế kỷ qua,
theo hướng càng ngày càng khắc phục dần tính chất mặc định xã hội học dung tục, chủ quan áp đặt, ca ngợi phiến diện 1
chiều, xa rời đối tượng phê bình… để dần tiến tới khách quan hóa văn bản, hướng
tới nhận thức đối tượng tận bản chất, quy luật sáng tạo và tiếp nhận văn học
trong cái nhìn đa chiều, so sánh, đối chiếu xưa nay, liên ngành… của phê bình
thơ hiện đại. Rõ ràng, sự cảm nhận, hiểu biết, cắt nghĩa, phân tích, lý giải
giá trị và hạn chế của thi phẩm sẽ càng trở nên khách quan, sâu sắc, tinh tế,
tường minh và thuyết phục hơn.
Tuy nhiên, thiển nghĩ, với Thiếu nữ ngủ ngày, bấy nhiêu quan điểm
và lời đáp, có lẽ vẫn chưa phải đã tìm ra chân lý cuối cùng duy nhất đúng.
Người đọc hôm nay (giữa thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21) vẫn có thể phân giải và
luận bình bài thơ quen thuộc, đặc sắc của Hồ Xuân Hương từ những góc nhìn, khai
thác, tìm tòi của riêng mình, góp phần vào quá trình khám phá di sản nghệ thuật
độc đáo của nữ sỹ này.
Nhìn lại, có thể nói: Quan điểm 1, rõ ràng không ổn, vì quá
lạc hậu, ngây thơ đến lỗi thời; quan điểm này có lẽ đại diện cho không ít nhà
nho phong kiến bảo hoàng hơn vua, làm ra vẻ đạo cao đức trọng! hoặc một vài nhà
phê bình nghiên cứu văn học trước đây nhân danh đạo đức chính danh, nhưng đầu
óc xơ cứng, công thức, chẳng hiểu gì về giá trị vẻ đẹp của cơ thể con người, tình
người trong nghệ thuật…
Quan
điểm 2 cơ hồ chuyển sang đối cực như
từ hữu sang tả, thực chất cũng ngây thơ, ấu trĩ và lỗi thời không kém. Đặc biệt
thiếu thuyết phục và mang nặng tính chủ quan áp đặt, phi lịch sử, vì hầu như nó
chỉ chủ ý đến bình diện nội dung tư tưởng của cái biểu hiện mà không để ý hoặc
chỉ lướt qua 1 cách hời hợt bình diện nghệ thuật, cách thức biểu hiện như thế
nào.
Quan
điểm 3, 4 là những cố gắng tư duy, có
những điểm vượt lên ngoạn mục, đem lại kết quả nghiên cứu khoa học khả quan; vì
vận dụng thành công những phương pháp phê bình thơ mới mẻ, hiện đại, trên cơ sở
lý luận văn hóa học, thi pháp học.
Tuy nhiên, cũng chưa thật đầy đủ, kín cạnh mọi nhẽ và không khỏi có chỗ hiện
đại hóa đối tượng hoặc đòi hỏi vô lý ở đối tượng mà chưa căn cứ vào hoàn cảnh
lịch sử cụ thể của nó.
Bởi vậy, trong bài viết nhỏ này, tôi
xin bảy tỏ sự đồng cảm, tán thành và kế thừa những kết luận đúng đắn, khả thủ
từ các quan điểm 2, 3, 4, đã nêu tóm tắt trên; đồng thời mạnh dạn trình bày,
phân giải đôi điều về giá trị của bài thơ theo sự thức nhận của bản thân, trên
cơ sở lý luận tâm lý tiếp nhận văn học và lý luận thể loại văn học, mong
được trao đổi rộng rãi với quý bạn đọc cùng một lòng quý yêu Bà Chuá thơ Nôm
với Thiếu nữ ngủ ngày.
1.
Về chữ nghĩa - văn
bản.
Thơ Nôm Hồ Xuân Hương từ khi ra đời, hầu hết được truyền
miệng trong dân gian, trong giới nhà Nho một cách không chính thức, mãi nhiều
năm sau mới được ghi chép lại và in ấn, phát hành rộng rãi nên cùng 1 bài thơ,
câu thơ có thể có những dị bản khác nhau. Điều đó cũng không có gì
lạ! Bởi vậy, trong văn bản bài thơ chép dưới đầu bài viết, tôi vẫn chua thêm
những chữ trong ngoặc đơn ở các dị bản khác. Tôi cho rằng những chữ đó không
phải không có cái lý tồn tại riêng.
Chẳng hạn, câu: Lược
trúc chải cài (biếng gài) trên mái tóc.
Chải cài chỉ có 1 nghĩa: cái lược bằng trúc dùng để chải đầu
(tóc) được cài (giắt) trên mái tóc. Còn biếng
gài có ít nhất 2 nghĩa: 1. Cài, giắt (gài: từ đồng nghĩa, lại mang
màu sắc dân dã, nôm na hơn cài!). 2. Lười
biếng, uể oải, tâm thế thiếu nữ lúc ngủ ngày: lại phù hợp hơn với phong
cách trào tiếu - giễu nhại của Hồ Xuân Hương.
Yếm đào để (bỏ) trễ dưới
nương long (lưng ong).
Tôi nghĩ từ nương
long (Hán Việt) chỉ bộ ngực rất
ít được dùng cả trong thơ văn lẫn trong đời sống hằng ngày (không rõ trong
chuyên môn y học thì sao?!). Hơn nữa, Hồ Xuân Hương không có thói quen dung
nhiều từ Hán Việt, nhất là những từ chưa phổ biến trong đại chúng. Còn hình ảnh
lưng ong (ẩn dụ: lưng con gái đẹp:
dài, thon như mình con ong) rõ ràng giản dị và phù hợp với văn cảnh hơn từ nương long vừa khô khan, vừa xa lạ.
Người bảo vệ từ nương long cho rằng cái
yếm đeo trước ngực, che vú thì phải trễ xuống dưới vú, dưới ngực chứ làm sao
lại có thể xuống dưới lưng?! Tôi lại cho rằng đó là cách hiểu cứng nhắc, 1
chiều mà chưa nghĩ kỹ về cái hoàn cảnh sinh – tâm lý như một thói quen, một cử
chỉ nửa vô thức lúc ngủ say. Tỉ như khi ngủ quên, người ta có thể cử động, cựa
quậy, quay đầu, giở mình, quài tay mạnh, nhẹ, hết nằm ngửa, lại nằm nghiêng,
thậm chí nằm sấp (úp bụng, thở dài). Trong và sau những cử động, chuyển dịch,
thay đổi tư thế ấy, cái dải yếm buộc hờ có thể bung ra, cái yếm có thể rời khỏi
cổ, tụt xuống khỏi vùng ngực, vú, xuống bụng, rồi tụt hắn xuống chiếu, xuống
mặt chõng, mặt phản, mặt giường… và người ngủ có thể đè tấm lưng ong lên mảnh yếm đào bung buột hững
hờ đó lắm chứ! Hơn nữa, trong tình huống
tâm lý vừa như vô tình vừa như cố ý (thật khó phân định!) thì chuyện cô gái
ngủ ngày nằm lên cái yếm mỏng, để khỏa trần đôi
gò bồng đảo - tuyết lê tha hồ cong vểnh như đôi ngà voi rỡn gió nồm nam mát
rượi, giữa trưa hè vắng vẻ… hẳn cũng là một thú khoái tự nhiên khó cưỡng của cô
gái đa tình khỏe mạnh, chứ đâu phải còn nửa khép nửa mở, ỡm ờ!? Cho nên, tôi
nghiêng về từ lưng ong; vì từ này phù hợp và hay hơn so với từ nương long trong câu thơ đẹp như vẽ, nổi
như bức phù điêu chạm khắc này.
Một lạch đào nguyên nước (suối)chửa
thông;
Văn bản dùng từ nước
chuẩn hơn bản chọn từ suối; vì lạch cũng là suối, suối nhỏ. Dùng suối
là thừa, lặp. Còn dùng nước, không
chỉ tránh được lỗi lặp đó mà còn hợp lý hơn, lại lấp lánh nghĩa tục chìm ẩn. Liệu có suy diễn không khi tôi liên tưởng: Nước
ấy đâu chỉ là nước suối mà còn là nước l., là dâm thủy đang ứ tràn, nhỉ nhách trong con mơ ngủ, giữa trưa hè của
cô gái đang động tình xuân!?
2.
Về tứ thơ – cấu
trúc bài thơ
Quan trọng và thú vị hơn chuyện chữ nghĩa, tôi trộm
nghĩ, ở bài Thiếu nữ ngủ ngày, kỳ nữ Hồ Xuân Hương, bằng tài hoa
và bản lĩnh thơ độc đáo, tinh quái của mình, về cấu trúc – tứ thơ, đã sáng tạo được 3 tình huống nghệ thuật
mang kịch tính (hài) cao, được chuyển
hóa, cấu tứ thần tình, diệu nghệ trong một tòa lâu đài nhỏ nhắn, xinh xinh thất ngôn
bát cú Đường luật cực kì nghiêm ngắn, cẩn mực niêm luật, đối liên chan
chát.
Đó chính là đặc
sắc riêng của bài thơ này.
* 2.1. Tình
huống thứ nhất: Thiếu nữ ngủ ngày.
Hoàn cảnh thời gian: buổi trưa nắng mùa hè oi ả; không
gian: hây hẩy gió nồm mát rười rượi từ hướng đông nam thổi tới như quạt hầu. Sau buổi làm
đồng (hoặc dệt cửi, chăm tằm…) vất vả, sau bữa cơm trưa cá kho, rau muống,
người con gái cởi chiếc áo ngoài vướng víu, chỉ còn tấm yếm đào mỏng mảnh che ngực, lững thững ra hiên, hoặc ra góc sân rợp
bóng nhãn, bóng hồng xiêm, từ từ ngả mình trên chiếc chõng tre đằng ngà lên
nước bóng loáng. Cô cũng chỉ định bụng nằm nghỉ ngơi, thư giãn một chốc để đầu
giờ chiều, cùng mẹ ra cấy tiếp mảnh ruộng gần chùa. Thế rồi tuổi trẻ đang sức
ăn sức ngủ, cô nàng thiếp đi, mơ màng và say giấc nồng lúc nào không hay…! Bố
mẹ nghỉ trong nhà, mấy đứa em đi bắt chuồn chuồn hay câu cá tận ngoài ao Sen,
ao Binh. Chỉ có con chó vàng nằm ườn gà gật góc sân, tiếng ve ra rả trên ngọn
bàng ngoài ngõ. Vắng vẻ, yên ả… một trưa hè nơi thôn ổ Việt Nam xưa. Mái đầu xinh xắn nghiêng
sang một bên. Chiếc lược gài hờ nhuôi ra khiến mái tóc đen nhưng nhức mới gội
mềm như mây, buông tỏa từ đầu giường xuống mặt sân thoang thoảng mùi hương
bưởi, hương chanh. Chiếc yếm đào mong manh dần dần trễ xuống, rồi rời hẳn khỏi
cái cần cổ kiêu ba ngấn trắng ngần, tụt xuống mặt chõng, ngẫu nhiên làm tấm lót
cho tấm lưng ong thoảng thi dăn giở. Một cách hồn nhiên, tự nhiên nhi nhiên,
nửa thân trên của thiếu nữ đã được cái
ngủ và những ngón tay đa tình khéo léo của ngọn gió nồm nam khẽ khàng, thích
thú bóc trần lồ lộ.
Câu: Đôi gò bồng
đảo sương còn ngậm được viết bởi bút pháp tả chân bằng hình ảnh ước lệ
(lưu ý: Hồ Xuân Hương phá cách luật thơ Đường, khi cả cặp câu luận (5 – 6) đều không bàn luận trực tiếp mà luận
ngầm bằng hình ảnh miêu tả) nửa phần
trên cơ thể khỏa trần của thiếu nữ, với cảm xúc vô cùng trân trọng, nâng niu,
gợi liên tưởng, tưởng tượng thần tiên (bồng
đảo: hòn đảo xứ bồng lai, nơi tiên ở), sương
còn ngậm: thực ra, có thể là những hạt (giọt mồ hôi) còn lấm tấm đọng trên
ngực, trên bầu (đầu) vú. Sao mà thanh khiết?! sao mà trắng trong!? Theo tôi,
chữ ngậm thực sống động, trẻ trung,
đầy gợi cảm, vừa sang trọng cao vời vừa nhục thể, trần thế. Sương ngậm hay gió mơn? hay chính là ước muốn
thèm thưồng khát khao cháy cổ của cặp môi, cái miệng, cái lưỡi của chàng quân tử, khi chàng ngẫu nhiên ghé qua,
được trời ban cho phần thưởng: ngắm trộm đôi ngọn gò hồng hồng, trăng trắng,
nhễ nhại, cợt trêu này?
Câu luận tiếp theo: Một lạch đào nguyên nước chửa thông, đối xứng hoàn hảo với câu trên
từng tiếng, từng thanh, từng nhịp 2/2//3 cũng vẫn với cách xây dựng hình ảnh ẩn dụ - tượng trưng quen thuộc
ấy. Suối Hoa Đào (đào nguyên) gợi
tích Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai.
Ở đây, tô hô, mồn một mà vẫn kín bưng một dòng
nước chửa thông vì cái màng trinh
mỏng mảnh chưa được/bị ai đục, phá! Tuy nhiên, trong cảm nhận của tôi, về dư vị
và âm hưởng tỏa lan, câu 6 có phần non lép hơn câu 5 trên một chút.
Tôi đồng ý với một
nửa nhận xét tinh tế của Đoàn Cẩm Thi (đã lược dẫn ở đoạn đầu bài), rằng
bức tranh nuy của Hồ Xuân Hương chưa dậy mùi, tỏa hương 1 cách thật cụ
thể, tác động trực tiếp cùng lúc vào các giác quan người thưởng thức, tiếp nhận
khiến người đọc chưa thật sướng, thật đã
như nhìn những bức tranh khỏa thân của các họa sỹ phương Tây thời Phục hưng hay
thời hiện đại. Nhưng không thể coi đó là điểm hạn chế, khiếm khuyết của tác giả
mà chỉ nên xem là đặc điểm thi pháp riêng
của nghệ thật trung đại. Nói, tả, vẽ bằng trực quan, như thật, giống thật
hệt thật chưa chắc đã giỏi và hay hơn nói gián tiếp bằng biểu tượng - ước lệ;
không chỉ vì biểu tượng tránh tục, né thô mà chủ yếu ước lệ có sức gợi liên
tưởng, gợi tưởng tượng rất mạnh, rất rông, rất sâu. Gò bồng đaỏ đấy, lạch đào
nguyên kia, sương còn ngậm đó, nước chửa
thông này… mỗi người đọc liên tưởng,
tưởng tượng 1 cách, 1 lối, không hòan toàn giống nhau, bằng kinh nghiệm, vốn
sống của mình. Còn nếu là tranh, tượng châu Âu thì chỉ thấy có 1 cặp vú, 1 cái
l. cụ thể ấy… mà thôi!
Nghệ thuật thi
trung hữu họa phương Đông, nhìn chung, là vậy. Như khi Nguyễn Du tả Kiều tắm:
Rõ màu trong ngọc trắng ngà,
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên.
Thì bức tranh nuy
Kiều được vẽ cùng 1 bút pháp với Hồ Xuân Hương trong Thiếu nữ ngủ ngày. Khác chăng là chỗ nếu cụ Nguyễn vốn dòng kiện nhi sử ngọn lục bát mềm mại và mượn
cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân thì
bà Hồ vốn dòng nữ lưu yểu điệu lại hoàn toàn sáng tạo nhân vật và tình huống kịch – truyện đậm chất hài hóm của riêng mình và quen dung thể thơ Đường luật thất ngôn niêm luật trắc bằng chặt chẽ. Nếu tòa thiên nhiên của cụ Nguyễn tạo ra tạo hình nổi bật ở cái khối
vưu vật dày dày trong ngọc trắng ngà,
tỏ mờ qua làn the mỏng phật phờ, trong tiếng nước xối, dội ào ào, khi róc rách*,
thì tòa thiên nhiên – sáng tạo của Xuân Hương lộ diện từ trên xuống dưới, từ nổi
đến chìm, thênh thang hiển hiện trong nắng trưa hè, trong hơi gió nồm đông hây
hẩy, giữa tiếng ve ran ran, tiếng ngáy nhè nhẹ, tiếng thở dài mệt mỏi…
Đặc biệt giống nhau và khác nhau nữa, về phía người tiếp nhận – thưởng thức, là: bức tranh
thiếu nữ khỏa trần được kẻ khác giới thưởng ngoạn trong tiếng xuýt xoa say sưa
- thèm muốn của 1 chàng Thúc Sinh
giàu có, đa tình hay một chàng quân tử
(học trò hay trai cày nghèo?) háo sắc nào đó tình cờ đi ngang qua…
Đến đây, theo lôgich nghệ thuật, sẽ và phải xuất hiện tình huống thứ 2.
·
2.2.Tình huống thứ hai: Dùng dằng quân tử
Để thể hiện tình
huống 2 độc đáo vừa ngẫu nhiên vừa tất yếu, hết sức lý thú, đậm đà này, Nguyễn
Du ( Hồ Xuân Hương chứ! VN) dùng 2 câu kết:
Quân tử dùng
dằng, đi chẳng dứt,
Đi thì cũng
dở, ở không xong!...
Không nên hoài công truy tìm danh tính, nghề nghiệp
của anh chàng quân tử này cũng như xem anh ta đi đâu? làm gì mà qua đó, đúng
vào lúc ấy…?! Chỉ biết chắc: anh ta cũng thuộc loại quân tử như các chàng: quân
tử có thương thì đóng cọc (Vịnh quả
mít), quân tử có thương thì bóc yếm (Vịnh con ốc), hiền nhân, quân tử ai mà
chẳng, mỏi gối chồn chân vẫn cố trèo! (Đèo Ba Dội…) … Nghĩa là những chàng nho sỹ đương thời Xuân Hương, trẻ trung, khỏe mạnh, dâm đãng,
háo dục, tinh quái, ranh mãnh, đối thủ xướng họa thơ với nàng. Những Chiêu Hổ, Tú, Cử… đất Lam Hồng hay Thăng
Long – Kẻ Chợ, không ít, kể cả Tam trường
Nguyễn Tố Như. Nhưng cũng như trong bức tranh thơ Kiều tắm, giả sử nếu không có mặt người thưởng thức khác giới Thúc Kỳ Tâm thì hành động tẩm hoa ấy, dù đẹp tươi, hấp dẫn đến đâu,
cũng hóa vô duyên, vớ vẩn, không đáng nói; bức tranh nuy Thiếu nữ ngủ ngày mà không được chàng quân tử đi qua, ghé mắt dòm dỏ, dung
dằng, ngập ngừng mãi thì cô gái có ngủ đến quá chiều cũng cũng chỉ nguyên
sơ là một hành vi ngủ muộn rất bình thường… mà thôi! Như tiếng đàn Bá Nha ắt
phải có Tử Kỳ thưởng ngoạn, phẩm bình, mới đã; như cặp bài trùng không thể thiếu nhau vậy!
Nhưng chỗ khác
nhau giữa Nguyễn Du và Xuân Hương là
ở việc tả thái độ và hành xử của Thúc Sinh và chàng quân tử.
Nếu Thúc Sinh – một kiểu quân tử Tàu - luôn miệng khen
nức nở và sẵn sàng đề thơ ngâm vịnh cảnh Kiều tắm, một lối ứng xử theo khuôn
mẫu nhà nho, công thức sáo mòn; nhưng vẫn khiến Kiều ngượng nghịu, phải xin
hoãn bài họa lại. Còn chàng quân tử thuần
Việt của Xuân Hương thì tự đóng đinh vào lịch sử tình ái Việt Nam và nhân
loại bằng cử chỉ dùng dằng rất người,
rất đời thường, chân thực, chân thành và rất tự kiềm chế mức độ! Kể ra, chỉ 1
từ láy đôi dùng dằng đã đủ tả tâm
trạng, xúc cảm của gã trai may mắn. Song, Xuân Hương lần này cứ muốn làm rõ hơn
nữa diễn tiến tâm lý, tâm trạng dùng dằng
đáng yêu ấy: đi chẳng dứt, /đi thì cũng
dở, ở không xong?! Nghĩa là gã trai vừa nhìn vừa nghĩ, vừa phân vân, tranh
đấu nội tâm dữ dội, căng thẳng: đi, ở? ở, đi? Đi thì tiếc, thì lỡ dịp may lạ
may lùng, có khi cả đời mới gặp? Đặc biệt nhất là ngắm cái tấm thân ngàn vàng đang
ngồn ngộn, oằn oài trên chõng kia cứ lồ lộ, phơi phới phô bày như mời, như gọi,
như khiêu, như khích, như chọc vào mắt, níu kéo như nam châm hút sắt, làm sao mà
dời chân được!? (Bởi lẽ: Thân này đã dễ mấy lần gặp tiên? Nguyễn Du).
Ở, lỡ có ai thấy (người nhà cô gái? người qua đường? đặc biệt là lỡ cô ấy chợt
mở mắt, nhìn thấy mình?! Xấu hổ đến chui xuống đất cho 1 đấng mày râu nam nhi tệ
mạt: nhìn trộm con gái thanh tân đang ngủ?! Ối a! nhất định ít nhất nhẹ là ăn
mắng tàn tệ, nặng thì nghe chửi, ăn gậy, no đòn vì hành vi vô đạo, lén lút, xấu
xa! Rồi tiếng dữ đồn xa, tha hồ bị bạn bè cười chê, nhục nhã, ê chề!...
Tôi hình dung cảnh anh chàng đang tranh đấu quyết liệt
giữa cái bản năng tự nhiên thèm cái
của một giống đực trẻ tráng, khỏe mạnh đang bị kích thích ác liệt, mạnh mẽ và
cái đạo đức, quy phạm nam nữ thụ thụ bất
thân của giáo lý Nho giáo nghiêm
khắc, với cái luân lý, đạo đức tác phong lịch sự thông thường, tối thiểu trong
xã hội.
Kết thúc bài thơ, chàng quân tử vẫn đang đứng đó, mắt
ngó trân trân hình ảnh người đẹp khỏa trần vẫn đang say giấc nồng, không biết,
không hay, hay là mặc kệ mọi cái may, cái rủi, cái hiểm nguy, bất hạnh hay hạnh
phúc bất ngờ sẽ đến với mình! Cách kết bài thơ lửng lơ, mở ngỏ, đầy sáng tạo
của nữ thi nhân tuyệt vời như vậy đó. Đến đây, tình huống thứ 2 đã khép; nhưng màn
hài kịch vẫn chưa thực sự kết thúc, tùy theo tưởng tượng của khán giả, độc
giả. Tính hiện đại, đi trước thời đại của Hồ Xuân Hương là ở đó. Những bức
tranh minh họa trứ danh của cố họa sỹ Bùi Xuân Phái đã bộc lộ từng nét: ánh mắt
láo liên, đảo như rang lạc, cặp ria xệch xoạc, cái miệng nhai nhai chóp chép,
cái khăn sếp đội lệch, tấm áo the xộc xệch, đôi chân dận guốc mộc lộc cộc nửa
bước, nửa dừng… thật đã vẽ ra được cái
thần của chàng quân tử sẵn sàng chết vì đam mê đôi vú, cái l., dám đánh đổi
tất cả lấy cái khoảnh khắc huyền diệu này.*
Phải chăng, đó cũng là cái thần của bức tranh Thiếu
nữ ngủ ngày?
·
2.3. Tình huống thứ 3: Trò chơi? gài bẫy?
hay là
đời là thế ! thơ là thế thế!!
Nhưng chẳng có lẽ cái hay
và sự dộc đáo của bài thơ chỉ có thế??
Sau nhiều lần đọc và ngẫm kỹ lại, tôi
bỗng chợt nhận ra Bà Chúa thơ Nôm tinh quái, cực tài tình, tài hoa, bản lĩnh đã
cố tình khéo léo lừa được không chỉ
chàng quân tử dại gái, đa tình mà còn
lừa được cả không ít người đọc xưa
nay, khi gài đặt 1 tình huống ẩn chìm thứ 3.
Tôi cho rằng câu: Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng cần được
phân tích kỹ hơn, tinh vi hơn về mặt tâm – sinh lý nhân vật trữ tình – cô gái,
trong dụng ý tư tưởng – nghệ thuật góc cạnh, tài năng mà đáo để của nữ thi
nhân. Tôi thử đoán, giả định có thể có những khả năng như sau đã xảy ra:
- Quá giấc nồng
vì mệt quá, gió mát quá, ngủ tít đi mất, càng ngủ càng say, dẫn tới tình trạng
như mấy câu tiếp sau. Và như thế, người ngủ ngày - cô gái hoàn toàn không hay
biết, không cảm nhận một chút gì về sự xuất hiện và hành động nhìn trộm của
chàng quân tử. Nghĩa là, cho đến kết bài, cô gái vẫn cứ đang say quá giấc nồng!
Đây là cách hiểu phổ biến của hầu hết người đọc xưa nay, dựa trên mạch nổi
bài thơ.
- Cô gái không
ngủ.?! Nói cách khác, cô chỉ ngủ giả
vờ (theo sự bày đặt của tác giả) để giăng bẫy chờ con mồi - chàng quân
tử ghé qua, vào tròng! Nghĩa là tất cả các cảnh yếm trễ, bồng đảo sương ngậm, đào nguyên nước chửa thông… đều trước
sau do cô tự ý phô bày… cho nó mát! để trêu ghẹo người đời, nhất là nhằm
thử thách tình cảm và ý chí của các chàng quân
tử, xem bản lĩnh của các gã dê cỏn
ngọng đến đâu.?! Thực chất, đây chỉ là 1
trò chơi tinh quái của cô gái đẹp, đầy tự tin (tốt đẹp phô ra. Tục ngữ).
Tất cả mọi hành động của chàng quân tử
đi qua, dừng lại, chăm chăm nhìn ngó trộm, dùng
chẳng không cất nổi chân… đều bị cặp mắt khép lim dim, dưới hàng mi dài,
rậm, tiếng ngáy nhè nhẹ như thật và nụ cười thầm ranh mãnh của cô gái soi
chiếu, theo dõi từng li, từng tí, không rời, trong sự đồng tình, khuyến khích
của nhà thơ. Trong buổi trưa lạ lùng ấy, chàng trai si mê đã bị mắc bẫy tình cò ke, giăng nhện, ngọt ngào, bị bắt quả tang tại trận,… mà y ta hoàn toàn không hay biết!
Đó là cách hiểu của một hai ý kiến có vẻ
tỉnh táo, nghĩ ngợi, liên tưởng vân vi khác, không phải không hữu lý mà tôi đọc
được trên các trang mạng phẩm bình
bài thơ Thiếu nữ ngủ ngày.
Riêng thiển ý kẻ viết bài này cho rằng có
nhẽ còn khả năng thứ 3:
Đó là thoạt đầu, cô gái vì mỏi mệt, vì gió mát, giấc ngủ trưa đến nhanh
và say (quá giấc nồng) ngoài ý muốn
(lúc đầu chỉ định nằm nghỉ, chơi một chốc cho qua buổi trưa). Nhưng rồi trong
cơn mơ màng và cũng có thể cô đã tỉnh giấc, bất chợt hình như cảm thấy có bước
chân người tới gần hay đi ngang qua. Cô vội hé mắt nhìn, vẫn trong cơn ngái
ngủ, nhác thấy bóng 1 chàng trai (quân tử)
đang đi ngang rồi chầm chậm đứng lại, đăm đăm ngắm nhìn mình. Lúc này, vùng dậy
thì xấu hổ, thậm chí đến đưa tay kéo tà váy, quàng lại cái yếm cho kín đáo,
ngay ngắn… cũng chẳng dám nữa…! Cô đành cứ khép mắt, giả vờ như vẫn đang ngủ
say, chẳng biết gì!... Bản năng và sự khôn khéo hay ngây thơ con gái đã mách
bảo cô gái hành xử, ứng xử lập tức như thế. Từ hoàn cảnh vô tình, ngẫu nhiên,
tự nhiên đến… cố ý đó, cô gái được/bị chứng kiến ánh mắt đam mê, khao khát, đầy
đắm đuối của chàng trai hướng về mình. Thiếu nữ tỉnh dần, tỉnh dần…từ chỗ xấu hổ
rần rần, ngượng chết đi được! dần dần chuyển sang trạng thái tự bản thân cũng
bị cuốn hút, đồng cảm, thích thú… Cô bèn quyết định cứ để yên… xem gã quân
tử này sẽ còn dám làm gì nữa đây?!... (tựa như cô gái cứ để yên xem sao! trong truyện cười dân gian vậy…).
Thế là cô gái đã mục sở thị từ đầu đến cuối
sự dùng dằng vừa đáng ghét vừa đáng
yêu của chàng trai (lạ hay quen? Xuân Hương không nói rõ?!). Trong thâm tâm, cô
gái nửa muốn chàng trai xéo ngay đi, vì lo sợ hậu quả cho cả hai
người, nhất là mang tiếng xấu cho mình (con gái ngủ ngày, ăn mặc hớ hênh, bị
trai nhìn trộm…?!); nhưng cô không dám, không thể và phần nào cũng không muốn
mở mắt, ra lời trách móc, mắng mỏ kẻ ấy nặng nề hoặc qua loa; vì có lẽ lần đầu
tiên, cô gái thanh tân được một người khác giới sang trọng (quân tử) quan sát,
chiêm ngưỡng mình đến thế, gần thế. Tự nhiên, cô cũng trong tâm trạng dùng dằng, nhưng khác với chàng quân tử, ở chỗ: nửa muốn những giây phút
kỳ lạ, ngẫu nhiên này kéo dài càng lâu càng tốt, nửa mong nó qua thật nhanh,
thật gọn… cho rồi! Cô gái, lúc này, phải chăng đã bị lây cái liều bản năng từ cử chỉ của chàng trai! Thế là cái cảnh đời
thường hi hữu mà như cảnh thần tiên giữa trần gian ấy cứ vô tình mà hữu ý tiếp
diễn trong niềm đam mê dâng dâng của cả hai người, giữa buổi trưa hè nồm nam
rười rượi, ẩn náu thấp thoáng nụ cười tán thưởng, bao dung và chở che của nữ sỹ
họ Hồ.
Ở đây, trong hoàn cảnh cụ thể này, rõ
ràng là một tình huống nghệ thuật có
sắp xếp, bày đặt: mở đầu, diễn tiến, kết thúc, cơ hồ như 1 tiểu cảnh hài kịch nhưng lại xuất phát, khơi nguồn từ 1 tình huống thật trong cuộc sống sinh
hoạt đời thường của xã hội loài người, được nhà thơ chắt lọc, thể hiện thành tứ
thơ độc đáo cấu trúc hài hòa trong 1 bài thơ
Đường luật thất ngôn cổ điển, với cảm
quan – triết lý cởi mở, trong sáng, hồn nhiên, chủ động với nụ cười hóm
hỉnh mà nhân ái vô bờ!
3. Kết tạm!
Thiếu nữ ngủ
ngày hoàn toàn không phải là 1 trò chơi gái trai cố tình gợi khêu, sàm
sỡ, để nhà thơ trêu ngươi, lỡm mặt bọn đàn ông dâm dục, hèn nhát hoặc ngạo thế
khinh đời; càng không phải là 1 cái bẫy
tình của Nhà thơ – (sắm vai thiếu nữ
ngủ ngày) cố ý thử thách cả chàng trai lẫn cô gái. Hiển nhiên, nó càng
không phải là 1 dâm thi yêu quái, quỷ thi
tục tĩu như những ai đó từng to mồm
dè bỉu!!!
Từ những suy tư nghiêm túc nhất, tôi vẫn thấy đây là
một trong những tình tiết sự thật cuộc đời, một sự thật đời
thường không hiếm hoi, qua lăng kính chủ quan, bản lĩnh của Hồ Xuân Hương kỳ
nhân - nữ sỹ, đã thăng hoa trở thành một trong những bản tình ca - bức tranh thơ lồng lộng, ca ngợi cái đẹp cơ thể thiếu nữ thanh xuân và niềm say mê chiêm bái vẻ đẹp ấy, không chỉ của các đấng quân tử mày râu, mà của tất cả mọi người trên thế gian.
Ý nghĩa thời sự và lâu bền của Thiếu nữ ngủ ngày, một trong những bài thơ trữ tình trong sáng
nhất, bay bổng nhất, hay nhất của Hồ Xuân Hương, phải chăng là ở đó?
Bởi lẽ giản dị:
Cái đẹp là CON NGƯỜI!
Cái đẹp là CUỘC SỐNG!
Cái đẹp cứu vãn cả thế
giới!
- Mời đọc các chuyên luận và xem bộ tranh minh họa:
- Bình giảng thơ Hồ Xuân Hương (Văn Tân, Lê Trí Viễn, Nguyễn Lộc, Đỗ Đức
Hiểu…)
-
Người cổ
nguyệt, chuyên Xuân Hương (Nguyễn Đức Bính),
-
Ẩn dụ nước
trong thơ Hồ Xuân Hương (Đỗ Long Vân;)
-
Hồ Xuân Hương
và hoài niệm phồn thực (Đỗ Lai Thúy);
-
Từ hình tượng
– biểu tượng “Người đàn bà nằm” trong Thiếu
nữ ngủ ngày của Hồ Xuân Hương đến Người đi vắng (1999), tiểu thuyết
của Nguyễn Bình Phương (Đoàn Cẩm Thi),
-
Bộ tranh minh
họa thơ Nôm Hồ Xuân Hương (Bùi Xuân Phái)
- Đường
Văn: Kiều tắm (khảo tán), đăng trên trannhuong.com,
nguyennguyenbay.com, tháng 1 – 2015.
Chiều – đêm 2
– 3 - 2 – 2015.
Rét ngọt. ĐV
Bình thơ của nữ sĩ hồ xuân Hươg thì tôi không dám bình vì không đủ tầm tôi cchir là người kinh doanh bình thường. Mến bác Nho nên có mấy lời mạo muội múa rìu qua mắt thợ mong bác bỏ qua cho
Trả lờiXóaTôi đồng tình với bac Văn về nhận định 1 3 4laf khập khiễng là không công bằng với người xưa bình luận về người xưa phải đặt mình vào không gian đó bối cảnh và thời gian đó thì mới xác thực thơ nữ sĩ sâu sắc và ảo diệu rất khó lĩnh hội như dân dan đã đúc kết. Giống như nhìn một bức tranh Nuy nghệ thuật người có tâm hồn nghệ sĩ sẽ cảm nhận đó là sáng tạo là nghệ thuật người có lòng tà dâm thì lại thấy đó là bức tranh khiêu dâm
Thơ nữ sĩ cũng vậy tôi đồng tinh với bác. Văn còn câu4-5-6thif không bởi vì nhìn nhận những giọt mồ hôi trên hai gò bồng đảo nó hơi trần tục
Điểm nhấn và đắt giá nhất của bài thơ theo tôi chr có mấy từ thôi. Sương còn ngậm. Suối chửa thông. Quân tử dùng dằng. Tôi sẽ chứng minh
Sương còn ngậm nữ sĩ vi đôi gò bồng đảonhuw dôi búp sen vươn lên từ bùn đen dưới ánh nắng ban mai long lanh những hạt sương trinh nguyên thánh thiện để đáp trả những lời thị phi đơm đặt về mình "Dâm thơ" (Gân bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn )cũng nói hộ niềm khát khao vươn lên làm người đòi bình đẳng giới trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ hiện tại vẫn còn đâu đó trong xã hội Việt. Tôi không đồng tình vói bac. Văn thay chữ Suối.bằng chữ Nước nghe tầm thường biểu hiện một sự khiếm nhã Mọi biển lón bắt đầu từ những dòng sông những dong sông bắt đầu từ những dòng suối nhỏ những dòng suối bắt đầu từ những mạch nước ngầm.những mạch nước nhờ những hạt mưa đó là vẻ đẹp của cuộc sông Dòng suối ỏ đây biểu tượng cho sự trường tồn của con ngươi nếu khai thông thì sẽ có nhiều mầm sông ra đời. Cũng như khi ba. E Va biết lấy lá nho che thì loài người xuất hiện. Dòng suối ở đây còn ca ngợi thiên chức làm mẹ của người phụ nữ. Bác. Văn bỏ qua câu 5 của bài thơ xem là kém nhất tôi lây làm tiếc. Tôi cũng thắc mắc sao không dùng từ công tử mời thấy tâm ý của nữ sĩ chỉ người quân tử mới thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp có cái nhìn bao dung hơn Sắc đẹp là của tạo hoá ban cho nó hạ gục những trái tim băng giá nhất. ( Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình )biết bao anh hùng ngã ngựa cì sắc đẹp xưa hay nay đều thế chữ (dùng dằng) là tình huống khó xử cho người quân tử và cũng ở trong mỗi chúng ta
Trả lờiXóaBác Văn thay chữ lưng long bằng lưng ong tôi thấy không ổn. Long ở đây có nghĩa rồng tượng trưng cho nhà vua nữ sĩ cho ta thấy giấc mơ của cô gái quê kiểu như (cô tấm gặp hoàng tử ) cũng như nỗi niềm của mình tài cao mà không gặp được người xứng tầm. Đó cũng là minh chứng cho giọng thơ khinh mạn đời của bà
Mhaanj xét về bài bình. Bác Văn chọn giải pháp an toàn dẫn dụ lung tung đưa độc giả vào mê hồn trận người cầm bút phải có chính kiến của minh
Mọi cảm nhận dành cho độc giả. Thanks
Viết ra thơ văn chỉ có một người. Thưởng thức thơ văn thì có đến hàng triệu độc giả. Số lượng người đọc đông như thế, khó mà chỉ có một cách hiểu. Bởi thế mà xưa nay không ít những cách hiểu khác nhau cho một câu tục ngữ, đôi dòng ca dao hay một bài thơ tứ tuyệt hoặc bát cú. Hoan nghênh sự tìm tòi của Đường Văn! Cũng hoan nghênh sự thẳng thắn của bạn Alaykum Salam! Được bàn luận với nhau, được tán đồng hoặc phản bác là một niềm VUI!
Xóa