Nhà giáo nhà văn Hoàng Dân
Đi trong hương tràm
Hoài Vũ
Em gửi gì trong gió trong mây
Để sáng nay lên Vàm Cỏ Tây
Hoa tràm e ấp trong vòm lá
Mà khắp trời mây hương tỏa bay!
Dù đi đâu dù xa cách bao lâu
Dù gió mây kia đổi hướng thay màu
Dù trái tim em không trao anh nữa
Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau
Gió Tháp Mười đã thổi thổi rất sâu
Có nỗi thương đau có niềm hi vọng
Bầu trời thì cao, cánh đồng thì rộng
Hương tràm bên anh, mà em đi đâu?
Dù đi đâu và xa cách bao lâu
Anh vẫn có bóng em giữa bóng tràm bát ngát
Anh vẫn thấy mắt em trên lá tràm xanh mát
Anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao
Lời
bình Hoàng Dân
Bài thơ giống như một lời độc thoại
triền miên không dứt. Những hồi ức, những kỉ niệm về một tình yêu da diết, nỗi
buồn nhớ mênh mông… Nỗi buồn dường như xóa nhòa cả ranh giới giữa quá khứ và
hiện tại, bao trùm lên cả không gian và thời gian... Tất cả đều trang nghiêm và
lặng lẽ như một khúc tưởng niệm. Hình như người còn sống đang cố gắng huy động
hết khả năng cảm nhận của các giác quan để dựng lại chân dung của người đã
khuất từ trong tất cả những cái vô hình và hữu hình ở thế giới xung quanh:
Em gửi gì trong
gió trong mây
Để sáng nay lên
Vàm Cỏ Tây
Hoa tràm e ấp
trong vòm lá
Mà khắp trời
mây hương tỏa bay
Người đang sống
lắng nghe trong gió, dõi nhìn theo mây để trò chuyện với người đã khuất về
những điều mà chỉ có hai người mới có thể chia sẻ cho nhau, đó là những điều
riêng tư thầm kín đã được hình tượng hóa thành hoa tràm e ấp trong vòm lá! Hoa
là biểu tượng của cái đẹp, nhưng rất phù du. Lá là biểu tượng của tuổi xuân,
của sự sống; nhưng không thể vĩnh cửu. Một tình yêu đẹp, phơi phới thanh xuân,
nhưng cũng thật mong manh, nó đột nhiên bị chia lìa thật phũ phàng! Dường như
nỗi đau mất mát khiến cho cả gió, mây, hoa, lá… cũng ngơ ngác, thẫn thờ. Nhưng
có lẽ chính trong nỗi đau tận cùng ấy, vẻ đẹp của một tình yêu chung thủy đã
thăng hoa thành một giá trị tinh thần bất tử:
Mà khắp trời mây hương tỏa bay!
Hình như toàn bộ không gian, thời gian giờ đây đều thấm đẫm nỗi xót
thương, nhung nhớ, thổn thức… để tạo nên một sự giao hoà âm dương thiêng liêng
và bí ẩn.
Một loạt các
mệnh đề phủ định được dùng để khẳng định lòng chung thủy của tình yêu:
Dù đi đâu dù xa
cách bao lâu
Dù gió mây kia
đổi hướng thay màu
Dù trái tim em
không trao anh nữa
Dù cuộc chia li
là vĩnh viễn, dù thiên nhiên đổi thay thất thường, dù trái tim em đã thuộc về
một thế giới khác vô hình vô ảnh… ; nhưng sức mạnh bí ẩn của tình yêu đã biến
tất cả những cái không thể ấy thành cái có thể:
Một thoáng
hương tràm cho ta bên nhau
Cái thoảng qua
của gió, của hương mơn man dịu dàng biết bao! Thiên nhiên hay tình yêu đã an ủi
con người trong những khoảnh khắc cô đơn, chòng chành, hụt hẫng? Có lẽ cả hai!
Triệu triệu năm qua, thiên nhiên vẫn vậy, cứ tưởng gió mây vô tình nhưng hoá ra
lại thật hữu tình, nhân hậu. Vào cái khoảnh khắc con người gần như tuyệt vọng
thì thiên nhiên lại ân cần chia sẻ và nâng đỡ. Và triệu triệu năm qua tình yêu
vẫn vậy, tình yêu luôn là tác nhân giúp cho con người vượt qua những phút yếu đuối
ngã lòng.
Vì sao vậy? Vì
ở đây, tình yêu dang dở bởi một lí do cao cả. Cô gái đột ngột ra đi và do đó
không thể tiếp tục chờ đợi chàng trai được nữa:
Dù trái tim em không trao anh nữa
Trái tim em đã
thuộc về anh nhưng lại không thể trao cho anh! Có lẽ trong tình yêu lứa đôi, sẽ
chẳng có nỗi đau nào lớn hơn thế! Cho đến phút cuối cùng, cô gái vẫn chưa được
gặp lại người yêu để nói với người yêu những lời nồng nàn say đắm nhất. Cô mang
theo mối tình của mình vào cõi vĩnh hằng. Và tất nhiên chàng trai có thể hình
dung ra những gì mà cô gái sẽ nói, thế cho nên chàng trai mới lắng nghe trong
gió trong mây những lời thì thầm chưa và sẽ không bao giờ còn có cơ hội để nói
ra được nữa của người yêu. Bằng cái linh giác tuyệt vời của những kẻ đang yêu,
chàng trai như muốn kêu lên:
Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau
Tình yêu đã
thăng hoa thành hương tràm hay hương tràm là dư vị của một mối tình dang dở?
Chỉ biết rằng hương tràm là cái sẽ còn mãi tới muôn đời! Nó từng đi qua cuộc
đời của những kẻ dám xả thân cho một tình yêu không vụ lợi để cuối cùng nó mãi
mãi là chứng nhân cho một tình yêu cao đẹp. Vì thế:
Gió Tháp Mười
đã thổi/ thổi rất sâu
Có nỗi thương
đau/ có niềm hi vọng
Hai câu thơ được
ngắt nhịp khác nhau (5/3 và 4/4) dường như để tô đậm một nỗi đau không gì bù
đắp nổi: những cơn gió nối tiếp nhau hú dài như xoáy vào trái tim trống vắng cô
đơn, nó quất thẳng vào một vết thương tâm hồn không bao giờ thành sẹo; nhưng
trong nỗi đau ấy dường như lại tiềm tàng một sức mạnh kì diệu, nó giúp cho con
người không bị gục ngã trong tuyệt vọng bởi chính cái hào quang của một tình
yêu cao thượng. Tình yêu lớn thường có sức mạnh cải tạo, nâng đỡ, khích lệ và
cổ vũ con người hãy sống xứng đáng với người yêu của mình.
Dù biết rằng
khi phải đối mặt với sự thật, nhất là sự thật về những tổn thất, mất mát là rất
khó khăn:
Bầu trời thì
cao, cánh đồng thì rộng
Hương tràm bên
anh, mà em đi đâu?
Bầu trời và cánh đồng là những sự vật lớn trong thiên nhiên, tồn tại
vĩnh cửu, có thể quan sát được. Nhưng bầu trời và cánh đồng thì quá cao và quá
rộng, nó khiến cho con người có mặc cảm bé nhỏ, lạc loài, bơ vơ. Hương tràm thì
vô hình, không thể nhìn thấy, nhưng có thể cảm nhận bằng linh giác của tình
yêu. Hương tràm cũng tồn tại vĩnh cửu như bầu trời và cánh đồng. Như vậy, tất
cả vẫn đang hiện hữu, chỉ trừ em! Và mất em, tức là anh đã mất tất cả! Chợt nhớ
một câu thơ trong bài thơ Núi Đôi của Vũ Cao: “Núi vẫn đôi mà anh mất
em”! Sự mất mát trong tình yêu lứa đôi ở bài thơ Đi trong hương tràm và
bài thơ Núi Đôi sao giống nhau đến thế? Nó trở thành nỗi ám ảnh khôn
nguôi trong trái tim của người đang sống. Ám ảnh trước nghịch lí còn
(những sự vật vô tri) – mất (những sinh thể gắn bó máu thịt)! Và ám ảnh
vì nỗi cô đơn thăm thẳm…
Nhưng chàng
trai đã gắng gỏi vượt lên để tôn vinh tình yêu:
Dù đi đâu và xa
cách bao lâu
Anh vẫn có bóng
em giữa bóng tràm bát ngát
Anh vẫn thấy
mắt em trên lá tràm xanh mát
Anh vẫn nghe
tình em trong hương tràm xôn xao
Dù sự thật là
em đã vĩnh viễn đi xa, nhưng tình yêu mà em dành cho anh và anh dành cho em thì
vẫn nguyên vẹn và tinh khôi như buổi ban đầu bởi: Anh vẫn có... Anh vẫn
thấy... Anh vẫn nghe... trong cái màu xanh thanh xuân vô tận của bóng
tràm bát ngát, lá tràm xanh mát, hương tràm xôn xao... Tất cả những gì
thuộc về em đã được hóa thân thiêng liêng và gần gũi biết chừng nào?!
Bài thơ kết
thúc bằng một điệp khúc khẳng định Anh vẫn... giống như tiếng vọng của
một lời thề giao hòa giữa hai cõi âm-dương... Lời thề ấy vừa rất hiện
thực, lại vừa vô cùng bí ẩn, mơ hồ... Phải chăng đó mới chính là nỗi ám ảnh
không chỉ vì mất một người yêu cụ thể, tan vỡ một mối tình cụ thể; mà cao hơn,
đó là lẽ sống hướng về cái tận thiện tận mĩ của những con người có trái tim vô
cùng nhạy cảm trước thiên nhiên và cuộc sống?!
Núi Bò-Hà Nội
Một ngày mưa lạnh, mùa đông năm
2004
Bài bình rất hay có thể nói là chuẩn mực. Vì bài thơ đã nổi tiếng đã có nhạc sĩ đã phổ thành nhạc. Theo góc nhìn của tôi thì tác giả có sự nhầm lẫn ở đây. Tác giả nhắc đến bài thơ.Núi đôi của Vũ Cao thì tôi lại nhớ đến bài thơ Quê hương của Giang Nam ở đó hai người đều khẳng định hai người con gái họ thương đều đã mất
Trả lờiXóaAnh ngước nhìn lên hai dốc núi
Núi vẫn đôi mà anh mất em
Vũ cao
Nay yêu quê hương trong từng nắm đất
Có một phần máu thịt của em tôi
Giang nam
Còn trong bài thơ ( Đi trong hương tràm ) tôi không thấy có sự chết chóc nào cả. Xưa nay nhà văn nhà thơ đều cho một trong hai người yêu nhau mất đi đẻ cho tình yêu đó trở thành bất tử. Romeo. Juilet. Hay trong điện ảnh. Titanic. Nhưng trong cuộc sống trong tình yêu cứ phải có cái chết thì tình đó mới đẹp mới lung linh
Hôm nọ nghe một bài hát (Lời cỏ may) của nhạc sĩ An Tuyên bài hát nói về mối tình của một ngườ con gái đi xuất khẩu lao động Nhưng khi trở về người yêu không chờ được đã lập gia đình bài hát có đoạn
Anh nói anh yêu em
Ngày về lối em qua đầy hoa cỏ tím
Nay em về toàn hoa cỏ may
Cỏ may níu chân người xa xứ
Găm vào lời đau
Theo các bạn tình yêu đó có đẹp không ? Theo tôi thì rất đẹp,đẹp đến nao lòng, đẹp đến xót xa cho mối tình của một người con gái dù tình yêu không trọn vẹn. Trở lại với bài thơ Đi trong hương tràm ,bài thơ được viết sau chiến tranh thì phải theo tôi vì một lí do nào đó mà hai người hai phương trời li biệt tác giả đã mượn hình tượng cây tràm hương tràm để gửi gắm một hoài niệm về một tình yêu dang dở ,một lời hẹn ước không thành. Toàn bộ kết cấu ý thơ mang một nỗi buồn man mác. Nhưng tuyệt đối không hề bi luỵ
Tình yêu không có tuổi luôn có trong chúng ta. Không cứ gì lớp trẻ mà cả nhiều người già mỗi khi gặp sự việc, sự vật, kỷ vật đều bùi ngùi bùi ngùi nhớ đến một thời son trẻ nhớ đến những mối tình thời vụng dại
Cũng không phải cứ có cái chết tình yêu mới vĩnh hằng
Vài lời ngu muội mong bác Nho bỏ qua cho. Nói thât với bác xem chùa nhiều cũng kỳ hôm nay mạo muội comment mong bác lượng thứ Thanks
P/s đó chỉ là một góc nhìn của tôi còn nhiều góc nhìn khác. Tôi vẫn hi vọng là tôi sai
Bạn đã nhận xét chính xác. Phải nói thêm là quá chính xác!
XóaKhông nhất thiết cô gái phải HI SINH mới không trao được trái tim cho người mình yêu!
VN tôi cũng có bình bài thơ này từ rất lâu. Song tôn trọng cách hiểu và bình của nhà giáo, nhà văn Hoàng Dân nên vẫn lên trang mà không bình luận. Để mọi người xem và bình cho khách quan!
Đây là một đoạn trong một bài viết vể nhạc sĩ Thuận Yến: "Thời chống Mỹ ở Long An, có lần nhà thơ Hoài Vũ đã tận mắt chứng kiến gương hy sinh vô cùng anh dũng của một nữ chiến sĩ giao liên ở vùng Tháp Mười, nơi có đồng tràm mênh mông bên dòng sông Vàm Cỏ Tây. Sau ngày giải phóng, anh có dịp trở lại chiến trường xưa, chợt nhớ hình ảnh cô giao liên hy sinh ngày ấy và thế là bài thơ Đi trong hương tràm ra đời. Khoảng tháng 5-1982, trong một dịp đi thực tế sáng tác ở Quân khu 2, Thuận Yến tình cờ bắt gặp bài thơ Đi trong hương tràm trên tờ tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông vô cùng xúc động, liền chép vào quyển sổ tay của mình. Một tháng sau, trong chuyến công tác tại Thác Bà, tỉnh Yên Bái, giữa không gian hồ nước mênh mông, xanh biếc, anh đọc lại bài thơ của Hoài Vũ, liên tưởng đến Đồng Tháp Mười cũng xanh biếc, mênh mông. Và cảm hứng âm nhạc bỗng vụt đến, điệu hò Đồng Tháp chợt vang vọng trong anh, thế là giai điệu đoạn mở đầu hình thành và ngay trong đêm đó, anh viết xong ca khúc Đi trong hương tràm, phổ thơ của Hoài Vũ."
Xóahttp://www.sggp.org.vn/nguoi-truyen-khi-the-cho-giai-phong-quan-134099.html
cho em hỏi nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai vậy ạ ,phương thức biểu đạt chính của bài thơ là gì ạ và tại sao tác giả khẳng định " dù trái tim em không trao anh nữa ......hương tràm cho ta bên nhau " mọi người giúp em với, em cảm ơn nhiều lắm ạ .
Trả lờiXóaỦa giống tui vậy :)) đang viết văn đọc hiểu lên đây thì thấy same question
XóaTui cũng vậy nè :)) hi there you guys cũng cùng câu hỏi nhưng thêm là nghệ thuật của phép điệp là ntn ạ?
Trả lờiXóa