Vũ Nho Chủ trang
DÙ LÀ MÌNH
CHẲNG CÒN SON
Mình nói
với ta rằng mình còn son
Ta đi qua
ngõ thấy con mình bò
Con mình
những đất cùng tro
Ta đi múc
nước rửa cho con mình
Lời bình của Vũ Nho
Câu ca chỉ thuật lại lời
của người con gái trước đó nói rằng cô ấy còn son. Nhưng nói trong hoàn cảnh
nào, trong tình huống nào thì ta không được rõ. Một buổi hẹn hò trong đám hội
xuân, một buổi gặp gỡ trên cánh đồng hai tổng giáp nhau, hay một đêm nào đó xem
hát chèo, hát ví ?
Sao cô gái lại bảo là
mình còn son khi thật ra cô đã có con ?
Đó là lời nói đùa trêu
cợt chàng trai si tình chăng ?
Không ! Người con trai
này không có dấu hiệu si tình và ngờ nghệch. Hơn nữa, có lẽ cái thời ấy, người
ta không đùa nghịch tai quái như vậy. Bởi người nói đùa không thể không biết
đến lời răn trong câu hát :
Sông Bồ Đề nước đỏ như son
Em có
chồng rồi mà dối bạn, tội như hòn núi cao
Người con trai này là một
người có tình ý thì đã hẳn. Cái việc "đi qua ngõ" của anh chắc chắn
có lẽ không phải là chuyện tình cờ, mà là một chuyến đi có chủ định "dò
cho đến ngọn nguồn lạch sông" của một người muốn "Trăm năm tính cuộc
vuông tròn".
Anh đi qua ngõ, và thật
oái oăm anh thấy con của cô bạn đang bò. Chắc là anh sửng sốt lắm, vì anh cứ
đinh ninh hiểu chữ "son" mà cô nói có nghĩa là thanh tân, nghĩa là...
"Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào". Nhưng trớ trêu thay chữ
"son" trong tiếng ta cũng khá là đa nghĩa.
Người con gái còn trẻ ;
chưa yêu, chưa lấy ai là còn son.
Người con gái đã lấy
chồng, nhưng chưa có con vẫn được gọi là còn son, với nghĩa là "son
rỗi", "son trẻ".
Lấy chàng
từ thuở mười ba
Đến khi
mười tám thiếp đà năm con
Ra đường
người tưởng còn son
Về nhà
thiếp đã năm con cùng chàng
Chữ "son" trong
mấy câu ca dao ấy có lẽ hiểu theo nghĩa nào cũng được. Nhưng "son" mà
lại có nghĩa là đã có con thì quả là anh chưa hề nghĩ đến bao giờ...
Đứa bé bò một mình, lại
lấm lem những đất cùng tro chứng tỏ nó không được chăm nom chu đáo, nó thiếu
bàn tay chăm sóc của mẹ. Có lẽ cô đang đi bừa đồng cạn hay đi cấy đồng sâu ?
Đang lặn lội bờ sông kiếm cái tôm cái tép, hay đang đi chợ đường xa ? Nhà cô
chắc là neo đơn lắm ! Về chuyện riêng tư có thể có thấy khả năng :
- Cô đã có chồng và anh
chồng cũng đang vất vả như cô.
- Cô có chồng rồi nhưng
chẳng may chồng cô mất sớm.
- Cô chưa hề lấy chồng mà
có con chỉ vì "cả nể cho nên sự dở dang".
Nếu cô có chồng và lời nói còn "son" chỉ
là lời đùa "ác" thì người con trai qua ngõ chẳng có cớ gì chen vào
gia đình của họ.
Nhà văn Vũ Tú Nam đã hình
dung về thái độ của anh ta : "Kìa, ta như thấy anh đứng trước mặt ta. Đôn
hậu và dịu dàng, đau xót lẫn thương yêu anh nhìn đứa bé. Rồi đường đường chính
chính, như một người thân trong gia đình, anh bước vào cái sân đất mốc rêu của
đôi vợ chồng nghèo, lấy chiếc nồi hông đã rạn và chiếc lọ sứt, lặng lẽ ra ao
lấy nước về rửa cho đứa bé, như rửa cho chính con mình vậy ".(*)
Tôi rất khâm phục sự
tưởng tượng độc đáo của nhà văn. Song tôi cứ sợ hãi thay cho anh bạn kia. Nếu
bất chợt đức ông chồng cô ta về, nhìn thấy một người đàn ông lạ mặt đang tắm
rửa cho con mình "như là con anh ta" thì sẽ ra sao ? Và cái thái độ
đường đường chính chính kia nữa sẽ được hiểu như thế nào ? Ắt là sẽ không ít
chuyện lôi thôi cho cái bộ ba ấy, cho cách xử sự ấy...
Cũng có thể cô lấy chồng
do một sự ép uổng nào đó, và bây giờ cô chê anh ta. Nhưng liệu cô đã vượt được
qua khó khăn, đã tháo cởi nổi chiếc "gông đeo cổ" ấy ?
Bây giờ em
đã có chồng
Như chim
vào lồng, như cá cắn câu
Cá cắn câu
biết đâu mà gỡ
Chim vào
lồng biết thuở nào ra ?
Khi người phụ nữ còn chưa
được tự do, liệu cô nói với anh chuyện còn "son" để làm gì ?
Bởi thế, hiểu rằng cô gái
này đã có chồng, đang sống hoà thuận hay chê chồng đều có vẻ không ổn thoả.
Cô có chồng rồi, nhưng
chẳng may anh ta mất sớm thì sao ?
Hoàn cảnh này có thể xảy
ra, song có lẽ không phải là hoàn cảnh của cô. Người chồng mất mà đứa con mới
đang biết bò thì nghĩa là chưa lâu lắm. Cô còn chưa đoạn tang chồng. Vẫn biết
rằng đầy tinh thần rộng lượng và nhân đạo, mọi người cảm thông với nỗi khát
khao hạnh phúc, không coi sự "thủ tiết" là bắt buộc.
Gió đưa
cây trúc ngã quỳ
Ba năm thủ
tiết còn gì là xuân !
Cô ở vào hoàn cảnh này,
thì việc có tình ý với anh có cái gì đó hơi vội vàng chăng ?
Vậy có lẽ cô ở vào hoàn
cảnh thứ ba. Nói rằng mình còn "son" không hẳn là một lời hoàn toàn
nói dối. Dù có nghiêm ngặt mà xét nét là nói dối thì ít ra việc nói như vậy
cũng không nhằm mục đích xấu. Đây chỉ là một cách nói để cho người trai nếu quả
có tình thật thì hãy đến tận nơi xem xét và suy nghĩ, cân nhắc và quyết định.
Và quả nhiên là anh đã đến.
Bốn câu ca dao này là
toàn bộ lời lẽ của anh. Nhưng anh nói với ai ? Nói một mình hay nói với cô ?
Hình như là anh đang nói với cô, anh nói sau khi những việc kia đã xảy ra. Sau
khi biết rằng cô còn "son" nghĩa là không bị ràng buộc, còn son với
một đứa con. Sau khi biết rằng đứa con ấy đang không được chăm nom chu đáo. Sau
khi cảm thông và sẵn sàng yêu thương đứa nhỏ lấm lem thơ dại ấy. Và sau hết là
sau khi đã hiểu hoàn cảnh và nỗi lòng cô.
Rượu ngon
cái cặn cũng ngon
Thương em
bất luận chồng con mấy đời
Có lẽ anh đã nghĩ như thế khi đến gặp lại cô. Không
thấy một lời nào trách móc hay hờn giận trong lời lẽ của anh. Chỉ thấy một sự
tường thuật bình tĩnh với cách xưng hô "ta", "mình" rất
thân thiết và dịu dàng. Như vậy là anh đã quyết. Dù là mình chẳng còn son.
Không hề gì. Anh đã trở lại để nói chuyện tức là anh dám yêu, dám làm tất cả
cho tình yêu, dám kê cho bằng một trăm chỗ lệch.
---------
*)Báo Văn Nghệ, số 201 ngày 3/3/1967. Vũ Tú Nam
– Học viết truyện ngắn trong ca dao cổ.
Quả thật những lời bình của anh thật sắc và nét,hay lắm anh à.
Trả lờiXóaND sang thăm,chúc anh cùng gia đình năm mới VẠN NIỀM VUI MỚI anh Vu Nho nhé.
Cám ơn Ngọc Dung đã ghé trang và chia sẻ! Chúc năm mới nhiều niềm vui, nhiều may mắn!
XóaCám ơn bác Nho. Bài bình ngắn gọn lập luận chặt chẽ nhưng Bác bình hiền quá
Trả lờiXóaLần đầu tiên đọc bài thơ này theo cảm nhận của tôi trọng tâm chỉ nầm ở câu đầu và câu cuối câu 2-3 chỉ là bổ trợ (Mình nói với Ta mình hãy còn son )
Trước mắt tôi là hình ảnh một chàng thanh niên áo the dài khăn đóng chân đi guốc mộc bước thấp bước cao trên con đường làng Lòng Háo Hức Hy Vọng tràn trề đi gặp người con gái theo lời hẹn ước. Để rồi. Hụt Hẫng Bẽ Bàng khi thấy cô gái đã có con Lời trách móc tuy nhẹ nhàng nhưng tôi thấy Bão Tố Sóng Cuộn ở trong lòng chàng trai cũng giống như:
Đưa người sao không đưa qua sông
Mà sao có sóng ở trong lòng
Trở lại câu thơ (Ta đi múc nước rửa cho con Mình )dù có niềm cảm thông cho hoàn cảnh trớ trêu Tôi vẫn thấy đươcf nỗi Xót Xa Tủi Hờn và cảm nhận được vị Đắng trong câu nói. Dù lời trách móc có nhẹ nhàng đi chăng nữa tôi tin vẫn có một dòng nước mắt chảy ngược vào lòng chàng trai t. Tiếng khóc câm lặng khóc cho hoàn cảnh của cô gái khóc cho chính bản thân mình
Kết luận: Bài thơ là một thông điệp của Cha Ông gửi lại cho hậu thế Dù cho trong hoàn cảnh nào hãy mở lòng vị tha Dù trong bất cứ nghịch cảnh nào hãy bao dung cho nhau
P/s. Bác Nho trích dẫn đoạn văn của bác Nam là cắt đi mạch cảm xúc của độc giả khi đọc văn của Bác. Dù là ai di chăng nữa. Bác phải có quan điểm của riêng mình. Thanks
Cám ơn bạn đã đọc và cho nhận xét!
XóaTôi trích nhà văn Vũ Tú Nam là để tranh luận lại với nhà văn về cách hiểu nội dung bài ca dao. Đặc biệt là để hiểu HOÀN CẢNH của cô gái. Từ đó tôi đưa ra cách hiểu của mình. Tôi không bảo là cách hiểu đó duy nhất đúng. Nhưng có lẽ hiểu về cô gái và chàng trai như vậy thì có vẻ HỢP LÍ. Việc cảm thấy BÃO TỐ SÓNG CUỘN là việc của riêng bạn, tôi không bàn đúng sai!
Một lời bình chuẩn xác, thấu tình đạt lý và rất bài bản. Cảm ơn bác Vũ Nho.
Trả lờiXóaCám ơn bạn đã chia sẻ với người bình!
XóaHe he he Bác Nho dỗi rồi kìa Bác Nho giận rồi kìa. Cũng phải tự dưng có một thằng bá vơ vào nhà không khen thì chớ lạii chê bai không giận mới lạ
Trả lờiXóaNói thật với bác tôi suốt ngày kinh doanh.buôn bán vào nhà bác cảm thấy mình tìm được một chốn bình yên tìm lại đươc một kí ức đã quên đi từ lâu
Con người ta đâu phải xuốt ngày bươn chải vì cơm áo gạo tiên vẫn có một khoảng lặng vẫn dành một góc trong tâm hồn dành cho nghệ thuật
Gặp Bác tôi vui lắm có niềm vui có nỗi háo hức có nỗi chờ đợi khi bác đăng bài mới
Nhưng lời nói thật lòng Bác hiền quá Blog của bác cũng vậy tôi đã từng vào hàng trăm blog Sở thích của tôi thích đọc những commt ở dưới
Vào nhà Bác thấy buồn quá à Bác nghĩ sao khi tôi nhận xét về những comemmt trong blog của bác (Con hát mẹ khen ) ?
Cám ơn ban đã ghé trang và ghi lại cảm nhận.
XóaCó lẽ vì bận làm ăn nên bạn không nhạy cảm lắm ( xin được nói thẳng nha!). Tôi chả có điều gì phải dỗi. Bạn bảo tôi bình hiền lành quá, Blog của tôi hiền lành. Thì có sao đâu. Chưa hẳn đó đã là một lời CHÊ. Hiền thì đã sao? Ai cũng DỮ thì đời sẽ thế nào? Vì thế bạn rất NHẦM khi nghĩ rằng bạn CHÊ thì tôi giận , hoặc DỖI! Bạn cũng nhầm lẫn luôn khi có người khen tôi. Chả có ai là mẹ, là con ở đây cả. Họ cũng như bạn thôi, thích thì khen, không thích thì chê. Hoặc không bày tỏ gì, vào xem rồi lẳng lặng ra về, không nói. Bạn nhận xét như thế là quyền của bạn. Nhưng người khác sẽ nghĩ về ban, đánh giá bạn qua lời nhận xét đó... Nếu thấy buồn thì bạn không vào nữa cho khỏi buồn, hay nói theo từ dân dã : bạn "hãy đi chỗ khác chơi" để vừa VUI, vừa không lây BUỒN, hoặc làm BUỒN người khác! Tôi nghĩ thế đó bạn à!
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaVới những dữ kiện như bác đặt ra thì lời bình là tối ưu, người đọc tâm phục khẩu phục
Trả lờiXóa(Nhưng câu ca chỉ có 4 đoạn mà sự việc hàm chứa lại quá nhiều - bài toán vô số nghiệm này có cách giả nào khác không bác nhỉ?)
Cám ơn bác Bu đã ghé và ghi nhận xét!
XóaTôi cũng cố để đưa ra một cách giải của riêng mình. Những câu tục ngữ, ca dao xưa nhiều khi không thể đưa ra một cách giải duy nhất!