Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

ĐÔI ĐIỀU VỀ VĂN BẢN VÀ CÁCH PHÂN LOẠI VĂN BẢN TRONG SÁCH GIÁO KHOA NGỮ VĂN





ĐÔI ĐIỀU VỀ VĂN BẢN VÀ CÁCH PHÂN LOẠI VĂN BẢN TRONG SÁCH GIÁO KHOA NGỮ VĂN

                                                
                                             PGS TS Vũ Nho

                         Viện nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục


Văn bản là chuyện xưa như thể trái đất rồi. Nhưng  gần đây, do phải đọc và nhận xét phản biện cho một số luận văn Thạc sĩ và luận văn Tiến sĩ, tôi chợt thấy rằng hóa ra đến các vị đọc  ít thì nửa trăm, nhiều thì mấy trăm tài liệu tham khảo cả ta lẫn Tây nhưng cách hiểu về văn bản nói chung và văn bản văn chương nói riêng khá mơ hồ, thậm chí là lệch lạc. Bởi vậy nên với sức đọc cũng chả được nhiều, nhưng vốn để tâm đến chuyện văn bản ( text), xin nói về những hiểu lầm đó. Mong muốn là để chúng ta có một cách hiểu tương đối thống nhất về văn bản và văn bản văn chương trong sách giáo khoa Ngữ văn hiện hành, cũng như là sách giáo khoa  Ngữ văn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai sắp tới.

Trước hết chúng ta cần thống nhất về định nghĩa văn bản.


Theo từ điển “ Thuật ngữ văn học” thì “ Văn bản với nghĩa rộng là bản ghi bằng  chữ viết hoặc chữ in, một phát ngôn hoặc một thông báo ngôn từ ( phân biệt với thực hiện phát ngôn hoặc thực hiện thông báo ấy bằng nói miệng). Với nghĩa hẹp, văn bản là tác phẩm văn học, một dạng của văn bản nghệ thuật nói chung. Văn bản là một chỉnh thể nghĩa, một khối thống nhất có tổ chức của các thành tố hợp thành, một thông báo mà tác giả ( người phát) gửi tới người đọc, người xem ( người nhận)…Văn bản thực hiện ba chức năng chính : truyền thông tin, chế biến thông tin mới và bảo quản thông tin ( ghi nhớ)” (1).

          Như vậy văn bản nghĩa rộng gồm tất cả các loại văn bản, còn văn bản nghĩa hẹp là văn bản nghệ thuật,  là tác phẩm văn học. Theo lí thuyết thông tin, văn bản là một thông báo mà người phát muốn chuyển tới người nhận ( người đọc, người xem). Chức năng của văn bản đều liên quan đến thông tin ở ba khâu : truyền, chế biến và bảo quản.

          Sách giáo khoa Ngữ văn 6 ( nxb Giáo dục, 2002) các tác giả định nghĩa : “Văn bản là chuỗi lời nói miệng hay bài viết có chủ đề thống nhất, có liên kết mạch lạc, vận dụng phương thức biểu đạt phù hợp để thực hiện mục đích giao tiếp”. (2) Như vậy là đã có sự phát triển, bổ sung “thừa nhận chuỗi lời nói miệng” so với định nghĩa trong “Từ điển thuật ngữ văn học”.

          Tất nhiên, định nghĩa văn bản bên trên sẽ được bổ sung. Bởi vì trước kia quan niệm văn bản chỉ là ngôn ngữ viết, nay có thêm ngôn ngữ đồ họa. Trước kia hình ảnh, âm thanh, bảng biểu, video clip… chưa được tính. Nhưng nay những yếu tố này cũng được tính vào văn bản. Bởi vậy mà khái niệm văn bản được nới rộng hơn “ Văn bản bao gồm các thiết bị tạo ngôn ngữ thính giác như ghi âm giọng nói  và cũng bao gồm phim truyền hình, hình ảnh hoạt hình hay hình ảnh không lời. Chúng bao gồm các hình ảnh trực quan như sơ đồ, ảnh, bản đồ, bảng biểu, đồ thị và truyện tranh có sử dụng ngôn ngữ viết ( ví dụ chú thích). Những văn bản trực quan này có thể độc lập hoặc được nhúng vào trong các loại văn bản khác. Các văn bản điện tử được sử dụng trong tình huống liên kết siêu văn bản, các văn bản kĩ thuật số” (3).

          Cùng với thời gian, khái niệm về “kiểu văn bản” văn chương và chính khái niệm văn chương cũng được mở rộng. Trước đây, người ta quan niệm chỉ có thơ, truyện, kịch  ( những tác phẩm hư cấu) mới là văn chương. ( Chúng ta còn nhớ một thời, ở ta định đưa “ Tuyên ngôn độc lập” ra khỏi sách giáo khoa Văn, với lí do đó không phải là tác phẩm văn chương với ý nghĩa “văn chương hư cấu” ). Nhưng hiện nay, khái niệm văn chương được mở rộng đến văn nghị luận, văn thuyết minh, đến quảng cáo, phỏng vấn,…Các kiểu văn  bản trước đây chủ yếu gắn với các phương thức biểu đạt tự sự,  biểu cảm (trữ tình), miêu tả, nghị luận. Nhưng từ chương trình và  từ sách giáo khoa Ngữ văn 6 ( nxb Giáo dục 2002), đã bổ sung thêm hai kiểu văn bản gắn liền với hai phương thức biểu đạt là thuyết minhhành chính – công vụ.

Như vậy là định nghĩa văn bản, các kiểu văn bản gắn với các phương thức biểu đạt đã được mở rộng, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của các phương tiện nghe nhìn.

          Bây giờ nói đến chuyện thiên hạ phân loại văn bản như thế nào. Theo tác giả Nguyễn Thị Hồng Nam,  và Dương Thị Hồng Hiếu, trong chương trình tiếng Anh nghệ thuật của liên bang Mĩ, văn bản thông tin (informational text) và văn bản văn chương ( literary text) tạo thành hệ thống văn bản hoàn chỉnh. Ở  Úc, hệ thống văn bản trong khung chương trình tiếng Anh quốc gia bao gồm “ văn bản tưởng tượng hư cấu –imaginative text; văn bản thông tin  -informative text; văn bản thuyết phục –persuasive text. Khung chương trình tiếng Anh của Anh bao gồm hai loại văn bản: văn bản hư cấu ( fiction) và phi hư cấu (nonfiction).(4)

Ở bang California (Mĩ), ngoài khái niệm  văn bản văn học – literary text, văn bản thông tin – informational text còn có khái niệm expository text – băn bản bình luận, trình bày.

          Như vậy là mỗi nơi có kiểu phân loại riêng. Ngay cả ở Mĩ, liên bang phân loại một kiểu, bang California phân loại một kiểu.

          Vấn đề là chọn kiểu phân loại nào để không mâu thuẫn với định nghĩa khái quát về văn bản, và không tạo ra sự bất nhất khi  căn cứ trên những tiêu chí căn bản để phân loại.

-         Việc phân loại văn bản thành văn bản thông tin và văn bản văn chương ( như hợp chủng quốc Hoa Kì) là không hợp lí. Bởi vì mọi loại văn bản đều có chức năng cung cấp thông tin, làm mới thông tin và lưu giữ thông tin. Phân loại như thế hóa ra văn bản văn chương là loại văn bản rỗng thông tin, hoặc không có thông tin hay sao? Mặt khác, môn Ngữ văn học văn bản văn chương, không thể ôm tất cả các văn bản khác của Địa lí, Lịch Sử, Vật Lí, Hóa học,… vì những loại văn bản đó thuộc môn học khác!

-         Việc chia thành văn bản hư cấu tưởng tượng, văn bản thông tin và văn bản thuyết phục như  ở Úc cũng không ổn. Hư cấu tưởng tượng là phương thức tạo văn bản, cung cấp thông tin là chức năng và mục đích của văn bản. Thuyết phục là sức tác động của văn bản. Ba đặc điểm này không đồng đẳng để phân chia văn bản. Chẳng lẽ văn bản thông tin không có sức thuyết phục? văn bản  tưởng tượng hư cấu không có thông tin? Và cũng không có sức thuyết phục hay sao?

-         Thêm văn bản bình luận, trình bày như bang California thì cũng tựa như việc phân loại ở Úc, cũng không ổn.

Như vậy là trong tất cả các kiểu phân loại, nhất là phân loại văn bản văn chương ( Vì chúng ta đang bàn đến văn bản trong sách giáo khoa Ngữ văn, chứ không phải sách tích hợp Văn- Sử - Địa hay cuốn sách bất kì nào), thì cách phân loại của nước Anh ( theo tôi biết thì nhiều nước cũng chấp nhận cách này) là hợp lí hơn cả. Ở đây việc phân loại văn bản văn chương với tiêu chí nhất quán là xem xét việc sử dụng phương thức hư cấu và không sử dụng phương thức hư cấu để phân loại. Sẽ không có chuyện có những mâu thuẫn và bất cập như các cách phân loại khác.

          Bây giờ chúng ta sẽ xem xét, nếu theo cách này thì các văn bản trong sách giáo khoa Ngữ văn của ta có đáp ứng không, có trường hợp ngoại lệ hay bỏ sót nào không?

          Xin thưa ngay rằng không! Các văn bản tác phẩm văn học quen thuộc là thơ, truyện, kịch đều là văn bản hư cấu.

          Các văn bản khác như  những bài khái quát về giai đoạn văn học, khái quát về tác giả,  các bài văn nghị luận, các bài phỏng vấn, quảng cáo,… các văn bản  lí thuyết trong  phần tiếng Việt, Làm văn đều thuộc loại phi hư cấu.

          Đây là một kiểu phân loại thích hợp nhất cho việc chọn lựa các loại văn bản khác nhau ở chương trình và sách giáo khoa vừa qua của chúng ta.

          Cũng cần phải nói thêm về tên gọi “văn bản nhật dụng” mà không ít người lầm lẫn. Thật ra, thuật ngữ văn bản nhật dụng chỉ mới xuất hiện trong chương trình và sách giáo khoa THCS những năm gần đây. Văn bản nhật dụng chỉ tính chất dùng thường ngày của  loại văn bản này chứ không phải là đặc điểm phương thức biểu đạt của văn bản. Văn bản nhật dụng có thể là một truyện ngắn, một bài báo, một tiểu phẩm về vấn đề nổi cộm, bức xúc trong cuộc sống. Văn bản nhật dụng không phải là văn bản để phân biệt với văn bản văn chương. “ Văn bản nhật dụng không phải là một khái niệm chỉ thể loại, hoặc chỉ kiểu văn bản. Nói đến “văn bản nhật dụng” trước hết là nói đến tính chất của nội dung văn bản. Đó là những bài viết có nội dung gần gũi, bức thiết đối với cuộc sống trước mắt của con người và cộng đồng trong xã hội hiện đại như : thiên nhiên, môi trường, năng lượng, dân số, quyền trẻ em, ma túy,… Văn bản nhật dụng có thể dùng tất cả các thể loại cũng như các kiểu văn bản “ (VN nhấn mạnh dòng tô đậm). (5)

          Nói tóm lại, văn bản là khái niệm rộng chỉ tất cả những gì mà con người tạo ra nhằm truyền đạt thông tin, làm mới thông tin và lưu giữ, bảo quản thông tin. Văn bản văn chương là một trong rất nhiều các loại văn bản đó. Văn bản văn chương trong chương trình và sách giáo khoa môn Ngữ văn có thể có nhiều cách phân loại khác nhau. Nhưng cách phân loại hợp lí nhất, chặt chẽ nhất là phân loại dựa trên tiêu chí có hư cấu và không hư cấu.  Các văn bản thơ, truyện, kịch là văn bản hư cấu (fiction). Các văn bản nghị luận, các văn bản nghiên cứu văn học ( bài khái quát giai đoạn, khái quát thể loại, khái quát tác gia,…) phê bình văn học, các văn bản lí thuyết về tiếng Việt, về Làm văn,… đều là văn bản phi hư cấu ( nonfiction). Các ý kiến cho rằng sách giáo khoa Ngữ văn hiện hành không có hoặc ít văn bản thông tin, hoặc lầm lẫn văn bản nhật dụng, coi đó là văn bản khác biệt với văn bản văn học đều là những ý kiến sai lầm  cần khắc phục.

                                           Hà Nội, tháng 12/2016

--------

1)    Lê Bá Hán chủ biên - Từ điển thuật ngữ văn học, nhà xuất bản (nxb) ĐHQG Hà Nội, 1999, trang 336.

2)    Ngữ văn 6, tập 1, nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2002, tr. 17.

3)    Nguyễn Lộc, Nguyễn Thị Lan Phương đồng chủ biên, Đặng Xuân Cương, Trịnh Thị Anh Hoa, Nguyễn Thị Hồng Vân – Phương pháp, kĩ thuật xây dựng chuẩn đánh giá năng lực đọc hiểu và năng lực giải quyết vấn đề, nxb Giáo Dục, 2016, tr. 92.

4)    Nguyễn Thị Hồng Nam, Dương Thị Hồng Hiếu  – Giáo trình phương pháp dạy đọc văn bản, nxb Cần Thơ, 2016.

5)    Ngữ văn 6, tập 2, nxb Giáo dục, 2002, tr. 125-126.

Tài liệu tham khảo :  Đã trích dẫn bên trên.

Tóm tắt nội dung : Định nghĩa văn bản nói chung và văn bản văn chương nói riêng có sự  bổ sung, phát triển cùng với sự tiến bộ và phát triển của các phương tiện nghe nhìn và kĩ thuật số. Phân loại văn bản và phân loại văn bản văn chương hiện có nhiều cách khác nhau, mỗi cách đều có hạn chế. Lựa chọn cách phân loại văn bản nào để nhất quán và không bị mâu thuẫn, đồng thời bao quát được các văn bản trong sách Ngữ văn hiện hành, đó là đề nghị mà tác giả đưa ra.

Từ khóa : Văn bản, văn bản văn chương, thông tin, văn bản nhật dụng, phân loại văn bản.

TEXTS AND TEXT CLASSIFICATION IN VIETNAMESE TEXTBOOKS

Abstract: The definition of texts (and literature texts) has evolved along with the development of media and digital technology. There are various options to classify texts and literature texts, all of which have some limitations to some extent. This article discusses different classifications that can include the literature texts in the current Vietnamese textbooks.

Key words: text, literature text, information, authentic texts, classification


Bài đăng trên Tạp chí Giáo chức Việt Nam, tháng  2  năm 2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét