Xuân
Diệu với Trần Đăng Khoa
Vũ
Nho
Có
thể nói nhà thơ Xuân Diệu là người có công lớn góp phần phát hiện ra tài năng
Trần Đăng Khoa, quảng bá và giới thiệu thơ Trần Đăng Khoa không chỉ ở trong
nước, mà còn cả ở nước ngoài. Chính ông đưa đoàn vô tuyến truyền hình Pháp về
làng quay phim Thế giới nhỏ của em Khoa
năm 1968.Và cũng chính ông dịch một
số bài thơ Khoa ra tiếng Pháp.
Xuân Diệu
đã cùng Huy Cận về tận Hải Dương thăm nhà Khoa, thăm cái sân "cái thế giới
đầu tiên của bé Khoa", xem xét tỉ mỉ các "nhân vật" trong thơ
Khoa. Mẹ Trần Đăng Khoa kể ; " Bác nhà báo đã mượn cây đèn bão xách ra
vườn, soi từng giàn trầu, gốc cau, luống mía và mấy cây bưởi". Chiều hôm
sau, trong khi Huy Cận nói chuyện với mọi người thì Xuân Diệu đã kéo Khoa ra
ngoài, thực hiện cuộc chuyện trò đầu tiên." Ông ngồi bệt xuống góc sân
trước cửa chuồng gà và bắt đầu chất vấn tôi. Mồ hôi ông vã đầm đìa, ướt đẫm cả
cái áo sơ mi kẻ sọc".
Nói về ảnh
hưởng lớn lao của Xuân Diệu đối với đời thơ của mình, Trần Đăng Khoa viết:
" Tôi đến với thơ hồn nhiên như em bé đến với trò chơi. Nhưng khi gặp Xuân
Diệu thì tôi hiểu được rằng thơ ca không bao giờ là trò chơi cả. Nó là một công
việc sáng tạo cực nhọc. Có thể nói may mắn cho đời tôi là tôi đã sớm gặp Xuân
Diệu".
Sau
khi Xuân Diệu gặp Trần Đăng Khoa ở quê, trực tiếp kiểm tra và xem xét hiện
tượng thơ của chú bé thần đồng, đặc biệt là sau buổi phát thanh tiếng thơ đêm 1
tháng 6 năm 1968," Xuân Diệu trở thành người thầy dạy nghề nghiêm khắc,
gần gũi, thân thiết" của Trần Đăng Khoa. Kể cũng là một sự lạ. Huy Cận
cũng gặp Trần Đăng Khoa, Chế Lan Viên cũng thế.Cả hai nhà thơ đều cảm tình, quý
mến bé Khoa. Nhưng chỉ có Xuân Diệu là gắn bó thân thiết với Khoa suốt đời.
Phải chăng có một duyên nợ riêng, tiền định giữa hai người ?
1.
Xuân Diệu với Trần Đăng Khoa
Xuân Diệu coi Trần Đăng Khoa như
cháu, như em, như đồng nghiệp và ông đã
dành không ít tâm sức cho cậu học trò đặc biệt này. Ông có riêng một "bảo
tàng" của Khoa- một thùng sắt" trông hao hao như cái tráp đồ lề của
mấy ông thợ cạo nhà quê". Tất cả thư từ, bản thảo của Trần Đăng Khoa ông
đều cất vào đó. Và ông đều đọc, đều có ý kiến nhận xét. Đây là hồi ức của Trần Đăng Khoa :"…nhận thư và
thơ tôi, bao giờ ông cũng trả lời, và trả lời ngay tắp lự. Trong thư ông nhận
xét và góp ý rất cụ thể. Ông không phân tích, bình luận dông dài, mà chỉ đưa ra
cái kết luận ngắn gọn có tính tổng quát".
Chúng ta thử
xem những ý kiến của Xuân Diệu đã tác động đến Trần Đăng Khoa như thế nào trong
những trường hợp cụ thể. Qua đó, có thể thấy được nhiệt tình, sự tinh tế, có
nghề của Xuân Diệu. Đồng thời, cũng thấy được người học trò của ông đã tiếp thu
sự chỉ bảo từ vị sư phụ của mình ra sao.
1.1.Bài thơ Hạt gạo
làng ta
Trần Đăng
Khoa viết đoạn kết của bài thơ như sau:
Hạt
gạo làng ta
Gửi ra tiền tuyến
Gửi về muôn phương
Làm nên chiến
trường
Làm nên niềm vui
Các cô các bác
Đừng để gạo rơi
Khi Khoa
đưa bài thơ này cho Xuân Diệu, ông đọc xong, trợn mắt bảo: "Các cô các bác
không phải là trẻ con đâu nhé, không đợi cháu dạy khôn như thế. Cháu còn bé
phải tránh cái lối dạy dỗ. Giáo huấn- đấy là cái nhược điểm, cái bệnh chung của
nền thơ ta. Cháu phải tránh xa".
Như
vậy Xuân Diệu không chỉ chê nhược điểm của bài thơ cụ thể. Ông đã yêu cầu chú
học trò tránh lối dạy dỗ đã đành. Xa hơn, ông còn chỉ ra cái nhược điểm của cả
nền thơ ta lúc đó. Tiếp thu sự phê phán của Xuân Diệu, Trần Đăng Khoa đã làm
cho bài thơ có kết thúc thật cô đọng và hồn nhiên: Hạt gạo làng ta. Gửi ra tiền
tuyến. Gửi về phương xa. Em vui em hát. Hạt vàng làng ta.
1.2.
Bài thơ Đêm Côn Sơn
Trần Đăng Khoa viết:
Mờ mờ ông Bụt ngồi nghiêm
Sợ gì, ông vẫn ngồi yên lưng đền
Xuân
Diệu đã thay hai chữ Sợ gì thành Nghĩ gì. Quả thật hai chữ Sợ gì làm cho câu thơ không thật liền
mạch. Trần Đăng Khoa đã nhận xét về
trường hợp này:" Xuân Diệu chỉ thay một chữ Nghĩ, ông bụt đã hoá thành cơ thể sống, đã thành sự sống. Câu thơ
bỗng sinh động có thần"