Thứ Năm, 12 tháng 9, 2019

Những kỉ niệm với Tiến sĩ Bàn Tiến Tân



                Trái qua : Bùi Phú Hảo, Vũ Nho, Bàn Tiến Tân. Ảnh chụp năm 1971, sau khi  ba người được ở lại làm cán bộ khoa Văn, ĐHSP Việt Bắc ( tháng 9/1970)
Những kỉ niệm với Tiến sĩ Bàn Tiến Tân
                          PGS TS Vũ Nho
Tháng 9 năm 1970, lớp sinh viên khóa một của khoa Ngữ văn, ĐHSP Việt Bắc tốt nghiệp ra trường. Bốn sinh viên được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của khoa là Bàn Tiến Tân, Lộc Phương Thủy, Bùi Phú Hảo và Vũ Nho. Lộc Phương Thủy về tổ Văn học nước ngoài. Ba chàng trai được phân công về cùng một tổ là văn học dân gian và trung đại, trong đó Bàn Tiến Tân làm văn học dân gian, Vũ Nho và Bùi Phú Hảo làm văn học trung đại.   Tân, Hảo, Thủy  học lớp B, Vũ Nho học lớp A, nhưng đều chung bếp ăn, chung hội trường nên không lạ gì nhau. Tuy vậy do hoàn cảnh riêng nên Vũ Nho và Bàn Tiến Tân có nhiều gắn bó hơn. Đặc biệt là sau khi Bùi Phú Hảo rời khoa đi bộ đội thì hai ông bạn một Dao, một Kinh cùng khóa lại càng gần gũi nhau.
          Thật ra thì Bàn Tiến Tân vốn tên là Bàn Tài Tân, bầy vai với ông Bàn Tài Đoàn là nhà thơ người Dao nổi tiếng. Tân kể cho tôi biết, vì đi làm con nuôi một người trong họ cho nên có sự thay đổi hạ một cấp tên đệm ( Bàn Tài là bề trên của Bàn Tiến; Bàn Tiến là bề trên của Bàn Tuấn…). Tân học ở trường nội trú từ nhỏ, vào  thẳng Đại học nên tiếng Kinh của Tân rất tốt. Ngoại ngữ tiếng Hán, Tân cũng khá. Có lẽ cái vế đối Tân ra với phần thưởng một xoong sắn luộc : “Ăn ngô bung nặng bụng” chơi chữ kiểu đánh vần BUNG +  dấu NẶNG = BỤNG xuất hiện trước cả vế đối dài hóc hiểm được lan truyền sau này “ Cô gái Củ chi chỉ cu hỏi củ chi?” làm đau đầu các nhà ham thích câu đối, là một minh chứng cho việc thạo tiếng Việt của chàng trai người Dao.
Khi mới ở lại khoa, chúng tôi được nhà trường cho đi Hà Nội đọc sách để chuẩn bị bài. Lộc Phương Thủy có nhà ở Hà Nội, Bùi Phú Hảo cũng có bà cô ở Hà Nội nên các vị không phải quan tâm chuyện nhà ở. Tôi và Bàn Tiến Tân thì chẳng có ai thân thích ruột rà ở Hà Nội, nên 2 chàng xin về đọc sách ở Viện Văn Học và xin Viện cho ở nhờ. Lúc ấy, anh Đặng Văn Lung là cán bộ nghiên cứu Văn học dân gian của Viện. Anh Lung cùng với hai chàng trai  Việt Bắc nấu cơm ăn chung bằng bếp dầu của anh. Cao hứng, anh còn rủ hai chàng viết báo về chuyện có nên ngâm thơ hay  chỉ đọc thơ. Chúng tôi đọc say sưa sáng, chiều. Buổi tối ăn cơm xong, tôi và Tân làm một vòng đi bộ quanh hồ Gươm rồi lại về đọc cho đến khi đi ngủ. Bấy giờ GS Hoàng Trinh là Viện trưởng. Tôi và Tân thi thoảng có ghé nhà ông ở trong Viện. Bà vợ GS Hoàng Trinh rất quý Tân. Các anh chị Phong Lê, Vân Thanh, Huệ Chi, Trần Lê Sáng chúng tôi đều biết. Thi thoảng tôi và Tân còn đánh bóng bàn với Nguyễn Xuân Kính ( sau này là GS TS), chàng trai cùng trạc tuổi về Viện Văn Học nghiên cứu Văn học dân gian. Khi máy bay Mĩ đánh phá miền Bắc dữ dội, Viện Văn Học cũng phải đi sơ tán. Tôi và Tân từ Thái Nguyên về thấy mọi người hối hả rời khỏi thành phố. Thế là chúng tôi chấm dứt thời kì đèn sách ở Viện Văn.
Về lại Thái Nguyên, khoa Văn lại sơ tán ở làng Lân, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương. Lúc đầu tôi và Bàn Tiến Tân ở một gian nhà kho của HTX cho mượn, bên cạnh thầy Đoàn Hồng dạy văn học Trung Quốc. Rồi hai chàng trai  vào núi Chúa chặt nứa, xin khoa  một số vật liệu. Tân đục đẽo, tôi và thầy Nguyễn Văn Túc ( sau này là phó hiệu trưởng ĐHSP Việt Bắc) đan tranh. Ba thầy trò dựng lên một căn nhà ở vườn nhà bà Khưu. Nhà có  giường, bàn làm việc đều bằng tre nứa, có bếp đun  nấu riêng đàng hoàng.
Những lúc rảnh rỗi, tôi và Tân thường trèo lên cây vối cạnh sân kho. Chúng tôi ngắm trăng lên, nói những chuyện linh tinh về sách vở, về bài báo hay, về mơ ước chuyên môn, về đủ thứ.
          Khi Mĩ ném bom ác liệt, tôi theo lớp văn 4 sơ tán lên Định Hóa. Còn Tân ở lại Khoa ở làng Lân. Rồi sau đó Tân xây dựng gia đình với cô Bùi Thị Vân. Chúng tôi vẫn chung một tổ bộ môn.


 
          Năm 1973, khi hiệp định Pa ri được kí kết, chúng tôi chuyển về thành phố Thái Nguyên. Năm ấy, tổ bộ môn tổ chức đi thăm quê  Bác Hồ, quê cụ Phan Bội Châu, rồi qua cầu Hiền Lương vào tuốt Đông Hà, thăm khu giải phóng có trụ sở của Chính phủ  Mặt Trận dân tộc Giải Phóng miền Nam. Tôi còn nhớ thành viên của tổ lúc ấy có thầy Phạm Luận, thầy Vi Hồng, anh Lý Duy Hiển, tôi và Bàn Tiến Tân. Khi quay ra Bắc, các thầy về thẳng Thái Nguyên, còn tôi và Bàn Tiến Tân ghé qua nhà tôi.
Thuở ấy nghèo lắm, cả tổ đi như thế mà không có một bức ảnh nào lưu niệm. Ấn tượng sâu sắc nhất là chúng tôi đã qua vĩ tuyến 17, qua mảnh đất Dốc Miểu còn ngổn ngang vỏ đạn pháo. Ở Đông Hà, nhiều chỗ có biển cắm  với  hình  đầu  lâu và  hai xương chéo  kèm  dòng  chữ “ Nguy hiểm có bom, mìn”.Và một kỉ niệm khó quên  là hết tiền. Tại cửa hàng ăn uống ở ngã ba Gián, (  thuộc huyện Gia Viễn, Ninh Bình ) hai chúng tôi  chỉ  còn đủ tiền mua một suất cơm tem. Sau đó Tân đèo tôi về nhà tôi bằng chiếc xe đạp nữ cọc cạch nhưng vẫn còn tươm chán. Quê tôi vừa trải qua một trận lụt ngập nhà. Rau cỏ chết sạch. Nhưng cá thì rất sẵn và rẻ. Mấy ngày chơi ở làng quê nghèo của tôi, chúng tôi  trèo lên núi Thờ ở đầu làng, nhìn phong cảnh xung quanh. Tân đem tất cả các loại dao rựa, dao phay, dao bài ra mài. Bố mẹ tôi sau này cứ tấm tắc khen Tân mài dao rất sắc.
          Tân theo học lớp chuyên tu tiếng Nga ở trường cùng Lộc Phương Thủy và Nguyễn Minh Thuyết. Rồi cả ba cùng đi thi nghiên cứu sinh và cùng đỗ một lần. Tân sang MGU làm luận án. Thủy và Thuyết sang Tổng hợp Jdanov ở Leningrat. Sang Nga chưa lâu, Tân gửi về cho tôi một bộ comle. Dù là hàng cũ, nhưng bấy giờ thật là sang. ( Nên nhớ là khi chúng tôi đi nghiên cứu sinh bốn năm, thì mới được  Nhà nước phát một bộ comle. Còn trước đó, chúng tôi chỉ diện Bluson bằng ka ki may thợ  đã là nhất hạng). Khi Tân về phép thì cũng là lúc tôi được sang Nga làm nghiên cứu sinh. Tình cờ thế nào chúng tôi cùng bay một chuyến qua Ấn Độ rồi đến Mát. Tân đi mua cho tôi một chiếc lược và mấy thứ lặt vặt. Hôm sau tôi chia tay bạn về thành phố của mình ở Leningrat.
          Tôi có người em  đi lao động ở Bungari. Hai anh em hẹn hò  qua điện thoại gặp nhau ở Mát. Tân đón tôi  từ Len lên. Hôm sau Tân cùng tôi ra sân bay đón cậu Châu từ Bun  qua. Chúng tôi lại về chỗ của Tân ở kí túc xá MGU tá túc. Phải nói là Tân rất giỏi trong quan hệ với người Nga. Nguyên tắc là không thể đưa bạn hay người quen vào ở kí túc xá. Nhưng do  Tân có quan hệ tốt với các vị trực, nên chuyện vào ở trong kí túc chẳng gặp khó khăn gì.
          Thật không thể  hình dung nổi hai chàng trai nhà quê hôm nào trèo lên cây vối đêm trăng ở làng Lân nói chuyện trên giời dưới bể, bây giờ lại cùng nhau ở Nga, trong điều kiện tuyệt vời lúc đó để làm việc với các GS hướng dẫn người Nga.
Tôi nhớ mình vào Thư viện mang tên V. Lê nin đọc sách một tháng ( Lần này không ở trong kí túc xá của Tân, mà ở kí túc xá của Đại sứ quán). Tôi có tra cứu tài liệu về nhà văn Cù Thu Bạch rồi viết về cho GS Lương Duy Thứ. Cũng nhân đấy,  tôi tra cứu  đoạn  trích  trong sách  “ Văn Tâm Điêu Long” và sách “ Tùy Viên thi thoại” cho Tân.
          Hồi đó, dân  sinh viên, nghiên cứu sinh đánh hàng sang Nga rất nhiều. Chủ yếu là quần bò, kính râm, áo phông. Do vị trí ở Mát thuận tiện, Tân chẳng phải đi lao động, chỉ cho các vị  bạn mượn  chỗ ở để gửi hàng mà rủng rỉnh tiền tiêu. Tôi thì ở Len, đi làm mỗi ngày 7 rúp ( tương đương một bàn là. Mỗi bàn là khi ấy ở Hà Nội giá 1000đ. Dây đen mắt đỏ mình sần/ Mang về Hà Nội cũng gần một thiên. Lương cán bộ giảng dạy trẻ lúc đó chỉ vỏn vẹn hơn 300 đ). Tân cứ phàn nàn thương tôi vất vả mà chẳng được mấy tiền.
          Năm 1984 tôi về nước. Chúng tôi  cùng nhau về lại khoa cũ. Lúc này nhóm Văn học dân gian đã tách ra thành tổ riêng, tôi thì chuyển sang dạy phương pháp. Tôi và Tân tuy khác tổ, nhưng ở chung một nhà tập thể. Chúng tôi lại nấu ăn chung với nhau. Thỉnh thoảng tôi lên thăm Tân và gia đình ở làng Lân. Tháng 10 năm 1986 tôi chuyển về Hà Nội. Kỉ niệm chung của hai ông bạn là dịch và in cuốn “ Truyện cười dân gian Tác ta”  ở nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, năm 1988. Tôi còn mua cuốn “ Truyện cổ Maoori” hẹn dịch chung để đưa in. Tân cầm sách dịch trước. Nhưng rồi Tân bận rộn nhà cửa và sinh kế nên kế hoạch không thành.
          Bốn người bạn cùng khóa, Bùi Phú Hảo sau khi đi bộ đội, giải ngũ không quay lại Khoa. Hảo về quê dạy cấp 3 rồi thăng hiệu phó, rồi làm đến Chủ tịch, Bí thư huyện Duyên Hà, Giám đốc đài phát thanh truyền hình Thái Bình rồi nghỉ hưu. Tôi về Hà Nội làm ở Vụ Giáo dục Trung học, được phong PGS năm 1991 ( Là sinh viên đầu tiên của trường Việt Bắc được nhận học hàm này). Lộc Phương Thủy, sau khi làm TS ở Nga thì chuyển về Viện Văn học, làm Trưởng ban văn học thế giới, lần lượt được phong PGS rồi GS. Riêng Tân ở lại khoa và mất sớm.
          Những năm sau khi Tân mất, tôi hay được sở GD Thái Nguyên mời lên bồi dưỡng giáo viên hoặc chấm  thi giáo viên giỏi. Lần nào tôi cũng tranh thủ ghé nhà Tân, thắp cho bạn nén hương. Lần kỉ niệm 40 năm thành lập trường và khoa, cả nhóm bạn khóa một đến thắp hương cho Bàn Tiến Tân. Khi xe về Hà Nội đường xóc nhảy chồm chồm. Lê Thanh Lâm, người theo Phật bảo rằng  vong linh Tân theo chúng tôi về Hà Nội. Khi  xe dừng nghỉ ăn dọc đường, chúng tôi lấy một cốc bia, một cái bát và đôi đũa. Thanh Lâm khấn lầm rầm “ …thôi bạn quay về nhé”. Sau đó xe chạy êm ru. Không biết thực hư thế nào.
          Hai người con của Bàn Tiến Tân là Bàn Quỳnh Giao và Bàn Tuấn Năng đều về Hà Nội và đều cùng làm luận án Tiến sĩ. Bàn Quỳnh Giao bảo vệ trước. Bàn Tuấn Năng bảo vệ sau. Các cuộc bảo vệ, Vũ Nho đều có mặt để mừng cho cô Vân và các cháu. Khi Bàn Tuấn Năng bốc bát hương thờ bố về Hà Nội, Lộc Phương Thủy, Nghiêm Đình Vỳ, Vũ Nho, Hoàng Tuấn Cư đều có mặt. Ai cũng thương tiếc bạn mình mất sớm. Và mọi người đều được an ủi khi con trai cả của bạn là Bàn Tuấn Năng, con gái là Bàn Quỳnh Giao nối tiếp việc nghiên cứu của bố, viết báo, in sách, làm rạng rỡ danh thơm họ Bàn. Nếu có cuộc sống sau cái chết, hẳn là ở thế giới bên kia,  Bàn Tiến Tân sẽ hài lòng vì sự trưởng thành của con cháu và sự thủy chung của bạn bè từ thuở sinh viên.
          Vì điều kiện thay đổi chỗ ở, nên luận án TS của Bàn Tiến Tân bị thất lạc. Các con của Tân đến Thư viện Quóc gia là nơi chúng tôi nộp Luận án và Bản dịch để xin chụp. Thư viện trả lời “ không tìm thấy!”. Các cháu nhờ PGS TS Vũ Thanh ở Viện Văn  khi công tác ở Mátxcơva xin chụp lại. Có bản Luận án bằng tiếng Nga, tôi, và hai người bạn là Trần Hậu và Đăng Bẩy giúp dịch ra tiếng Việt. Luận án của Bàn Tiến Tân do GS.TS. Nhà Việt Nam học nổi tiếng N.I.Nikulin hướng dẫn có nhan đề “ Văn học dân gian và sự hình thành truyện ngắn trung đại Việt Nam”. Đó là một công trình độc đáo, có nhiều đóng góp cho việc nghiên cứu tác phẩm văn học viết và mối quan hệ với văn học dân gian  ở Việt Nam. Sau khi hoàn thành bản dịch, tôi đã viết bài “ Những điều mới mẻ thú vị trong luận án Tiến sĩ của Bàn Tiến Tân”. Bài viết sẽ in kèm với bản dịch Luận án.
          Người bạn Dao thân thiết của tôi, TS Bàn Tiến Tân hẳn sẽ hài lòng vì những người bạn đã giúp đưa công trình khoa học của mình tới cộng đồng bạn đọc Việt Nam.
                                                   Hà Nội, ngày 22 tháng 5 năm 2018
                                                   Bổ sung ngày 12 tháng 9 năm 2019


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét