Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021

Bình bài thơ “Dâng trà” của Nguyễn Quang Thiều

 


    Bình bài thơ “Dâng trà” của Nguyễn Quang Thiều

                        

     Thưa cha, con đã dâng trà

      Chiều quê một nửa mái nhà nắng đi

      Làng nghèo ngồi đếm chim ri

      Con nghèo con đếm thầm thì trong mơ

      Con sao tìm lại ấu thơ

      Mà roi cha vẫn gác hờ mái hiên

      Con từng ba dại bảy điên

      Chén trà con rót tràn niềm đắng cay

      Phận con nhàu trọn lòng tay

      Một câu thơ bạc một ngày vô ơn

      Chén trà, con có gì hơn

      Mời cha rồi nuốt tủi hờn sau cha

 

      Thưa cha, con đã dâng trà

      Sao cha im lặng như là bóng mây

      Để hồn trà khuất đâu đây

      Xác trà lạnh ngắt đổ đầy lòng con…

         (Trích trong “Tản Viên Sơn” số Xuân Tân Mão-2/2011)

 

Lời Bình của Thanh Ứng

 

         Đọc “Dâng trà” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tôi cứ ngỡ gặp một Nguyễn Quang Thiều khác. Bài thơ đầy xúc động, đằm thắm, chứa chan tình cảm không giống nhiều bài thơ khác.  Nhưng khi đọc lại các tập thơ “Sự mất ngủ của lửa”, “Những người đàn bà gánh nước sông”… với những bài, những câu  viết về làng quê anh , về những người thân trong gia đình, làng xóm…  thì mới thấy “Dâng trà” là một phần, nếu không muốn nói đó chính là hồn cốt của Nguyễn Quang Thiều. Dẫu là sự cách tân trong việc tìm tòi, sáng tao thi tứ, sự mới mẻ trong việc sử dụng ngôn từ, câu thơ, dòng thơ…thì ở tận chiều sâu trong tâm hồn thi sĩ Nguyễn Quang Thiều vẫn là  máu thịt của  đồng quê, xóm mạc nơi chôn nhau cắt rốn và bao kỉ niệm   thời ấu thơ khổ nghèo.   Trong đời sống, Nguyễn Quang Thiều vĩnh biệt người cha khi anh đã trưởng thành. Anh đã công phu phụng dưỡng cha khi cha lâm bệnh, đã cùng anh em họ mạc tiễn đưa cha chu toàn khi người ra đi. Còn gì đây vương vấn hồn anh? Một buổi chiều quê về lại ngôi nhà xưa nơi anh sinh ra và lớn lên, anh dâng lên cha chén trà của lòng hiếu đễ. Những dòng lục bát cứ lịm vào suy tưởng trong một buổi chiều nắng lui dần về hoàng hôn giữa ngôi nhà lạnh vắng: “Thưa cha, con đã dâng trà / Chiều quê một nửa mái nhà nắng đi”. Năm tháng cũ của làng xóm, của tuổi thơ như thực, như mơ hòa với những âm thanh thầm thì linh diệu trong buổi chiều quê càng làm cho hồn thơ Nguyễn Quang Thiều chơi vơi trong cõi thiền mặc định. Như nhiều đứa trẻ quê nghịch ngợm bướng bỉnh, chịu đòn roi, Nguyễn Quang Thiều hồi tưởng tuổi thơ của mình trong niềm xúc cảm dâng trào. Ấn tượng về cái “roi cha vẫn gác hờ mái hiên” là ấn tượng khắc khoải về một tuổi thơ với sự dạy dỗ nghiêm ngặt của người cha và những lỗi lầm,ương bướng của một thời ngây dại vẫn còn ẩn khuất đâu đây. Điều đó làm cho câu thơ như là một lời tự thú xót xa: “Con từng ba dại bảy điên / Chén trà con rót tràn niềm đắng cay”. Xúc cảm của Nguyễn Quang Thiều được nhào trộn giữa qúa khứ với hiện tại, được đan xen giữa hôm qua và hôm nay, giữa niềm yêu kính nhớ thương cha và lòng tự kiểm sâu sắc…Nhà thơ trở về với bản thể trong một nghi lễ giản đơn mà thiêng liêng! Người đọc nhận ra trong bài thơ một Nguyễn Quang Thiều luôn có sự thiết tha với cội nguồn, gốc rễ của mình. Đó là hồn người, là ân nghĩa sâu xa với những gì tổ tiên ông cha để lại., một Nguyễn Quang Thiều có trái tim dễ bị động chạm. Từ đó anh viết những câu thơ thật đắng lòng: “Phận con nhàu trọn lòng tay / Một câu thơ bạc một ngày vô ơn / Chén trà, con có gì hơn / Mời cha rồi nuốt tủi hờn sau cha”. Một Nguyễn Quang Thiều như ta đã từng thấy trong cuộc sống, trên văn đàn đối lập hoàn toàn với Nguyễn Quang Thiều trong bài thơ trên. Đâu còn những bước chân mạnh bạo trên đường, những ý tưởng độc đáo, những phát ngôn quyêt liệt và những bài thơ với những sự cách tân mạnh mẽ gây tranh cãi một thời…còn ở đây là con người với những lời chân thành tự kiểm thiết tha, sự khiêm cung đáng nể và cả lòng mềm yếu như con trẻ trước hồn cha trong một buổi chiều quê. Đó chính là con người Nguyễn Quang Thiều: Anh sâu sắc, quyết liệt song rất khiêm nhường, tình nghĩa trong đời sống.

               Bốn dòng thơ ở cuối bài: “Thưa cha, con đã dâng trà / Sao cha im lăng như là bóng mây / Để hồn trà khuất đâu đây / Xác trà lạnh ngắt đổ đầy lòng con”. Có thể nói đó là bốn dòng lục bát tài hoa. Dòng thơ đầu tiên được nhắc lại như một lời cầu khấn đến người cha đã đi vào cõi vĩnh hằng, đi vào trời đất, đi vào sự im lặng thiên thu. Hình tượng “bóng mây’ vừa thực, vừa ảo, vừa gần gụi, vừa xa xôi… là môt sự      tìm tòi bất ngờ đầy thi vị của Nguyễn Quang Thiều. Nếu ở trên là “ Chén trà con rót tràn niềm đắng cay” còn vẹn nguyên trong dâng lễ thì ở câu dưới  ta thấy xót xa, đau đớn khi anh chia tách “Hồn trà” / “Xác trà” như hai phần của con người: “Để hồn trà khuất đâu đây / Xác trà lạnh ngắt đổ đầy lòng con”. Đọc hai dòng thơ cuối bài, tôi giật mình: Không chỉ là cái tài dùng câu chữ “Hồn trà”, “Xác trà” mà chính là Nguyễn Quang Thiều đã nói được tận cùng cái đau đớn, giá lạnh của lòng mình khi đối diện với linh hồn người cha. Hai dòng thơ  cuối bài chữ nào cũng có sức ám ảnh bởi sự vận dụng hợp lí của tác giả. “Hồn trà” là cái vô hình như vẫn còn ẩn khuất đâu đây. “Xác trà” là cái cụ thể, hữu hình song nó như vẫn có linh hồn. Dẫu có “đổ đầy” thì “Xác trà lạnh ngắt” cũng tạo cảm giác trống lạnh ghê gớm trong lòng người không có gì bù đắp được. Đó là lần nói chuyện đầy linh nghiệm, lời cầu khấn thiêng liêng cũng là những tâm sự gan ruột về chính mình khi nhà thơ phải đối diện với một thực tế đau xót: Người Cha của nhà thơ đã ra đi mãi mãi  .Tất cả đã tạo nên một bài thơ “Dâng trà” đầy xúc động,để lại  nhiều ấn tượng trong bạn đọc.                                                                                                                                                                                                                               

                                                                       

                                                                            Thanh Ứng

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét