Thứ Ba, 2 tháng 3, 2021

VÀI CẢM NHẬN ĐỌC 10 TRUYỆN NGẮN HAY 2020 CỦA BÁO VĂN NGHỆ

 

VÀI CẢM NHẬN ĐỌC 10 TRUYỆN NGẮN HAY 2020 CỦA BÁO VĂN NGHỆ

                                   Vũ Nho


 

         Hàng chục năm gần đây  lại nay, như một truyền thống, báo Văn Nghệ năm nào cũng chọn trong số truyện ngắn đăng suốt cả năm lấy 10  truyện ngắn  hay nhất in phụ bản kèm theo số báo Tết. Là người yêu thích truyện ngắn, nhưng   hai ba năm nay, tôi chỉ bập vào đọc một  hoặc hai, năm nào kiên nhẫn lắm thì đọc đến 3 rồi bỏ dở. Bởi truyện thường dài, quá dài. Cách viết không mới. Có khi chỉ vì một chi tiết xử lý non,  một cái lỗi không đáng có về văn chương hay  lịch sử, khiến tôi thật sự mất hứng, mất luôn cả lòng kiên nhẫn.

        Năm nay cũng như mọi khi, nhìn thấy truyện ngắn nào cùng dài đuồn đuỗn,  đặc sệt toàn chữ là chữ  là đã giảm hứng thú rồi. Nhưng năm nay Tết chống Covid, tránh tụ tập, tránh ra ngoài nếu không cần thiết. Bởi vậy mà tôi  có nhiều thời gian, đặt quyết tâm đọc hết mười truyện xem ra sao.

         Đọc truyện đầu tiên “Nhà tiên tri của làng”, có một chút nản. Tác giả không biết  khái niệm “lẩy Kiều”. Lầy Kiều là lẩy, lấy một câu trong Truyện Kiều ra để diễn đạt ý mình. Những câu thơ dẫn ra không phải của Truyện Kiều, sao gọi  là lẩy Kiều được. Lại nữa cái “carat” là cái nhẫn  giá 300 đồng. Chả biết tiếng gì gọi nhẫn là “carat”? Lại câu người xưa “vô nhân vấn”  thì nhớ xiên xẹo sang “vô khuyển vấn”. ( Người xưa lịch lãm, không ngẫu nhiên mà đem “khuyển” - chó, con vật – đối với “khách” – con người. Có giai thoại rằng khi Tú Xương trượt mãi, khoa Quý Mão, đổi tên Tế Xương thành Cao Xương, vẫn trượt. Ông bi phẫn viết bài thơ “Hỏng thi khoa Quý Mão”, có câu : Tế đổi làm Cao mà chó thế/ “Kiện” trông ra “Tiệp” hỡi trời ôi.  Cụ Nguyễn Khuyến biết được  bình phẩm “Rằng hay thì thực là hay/ Trời đem đối chó lão này không ưa). Lại sai chính tả khi  lẩy Kiều chẳng ra Kiều : Này quân chốn chúa lộn chồng”. Bấy nhiêu thứ  làm cho truyện của tác giả  bị giảm rất nhiều  cảm tình của tôi!

          Nhưng đã nói là tôi có nhiều thì giờ, nên quyết tâm đọc bằng hết. May thay, tôi được an ủi bởi có truyện thật sự hay. Cái truyện hay ấy là truyện “Núi cựa” của tác giả nữ trẻ Lữ Mai. Câu chuyện nhập đề đã khéo, luôn có những điều bất ngờ, bất ngờ từ đầu đến cuối. Và tôi nghĩ rằng nếu bình chọn thì tôi bình cho truyện này hay nhất về kĩ thuật!

                                                                     VŨ NHO - CHỦ TRANG
 

      Truyện “Gia đình của bố” cũng là truyện ấn tượng. Một người đã có vợ và 5 cô con gái mà còn li dị vợ để dứt áo ra đi, khiến cho cô con gái út ( người kể chuyện) căm thù và oán giận. Cô  định không  theo lời mẹ về thắp nén nhang. Nhưng cô hoàn toàn bất ngờ về bố. Cả người “mẹ hai” và đứa em gái “cùng cha”. Đúng là một truyện ngắn hay, cảm động. Có lẽ nếu không ngại dài thì truyện có thể kết thúc  trong đoạn cao trào khi người kể chuyện nức nở “Bố! Con xin lỗi bố! Con là đứa nông cạn, cố chấp và bất hiếu!”. Tuy vậy đoạn tiếp theo vẫn có những bí mật được khai mở để người đọc biết cuộc đời người bố, “mẹ hai” và bé Hạnh Vân”, để thêm kính trọng  bố và “mẹ hai”, những cựu chiến binh.

         Truyện “Quá khứ của hôm nay” của cây truyện ngắn nổi danh Nguyễn Trường là một truyện hay.  Nguyễn Trường đã 3 lần lọt vào tốp 10 với các truyện ngắn Quà tặng  tương lai, Vương quốc mộng mơ, Khai khẩu. Lần này là lần thứ tư. Mượn nhân vật  Thoại bị bom hất xuống sông, được  tham tri bộ Lễ Ngô Tòng Chu đón, tác giả đã kể lại võ công oanh liệt của vua Gia Long, qua đó chiêu tuyết cho nhà vua  và cả triều Nguyễn. Tác giả phải đọc rất kĩ Lịch sử nên mới có thể dựng truyện ngắn thuyết phục như vậy.

         Cũng viết về lịch sử không xa, nhưng truyện “Tia nắng cuối ngày” của Ngô Khắc Tài khá dàn trải, lan man. Có Ngô Đình Diệm với khu trù mật, có Trâu Già, một người chống đối. Có lẽ tại vì chỉ “nghe kể lại” rồi “hình dung về không khí ngày đó” nên truyện không đủ độ đằm,  độ sâu chăng?

        Tôi chú ý đến truyện “Thổ tang” và giọng kể tưng tửng  khá cuốn hút của tác giả Đinh Phương. Tác giả đã lồng 2 truyện ngắn vào một truyện ngắn. Đó là mảnh đất Thổ tang của lãnh tụ khởi nghĩa Yên Bái, và câu chuyện của hai anh em cùng bố, khác mẹ nhưng ở hai đầu giới tuyến. Sự lồng ghép này theo tôi đã khiến câu chuyện bị tãi và thấy rõ sự lắp ghép khá khiên cưỡng. Truyện “Thổ tang”, nên tập trung vào các nhân vật của cuộc khởi nghĩa, chỉ gồm 1, cộng một phần của 2, và 5. Phần còn lại dành cho một truyện ngắn khác thì hợp lí! Nhưng thôi, đó là cái lí, cái ý của riêng tôi. Vì có cái lí ấy mà tôi  không xếp “Thổ tang” vào truyện khá và có chút tiếc nuối!

    Các truyện ngắn khác là  Cây đại học”, “Ngôi nhà ba lá” “Chợ tóc” mỗi truyện khai  thác một chi tiết, một hoàn cảnh, một biểu tượng hay. Nhưng  chỉ hay ở mức vầy vậy, không có ấn tượng mạnh. Tác giả “Chợ tóc cho Thuần cắt phăng  mớ tóc dài để cho Lâm hết hi vọng  đợi chờ có gì đó khiên cưỡng.

        Cuối cùng tôi muốn nói đến truyện “Qua mùa lau trắng”. Tác giả còn trẻ, việc tổ chức truyện còn non. Tất cả những truyện  xảy ra với Nhếnh, với Pài, với chị  Liến, anh rể, với lão Khày, thằng Phiến dẫn đến một kết cục “mù mờ” về cái bụng chửa của Pài, cái chết của Pài;  chị Liến  đã bỏ nhà ảnh rể về lại   bế  đứa bé; thằng Phiến tố bị lão Khày lừa, nó không có khả năng đàn ông,… Nhưng tác giả còn rất trẻ…

          Dù sao, đọc  mười truyện ngắn được tuyển chọn của năm 2020 vẫn cho tôi một sự lạc quan, một niềm hi vọng để sau năm 2021 sẽ đón đợi những truyện ngắn hay mới của báo Văn Nghệ, có thể đã xuất hiện rồi!

                                                    Hà Nội, ngày 3 Tết Tân Sửu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét