Thứ Ba, 9 tháng 3, 2021

"NHỚ" CỦA PHẠM TIẾN DUẬT VỚI LỜI BÌNH THANH ỨNG

NHỚ

 

Cái vết thương xoàng mà đưa viện

Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo

Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến

Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo

                                   Phạm Tiến Duật

 

Lời bình của Thanh Ứng

 

 Chùm thơ được giải báo “Văn Nghệ” năm 1969 đã đưa Phạm Tiến Duật trở thành nhà thơ hàng đầu của thời chống Mỹ và góp phần làm nên giá trị thơ Phạm Tiến Duật xứng đáng với Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2012 mà Nhà nước truy tặng tác giả này. Với tôi, những năm đánh giặc, trên bục giảng nhà trường,“Lửa đèn”, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây”, “Nhớ”…đã trở thành thân thuộc, gần gũi. Không biết đã bao lần, tôi đọc diễn cảm say sưa những bài thơ trên trước học sinh. Đăc biệt có bài “Nhớ”:

Cái vết thương xoàng mà đưa viện

Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo

Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến

Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo

 

                                                                                 PHẠM TIẾN DUẬT

 

Bài thơ từ lúc ra đời cho đến nay vẫn thế. Không phải 28 chữ, thất ngôn tứ tuyệt, mà là 29 chữ như chạm khắc vào thời gian để đến với chúng ta ngày hôm nay nguyên vẹn từng chữ, từng dòng. Bây giờ đọc nhiều thành quen, nhưng ngày ấy những ngôn từ dân dã đời thường: “Cái”, “xoàng”, “mà”… đưa vào thơ mà lại ngay dòng đầu một bài thơ tứ tuyệt thì lạ lắm, lạ đến ngạc nhiên và vui nữa. Hồi đó đã có người nhận xét chùm thơ dự thi của Phạm Tiến Duật trên báo “Văn nghệ”: “Thơ anh vui lạ. Suốt những trang thơ dự thi không có trang thơ nào vui như trang thơ của anh. Cuộc sống ở hoả tuyến ùa vào thơ anh xao xuyến, náo nức” (Nguyễn Đức Quyền - Những vẻ đẹp thơ). Cuộc sống trong bài thơ “Nhớ” không phong phú, đa dạng như trong “Lửa đèn”, không bộn bề, hào sảng như trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”… mà lắng sâu, xao động tâm trạng của một người chiến sĩ lái xe. Anh bị thương, phải nằm viện. Trong bệnh viện anh không nghĩ gì đến vết thương của mình mà lại nhớ tới những chuyến hàng, những đoàn xe, bến bãi, lưng đèo và cả ánh trăng thơ mộng. Nhiệm vụ người lính và chất lãng mạn của tâm hồn thi sĩ kết tụ và thăng hoa vào ngôn từ, nhịp điệu giản dị, tự nhiên như không hề có sự chọn lựa, trau chuốt. Người chiến sĩ lái xe bị thương. Vết thương nặng có thể nguy đến tính mạng, người ta bắt anh phải vào viện điều trị. Nhưng với anh đó lại là “Cái vết thương xoàng” và việc vào viện là “bất đắc dĩ”: “Cái vết thương xoàng mà đưa viện”. Câu thơ như lời nói chơi, bất cần, coi cái chết của mình như không. Đó là một trong những phẩm chất của người chiến sĩ trong chiến đấu. Ta đã từng gặp người chiến sĩ lái xe “ung dung buồng lái ta ngồi”, “cười ha ha”,… trên những chiếc xe “bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi” trong “Tiểu đội xe không kính”… và “Ta bật đèn pha ôtô trong chớp loè ánh đạn/ Rồi tắt đèn quay xe/ Đánh lạc hướng giặc rồi ta lại lái đi…” trong “Lửa đèn” của thơ Phạm Tiến Duật. Ở đây ta gặp nỗi nhớ của người lính lái xe khi nằm viện. Có nghĩa là anh không còn tung hoành trên các tuyến đường, trên trận chiến mà phải “yên vị” trên giường bệnh. Không có tâm trạng ngậm ngùi, nuối tiếc cái thuở vàng son của một chú hổ “nhớ rừng” của Thế Lữ xưa. Đây chính là tâm tư, tình cảm hồi tưởng về những gì đã sẻ chia, gắn bó với nhiệm vụ cao quí “vì miền Nam phía trước”. Nó đằm thắm, chứa chan nhân tình, đậm đà nghĩa thuỷ chung. Trước hết là nhớ đến nhiệm vụ: “Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo”. Tác giả khéo dùng chữ “còn”, “còn chờ đó” để chỉ công việc đang dang dở, bề bộn. Người trong cuộc như trách nhẹ một ai đó đã bắt mình vào viện trong lúc công việc đang cần. Dòng thơ bảy chữ, ngắt nhịp 4/3. Vế thứ nhất bốn chữ đằm xuống, ba tiếng sau nhẹ bỗng. Và “tiếng xe reo” mới kì lạ làm sao! Âm thanh động cơ máy quen thân, những hồi còi xe tha thiết… đã gắn bó bao đêm ngày, năm tháng với người lính lái xe. Đó là niềm vui, tiếng cười “đường ra trận mùa này đẹp lắm”, náo nức, lạc quan. Dòng thơ thứ ba 8 chữ, cân đối, hài hoà ngắt nhịp 4/4 như đoàn xe sau chặng đèo dốc giờ đến đường bằng phẳng nhẹ tênh, bay bổng. Dòng một, dòng hai: 7 chữ, đến dòng thứ ba: 8 chữ: “Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến” thế mà người đọc không hề cảm thấy vênh lệch, gò ép; cứ tự nhiên như vốn phải như vậy mới diễn tả được cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ. Ca dao cũng đã có câu nói đến nhớ qua tư thế đứng, ngồi của người trong cuộc. “Nhớ ai hết đứng lại ngồi” hoặc “Nhớ ai bồi hồi, bồi hồi/ Như đứng đống lửa, như ngồi đống than”. Ở đây, người chiến sĩ bị thương phải nằm với nhiều bức xúc. Nằm tư thế nào cũng đắm vào miền nhớ, cũng chạm vào những rung động sâu xa trong ký ức. Không phải chỉ nhớ một “ai” đó. Mà là tất cả: âm thanh, cảnh vật, thiên nhiên… cuộc sống ở các tuyến đường chiến tranh. Và khi ngồi dậy tưởng nỗi nhớ sẽ tan nào ngờ lại càng da diết: “Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo”. Hai chữ “nôn nao” làm cho dòng thơ bảy chữ ở cuối bài tạo nên bất ngờ. “Nôn nao” diễn tả đúng con người “ở trạng thái xao động trong tình cảm khi đang mong mỏi hoặc gợi nhớ đến điều gì” (Từ điển Tiếng Việt - Viện Ngôn ngữ). Từ này ở đầu dòng vừa chuyển tiếp rất hợp lý diễn biến tâm trạng từ ba dòng trên đồng thời giúp cho kết thúc bài thơ được mở ra nhiều chiều, thoả mãn cảm hứng thẩm mĩ của người đọc về nỗi nhớ của người chiến sĩ lái xe bị thương phải nằm viện. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam đã viết trong điếu văn đọc tại lễ truy điệu nhà thơ Phạm Tiến Duật như sau: “Độc đáo và vụt sáng, đầy sức lay động và ấm áp ngay cả trong những lúc cay nghiệt nhất của chiến tranh, đó là vẻ đẹp của thơ Phạm Tiến Duật”. “Nhớ” là bài thơ có lấp lánh vẻ đẹp đó.

Xúc động được đọc lại và bình bài thơ “Nhớ” của nhà thơ quá cố Phạm Tiến Duật như là một nén tâm nhang kính viếng hương hồn nhà thơ.

                                                                                         Thanh Ứng

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét