Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

THĂM VƯỜN VỚI LỜI BÌNH

 


THĂM VƯỜN VỚI LỜI BÌNH Sửa

THĂM VƯỜN

 

Hoa rụng sạch không xuân đã tàn

Thăm vườn thương cảm kiếp hồng nhan

May còn một đóa màu tươi đỏ

Thắp lửa lòng ta với thế gian.

 

                                  BÙI MINH TRÍ

 

Bài thơ in trong tuyển tập Theo bước Tản Đà (NXB Văn học 2012) , được chọn in lại trong tập KHÚC QUÊ của Bùi  Minh Trí, NXB Văn học 2021

 

LỜI BÌNH

 của nhà thơ Lương Hữu

Hội viên Hội Liên hiệp VHNT Thái Bình

(Bài in trong tập “Bằng cứ văn chương”,  in tại

Nhà xuất bản Văn học.)

 

        Trong tiếng Việt, chữ Thăm thật chân tình, hàm ý nghĩa ân cần, gần gũi, chu đáo. Có quan tâm, có lo lắng, có thương cảm, có trách nhiệm… thì mới có thăm nhau. Không nói đến các kiểu thăm xã giao, thăm cho phải phép, thăm để cầu lợi…ngoài thế thái nhân tình, chữ Thăm của Bùi Minh Trí có một sự sẻ chia với đối tượng được thăm, với khu vườn thương cảm mình đến.

      Trước đây, Trần Hữu Thung đã từng “Thăm lúa” . Lúa được nhắc đến ít thôi, nhưng tình người thăm thì trải vô biên. Bây giờ, “Thăm vườn” , Bùi Minh Trí chỉ nhắc đến hoa, và nhắc đến cái rụng, cái tàn của hoa. Cảm quan thi sĩ lướt theo thời gian, bời bời hoa xuân và cũng vùn vụt ngày xuân. Chữ “sạch không” đẩy thêm nghĩa cho chữ “rụng”, buồn thêm cho nỗi hoa tàn, hay xuân tàn.  

      Thơ bốn câu, khai đề như thé là mở đề rồi đóng. Kiếp hoa tàn, mùa xuân cũng qua mau. Tác giả đã ngầm hé lộ hướng khai triển của đề thơ. Thăm vườn nào phải chỉ thăm hoa, tác giả thăm người trong cái vườn hoa hàm ẩn, hai nghĩa. Kiếp hoa gắn với kiếp người, dĩ nhiên phải là người đẹp, nghĩa này đã rõ, nhưng đến kiếp hồng nhan, nghĩa câu thơ và nghĩa cả bài thơ phát sáng. Nhà thơ thăm vườn, là thăm người đẹp, thấy cái chóng tàn của tuổi xuân, cái rụng của hoa mà thương cảm cho cả một kiếp bạc mệnh. Hai chữ bạc mệnh ẩn sau chữ hồng nhan, nhà thơ không nói ra, nhưng người đọc vẫn cứ nhận ra.

        Khai đề và thừa đề như vậy là kín kín, hở hở, mở ra được những hướng phát triển của thơ, thông báo được cái mà nhà thơ quan tâm.  Kiếp hoa là thế, kiếp người là vậy, các cụ ta xưa đã phải thốt lên, vậy thì “đời đáng chán hay là không đáng chán” trước cảnh hoa rụng, xuân tàn. Cụ Nguyễn Khuyến an ủi cụ Dương Khuê “ai chả biết chán đời là phải’ ; cỡ thi hào còn buồn là vậy, huống chi! Mở đầu câu thứ ba, câu thơ quan trọng nhất của bài tứ tuyệt, Bùi Minh Trí tự giải nỗi buồn cho người xưa, cũng là giải nỗi buồn cho mình bằng hai chữ “May còn” , trong đó chữ “May” là chữ Mắt (nhãn tự) cứu bài thơ, cứu các nhà thơ ra khỏi mọi bi lụy của nỗi rụng, nỗi tàn của kiếp hoa mong manh, kiếp người ngắn ngủi!

               May còn một đóa màu tươi đỏ

Xin nhớ là một “đóa”, chứ không phải một bông, và đóa hoa ấy, hình dáng, kích cỡ, cánh hoa, nhụy hoa, hương hoa như thế nào không cần rõ, chỉ rõ màu hoa là màu tươi đỏ, hoa không có tên, tên hoa là do người yêu hoa tự đặt. Nhà thơ cần một sự tri âm trong cách tôn vinh, “một đóa màu tươi đỏ”, may mà không phai thắm với thi gian. “ Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy” của Nguyễn Mỹ, có “màu tươi đỏ” của Bùi Minh Trí song hành với thời gian. Màu đỏ của Nguyễn Mỹ khẳng định như chưa có cuộc chia ly, màu đỏ của Bùi Minh Trí cứu rỗi được thế gian, ít ra là cứu rỗi được một nhà thơ.

   Theo cụ Trần Trọng Kim, thơ tứ tuyệt “uyển chuyển biến hóa bởi câu thứ ba. Nếu câu ấy chuyển biến khéo thì câu thơ thứ tư tự trôi đi như thuyền thuận nước”. Bùi Minh Trí chuẩn bị kết bằng một câu uyển chuyển, nên câu kết đúng như thuyền thuận nước, đề của thơ sáng tỏ, tình của thơ thêm sâu, nỗi lòng người viết - nói như cách nói của Trần Mạnh Hảo - giống cái công tắc điện, nhấn nút một cái, cả bài thơ bừng lên

                   “Thắp lửa lòng ta với thế gian”

       Mối liên tưởng rất hay, màu hoa đỏ như lửa cháy có thể thắp sáng được lòng nguời. Nhà thơ vốn nhiều thương cảm, trước cái tàn rụng không cưỡng lại được của thời gian, của quy luật, chả nhẽ nói toạc ra lòng ta đã lạnh với thế gian. Hai chữ “thế gian” hàm nghĩa cuộc đời, nhân tình thế thái, xã hội biến cải, cái đẹp, cái xấu, cái còn cái mất dằng dặc một nỗi đan xen. Vậy mà hoa, vậy mà em… cũng là một cái đẹp mong manh, thắp được lửa lòng ta. Hoá ra, thế gian này còn nhiều thứ có thể cứu rỗi được những cuộc đời, chóng rụng như hoa, chóng tàn như phận hồng nhan. Đời ngắn ngủi, thời gian không trở lại, Bùi Minh Trí đi “Thăm vườn”, và chớp được khoảnh khắc trời cho, một  ánh lửa hồng trong tập thơ “ GIÓ THÔNG XANH”

 

                                                             LƯƠNG HỮU

dao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét