Thứ Hai, 13 tháng 9, 2021

GỬI ÔNG TÚ XƯƠNG

 


             GỬI ÔNG TÚ XƯƠNG*

                           Vũ Quần Phương

 

Ông Trần

ông nhìn trên Thành Nam

trăng soi vằng vặc

dưới vầng trăng ngựa xe loạn lạc

 

bụi bay...bụi bay...bụi bay...

nâu sồng rách bạc

vai áo đẫm mồ hôi

chân trần bỏng rát

câu thơ ông dẫm đất

bám đỏ bụi phù sa

 

Bụi không bay đến vầng trăng

vầng trăng thanh khiết

Dưới vầng trăng

tôi viết,

ánh trăng lờ mờ

dòng chữ tôi cao thấp

những nhà dân lô xô

Thành Nam đông chật

 

Ông nhìn vầng trăng

khóc

trong những câu thơ cười

vầng trăng xa vời

tôi không cười

không khóc

Thành Nam không loạn lạc

vẫn thấy bóng ông

trang giấy đầy bụi bay

gò lưng

ngồi viết

 

Có ai vừa đi dưới sông lên

tiếng gọi đò trên con sông đã lấp

 

Kìa mắt ông thao thức

trên Thành Nam

vầng trăng đẫm ướt.

 

               Nam Định20/7/1989

 

Gửi ông Tú Xương*-Thơ Vũ Quần Phương, trong tập “ Vết thời gian”-NXB Văn học tháng 12/1996.

 

LỜI BÌNH của Trần Trung:

   Vũ Quần Phương khơi nguồn cảm xúc, khi gọi ông Tú họ Trần-Thuộc Tộc nhà Trần, trên đất Tức Mạc xưa và kết đọng nơi Thành Nam- “Thổ ngơi của vùng Sơn Nam Hạ” ( chữ dùng của Nguyễn Tuân). Gọi là “Gửi ông Tú Xương”-Tên bài thơ, mà nhà thơ họ Vũ đã nhìn và cảm nhận ra vị trí của “điểm nhìn” có trên, có dưới với cả sự thanh cao cùng vẩn đục, một thời: “Ông Trần/ ông nhìn trên Thành Nam/trăng soi vằng vặc/dưới vầng trăng ngựa xe loạn lac”.


   Trên cái nền thực được gợi mở, câu chữ của Vũ Quần Phương như chợt quẫy lên khi hoài niệm giữa thời Tú Xương, thời buổi “khăn xếp áo the”, “mua quan bán tước” chưa hẳn đã tàn cục-Thời phong kiến... Mà, chỉ thấy náo loạn, nhăng nhố, lúc Phú-Lang-Sa (bọn xâm lược Thực dân) mới sang Ta. Cái hay và riêng của Vũ Quần Phương, là ở chỗ, nhà thơ không mượn thơ của cụ Tú Thành Nam để “vẽ” nên hiện trạng Thành Nam thời Tú Xương (điều này có không ít trong thơ Tú Xương!). Nhà thơ vừa khái quát, lại vừa cụ thể hiện thực cả một thời Tú Xương với bộ mặt xã hội và con người, từ đó nhận diện ra những câu thơ “dẫm đất”, hòa trong nỗi vất vả, cơ cực “rách bạc” áo nâu sồng, cùng “chân trần bỏng rát” của những người dân lao khổ Thành Nam-Quê hương nhà thơ:

         “ Bụi bay...buị bay...bụi bay...

            nâu sồng rách bạc

            vai áo đẫm mồ hôi

             chân trần bỏng rát”

   Điệp tới ba lần những tiếng “bụi bay”, kèm theo những dấu chấm lửng(...), nhà thơ như nhìn thấy tận mắt mà nghẹn ngào tận lòng bầu Khí-Quyển-Thời-Cuộc đang ngầu lên trong vẩn đục của cả một thời khóc-cười: “phố phường tiếp giáp với bờ sông/ Nhà kia lỗi phép con khinh bố/ Mụ nụ chanh chua vợ chửi chồng” (Vị Hoàng hoài cổ-Tú Xương); Này đây là cảnh trường thi lúc mạt vận “ Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ/ ậm ọe quan trường miệng thét loa” (Vịnh khoa thi Hương-Tú Xương); lại đây nữa, khi đất trời đầy “bụi bay” vẩn đục cùng cực, nhà thơ họ Trần từng thốt lên như tiếng khóc uất nghẹn : “muốn mù giời chẳng cho mù nhỉ/ Giương mắt trông chi buổi bạc tình” ( Đau mắt nặng”-Tú Xương)...

   Lời thơ tâm tình và sâu nặng cảm thương của Vũ Quần Phương trong “Gửi ông Tú Xương” không hề dừng lại mà sa vào cái chất “hiện thực-trào phúng” của Thi nhân Thành Nam mà thực sự tinh tế còn nhận ra cái chất Trữ tình tràn đầy xúc cảm, giầu yêu thương nơi ông Tú-Cái “vỉa chìm” khuất ấy, mấy ai đã nhận ra xưa nay:

           “Bụi không bay đến vầng trăng

             vầng trăng thanh khiết”

   Lời thơ tâm tình của nhà thơ “Gửi ông Tú Xương” hay cũng chính là những lời tự bạch để rồi “đọc vị” ra Cái-Tâm hồn cốt của nhà thơ đất Thành Nam một thủơ ! Vũ Quần Phương đã tạo nên cách nhập nhòa giữa thời gian, không gian và lòng người trong quá khứ cùng hiện tại, thực sự gây ấn tượng và xúc động:

            “Dưới vầng trăng

              tôi viết,

              ánh trăng lờ mờ

              dòng chữ tôi cao thấp

               những nhà dân lô xô

               Thành Nam đông chật

 

            ....Ông nhìn vầng trăng

                khóc

                trong những câu thơ cười...”

                        ***

 

  Người dân Thành Nam thường tâm đắc và truyền tụng câu Phương ngôn : “Đọc thơ Xương-Ăn chuối ngự”. Hai sản phẩm đặc trưng ấy là niềm tự hào của người dân Nam Định. Có lẽ, với bài thơ “Gửi ông Tú Xương”-Nhà thơ Vũ Quần Phương cũng vốn gốc gác là dân Nam Định, muốn gửi tâm tình yêu thương và tự hào về ông Tú Thành Nam, quê hương mình, trong những lời thơ khép lại với bao nhiêu nỗi niềm:

               “Có ai vừa đi dưới sông lên

                 tiếng gọi đò trên con sông đã lấp

 

                 Kìa mắt ông thao thức

                 trên Thành Nam

                 vầng trăng đẫm ướt.”

 

               HÀ NỘI,9/4/2019.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét