THẦY VŨ NHO
Nhà giáo ưu tú Trần Thị Thành
Giữa những ngày tháng bảy âm u trong mùa dịch Covid, cả thành phố thực hiện giãn cách, tôi nhận được tin nhắn trên zalo của cô học trò cũ từ Mĩ gửi mời họp lớp trên Zoom. Ôi, một sáng kiến thật tuyệt trong hoàn cảnh mọi người ở yên trong nhà, rồi còn cảnh người nước ngoài, kẻ trong nước...xa xôi cách trở địa lí nên mong gặp nhau. Thế rồi, cuộc họp diễn ra, vui không ngờ. Thày trò tíu tít thăm hỏi, chuyện trò, cười như pháo nổ; nói với nhau về cuộc sống của các bạn ở nước ngoài đến các bạn trong nước, chuyện công việc, cha mẹ, con cái...chuyện xưa, chuyện nay....đang chuyện nọ lại nhảy cóc sang chuyện kia rồi lại vòng về chuyện cũ. Đêm đã khuya mà màn hình máy tính vẫn sáng, giọng vẫn trong và cười vẫn giòn.Trong niềm vui hồi tưởng chuyện thanh xuân – những năm cùng nhau trong lớp chuyên văn của trường Trưng Vương, các bạn ấy chợt quay sang nói về việc học văn của con cái mình ngày nay và so sánh với việc mình được học văn ngày xưa ấy. Trong câu chuyện học văn vui buồn đủ kiểu, một ai đó bỗng nhắc đến thầy Vũ Nho và hỏi thăm về thầy.
Thày Vũ Nho mà học trò tôi nhắc đến là PGS TS Vũ Nho – nguyên chuyên viên của bộ GD&ĐT, là nhà phê bình văn học, là dịch giả, là nhà thơ, là nhà văn...Thế nhưng, với học sinh nhiều khóa của tôi, Vũ Nho là một thày giáo – như cô giáo chủ nhiệm và dạy văn của chúng bởi thầy từng dạy chúng những bài cụ thể, tuy không nhiều. Biết mình sở học còn nông cạn, chữ nghĩa một dúm, duyên nghề còn mỏng mà học trò khi học văn phải được học sâu, học rộng và học từ nhiều phong cách nên tôi chịu khó mời các thầy nổi tiếng từ cấp ba đến chuyên viên giáo dục, giảng viên đại học, viện nghiên cứu...về nói chuyện, dạy các em khi gặp dịp. Trong những người đó có PGS.TS. Vũ Nho.
Khởi đầu của sự “mời mọc” ấy là việc chuyên viên bộ GDĐT Vũ Nho đến dự một chuyện đề của Sở GDDT Hà Nội tổ chức ở Trưng Vương. Sau thảo luận, Khi chuyên viên nán lại trao đổi cùng tổ giáo viên chuyên văn Trưng Vương, tôi có ý kiến là đừng đòi hỏi quá nhiều ở một tiết học mà nên chú ý đến quá trình..v..v..hàm ý là các vị có dạy cấp hai đâu mà hiểu. Không ngờ, vị chuyên viên ấy lại ngỏ ý muốn hợp tác với tổ chuyên TV về chuyên môn. Thế là, thỉnh thoảng, chuyên viên xuống dự giờ, góp ý...Rồi, tôi mời nói chuyện cho học trò về thơ Trần Đăng Khoa. Bằng sự am hiểu thơ Trần Đăng Khoa và cái duyên nói chuyện,chuyên viên Vũ Nho đã khiến trò vui, háo hức tìm đọc không chỉ thơ Trần Đăng Khoa mà cả thơ của các nhà thơ thiếu nhi nữa. Một hôm, biết tôi dạy Truyện Kiều, chuyên viên Vũ Nho bảo: “ Hôm nay, chị để tôi thử lên lớp bài này được không?”Tôi đồng ý liền. Thế là, buổi học ấy đổi vai: Vũ Nho làm giáo viên còn Trần Thành dự giờ (!). Thực sự, đó là một giờ dạy đầy cuốn hút: thày đầy năng lượng, trò say mê nghe, phát biểu, tranh luận. Trống hết giờ mà học trò vẫn muốn hỏi thêm. Học trò tôi gọi Thầy Vũ Nho là từ đấy. Cái thú vị trong cách dạy của thầy Vũ Nho là luôn tạo ra những gợi mở bất ngờ cho học trò. Ví như, dạy “ Chị em Thúy Kiều”, thày hỏi trò: “Đầu lòng hai ả tố nga” có phải Kiều và Vân là hai chị em sinh đôi không? Rồi thì: viết “Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười” có làm câu thơ khác với “ Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười” không, vì sao? Rồi: vẽ Kiều dễ hay vẽ Vân dễ? Rồi: đối tượng ghen, hờn của hoa và liễu trong câu “ Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” là gì? đối chiếu với câu thơ dùng so sánh tả Thúy Vân để thấy dụng ý của nhà thơ...Cứ thế, trò phát biểu, thầy dẫn dắt, giảng giải..giờ học như một giờ thảo luận ấy. Thầy Vũ Nho còn dạy, nói chuyện với các lớp chuyên văn khác nữa của Trưng Vương, với những lớp chuyên khác nhau của tôi. Cho nên, có khóa gọi thầy Vũ Nho; có khóa, lũ trẻ gọi bác Vũ Nho nhưng khóa nào cũng nhớ và quí mến thầy. Thầy làm sách, chúng hào phóng tặng thày những bài làm tốt và khi in sách, thày không quên ghi lời cảm ơn ở lời nói đầu của sách và tặng sách cho các bạn ấy.
Người ta bảo: nghề dạy nghề; và, mỗi người tài được gặp đều là thầy của ta, nếu ta biết học... Với tôi, điều đó là hoàn tòan đúng. Khi tôi mời người đến nói chuyện, dạy học sinh của tôi thì cũng là lúc, tôi học thêm được điều gì đấy từ họ.Ở phương diện nghề nghiệp, PGS.TS.Vũ Nho cũng như thầy tôi, giống bao người khác mà tôi tự học được nhờ họ. Sau này, nhiều lần tôi được hợp tác với PGSTS Vũ Nho trong công việc viết sách tham khảo. Đó là bộ sách tám quyển có tên Soạn Văn dành cho giáo viên cấp hai mà Vũ Nho – Đặng Tương Như – Trần Thị Thành là tác giả. Đó là bộ bốn quyển Bài tập rèn kĩ năng tích hợp Ngữ Văn 6,7,8,9 mà Vũ Nho là chủ biên, Nguyễn Thúy Hồng – Trần Thị Thành đồng tác giả. Và bộ Hướng dẫn tập làm văn lớp 6, 7,8,9 của Vũ Nho - Trần Nga – Trần Thị Thành. Lại cả quyển Ôn Thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn của Vũ Nho – Trần Thị Thành nữa.Trong viết sách, PGS.TS. Vũ Nho thực sự cẩn trọng, tự biên tập kĩ càng và góp ý thẳng thắn nhưng đúng mức, luôn tôn trọng cộng sự. Từ những lần viết chung ấy, tôi cũng dần tích lũy kinh nghiệm để có những bộ sách, cuốn sách riêng đứng được.
Học trò tôi bảo: Sao bác Vũ Nho là nhiều Nhà thế? Các bạn ấy hỏi vì ngạc nhiên khi biết người mà chúng từng được học còn là nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học mà tác phẩm đã được giải. Đọc những bài bình thơ của Vũ Nho, ta thấy sự thẩm thơ tinh tế, nhiều phát hiện bất ngờ, liên tưởng sâu rộng và đặc biệt ở ngòi bút phê bình ấy còn là tấm lòng trân trọng người viết. Sự tích lũy kiên trì có lẽ cũng là một yếu tố để nhà phê bình Vũ Nho có những tác phẩm dầy dặn, có giá trị, được đánh giá khá cao.Có lúc, tôi tự hỏi: phải chăng, những quyển “Trần Đăng khoa thần đồng thơ ca” hay “Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều” hay tập “ Bình thơ” của nhà phê bình Vũ Nho có sự khởi đầu về ý tưởng là từ những buổi nói chuyện với học sinh, từ công việc giáo dục của mình.
Từ khi nghỉ việc nhà nước theo chế độ hưu, PGS TS Vũ Nho vẫn miệt mài, say mê sáng tạo. Những cuốn sách giá trị của ông có lẽ ra đời trong những năm tháng tự do “ thơ túi rượu bầu” này. Sự cống hiến của PGS TS Vũ Nho với giáo dục cũng như với văn chương thật đáng trân trọng.
Trần Thị Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét