Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2021

THĂM BỐ NGÀY MƯA

                                                
                                                            
          


                   

                            THĂM BỐ NGÀY MƯA

                                                         Bình Nguyên

 

Lối cỏ mờ chân bước

Con về đây bố ơi

Bố nằm ngoài bãi vắng

Nơi gập ghềnh mây trôi

 

Bố đi xa mười năm

Tóc con giờ đã bạc

Cây cỏ nơi bố nằm

Mười năm không đổi khác

 

Mười năm cỏ nở hoa

Run run trong gió bấc

Thương bố tàn bông này

Lại thắp lên bông khác

 

Mưa dột từ năm trước

Mưa dột về năm sau

Bố nằm nơi đầu gió

Cỏ có che nổi đâu

 

Con về quỳ xuống cỏ

Vập tiếng vào mưa rơi

Mưa cũng thành tiếng nấc

Thắp trong chiều bố ơi

 

Rồi con lại xa quê

Lang thang ngoài sương gió

Bố nằm đây một mình

Dõi con từng lối nhỏ

 

Mưa lạnh vào đời con

Đừng lạnh vào nấm cỏ

Ôi nấm cỏ quê hương

Bố tôi nằm ở đó.

Nguồn: báo Văn nghệ số 44 ngày 31-10-2020 (trang 13)

                                                       LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN THỊ THIỆN

 “MƯA LẠNH VÀO ĐỜI CON/ ĐỪNG LẠNH VÀO NẤM CỎ”

Đọc những bài thơ con viết về cha, tôi rất xúc động với  bài "Thăm bố ngày mưa" 

của tác giả Bình Nguyên. Bài thơ là tiếng lòng trìu mến và tha thiết yêu thương của đứa con về thăm cha, người đã đi xa nhiều năm, hiện nằm ngoài bãi cỏ trên đất quê hương. Tác giả chọn thể ngũ ngôn rất phù hợp với giọng thơ tự sự kể về chuyến thăm

bố vào một buổi chiều mưa: "Lối cỏ mờ chân bước / Con về đây bố ơi / Bố nằm

ngoài bãi vắng / Nơi gập ghềnh mây trôi". Lời thơ dung dị, trìu mến như những

lời đứa con thủ thỉ tâm sự cùng cha. Không gian và cảnh vật thiên nhiên nơi bố nằm

được tái hiện chân thực và cảm động. Nghệ thuật đảo ngữ trong câu "Nơi gập

ghềnh mây trôi" góp phần gợi tả sự xa xôi cách trở của hai thế giới âm – dương

giữa bố và con. Thời gian trôi thật nhanh, mới đấy mà bố đi xa đã tròn mười năm rồi.

Điệp ngữ "mười năm" (ba lần) nhấn mạnh nỗi nhớ niềm thương, thiếu vắng hơi ấm                     và sự quan tâm của bố. Bản thân chủ thể trữ tình cũng không  còn trẻ nữa "Tóc con giờ đã bạc" nhưng tình thương nhớ bố chẳng lúc nào nguôi. Với trái tim đong đầy thương cảm, thi sĩ hòa  nhập hồn mình cùng cây cỏ nơi bố nằm: "Mười năm cỏ nở hoa / Run run trong gió bấc / Thương bố tàn bông này / Lại thắp lên bông khác". Nghệ thuật nhân hóa khiến cỏ cây cũng mang tình cảm con người, cũng "run run" vì nhớ tiếc và xúc động. Thương  bố, cỏ nở hoa lan toả hương thơm với người nằm dưới mộ. Hoa tàn bông này cỏ lại nở  luôn bông khác như một sự tiếp nối liên tục và bất diệt. Trong bài, cảm động nhất là những câu: "Con về quỳ xuống cỏ / Vập tiếng vào  mưa rơi / Mưa cũng thành tiếng nấc / Thắp trong chiều bố ơi". Động từ "vập" rất ấn tượng, gợi tả sự va đập đột ngột vào vật cứng, trong khi ở đây lại là "mưa", nỗi nhớ thương vì thế được nhấn mạnh hơn, dường như có chút giật mình thảng thốt. Đâu chỉ cây cỏ, cả mưa cũng nấc nghẹn, đồng cảm với người con nỗi xót thương cha nghẹn ngào giữa buổi chiều lạnh. Sau chuyến về thăm bố, người con lại xa quê, xa bố ra đi "Lang thang ngoài sương gió" để bước tiếp hành trình cuộc sống. Người con  mường tượng cảnh bố "nằm đây một mình", nhận sự cô đơn trống trải để con  được ra đi thực hiện chí hướng nhưng cha lúc nào cũng ở bên "Dõi con từng lối nhỏ", như tiếp sức cho con đi tiếp suốt hành trình cuộc đời. Thi phẩm kết thúc bằng những câu thơ ướt đầm  nước mắt: "Mưa lạnh vào đời con / Đừng lạnh vào nấm cỏ / Ôi nấm cỏ quê hương / Bố tôi nằm ở đó". Người con muốn nhận hết sự ướt át, lạnh giá về mình, chỉ mong mưa lạnh đừng thấm vào cỏ nơi bố nằm. Trong bài, các  điệp từ: bố, con, cỏ mưa cùng với các từ láy gập ghềnh, cây cỏ, run run, lang thang khiến cho ý thơ thêm gợi cảm, tình thơ thêm sâu lắng. Tấm lòng thương cha  tha thiết được gửi gắm qua ngôn ngữ thơ bình dị không chỉ nói lên tình cảm của riêng nhà thơ mà còn nói hộ tình cảm của rất nhiều người con khác đối với thân phụ của mình.

unnamedmn

 

 

                

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét