LÍNH TRẺ
Vũ Đăng Bút
Tác giả Vũ Đăng Bút
Ngày ấy, chúng tôi tạm biệt gia đình, tạm biệt quê hương, bạn bè và
người thân, hăm hở khoác ba lô lên đường nhập ngũ và trở thành người
lính trẻ. Hình ảnh đẹp ấy đã được nhân lên khi chúng tôi được rèn luyện,
học tập và sống trong môi trường quân đội. Xin kể vài hình ảnh của cánh
lính trẻ chúng tôi.
Câu chuyện thứ nhất: Tôi quyết định viết thư về nhà, kể rõ sự tiến bộ của Bình và những ân hận của tôi.
Số là, khoá huấn luyện chiến sĩ mới năm ấy, Bình là một trong số
bốn chiến sĩ toàn tiểu đoàn bắn đạn thật đạt điểm loại ưu tú, vinh dự
được chụp ảnh kỷ niệm dưới Quân kỳ và được cấp trên thưởng bảy ngày nghỉ
phép. Tôi ân hận, tủi thân khi thấy Bình vui vẻ khoác ba lô về thăm gia
đình sau hơn 5 tháng nhập ngũ. Giá như trường hợp khác thì cũng không
có gì đáng nêu ra đây. Đằng này, tôi và Bình lại cùng quê, nhập ngũ cùng
một ngày. Lúc đầu, tôi cứ khăng khăng một mực không viết thư về nhà. Mà
viết để làm gì cơ chứ. Viết về chỉ thêm xấu hổ với bạn bè, với bà con
hàng xóm. Và lẽ tất nhiên, bố tôi sẽ rất buồn và nói:
-- Thằng Bình nó đi, nó tiến bộ như thế. Vậy mà con tôi...!
Tôi còn nhớ rất rõ, ngày tôi và Bình khoác ba lô lên đường nhập ngũ, bố của Bình ân cần căn dặn:
-- Các con ra đi cố gắng rèn luyện, học tập để trở thành người chiến
sĩ tốt. Các con nhớ cứ yên tâm công tác, đừng lo nghĩ gì về gia đình. Ở
nhà tuy có vất vả đôi chút, nhưng đã có bà con hàng xóm giúp đỡ.
Cầm quyết định nhập ngũ, tôi và Bình được điều về một đại đội huấn
luyện chiến sĩ mới. Tôi ở trung đội Một. Bình ở trung đội Hai. Sau gần
một tháng công tác, tôi ít chú ý đến năng suất, chất lượng huấn luyện và
nhiệm vụ tăng gia sản xuất của đơn vị. Việc rèn luyện, chấp hành điều
lệnh, điều lệ quân đội tôi coi như không có gì quan trọng. Khi cán bộ
trung đội, tiểu đội nhắc nhở, tôi gãi đầu ra vẻ nhận khuyết điểm, hứa
sửa chữa, nhưng sau đó lại đâu vào đấy. Tôi nói với Bình:
-- Cậu thật buồn cười, làm gì phải cố gắng phấn đấu cho mệt. Cậu thấy đấy, cứ như tớ, có phải sướng không?
Bình không nghe tôi. Tôi liền cho rằng Bình "hâm". Bình vẫn thế.
Hằng ngày, nào là huấn luyện, học tập, rồi còn "sáng thể dục, chiều thể
thao, tối đọc báo, sinh hoạt", vậy mà, trước khi ăn cơm, Bình còn mang
báo ra đọc. Có những tối, Bình còn đề nghị được gác thay cho những đồng
chí bị ốm. Nhiều buổi trưa, trong khi anh em trong đơn vị đang ngủ nghỉ,
Bình lại mang bia, mang súng ra gốc cây đằng sau đơn vị để tập. Bình
còn đề nghị với đồng chí Trung đội trưởng cần có kế hoạch cho bộ đội tập
thêm giờ đối với những đồng chí yếu và những nội dung khó, như xạ kích,
tháo gỡ các loại mìn, tháo lắp các loại súng v.v.
Tôi đang miên man nghĩ lại những chuyện trong thời gian chúng tôi
sống với nhau trong một đơn vị huấn luyện và nhận ra những thiếu sót của
mình, Bình lặng lẽ đến đứng bên cạnh tôi từ khi nào. Bình giục:
-- Thôi đi "ông nội" ạ, hãy viết ngay thư về báo tin cho gia đình mừng!
Lúc tiễn bạn ra bến xe, tôi vội nhét lá thư vào ba lô của Bình và còn dặn thêm:
--- Bình về cứ kể rõ về mình cho bố mẹ tớ nghe, đừng giấu gì cả.
Chắc chắn khi bố mẹ tớ nghe thấy thế cũng sẽ rất mừng và nói: "Cái đáng
sợ là không nhận thấy khuyết điểm, hoặc là nhận thấy mà không chịu sửa
chữa. Thằng Vĩnh nhà bác nó đã biết ân hận, biết hổ thẹn với bạn bè, với
đồng đội là tốt lắm rồi. Bác tin nó sẽ thực hiện được những nguyện vọng
như trong lá thư nó viết về gia đình...".
Tôi chia tay Bình với tấm lòng thoải mái, tự tin !
Câu chuyện thứ hai kể về ngày chủ nhật của một chiến sỹ trẻ Vũ Khắc
Bình: ...Gọi là gọi thế thôi chứ thực ra thì binh nhất Vũ Khắc Bình
cũng chẳng còn tý quyền hành gì về cái chức quản lý của mình nữa, vì anh
đã bàn giao tất tần tật cho một đồng chí khác ngay từ chiều hôm thứ bảy
để sáng thứ hai kịp về trường đào tạo hạ sỹ quan do Sư đoàn tổ chức.
Nói cho đúng hơn là Bình cũng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện phải bàn
giao chức quản lý, nhưng vì mệnh lệnh của cấp trên mà anh chấp hành. Có
thể nói, công việc quản lý đối với Bình như một tình yêu.
"Quản lý Bình" kém ba tháng nữa thì tròn hai mươi tuổi đời, quê ở
tỉnh Hải Dương, nhập ngũ đúng vào dịp sau Tết năm ngoái, cho đến nay vừa
tròn một tuổi quân. Tốt nghiệp lớp đào tạo lái xe 5 tháng, "Quản lý
Bình" được điều về đại đội Bảy. Ước mơ của anh đã trở thành hiện thực.
Quân đội đã chắp cho anh đôi cánh thần kỳ, để bay xa, vươn xa. Còn vinh
dự nào hơn được góp công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Hằng ngày, Bình đã cùng anh em trong
đơn vị khắc phục mọi khó khăn, đưa những chuyến hàng nặng nghĩa nặng
tình về những nơi mà Đảng và nhân dân cần đưa đến. Nhưng thật không may
cho Bình, đang giữa mùa chiến dịch thì anh bị một trận ốm nguy kịch,
phải nằm viện điều trị hơn nửa tháng mới khỏi.
Sau trận ốm, sức khỏe của Bình có phần giảm sút. Sau khi cân nhắc kỹ,
đơn vị quyết định điều động Bình về làm công tác quản lý của đại đội, vì
đồng chí quản lý cũ cũng đã nhận được quyết định điều động của cấp
trên. Lúc đầu Bình hoàn toàn không tin là có chuyện điều động lái xe về
làm quản lý, mãi tới khi đồng chí tiểu đội trưởng đưa quyết định tận
tay, Bình mới dẫy nẩy:
-- Nếu thật thế này thì tôi không nhận đâu !
Đồng chí tiểu đội trưởng nói:
-- Đây là mệnh lệnh ! Trước hết đồng chí cứ chấp hành !
Thế là hết ! Bình nghĩ rằng, tuy sức khỏe của mình có giảm sút đi
một chút thật, nhưng làm gì đã đến mức không "vần" nổi chiếc xe, làm gì
đã đến nỗi phải "làm việc nhẹ để khôi phục lại sức khỏe".
Mấy hôm đầu Bình cảm thấy chán ngán với nhiệm vụ, khó chịu với cái
cảnh xoong, nồi, mắm, muối như thế này. Những công việc không có một ý
nghĩa gì cả. Bình quyết định lên gặp thủ trưởng đơn vị, trình bày lý do
và nguyện vọng của mình. Bình vừa bước vào đến cửa, đại đội trưởng vui
vẻ:
-- À ! Bình đấy à ! Cứ ngồi xuống uống nước rồi ta nói chuyện sau !
Đại đội trưởng chủ động :
-- Tớ biết chuyện về Bình rồi ! Nguyện vọng của Bình là muốn trở lại lái xe phải không ?
Có tới hơn chục ý kiến Bình đã chuẩn bị sẵn trong đầu, bỗng biến đâu cả, mãi sau mới nhớ ra được vài câu :
--- Thưa đại đội trưởng, vâng ạ ! Nguyện vọng của em là muốn trở lại lái xe ạ !
-- Không phải thế đâu Bình ạ ! Đại đội trưởng nói. Nếu mọi nhiệm vụ
mà làm hết trách nhiệm thì đâu phải là nhàn. Bất cứ nhiệm vụ gì cũng đòi
hỏi con người phải có tinh thần trách nhiệm cao, tính kỷ luật cao mới
hoàn thành được.
Dừng một lát, đại đội trưởng nói tiếp :
-- Bình cứ suy nghĩ kỹ xem, có phải công việc nồi, niêu, mắm, muối
đều là không có ý nghĩa. Đại đội ta ba năm nay đã thay ba đồng chí quản
lý. Cả ba đồng chí đều tiến bộ và được cử đi đào tạo cán bộ. Chính nhờ
thấy được ý nghĩa của mọi công việc nên các đồng chí ấy đã phấn đấu hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đại đội trưởng biết rằng Bình đã hiểu được điều đó, anh nói tiếp :
-- Nguyện vọng của Bình thì đúng rồi. Nhưng trước hết Bình cứ tiếp
tục làm quản lý một thời gian nữa, sau đó chúng tôi sẽ nghiên cứu và sắp
xếp.
Thế đấy ! Tôi cũng không rõ là sau lần
gặp đại đội trưởng, Bình như thế nào, vì ngày sau đó tôi đi công tác xa.
Chỉ biết sau một tháng tôi trở về thì thấy Bình khác hẳn. Cứ nhìn Bình
làm một công việc nào đó cũng đã thầm mến yêu rồi, chứ chưa nói đến nhà
ăn, nhà bếp lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ tinh tươm. Trong kho lương
thực thực phẩm được Bình sắp xếp cao ráo, hàng nào ra hàng đấy.
Những
quyển sổ ghi chép hàng ngày đều có dòng chữ viết tay nắn nót ngoài bìa
"Chính xác là chất lượng công việc". Càng làm Bình càng thấy yêu công
việc, thấy hết ý nghĩa lớn lao của công việc và thấy trách nhiệm, niềm
vinh dự của mình hơn. Đấy cũng chính là nguyên nhân ra đời của cái tên
đến độc đáo và dễ thương "Quản lý Bình" !
Trở
lại câu chuyện ngày chủ nhật của quản lý Bình. Nếu học xong lớp đào tạo
hạ sỹ quan mà Bình được điều động về đơn vị khác, thì ngày chủ nhật hôm
ấy đi coi như là ngày cuối cùng Bình sống ở đại đội Bảy. Có một điều
thật rắc rối. Đã gần trưa rồi mà Bình chơi đâu không về ? Bạn bè đến
chia tay Bình trước lúc lên đường nghe chừng cũng sốt ruột. Bình chơi
đâu ? Một số câu hỏi nêu lên đều không có cơ sở để kết luận. Mãi sau,
một người khảng định : Nhất định Bình lại say sưa với cái chức quản lý
của mình rồi. Rõ thật là rắc rối. Lúc nào cũng quản lý Bình ! Quản lý
Bình ! Đúng mà ! Mấy người đang định chạy đi tìm Bình, thì phát hiện
được Bình đang trên đường trở về đơn vị. Chẳng biết anh gánh một gánh
gì, nhưng rõ thật nặng, áo quần ướt sũng. Đến gần mới biết là một gánh
rau tóc tiên. Không ai bảo ai, bạn bè cũng tập trung vào làm dứt điểm
công việc. Vừa thái rau, Bình vừa vui vẻ thanh minh với bạn bè :
--- Sáng nay tớ sáng xê Tám chơi. Đi qua một đoạn sông, thấy nhiều
rau tóc tiên quá. Chơi ở xê Tám về, tớ mượn luôn đôi quang gánh ở đó để
lấy ít rau về cho đàn lợn. May quá, đàn lợn đang vào thời kỳ hiếm rau
ăn. Mấy con lợn mới đẻ, chúng ăn thật hung !
Mọi người đang tập trung vào Bình, thì Thắng, người cùng quê và nhập ngũ cùng ngày với Bình, chạy đến nói liến thoắng :
-- A ! Bình đây rồi ! Hoan hô quản lý Bình !
Anh em cũng chẳng biết ra sao nữa, thì Thắng giơ tờ báo ra :
-- Đây là vật kỷ niệm của quản lý Bình !
Đó là tờ báo của Sư đoàn phát hành. Trong số báo đó có bài viết về
Bình. Người viết là đồng chí Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn. Bài báo khá
dài, được đóng khung trong mục "Gương người tốt việc tốt".
Mọi người chăm chú nghe Thắng đọc nguyên văn bài báo, riêng Bình thì
chốc chốc lại "à" lên một tiếng rõ gượng, đó là khi bài báo có những
chữ "Quản lý Bình" !
-----------
VŨ ĐĂNG BÚT, Sn 329, đường 20/8, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang.
Đt 0335491309.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét