Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2021

HAI TIN VUI CHO NỀN THƠ HAI-KU VIỆT Lê Đăng Hoan

 

HAI TIN VUI CHO NỀN THƠ HAI-KU VIỆT

Lê Đăng Hoan

 Nhà văn

 

Sáng hôm nay ,tôi nhận được hai tập thơ- hai niềm vui của thơ Haikư Việt đến cùng một lúc.

Niềm vui thứ nhât :

Tạp chí “ GONG”, số 73, (Quý 4-2021) của Revue francophone de Haiku, với chữ ký tặng của nhà thơ Haikư, Chủ nhiệm CLB Haikư Việt Hà Nội, Đinh Nhật Hạnh. Lời đề tặng là một sự động viên sâu sắc cho tôi, càng tin tưởng vào những bước đi vững chắc của Haikư Việt:“ Thành quả nhỏ nhoi 15 năm « Nguyện làm chú tiểu /quét chùa/ Haikư’”.

15 năm qua, nhà thơ Đinh Nhật Hạnh không những đã góp phần  đưa Haikư Nhật vào Việt Nam để phát triển thành một nhánh “Haikư” ngày càng lan tỏa rộng trên khắp đất nước ta, mà còn đưa các nhà thơ Haikư Việt ra thế giới, để có hơn 20 hội viên trở thành Hội viên của Hiệp hội Haikư thế giới, có bài đăng định kì trên tạp chí Haikư thế giới của WHA. Còn lần này, trên Tạp chí Haikư “GONG” số 71-số tháng 10-12/2021 của Hội Haiku Francophone , Chủ tịch Jean Antonini đã dành nguyên 8 trang (trang 20-27) để giới thiệu về nhà thơ Đinh Nhật Hạnh –Haijin Việt đầu tiên được giới thiệu trên Thi đàn Haikư Pháp cùng với 23 bài thơ Haikư của tác giả bằng tiếng Việt và tiếng Pháp rất trang trọng.

Đó không những là niềm tự hào của bản thân nhà thơ, Chủ nhiệm của chúng ta, mà còn là niềm tự hào của nền Haikư Việt.

 

                                                                             BÁC SĨ ĐINH NHẬT HẠNH

 

Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2021

Chùm thơ Nguyễn Xuân Thắng

 


Chùm thơ Nguyễn Xuân Thắng

 

Mẹ

Xế chiều, tuổi mẹ sang

Thác bạc về mái tóc

Chân run nào cất bước

Ngỡ như vào không gian

 

Băng qua hai thế kỷ

Ba, bốn cuộc trường chinh

Đôi vai gầy nặng trĩu

Gánh nước non vô hình

 

Đất trời còn thương nhớ

Cô sơn nữ năm nào

Bên rừng xa xanh thẳm

Đẹp tựa ánh ban mai.

 

 

Tặng Mẹ kính yêu

2021/Nguyễn Xuân Thắng

 

Nh thương!

20 năm nhẹ nhàng

Cha vào thiên thu bất tận 

Chia tay nhẹ nhàng cõi tạm

 Vấn vương còn bao nỗi ưu phiền

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021

Chùm thơ Phạm Ngọc Sách

 


Chùm thơ Phạm Ngọc Sách

GIÀN HOA CHƯA BIẾT TÊN

                    Tác giả: Phạm Ngọc Sách

Em tặng cho anh một giàn hoa
Từ mặt đất , leo lên tầng tư sân thượng.
Hoa chỉ nở khi nhiều ánh mặt trời chiếu xuống
Rất lặng thầm một màu tím thủy chung.

Em hỏi anh : Anh biết hoa gì không ?
Anh ngần ngại rồi trả lời không biết.
Ôi màu hoa như bằng lăng tha thiết
Cứ ngắm nhìn mà da diết, bâng khuâng !

Em lại trồng cho anh giàn hoa ấy tự mấy năm
Ở cửa xưởng công ty như lặng thầm nhắc nhở
Anh đi đâu em cũng theo đi đó
Mỗi lúc nhọc nhằn, anh sẽ đỡ cô đơn.

Giàn hoa em cứ thế lớn lên hơn
Rực rỡ một mảng tường sớm hôm khoe sắc
Hoa cứ đẹp như tình em bền chắc
Ở trong lòng,  mỗi  thời  khắc phải xa em.
                          Hà Nội  13-6-2020.

BÊN DÒNG HƯƠNG GIANG

                        Tác giả : Phạm Ngọc Sách

con-gai-hue

Lại về đây sau bao ngày xa cách
Ta nhớ nhiều, nhớ lắm Huế yêu ơi !
Dòng sông Hương  êm ả, nhẹ nhàng trôi
Gió vi vút khẽ luồn qua kẽ lá .

Thứ Năm, 28 tháng 10, 2021

HOA HUÊ TÌNH CÒN THƠM...?

 



Truyện ngắn HOA HUÊ TÌNH CÒN THƠM đến với tôi có kì lạ và khó tin.Tôi mơ thấy câu chuyện ấy ,rồi viết lại không phải sửa chữa gì nhiều.Cảm ơn anh chị em công tác tại Báo Văn nghệ đã đưa đứa con tinh thần này đến với bạn đọc.Kính mời anh chị em cùng bạn bè ngắm nhìn loài hoa HUÊ TÌNH cùng tôi.
HOA HUÊ TÌNH CÒN THƠM...?
Nguyễn Đức Hạnh – Đại học Thái Nguyên
Đêm hội Lim huyền ảo, những câu hát óng mượt và ngọt như tơ tằm tẩm mật ong bay lượn dan díu nhau trên vòm trời, trước khi lặng lẽ vào làm tổ trong trái tim người nghe. Có nhiều giọt nước mắt lặng lẽ rơi rồi lăn đi tìm câu hát. Hàng ngàn người nghe như bị thôi miên tập thể, già thì nhìn thấy mối tình đầu thổn thức, trẻ lại được ngắm giấc mơ tình yêu của mình vỗ cánh bay trong câu hát. Hàng ngàn cây cổ thụ quanh vùng đất này như đã uống bao bài dân ca ấy trong hàng vạn đêm, giờ như muốn cất tiếng hát, khẽ lắc lư, lá non xanh ôm lá vàng rồi cùng vẫy sao trời. Đợi đến nửa đêm, khi mọi người về hết những cổ thụ ấy lại hát đối đáp cùng nhau. Những câu hát ban đầu hóa thành sương khói trắng mờ, đến gần sáng khi cả trăm cây già nua cùng hát, bài ca của thảo mộc có linh hồn hóa thành trận mưa ngọt tưới đẫm Đồi Lim.

Thứ Tư, 27 tháng 10, 2021

NGUYỄN DU ĐÃ LÀM GÌ KHÁC THANH TÂM TÀI TỬ

 


 NGUYỄN DU ĐÃ LÀM GÌ KHÁC THANH TÂM TÀI TỬ TRONG ĐOẠN TRÍCH “THÚY KIỀU BÁO ÂN BÁO OÁN”? *

                   PGS.TS. Vũ Nho

(Trích trong chuyên khảo : Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều – so sánh và bình luận, nxb Hội Nhà Văn, 2016)

Trước nay ở ta khi bàn về “Truyện Kiều” thường có hai xu hướng. Một cho rằng nội dung “Truyện Kiều” dựa vào “Kim Vân Kiều” của Thanh Tâm Tài Tử, Nguyễn Du không có đóng góp gì lớn. Đóng góp lớn nhất của Nguyễn Du là chuyển một cuốn tiểu thuyết chương hồi, thành tiểu thuyết bằng thơ mà những câu thơ kết tinh nghệ thuật thơ lục bát của dân tộc. Nghĩa là Nguyễn Du chỉ có đóng góp phần nghệ thuật mà thôi.

Xu hướng thứ hai cho rằng không phải như vậy. Tuy là dựa vào cốt truyện của Thanh Tâm Tài Tử, nhưng Nguyễn Du đã làm mới rất nhiều về nội dung, đã sáng tạo thêm nhiều, đồng thời đưa nghệ thuật lục bát lên đỉnh cao của nghệ thuật thơ ca. Nghĩa là Nguyễn Du đã làm mới tác phẩm truyện vốn chỉ là trung bình khá của nước bạn, thành một tiểu thuyết bằng thơ hoàn hảo cả nội dung và nghệ thuật, trở thành một kiệt tác không chỉ của nước ta, mà của kho tàng văn chương nhân loại.

Khi học ở Đại học, tôi vẫn còn băn khoăn và nghiêng về xu hướng thứ nhất. Tôi cho rằng cả cái chuyện Tú Bà dạy Kiều “Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề” để chiều khách làng chơi, Nguyễn Du cũng không bỏ, vậy thì cụ sáng tạo những gì?

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2021

Dành cho người yêu thích TRUYỆN KIỀU

 


 BẢN VĂN DỊCH SANG QUỐC ÂM 

B. bản dịch của Tô Nam Nguyễn Đình Diệm

dịch sát thể văn biền ngẫu , một thể văn xưa

Thanh Tâm Tài Tử cổ kim minh lương đề tập biên

 

BÀI TỔNG THUYẾT CỦA VUA MINH MỆNH

 

Ví phỏng:    '

Tài nọ xui người lầm lỡ

Tình kia vì cảnh đổi đời

Khăn yếm áo xiêm, một người khoác đủ

Phong lưu gia giáo, muôn thuở nêu cao

Danh còn mà phân vân nghị luận, nấm mồ xanh chôn chặt nỗi oan

Tâm phải mà sự tích trái lẽ, dưới suối vàng ngậm cười số phận

Vì chẳng một phen bình phẩm, khóc người xưa để tặng người nay

Thì sao tia sáng rõi ra, và sử thiếu để thành sử thực

 

Nhớ xưa:

 

Thời Minh có người con gái

Họ Vương cũng hạng danh gia

Đài Đồng Tước khóa kín gió xuân, đàn khêu khúc oán

 

Ngõ Ô Y ngâm vần tơ liễu, thơ gợi mạch sầu

Gió bụi nửa đời, khối hận Tiếu lang chưa kết

Cung thương lầu bậc, mối sầu thương nữa sớm vương

Ví thử tình duyên không sao cởi mở

Thì phần tài tử, cũng đáng xót thương

Tỉnh giấc kê vàng, tập xuân mộng của Lưu hiệu thư chẳng hão

Đề thơ lá thắm, nét thu ba của Kim công tử dễ yêu

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2021

CHÙM THƠ ĐỨC BÌNH

CHÙM THƠ ĐỨC BÌNH

 c_bnh

LÀNG ƠI !


           “ …Phi nông bất ổn

 Phi trí bất hưng ..”                                                                 

Gánh con chạy giặc - lên rừng
Giặc tan – kiếm sống đã từng ly hương

Ruộng đồng một nắng hai sương
Cúi mặt nhìn đất nhớ thương mùa vàng !

Lũy tre mái rạ hồn làng
Một đời cầy cuốc cưu mang cõi người

Nước sông đổ lãn nước ngòi
Trống ai đánh ngược , ếch ngoi lên bờ .

Làng ơi ! còn lại trong mơ
Kiếm cơm : Ra tỉnh 
                      Bây giờ tỉnh chưa ?

Mẹ  già con dại trong mưa
Chạy loạn , chết dịch có chừa ai đâu ?

Tình xưa mở dạ thương nhau
Lại về lạy nắm đất nâu quê nghèo !


                                        HÀ ĐÔNG 4.10. 2021
                   ( Những ngày Sài gòn dân hồi hương chạy dịch Vũ Hán)

                                                ĐỨC BÌNH

LỚN LÊN EM !

 

Em chưa kịp hiểu cuộc người

Mới vừa bật khóc chào đời . Mẹ đâu ?

Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2021

THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU VIẾT VỀ KHUẤT NGUYÊN

 

THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU VIẾT VỀ KHUẤT NGUYÊN Sửa

THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU VIẾT VỀ KHUẤT NGUYÊN TRONG MẢNG THƠ ĐI SỨ VÙNG HỒ NAM ( TRUNG QUỐC )

MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN
( Tóm lược )
Khi đọc thơ chữ Hán Nguyễn Du, tôi đặc biệt chú ý tới mảng thơ nói về các danh nhân văn hóa - lịch sử, nhất là về các bậc thầy văn chương Trung Hoa như Khuất Nguyên, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Liễu Tông Nguyên, v.v.
Trong bài viết này, tôi xin khảo sát 8 bài thơ Nguyễn Du viết về Khuất Nguyên hoặc có liên quan tới Khuất Nguyên, xoay quanh mấy vấn đề chủ chốt sau:
1. Là một nhà văn - nghệ sĩ tài năng, Nguyễn Du có thể nói là người VN đầu tiên đánh giá về tài năng văn chương của Khuất Nguyên, và ông có đủ tư cách để làm điều này một cách chính xác.
Nguyễn Du đã từng trăn trở đi tìm thêm cái nguyên do, cái cội nguồn của sự sáng tạo văn học, thông qua những bậc thầy văn chương nước bạn cùng những tư tưởng văn học từ thời cổ đại Trung Quốc, mà đặc biệt là cái tư tưởng, nói như học giả Lixêvich: “xem văn học như một sự tự biểu hiện của những chiều sâu bí ẩn của tồn tại. Với tư cách đó người ta sử dụng văn học vào việc sáng tạo cuộc sống và bản thân con người như là nơi chứa đựng của khí, một thực thể cực kỳ tinh vi của thế giới, như là điểm quy tụ của tinh thần thế giới có khả năng nhận được hồi âm từ mọi phía của vũ trụ […] là một sự đột phá trong khoảnh khắc vào bản chất, là sự bừng sáng thi vị, một trong những phương thức nhận thức siêu cảm tính”
Như vậy, Nguyễn Du quan tâm sâu sắc tới số phận của Khuất Nguyên không chỉ bởi đó là một nhân cách sáng chói về đạo làm người trong thời đại loạn ly, tàn bạo, mà còn bởi đấy là một nghệ sĩ ngôn từ, được đời sau như Lixêvich đánh giá: “Bắt đầu từ Khuất Nguyên tác giả cá nhân trong thơ đã trở thành chuẩn mực”; Nguyễn Du không chỉ coi “ngôn từ chỉ là môi giới của cái vĩ đại”, mà ông đã coi bản thân ngôn từ nghệ thuật cũng là một hiện hữu vĩ đại không kém. Chắc chắn Nguyễn Du đã biết tới Khuất Nguyên qua Sử ký của Tư Mã Thiên, mà điều ông tâm đắc nhất trong đó là sự kết hợp giữa cái khí chất con người Khuất Nguyên với văn chất của Khuất Nguyên như hai mặt của một tờ giấy mà sử gia vĩ đại đã phát hiện thần tình. Sau đó, nhà Đông Phương học người Nga Alecxâyep cũng nhấn mạnh tới vẻ đẹp của văn chương Khuất Nguyên hòa hợp kỳ diệu với chiều sâu tâm hồn ông: “Tất cả những gì ông nói bằng thơ hình thức thì không lớn, nhưng về nội dung thì rất to tát, vượt ra ngoài mọi thước đo. Những cái ông đưa vào hình ảnh thì gần gũi, nhưng ý tứ thì sâu xa…”.

Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2021

ĐỌC “LÀNG MÌNH” – THƠ CHUYÊN ĐỀ của HIẾU TRÈM

 

           ĐỌC “LÀNG MÌNH”THƠ CHUYÊN ĐỀ của HIẾU TRÈM

                                               

                                                                          Đường Văn
          
                                                                         Nguyễn Hiếu

                                                           (Bản rút gọn)

ĐƯỜNG VĂN

TẬP THƠ CHUYÊN ĐỀ  ĐẦU TIÊN  RA ĐỜI TRONG BÃO ĐẠI DỊCH COVID 19 LẦN THỨ TƯ

Nguyễn Hiếu dự định in tập thơ chuyên đề này từ đầu xuân năm nay. Nhưng vì dịch dã ngăn trở nên đành dùng dắng mãi. Đợt dịch thứ 3 vừa tạm lắng chưa được bao lâu thì, đợt dịch thứ tư lại bùng phát, lan tràn khắp nước. Hà Nội ban lệnh giãn cách nghiêm nhặt. Hai tháng liền ở nhà chống dịch như chống giặc trong lo lắng, bồn chồn vì già nửa gia đình đang ở ngoài phố khiến gã sốt ruột như ngồi trong chảo nóng. Bởi thế, mãi đến đầu tháng 10, LÀNG MÌNH mới được in xong: 1000 cuốn sách đẹp, khổ vuông (19.19) theo chuẩn sách quốc tế, tinh tuyển 36 bài thơ đã viết từ những năm cuối thế kỷ trước cho đến nay, chuyên chú một chủ đề quen mà lạ: cảm hứng về cái làng quê thân yêu cuả tác giả. LÀNG MÌNH là tập thơ chuyên đề đầu tiên, kết quả của bao nghĩ suy, tâm trạng, cảm xúc mà người viết muốn sẻ chia, tâm tình cùng bạn đọc. Xưa nay, trên thi đàn Việt Nam, đề tài, chủ đề quê hương, làng quê, hồn quê Việt đã rất quen thuộc, phổ biến. Vậy, ngòi bút của lão nhà văn quê Chèm có thêm đóng góp, bứt phá, sáng tạo gì mới mẻ, thú vị? Vừa nồng nhiệt chúc mừng bạn già đang chống dịch bằng thơ, tôi vừa băn khoăn,  hăm hở tìm lời đáp cho câu hỏi ấy. LÀNG MÌNH là nhan đề của tập thơ, một cái thi đề gọn gợi, chung riêng hòa lẫn, gần gũi quen thuộc, thi vị, lại không trùng lặp với ai! Nguyễn Hiếu quả thật rất nghiêm cẩn, không hề dễ dãi, quen tay khi làm nghệ thuật, ngay từ khâu đặt tên cho tác phẩm của mình: Tên cả tập, tên từng bài. Mỗi thi đề phải ít nhiều một sáng tạo.

Thứ Năm, 21 tháng 10, 2021

NGỖNG ĐI DU LỊCH

 


NGỖNG ĐI DU LỊCH

                        BẢO NGỌC

Tên tớ là Ngỗng Xám

Thích du lịch bốn phương

Nên chăm xem thời sự

Chuyện gì tớ cũng tường:

 

Đây họ Chim Cánh Cụt

Có cánh không biết bay

Bơi lội suốt cả ngày

Chao tôm rồi bắt cá.

 

Khoác chiếc áo trắng xóa

Thân béo núc béo tròn

Là mấy chú Gấu con

Nằm phơi mình trên tuyết.

 

Lòng tớ tớ đã quyết

Phải du lịch một phen

Chắc chắn nơi Bắc Cực

Chính là xứ thần tiên!

 

Từ phương xa vừa đến

Tớ mặc chiếc áo lông

Quàng khăn len đầy cổ

Thế mà vẫn rét run.

 

Thôi nhé xin tạm biệt

Tớ bay về phương Nam

Nơi quê hương của tớ

Nắng trải trên đồng vàng.

 

Ừ, ngôi nhà Trái Đất

Đâu đâu cũng đẹp xinh

Nhưng mà nơi đẹp nhất

Chính là quê hương mình!

 

Thứ Tư, 20 tháng 10, 2021

CHÙM THƠ 4 NHÀ THƠ NỮ

 

CHÙM THƠ 4 NHÀ THƠ NỮ

chc_ngay2010.

1 .NỮ QUÂN Y

                                           

                                  Thanh Xuân

 

Ngày xưa chị vào chiến trường

Cứu thương, tải đạn cung đường hiểm nguy

Ngày nay cũng chẳng nghĩ suy

Xung phong tình nguyện ngại gì khó khăn

 

Sài Gòn chống dịch gian nan

Quân y, bác sĩ cứu dân hàng ngày

Cùng đồng đội chị chung tay

Không chọn việc, chẳng kể ngày đêm hôm

 

Chỉ hộp sữa, gói mì tôm

Giấc ngủ chợp mắt bên thềm quản chi

Đẹp thay người lính quân y

Có tâm có đức còn gì quí hơn

                                     29/8/2021

 

 

  1. THÀNH PHỐ YÊU THƯƠNG

 

                                                       Cù Thị Loan

 

Thành phố đang buồn như cơn gió mùa đông

Bỗng sáng những chấm xanh đi vào từng hẻm

Nào gạo nào rau nào nhu yếu phẩm

Áo đẫm mồ hôi lính đi chợ giúp dân

 

Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

TRANG THƠ NỮ HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI CHÚC MỪNG 20 THÁNG 10

 

TRANG THƠ NỮ  HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI CHÚC MỪNG 20 THÁNG 10

chc_ngay2010

TRƯƠNG PHƯƠNG NGHI

Vẫn rực cháy yêu thương 

 

Đêm qua mơ chợt thấy anh về

Vai đeo súng và nụ cười ngạo nghễ.

Anh đứng đó một người lính trẻ,

Áo quần xanh mũ lấp lánh sao trời.

Nhưng sao anh không nói một lời.

Anh giận dỗi em điều gì đó!

Nhìn trang sách em còn đang đọc dở

Như từng viên gạch đỏ

Xây lâu đài ngày mai.

Em muốn cùng anh tay nắm tay,

Đi đến chân trời khát vọng

Giảng đường đại học chờ ta…

 

Một làn gió thoảng qua,

Anh bỗng đi rồi đi rất xa...

Là nước,là mây hay là hoa

Em gọi tên anh với lòng yêu quí.

Ôi cái tên sao hiền hoà bình dị

Như nghĩa tình chung thuỷ không phai

Chỉ con tim, khối óc đôi bàn tay

Vốn liếng đó và gia tài cũng đó.

Sẽ giúp ta vượt muôn trùng gian khó

Chắp cánh cuộc đời bay đến ước mơ xa.

 

Nhung sẽ sờn, lụa đẹp cũng phôi pha. 

Còn trái tim em dù chông gai, bão quật

Vẫn rực cháy yêu thương anh – người lính

với tình yêu son sắt chẳng thay lòng.

 

 

PHI TUYẾT BA

Như loài trai ngọc

 

Ta cũng giống như loài trai ngọc

Viên sỏi ngậm trong lòng ta là nỗi nhớ thương

Cuộc sống quanh ta chẳng khác đại dương

Viên ngọc trong lòng ta đượm nhiều bão sóng ...

 

Ta cũng giống như con trai ngọc

Hát ru nỗi đau trong những đêm dài...

Tưới giấc mơ âm thầm bằng lệ mặn

Mong đến ngày sáng láng ngọc trai...

 

Ta cũng giống bao người đàn bà khác

Nuôi tình yêu như nuôi viên sỏi trong lòng

Để tình yêu vẫn còn nguyên trên đất

Như ngọc trai còn đó dưới đại dương...

 

 

MINH HIỀN

Có một ngày

 

Có một ngày Thu buộc cổ tay em

Nhớ chiều Hạ vừa tan cơn mưa cuối

Quả sấu vàng vàng Thu tiếc nuối

Thu trước hiên nhà Thu vời vợi Thu.

Thứ Hai, 18 tháng 10, 2021

CÔNG TRÌNH KỂ BIẾT MẤY MƯƠI

 


CÔNG TRÌNH KỂ BIẾT MẤY MƯƠI

                 PGS.TS. Nhà văn Vũ Nho

         Đồng Thị Chúc là người gắn bó và chung thủy với thể thơ Lục bát của dân tộc. Chị  viết nhiều thơ lục bát.  Có thể coi hai câu sau là lời tự bạch:

Giữa Trời Đất rộng mênh mông
Cặp đôi Lục Bát tang bồng mà đi.

                         (Lục Bát)

Cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã viết về chị thật ấn tượng:  

Có thể bạn chưa biết thơ lục bát của Đồng Thị Chúc đã từng được Ban giám khảo chọn vào vòng chung kết cuộc thi thơ của báo Giáo dục & Thời đại 1996-1998. Ban giám khảo đã tinh tường chọn lục bát cho Đồng Thị Chúc, hay chính thơ lục bát đã chọn chị? Quả là không sai. Chị viết thơ lục bát như thể thơ này đã nằm sẵn trong ngòi bút của chị, trong trái tim đầy ắp hồn quê của chị. Chị thoải mái nối vần lục bát từ chuyện vui đến chuyện buồn, từ cảm xúc yêu đến cảm xúc đau, từ tiếng khóc đến tiếng cười, từ cây đa bến nước sân đình đến phố thị thênh thang. Nhưng dù nói chuyện gì thì thơ chị vẫn bền bỉ hồn quê

                  (Lời giới thiệu tập thơ “ Con gái thì thứ hai”)

Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2021

Thầm lặng đêm về

 


NGUYỄN  THỊ  MAI

Thầm lặng đêm về

 nh_n.t.mai_1

Bao giờ thanh thản để đi hội hoa

Chọn tặng bạn ta mười bông cúc trắng

Bao giờ thanh thản lữ hành dặm xa

Xuống biển bao la lên rừng thăm thẳm

 

Bao giờ thanh thản ta về thăm nhau

Dù chẳng được lâu đêm nằm năm ở

Bước chân run run xanh qua nhịp cầu

Thân ở bên bồi hồn sang bên lở

 

Bao giờ thanh thản?

Thôi đừng ước ao!

 

Về được làm sao cái thời thiếu nữ

Chạy trên đồng hoa hát ca dòng sông

Vạt áo mùa đông ngón tay khép giữ

Đêm dài không ngủ lang thang chân trời

 

Bây giờ tất tả, tóc cùn chấm vai

Bến nước mười hai đỗ thuyền lên chợ

Hoa thì đã nở người tặng chẳng còn

Tiền đem đong gạo mang về nuôi con

 

Rồi rồi sáng ra tất ta tất tưởi

Dắt xe đi làm ra đường quên túi

Rồi rồi cắm cúi đêm về làm thơ

Lòng lại ước mơ:-Bao giờ thanh thản?

 unnamed

 

Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2021

CHÙM THƠ CÁC NHÀ THƠ NỮ

 

 


 

CHÙM THƠ CÁC NHÀ THƠ NỮ

PHAN THỊ THANH NHÀN

Mùa thu Hàn Quốc 

   0.0.20._phan_th_thanh_nhn

Sớm mai nắng trải sáng thềm

Thảm mùa thu ấm gót mềm ai qua

Guốc cao hãy để lại nhà

Cho bàn chân chạm ngọc ngà vừa rơi

 

Lá xinh đậu xuống vai người

Lá trên lưng áo theo tôi bất ngờ

Khắp trời lá trút như mơ

Để cho mặt đất phủ mưa vàng mười

 

Thảm thơm mềm- ngả lưng thôi

Bao nhiêu lá đỏ nghiêng trời ru say

Ước gì ai đó cầm tay

Để mùa thu thoáng qua này, hóa Xuân.

 

 

 

VŨ THỊ  MINH THU



Say

Người đàn bà uống rượu với đêm

uống cạn những ngày nhung nhớ

 cạn đau khổ

cạn niềm vui

cạn ngày bão tố 

 

Thứ Năm, 14 tháng 10, 2021

XÁC ĐÀO

 


XÁC ĐÀO

TRUYỆN NGẮN CỦA NHƯ BÌNH

Cha tôi ngồi bệt xuống cội gỗ xoan, không buồn chùi hai bàn tay ngày một thô sần hơn, lấm đầy đất vào chiếc quần bảo hộ. Ông với lấy điếu cày, hí húi nhồi thuốc vào nỏ, chậm rãi, xòe diêm châm lửa rít lấy một điếu rõ no. Trên tay vẫn giữ cái điếu, ông tựa hẳn tấm lưng gù gù dày một cục vào chân chiếc bàn gỗ xoan nhẵn thín, nhắm mắt phả một ậng khói đặc quánh.
Khí trời đang vào đông, đủ lạnh để đám khói nhả từ cổ họng cha tôi ứ ra một cục. Cục khói từ từ cuộn mình quanh quẩn hồi lâu trước mặt cha rồi mới phụt lên, khuấy loãng ra rồi tan vào không khí. Cha tôi thường chỉ rít một điếu. Rít cho thật sâu, một hơi kiệt lực. Là khi trời vào chiều, ánh dương xuống tà tà trên cánh đồng đã vắng bóng người. Ấy là lúc ông đã mệt bã ở ngoài ruộng, chỉ còn muốn lê gót trở vào chòi. Cơn mệt mỏi về thể xác đã lộ rõ ở dáng đi chậm chạp, ở cái nhìn xa xôi hoang lạnh, và điệu ngồi bệt xuống cội gỗ xoan, duỗi hai chân, nhét một vê thuốc lào đầy nỏ điếu rồi xòa lửa rít một hơi thật sâu…
Mỗi lần cha tôi rít thuốc lào, tôi cứ tưởng như ông không thở nữa. Mọi giác quan ông dồn hết vào cú rít, tinh thần như an trú bất định trong lơ mơ khói thuốc. Ông thu hết chút sức lực còn sót lại để nhốt cái bụm khói xám ngoắc ấy vào ngực, giữ cho nó nén thật lâu ở đâu đó trong vòm ngực rồi sau đó chừng không chịu đựng được hơn nữa, mới há mồm cho từng từng bụm khói bật tung ra. Rồi lấy hết sức cha tôi phả một hơi cuối cho mù mịt tầm nhìn. Khói thuốc lào đặc quánh, lờ đờ bay trong không gian căn chòi nhỏ. Mắt cha tôi từ từ khép lại.
Những lúc ấy, tôi không đoán được cha đang thư giãn, hay đang cố nén sâu vào ngực một hơi thở dài. Cảm giác là lúc cha tôi trống không nhất. Tách rời với bọn đào ở vườn, ông chỉ còn làm bạn với cái đám khói xám ngoắc. Ông và khói, nhập nhòa vào nhau, như thể, phần xác ông tựa vào mỏi mệt ở góc nhà, còn phần hồn ông đang thoát bay vơ vẩn mông lung cùng đám khói. Ông ngồi đó, lơ mơ nhìn linh hồn mình bay lượn một cách vô nghĩa. Tôi không biết, có lúc nào ông cảm thấy tôi đang tồn tại rất gần ông hay không, hay thế giới của cha chỉ có đào, và triền miên chìm trong những giây phút rỗng không tôi vẫn thường bắt gặp ở ông suốt những năm tháng ông bỏ phố lên vườn đào để ở...

Thứ Tư, 13 tháng 10, 2021

THƠ “NGƯỜI MƠ MỘNG” ĐIỂM NĂM


 

THƠ “NGƯỜI MƠ MỘNG” ĐIỂM NĂM

                   Đọc 2 tập thơ  Chân trời tối sáng ” và “Cãi trời” của Đặng Quốc Việt, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2021

                                        Vũ Nho

                                                                     TÁC GIẢ ĐẶNG QUỐC VIỆT
 

       Nhà thơ Đặng Quốc Việt, Kĩ sư Đại học Bách Khoa,  Hội viên Hội nhà văn Hà Nội  là người bền bỉ với thơ. Tác giả đã in 5 tập thơ riêng :  Ban mai và trăng, Sắc hè, Phao cứu sinh, Chân trời tối sáng, Cãi trời  và một tập tiểu luận “Tri ân bằng hữu”. Không phải là  quá nhiều, nhưng  “chuyện tay trái” mà có thành tựu như thế  trên văn đàn cũng không thường gặp.

          Một điều hơi khó cho người làm phê bình là nhà thơ hoặc là cố ý, hoặc là vô tình, ít khi ghi ngày tháng và địa điểm thành thơ dưới mỗi bài. Thành ra đành phải căn cứ vào lời thơ, ý thơ mà suy đoán thời gian sáng tác. Đó là khi anh học sinh Đặng Quốc Việt làm Lớp trưởng ở trường cấp 3, còn vụng dại, ngây ngô, hay là khi chàng sinh viên Bách Khoa đang ở nơi sơ tán? Có bài thơ  ghi rõ được làm ở Cộng hòa Liên bang Đức, 2001. Nhưng nhiều bài không ghi địa điểm và tháng năm. Thêm nữa, tác giả là người chỉn chu, luôn  luôn “thôi xao” (cân nhắc, chọn lựa, sửa chữa cho hoàn chỉnh – một từ  ghép có điển tích về chuyện nhà thơ  Giả Đảo của Trung Hoa chọn chữ đẩy  (thôi) hay chữ (xao)  khi sáng tác, sau có nghĩa là kì công sửa chữa). Nếu có điều kiện đối chiếu bản đầu tiên, với bản sau “thôi xao” chắc cũng có nhiều chuyện thú vị.

          Nhưng bây giờ thì chuyện đó hãy gác lại. Tôi muốn cùng bạn đọc tìm hiểu thi nhân Đặng Quốc Việt hiện hữu trong hai tập thơ vừa mới trình làng năm 2021 như một cặp song sinh.

 


 


 

Thứ Ba, 12 tháng 10, 2021

CÓ MỘT NGƯỜI THƠ “LẮNG LẠI” VỚI HÒA BÌNH

 


CÓ MỘT NGƯỜI THƠ “LẮNG LẠI” VỚI HÒA BÌNH

BÙI ĐỨC KHIÊM


n.hong_sn

NHÀ THƠ NGUYỄN HOÀNG SƠN


“Thị xã trong tôi lắng lại tự bao giờ…” là một câu trong bài thơ Đi trong đêm thị xã của bạn tôi - Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn - Thị xã ở đây là thị xã Hòa Bình: Tôi đi trên đường phố Hòa Bình / Nghe dòng sông đâu đây, gần lắm / Tiếng gió qua lùm cây như tiếng sóng / Hơi nước bay đầy dịu mát trời đêm / Bỗng thấy dòng sông như nhịp đập quả tim / Quả tim khỏe không bao giờ mệt mỏi / Như dòng sông dù không hề nghĩ tới / Vẫn đến với ta trong giấc ngủ mỗi người.

Đó là đoạn mở đầu của bài thơ dài những 57 câu được Nguyễn Hoàng Sơn gửi dự cuộc thi thơ năm 1975 của tuần Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) và rồi bài thơ được trao giải khuyến khích đầu năm 1976. Giải không cao, nhưng với một tác giả, chàng trai mới 26 tuổi, sáu năm sau tốt nghiệp đại học kinh tế Quốc dân rồi được phân công lên công tác ở tỉnh miền núi “cửa ngõ” của miền Tây bắc thì quả là“oách”so với nhiều người.

 Sau đoạn mở đầu, tác giả giới thiệu về mình: Tôi đi từ một thành phố miền xuôi / Nơi không khí ồn ào sôi động / Điện nhấp nháy những ngã ba to rộng / Công viên đêm đêm sao rụng đầy hồ / Tôi đi từ cuộc sống Thủ đô / Đến nơi đây cửa ngõ vào Tây bắc / Núi và núi, nhiều hơn nhà gác / Thị xã chạy dài như không có bề ngang…

Thị xã chạy dài như không có bề ngang…đúng quá và chỉ có Hòa Bình với con đường số Sáu độc đạo chạy qua! Với Đi trong đêm thị xã, Nguyễn Hoàng Sơn một bước được ngồi cùng “chiếu giải” sang trọng với 19 tên tuổi của văn đàn cả nước thời kỳ đó và cả sau này, những: Hữu Thỉnh, Văn Lê, Anh Ngọc (giải A); Lê Đình Cánh, Huyền Sâm, Đoàn Việt Bắc (giải B) rồi Ngô Văn Phú, Nguyễn Phan Hách, Hà Phương, Võ Thanh An, Trần Mạnh Hảo, Mai Văn Hai, Vĩnh Quang Lê…(giải C và giải khuyến khích).

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

BẾN TRẦN GIAN

 


BẾN TRẦN GIAN

               TRUYỆN NGẮN CỦA VŨ THIỆN KHÁI

 nh_v_thin_khi_1

                                                                      

 

Làng Điềm có gia tộc Nguyễn Đoan cách vài đời lại sinh ra một vị đại khoa. Vào thời kỳ triều đình nhà Nguyễn sắp suy tàn, ngài Bảng Nhãn Nguyễn Đoan Thiết đương quan Ngự Sử chán nản xin cáo lão về sống ở quê nhà. Xem gia phả thì đến đời thứ sáu, ngành trưởng của ngài sinh được mỗi mình Ông Cả Thi. Cả Thi cũng hiếm hoi chỉ có một người con trai tên là Cả Thư nối dõi. Một đêm giông gió cách nay mấy chục năm Cả Thư biến mất.  Đôi dép cao su đứt quai và tấm áo cộc tay rách mướp Cả Thư để lại, sáng hôm sau người ta tìm thấy nằm phập phờ mớm nước dưới chân bậc đá bến Trần Gian. Từ bấy đến nay, mọi người dân làng Điềm vẫn đinh ninh cậu ta đã bị sông Nguồn cuốn ra biển Đông mất xác rồi

Anh Cả Thư mất tích năm ấy chính là cái ông Việt kiều vừa đột ngột xuất hiện ở làng Điềm cả tháng nay. Ông về làng Điềm trước tôi chừng mươi ngày. Một nửa người làng Điềm từng quen biết ông đều tỏ ra thương cảm, chen lẫn mừng rỡ. Một nửa kia, toàn bọn trẻ, thì tò mò lạ lẫm. Có cô, cậu không giấu vẻ thán phục từ bộ quần áo ông mặc cho đến đôi giày ông mang. Chúng háo hức truyền vào tai nhau: Hàng hiệu nổi tiếng không à, mỗi cái có giá xêm xêm tấn thóc đấy.

Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2021

Những kỷ niệm xanh ngày ấy

 


Những kỷ niệm xanh ngày ấy

 

(Kính tặng thầy Nguyễn Ngọc Thiện và các bạn học viên cùng lớp)

                 

                                          Nguyễn Thị Lan

 


“Bàn chân ướm vào vạt cỏ

Để xanh đến tận bây giờ”

                                (Trần Khoái)

Nếu “kỷ niệm” là một thực thể vật chất có màu sắc thì kỷ niệm những ngày ấy của chúng tôi mang màu xanh tươi mát, để bây giờ mỗi lần nhớ lại tôi lại thấy bâng khuâng, dịu ngọt,thanh thản, bình yên.

 

1.”Ngày ấy” là những ngày giữa tháng Tám năm 2014, khi mùa Hè đang dần qua, trên cây phượng già trước cửa nhà Bảo tàng Văn học Việt Nam còn sót lại mấy chùm hoa đỏ rực, chúng tôi- 21 học viên từ 16 tỉnh, thành phố trong cả nước (từ Lạng Sơn đến Tiền Giang)- về dự “Trại viết Lý luận Phê bình văn học  nghệ thuật” do Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội.

21 học viên từ các miền quê khác nhau, đa phần tuổi đời không còn trẻ. Người nhiều tuổi nhất 76 tuổi (sinh 1938), người ít tuổi nhất 25 tuổi (sinh1989). Tất cả hiện đang đảm nhiệm các công tác biên tập, xuất bản, viết lý luận phê bình ở các Hội, các báo, tạp chí trung ương và địa phương. Đó là những cây bút có tâm huyết và năng lực hoạt động trên lĩnh vực lý luận phê bình VHNT. Về đây, chúng tôi  tạm rời xa công việc thường ngày và làm “học trò” trong 11 ngày. Hơn chục ngày học tập, hoạt động khẩn trương sôi nổi qua đi nhanh chóng nhưng để lại dấu ấn khó phại mờ trong trái tim, khối óc của những học viên chúng tôi.