Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2021

Những kỷ niệm xanh ngày ấy

 


Những kỷ niệm xanh ngày ấy

 

(Kính tặng thầy Nguyễn Ngọc Thiện và các bạn học viên cùng lớp)

                 

                                          Nguyễn Thị Lan

 


“Bàn chân ướm vào vạt cỏ

Để xanh đến tận bây giờ”

                                (Trần Khoái)

Nếu “kỷ niệm” là một thực thể vật chất có màu sắc thì kỷ niệm những ngày ấy của chúng tôi mang màu xanh tươi mát, để bây giờ mỗi lần nhớ lại tôi lại thấy bâng khuâng, dịu ngọt,thanh thản, bình yên.

 

1.”Ngày ấy” là những ngày giữa tháng Tám năm 2014, khi mùa Hè đang dần qua, trên cây phượng già trước cửa nhà Bảo tàng Văn học Việt Nam còn sót lại mấy chùm hoa đỏ rực, chúng tôi- 21 học viên từ 16 tỉnh, thành phố trong cả nước (từ Lạng Sơn đến Tiền Giang)- về dự “Trại viết Lý luận Phê bình văn học  nghệ thuật” do Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội.

21 học viên từ các miền quê khác nhau, đa phần tuổi đời không còn trẻ. Người nhiều tuổi nhất 76 tuổi (sinh 1938), người ít tuổi nhất 25 tuổi (sinh1989). Tất cả hiện đang đảm nhiệm các công tác biên tập, xuất bản, viết lý luận phê bình ở các Hội, các báo, tạp chí trung ương và địa phương. Đó là những cây bút có tâm huyết và năng lực hoạt động trên lĩnh vực lý luận phê bình VHNT. Về đây, chúng tôi  tạm rời xa công việc thường ngày và làm “học trò” trong 11 ngày. Hơn chục ngày học tập, hoạt động khẩn trương sôi nổi qua đi nhanh chóng nhưng để lại dấu ấn khó phại mờ trong trái tim, khối óc của những học viên chúng tôi.

Ấn tượng đầu tiên là nơi học.

Trại viết được mở tại Bảo tàng Văn học Việt Nam, 20B ngõ 275, đường Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội. Trước khi đến đây tôi được anh bạn đồng môn đại học, nhà thơ Đinh Quang Tốn, một trong những người phụ trách trại viết- gọi điện bảo: “Bạn đến đây đi, ở đây đẹp lắm”. Và quả thực, nơi đây khung cảnh thiên nhiên đẹp tuyệt vời. Ngõ 275 thật mát mẻ, yên bình, tĩnh lặng- một khoảng tĩnh lặng hiếm có giữa chốn đô thành- với con đường nhỏ yên tĩnh, mát rượi bóng cây. Nơi đây là ngõ của cây, của hoa, của “làng trong phố”. Bất chấp ngoài kia những ồn ào, những chen lẫn, những vội vã, những chật chội, con ngõ này như có một “bầu trời khác”, một “thế giới khác”, trong trẻo, an lành. Một ngày ở đây thanh thản trôi trong tiếng gà gáy sớm, tiếng chim ríu rít, trong hương hoa ngọc lan, trong mùi ổi chín, trong sắc xanh êm đềm, trong chùm hoa buông lững lờ trước hiên nhà. Quảng Bá, cái “thiên đường” mang sắc xanh ấy đã tiếp thêm năng lượng, truyền cảm hứng để chúng tôi học tập và viết mà mỗi lần nhớ lại tôi không khỏi xao xuyến và biết ơn.

 

Trong 11 ngày đó, chúng tôi như trở lại tuổi thơ, hàng ngày lên lớp được các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ Phong Lê, Hà Minh Đức, Nguyễn Ngọc Thiện, Hà Thị Minh Thái, Phan Trọng Thưởng giảng bài; các nhà văn, nhà thơ Hữu Thỉnh, Đinh Quang Tốn, Tùng Điển nói chuyện. Ngoài giờ lên lớp, một số học viên trong lớp còn được gặp nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà thơ Bằng Việt…Trong số đó, không ít người là “thần tượng” của mỗi người mà giờ đây chúng tôi mới may mắn được gặp, thật thỏa mãn và hạnh phúc.

 

Về đây, chúng tôi không chỉ có thêm những người thày mới mà cả những người bạn mới. Không phân biệt tuổi tác, vùng miền, thổ âm khác lạ, chúng tôi thực sự là những “bạn đồng môn” của nhau. Mọi người cùng học tập, ăn ngủ, vui chơi; cùng chung thày bạn, chung những kỷ niệm.Nhớ sao những buổi lên lớp miệt mài, những buổi tham quan, khảo sát thực tế, những buổi tối cùng nhau ra hồ Tây ngắm sao trời, mặt hồ lấp lánh, cùng trò chuyện ca hát…Xa nhau đã bao năm trời chúng tôi vẫn nhớ đến nhau, thỉnh thoảng gọi điện, nhắn tin, gửi sách tặng nhau. Giờ đây, ngồi nhớ lại tôi muốn nói với 20 người bạn năm xưa ấy rằng: “Bạn ơi, tôi nhớ. Nhớ bạn và nhớ chính tôi trong những ngày đẹp đẽ ấy”. Và tôi lại nhẩm thầm câu thơ của ai: “Bạn bè đây như lửa ấm hoàng hôn/ Nốingày nắng với đêm dài quanh quẽ”.

 

2.Trong những thày cô giáo ở trại viết thì PGS. TS. Nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện là một trong những người để lại trong chúng tôi những ấn tượng  sâu sắc nhất. Ông là giáo viên chủ nhiệm lớp tôi.

Là một độc giả quen thuộc của tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, từ lâu tôi đã có ấn tượng với cái tên “Ngọc Thiện” của TBT, và rồi cứ hình dung tưởng tượng về người có cái tên đẹp ấy. Đến khi được thày chủ nhiệm lớp, cái ấn tượng ấy càng rõ nét. Thày thân thiện, gần gũi với mọi người và đặc biệt rất bộc trực, thẳng thắn, vô tư. Thật lạ, tuy có tuổi nhưng với lớp thày rất quan tâm, sâu sát, trách nhiệm, đầy tâm huyết và nhiệt thành. Chúng tôi những cựu học sinh, sinh viên, rời ghế nhà trường đã mấy chục năm nay lại có một thày chủ nhiệm lớp tình cảm, gần gũi như thế thật vui và thích, Trước thày, chúng tôi như thấy mình trở lại tuổi học trò.

Sau này, trong chuyến đi tham quan các di tích lịch sử tâm linh ở Bắc Ninh, chúng tôi được dịp về thăm quê hương, gia đình thày ở làng Nành (làng Ninh Hiệp) thuộc phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh xưa và lại nhận thấy thày yêu quê hương và gia đình biết mấy.

 Làng Nành quê thày có chùa Nành. Chùa được xây dựng từ thời Lý, một ngôi chùa cổ kính, khá lớn, đẹp nhất xứ Kinh Bắc xưa. Chùa đươc mệnh danh là “Bắc Giang đệ nhất Thiền môn”, một trong bốn chùa thờ Tứ pháp lớn nhất miền Bắc, đã được xếp hạng “Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp quốc gia”. Có về Kinh Bắc mới hiểu chiều sâu văn hóa  trong những con người  của vùng đất này, trong đó có thày chủ nhiệm lớp tôi.

Thày còn đưa lớp về thăm ngôi nhà cổ trăm tuổi của tổ phụ thày để lại. Đó là một  ngôi nhà với kiến trúc cổ, tinh tế từ chiếc cổng đến nội thất, Vẫn còn nguyên đây dấu vết của thời gian: một sân gạch bát tràng,một giếng thơi duy nhất của làng. Trong nhà là những bức hoành phi, câu đối, tượng hai cụ thân sinh ra thầy…Tất cả cho thấy thầy xuất thân trong một gia đình nề nếp,gia phong, trọng sự học, trọng điều thiện và người trai làng Nành đã noi theo truyền thống tốt đẹp đó của gia đình mình.

Ở Hà Nội, chúng tôi đã đến thăm tư gia và đặc biệt ngưỡng mộ thư viện với 10 000 đầu sách của gia đình thày. Nếu tiền đề của sự thành công của người nghiên cứu phê bình  là “tư liệu phải cao như núi” (V.I Lê nin) thì chúng tôi đã gặp núi sách đó. Thư viện ấy đã “nói” lên rất nhiều chiều sâu văn hóa đọc trong con người và sự nghiệp văn chương của chủ nhân.

Sau này, một số người của lớp tôi đã trở thành cộng tác viên của tạp chí Diễn đàn Văn Nghệ Việt Nam, chúng tôi có dịp “nhìn gần” và hiểu thêm người thày của mình. Ngoài  sức làm việc, sức viết  đáng nể trọng, thày còn là một TBT cần mẫn, cầu toàn, chỉn chu, luôn đau đáu trong việc nâng cao chất lượng của tạp chí từ nội dung đến hình thức. Chúng tôi luôn được thày động viên, khích lệ và đặt bài viết cho tạp chí khi đã phát hiện ra sở trường và sở đoản của từng người. Đó là thái độ trọng thị của một người liên tài, là phẩm chất của một nhà khoa học nhân văn chân chính.

Với truyền thống của quê hương, gia đình cộng với sự nỗ lực không mệt mỏi của bản thân, suốt nửa thế kỷ thày Nguyễn Ngọc Thiện đã là một nhà nghiên cứu cần mẫn, có bề dày thâm niên học vấn, có quá trình trải nghiệm một đời văn,có những trang viết đầy ngưỡng mộ. Người con của quê hương Kinh Bắc ấy đã trở thành một vị PGS. TS. Nhà văn, một TBT chuyên trách suốt 15 năm nay của một tạp chí lớn (đã được tặng Huân chương Lao động hạng Ba), một ủy viên của “Hội đồng Lý luận Phê bình VHNT Trung ương”. Được làm học trò và người đồng nghiệp vong niên của thày, với chúng tôi là niềm vui, niềm tự hào, hạnh phúc.

 

 Người ta nói; “Kỷ niệm đẹp còn quý hơn cả kim cương nó sưởi ấm trái tim ta”. Gần một thập kỷ đã trôi nhưng những kỷ niệm đẹp về thày, về bạn, vềnhững ngày xa ấy mãi mãi còn XANH trong tôi. Từ trái tim mình tôi muốn nói lời CẢM ƠN những kỷ niệm.

                                                             Hải Dương, tháng Năm năm 2021.

 

 hoa-sen-phat

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét