Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2021

ĐỌC “LÀNG MÌNH” – THƠ CHUYÊN ĐỀ của HIẾU TRÈM

 

           ĐỌC “LÀNG MÌNH”THƠ CHUYÊN ĐỀ của HIẾU TRÈM

                                               

                                                                          Đường Văn
          
                                                                         Nguyễn Hiếu

                                                           (Bản rút gọn)

ĐƯỜNG VĂN

TẬP THƠ CHUYÊN ĐỀ  ĐẦU TIÊN  RA ĐỜI TRONG BÃO ĐẠI DỊCH COVID 19 LẦN THỨ TƯ

Nguyễn Hiếu dự định in tập thơ chuyên đề này từ đầu xuân năm nay. Nhưng vì dịch dã ngăn trở nên đành dùng dắng mãi. Đợt dịch thứ 3 vừa tạm lắng chưa được bao lâu thì, đợt dịch thứ tư lại bùng phát, lan tràn khắp nước. Hà Nội ban lệnh giãn cách nghiêm nhặt. Hai tháng liền ở nhà chống dịch như chống giặc trong lo lắng, bồn chồn vì già nửa gia đình đang ở ngoài phố khiến gã sốt ruột như ngồi trong chảo nóng. Bởi thế, mãi đến đầu tháng 10, LÀNG MÌNH mới được in xong: 1000 cuốn sách đẹp, khổ vuông (19.19) theo chuẩn sách quốc tế, tinh tuyển 36 bài thơ đã viết từ những năm cuối thế kỷ trước cho đến nay, chuyên chú một chủ đề quen mà lạ: cảm hứng về cái làng quê thân yêu cuả tác giả. LÀNG MÌNH là tập thơ chuyên đề đầu tiên, kết quả của bao nghĩ suy, tâm trạng, cảm xúc mà người viết muốn sẻ chia, tâm tình cùng bạn đọc. Xưa nay, trên thi đàn Việt Nam, đề tài, chủ đề quê hương, làng quê, hồn quê Việt đã rất quen thuộc, phổ biến. Vậy, ngòi bút của lão nhà văn quê Chèm có thêm đóng góp, bứt phá, sáng tạo gì mới mẻ, thú vị? Vừa nồng nhiệt chúc mừng bạn già đang chống dịch bằng thơ, tôi vừa băn khoăn,  hăm hở tìm lời đáp cho câu hỏi ấy. LÀNG MÌNH là nhan đề của tập thơ, một cái thi đề gọn gợi, chung riêng hòa lẫn, gần gũi quen thuộc, thi vị, lại không trùng lặp với ai! Nguyễn Hiếu quả thật rất nghiêm cẩn, không hề dễ dãi, quen tay khi làm nghệ thuật, ngay từ khâu đặt tên cho tác phẩm của mình: Tên cả tập, tên từng bài. Mỗi thi đề phải ít nhiều một sáng tạo.

Nguyễn Hiếu đưa bài viết Chế Lan Viên đã dạy tôi làm thơ như thế nào?  để “Thay lời Tựa” tập thơ của mình . Đó là một Thay lời Tựa khá độc đáo, phá cách. Vì bài viết không chỉ thể hiện tình cảm biết ơn, kính ngưỡng chân thành của học trò đối với sư phụ mà còn thể hiện sự khiêm cung, tự hào, ngầm kiêu hãnh của người viết thế hệ sau muốn “ngầm khoe” với thầy, với bạn kết quả sự học tập - lao động thơ từ thuở thanh niên nay đầu đã bạc.

Đọc kỹ tập thơ, vẫn thấy có cái gì đó thiêu thiếu?! Nghĩ mãi, mới chợt nhận ra: tập thơ làng vắng mặt bài thơ đầu tay của Hiếu: Chung quanh một chiến công (nhà thơ Phạm Hổ biên tập. Ông đổi từ cái nhan đề trong bản thảo: Thư bằng thơ gửi anh phi công người làng Trèm bắn rơi tàu bay Mỹ). Tác giả ký: Bài Phong. Đây là một bài thơ hay, khá độc đáo. Tình cờ, cuối xuân  1973, tôi được đọc bài thơ CHUNG QUANH MỘT CHIẾN CÔNG ấy trên trang thơ báo Văn Nghệ, khi đang là anh lính trẻ Giải phóng quân nằm điều trị vết thương tại bệnh xá quân y Cam Lộ (Quảng Trị). Cảm giác ngạc nhiên vì sự khác lạ ở giọng điệu, ngôn từ giữa những bài thơ hừng hực khí thế và niềm vui chiến thắng cùng trang; Xúc động bởi bài thơ viết về một người đồng hương quen biêt. Tôi đoán người viết phải là một người làng Trèm/Chèm thì mới hiểu rõ về gia đình và quê hương như vậy. Nhiều năm sau, mới hay đó là thơ của Hiếu, bạn đồng môn cùng mê văn chương từ thuở học trò. Hèn chi!... Nhưng Nguyễn Hiếu đã quên bẵng, không nhớ ra và không đưa bài thơ đầu tay này vào LÀNG MÌNH?! Tôi nhắc nhở điều ấy, Hiểu đành lắc đầu, tiếc hùi hụi, hứa sửa sai trong lần tái bản sau.

1.Hà Nội mùa đông năm 1972 như thế nào mà chỉ kể một vài chi tiết, mẫu chuyện đời thường chung quanh chiến công vẻ vang ấy mùa

TỪ NHỮNG CÂU THƠ RẤT THƠ  ĐẾN MỘT VÀI CÂU THƠ ĐẬM CHẤT VĂN XUÔI, BÁO CHÍ

LÀNG MÌNH có khá nhiều câu thơ hay, gợi cảm, gợi nghĩ, nổi hình tượng, đặc biệt gây sự ngạc nhiên thú vị vì sự bất ngờ, vô lý mà có lý; có thể găm vào trí nhớ người đọc, nối dài những liên tưởng, đồng cảm khác nhau. Một vài ví dụ: - Vạc bồn chồn kêu nghiêng đêm; - Cây rơm một thời ấm tóc em; - Cá chép vật đẻ quẫy vỡ trăng thu; - Băm bèo, quên lưỡi liềm trăng; Sàng gaọ, lông mày cám đọng; - Mẹ dỗ con đứt, chùng sợi võng; - Khăn mỏ quạ mổ thủng chiều trung du; Lược bí rẽ đôi hương bồ kết; - Lũy tre cào xước tuổi thơ đâu rồi? - Cha về ngọt lịm hồng Xiêm/Nắng nghiêng chân bước, bóng xiên quái chiều... Thơ ấy vận dụng những so sánh thật sát, trúng, giàu thực tế, những động từ, tính từ thể hiện sự chuyển đổi cảm giác, tâm trạng buồn lo, day dứt, cay đắng của lão phu quê Trèm: - Đồng ruộng co nhanh như lá chuối hơ lửa; - Sông núc ních chảy mênh mông; Từ láy gợi hình núc ních tả dòng sông mùa lụt kết với cụm từ chảy mênh mông tạo ấn tượng thú vị và sinh động; - Ngọt ngơ bát canh rau ngót; Từ ngọt ngơ là sáng tạo, nhằm thử thách bạn đọc, có thể chấp nhận được, mặc dù hơi lạ và gượng. Một từ chỉ vị giác (ngọt) kết hợp với 1 từ chỉ cảm giác (ngơ) trong ngẩn ngơ, ngơ ngác). Ngọt đến mức làm cho ngẩn ngơ, ngạc nhiên, khoái thú, khi được thưởng thức bát canh rau ngót mẹ nấu ở quê nhà. - Đường làng bê tông trơ lỳ như mặt thằng quỵt nợ...- Tiếng chẹp miệng thiu trong đêm; Tiếng thạch sùng ươn tường ủy ban... Trăng chòn chõn giữa trời; Áo bạc xơ chòn chõn núm dừa. Từ láy chòn chõn như riêng của người Chèm, thật đắt! Trăng – vú mộng của muôn đời thi sỹ (Xuân Diệu)... Từ láy này không chỉ gợi hình mà còn gợi liên tưởng, tưởng tượng, mang tính địa phương cao. Vui, hài, nghịch ngợm.

Tuy vậy, trong LÀNG MÌNH vẫn còn một vài câu thơ in đậm dấu vết văn xuôi báo chí.  Dụng ý người thơ, có lẽ không chỉ theo một khuynh hướng thơ hiện đại Việt Nam.Ta gặp những câu thơ gồ ghề, trần trụi như những tảng đất vừa vật lên từ thùng đấu, nói thẳng, trực tiếp, không vòng vo, ẩn dụ. Có những câu tưởng như trích ra từ một bài phóng sự nào đó trên báo Nông thôn ngày nay: - Điếm canh nước,ba ông ngáp trẹo quai hàm/Một bà sồn sồn nóng ruột/Điếu cày thỉnh thoảng rít/Mưa đêm nay dài; - Tớ là đàn ông, là thằng đực rựa/Vai u, gầu sòng, tát cạn ao sâu; - Gái làng bôi môi thâm (nâu?) Hàn Quốc/Trai làng phóng bình bịch, mồm phì phèo – Cung văn bận đi matxa/Nước dừa ngầu bọt Côca; - Dây quai thao vướng dải xuchiêng... Những câu thơ đậm chất văn xuôi báo chí ấy, theo tôi, tạo nên sự cọc cạch, lệch pha, khấp khễnh, làm giảm chất thơ, sự hài hòa của chỉnh thể nghệ thuật trong thơ làng Nguyễn Hiếu. Nguyên nhân sâu xa là hạn chế của bệnh nghề nghiệp làm báo lâu năm, giọng điệu và ngôn từ của văn xuôi báo chí đã ảnh hưởng không nhỏ tới thơ Hiếu vậy.

KHI CẢNH QUÊ, NGƯỜI QUÊ, HỒN QUÊ LÊN PHỐ, THÀNH PHƯỜNG CÙNG BÚT PHÁP THƠ DÂN GIAN ĐƯƠNG DẠI

Đó chính là chủ đề tư tưởngphong cách thơ nổi trội của Nguyễn Hiếu trong LÀNG MÌNH. Đó là tâm trạng buồn tiếc, hoài niệm khôn nguôi cảnh cũ, người xưa từ thời ấu thơ, từ những câu chuyện, lời ru của mẹ về phong cảnh, con người và hương vị một làng quê ngoại thành Hà Nội mang cái tên rất cổ, rất Nôm, rất đỗi tự hào: Trước ngực làng là sông Cái cuồn cuộn đỏ/ Sau lưng làng là đồng mênh mông lam (Làng Chèm của tôi). Phía tây làng là sông Con, sông Đào -  Nhuệ Giang với những rặng tre, bãi dâu mươn mướt xanh bờ, với truyền thuyết xa xưa, hào hùng về Đức Thánh Lý Ông Trọng. Người làng Chèm (Thụy Phương) chủ yếu làm nông. Đàn bà thì hay làm, nhường ăn, khỏe nói /Tóc bỏ đuôi gà/Cười duyên nhưng nhức hạt na/Mặt sạm tóc xơ/Vú mướp tồng tênh quăng sau áo mỏng...Đàn ông thì: Gà gáy canh tư đã rời hơi vợ, toòng teeng điếu cày, nùn rơm/Áo tơi nón lá/Bố cu dưới đồng sâu/mồ hôi trắng muối áo nâu/Chiêm qua mùa tới dãi dầu gió sương... Đất Chèm địa linh; dân làng Thụy cần cù lam làm, thượng võ, anh hùng, hiếu học, tài hoa, hiếu khách. Không ít cảnh quan, tinh hoa, truyền thống văn hóa văn hiến của làng cho đến phong tục tập quán, tâm lý, tình cảm của lớp thanh thiếu niên quê Chèm, trong cao trào đô thị hóa nông thôn đổi thay như bão lốc, bị lãng quên, mai một, biến chất, gây nên niềm nhớ tiếc, xót xa, hoài niệm khôn nguôi: Nếu làng chẳng còn tre cách đây vài chục năm mới là một giả thiết lo âu thì nay đã trở thành sự thật nhỡn tiền. Hầu hết ao làng bị lấp bằng, từ đó mọc lên những tòa nhà cao tầng mái bằng, mái chóp củ hành củ tỏi hiện đại, kệch cỡm, sáng choang kính cường lực; đường làng vốn chôn gạch nghiêng bị phủ lên những tấm bê tông trơ lỳ cứng ngắc; hàng quán xanh đỏ, lấp lóe đèn màu mọc lên nhan nhản đầu ngõ, cuối thôn... Không ít cô gái Chèm đua nhau tô môi nâu trầm, nhuộm tóc như gái Hàn Quốc, dăm gã trai làng phóng bình bịch vun vút trên đường làng, mồm phì phèo Hêrô, Duhin,... Zet. Một cảnh buồn trong Lễ hội Đình Trèm mà tác giả ngẫu nhiên chớp được: Kìa Thị Màu, giữa sân đình, đang nghe điện thoai, thình lình cười vang...Tất cả cổng làng bị phá. Giò Chèm (nổi tiếng xưa) pha nhiều bột quá. Nguyễn Hiếu, hơn một lần, kêu lên thảng thốt: Làng Chèm bây giờ ra sao?! Làng Chèm rồi sao? Rồi sao?... Tất nhiên, với tình yêu làng quê, người quê da diết, Nguyễn Hiếu vẫn hướng niềm tin về tương lai, với thời gian, làng Chèm xưa, phường Thụy Phương nay mai vẫn vậy như dòng sông Hồng cuồn cuộn cuốn trôi những gì lềnh bềnh và tình yêu người Chèm là phù sa lặng lẽ bồi dưới đáy sông. Trong cảm quan tác giả: tiếc nhớ, xen lẫn ngẫm ngùi, chê trách, buồn thương và phê phán tạo nên những bài thơ, câu thơ, hình ảnh thơ hoài niệm quá khứ hòa với hiện tại bộn bề. Nhưng không khác bao nhiêu so với nhiểu người thơ Việt cùng thế hệ, khi khai thác chủ đề này thái quá, nặng nghiêng về phía nghi ngờ chê trách, chế giễu...cơ hồ cốt hả vơi bực bội, hờn tủi, buồn thương, sốt ruột... mà thôi!

Có điều rất lạ là chưa một ai, kể cả Nguyễn Hiếu, cảm xúc, suy nghĩ và thể hiện (bằng thơ) mặt tích cực, ưu điểm, hiệu quả hơn hẳn, khác hẳn của lộ trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tự động hóa nông thôn Việt Nam. Đó là quy luật phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa tất yếu từ truyền thống cũ xưa vươn tới hiện đại phồn vinh và hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà. Đường làng chôn gạch nghiêng đẹp, nhưng hẹp mà không bền. Mở rộng mặt đường phường, ngõ, lấp các rãnh hai bên, chôn lấp rác rưởi, phủ mặt đường lớp nhựa apphan nhẵn lì, mềm mại thì sao? Ao làng lấp nhiều, nhưng vẫn để lại ao Đình, ao Sen, được khơi sâu, xây tường hoa bao quanh, lát thành đường dạo chơi, thể dục cho mọi người sáng sáng chiều chiều. Như vậy hơn hay kém thuở ngày xưa?... Rồi điện - đường - trườngtrạm... Internét phủ khắp mọi nhà. Học sinh các cấp khắp làng mê mải học trực tuyến qua tivi, di động góp phần chống dịch Covid...Tiếc thay, những sự thật tốt đẹp ấy cơ hồ vẫn chưa được tác giả LÀNG MÌNH (và những tác giả thơ khác) chú ý và cảm thức để nói lên được điều này: Dù kinh tế, xã hội phát triển tới đâu thì vẻ đẹp, chiều sâu thẩm mỹ của văn hóa làng, hồn làng vẫn không bị mất đi. Căn cốt ấy vẫn đằm sâu và tỏa ánh từ mỗi tâm hồn và tính cách, mỗi cảnh quan và phong tục của nhân dân trong sự hài hòa truyền thống – hiện đại.Mới hay, quy luật là tất yếu. Con người chỉ có thể nương theo, vận dụng quy luật  sao cho hiệu quả nhất chứ không thể vô tình, vô tâm, thậm chí duy ý chí, khi làm trái, ngược lại quy luật. Mác- Lê nin đã nhiều lần dạy ta chân lý phổ biến ấy.

Bút pháp Dân gian đương đại không chỉ nổi lên như một khuynh hướng khá phổ biến trong các ngành nghệ thuật Việt Nam: âm nhạc, hội họa, múa... mà còn cả trong thơ như một loại hình, một biện pháp nghệ thuật ngôn từ. Ở LÀNG MÌNH, Nguyễn Hiếu là một trong những cây bút thơ tạo ra được nét riêng, khác biệt khi vận dụng bút pháp này trong lập tứ, bố cục, tạo hình, tạo nhạc chọn từ, đặt câu, chọn thể thơ cho mỗi bài thơ, câu thơ một cách công phu, kỹ lưỡng, cần mẫn và sáng tạo. Đặc biệt là năng lực vận dụng vốn ca dao, truyện cổ, tục ngữ, thành ngữ dân gian đã ngấm sâu vào máu thịt hòa với những hình ảnh, ngôn từ hiện đại một cách khéo léo, linh hoạt, nhuần nhị. Những đoạn thơ, câu thơ đã dẫn ở các mục trên đủ chứng minh điều đó. Mời bạn đọc lại chùm thơ Thu làng, Thế là thu đến đấy ư? Thuyền thúng... chùm Làng Chèm của tôi, Đàn bà, Đàn ông làng tôi, Đùa với câu Quan họ đến Hội làng... để kiểm chứng..

 Nguyễn Hiếu không tỏ ra sở trường, không sành các thể thơ luật: Lục bát, Đường luật, Ngũ ngôn, Thất ngôn (Bát cú, Tứ tuyệt), Song thất lục bát... Thơ văn xuôi được chọn 4 bài, khá tài hoa, phóng túng, tung tẩy. Được nhất là bài Đối diện với ngọn Chóp Chài. Tuy thế, theo tôi, chúng vẫn chưa tạo được đặc điểm riêng của thơ văn xuôi Nguyễn Hiếu, vẫn chỉ như một thể nghiệm rụt rè về thể thơ tưởng dễ mà khó này. Nguyễn Hiếu mạnh nhất ở các bài thơ tùy bút, tùy hứng mà trong đó vận dụng kết hợp nhiều thể thơ khác nhau từ tự do đến lục bát, thơ luật, tám chữ (Hỗn hợp thể)... Nhịp thơ thay đổi tùy theo cảm hứng, tứ thơ vận động nhịp nhàng, phù hợp, lỏng mà chặt, như là tất yếu phải thế. Những câu thơ lục bát được cài vào cuối mỗi đoạn thơ, hoặc cuối bài thơ tỏ ra rất có sức nặng và vị trí, tác dụng riêng. Những tiếng đệm cổ truyền: chừ, ối a, ý a trong thơ cổ, chèo, quan họ được chêm đệm vào câu thơ một cách cao tay, ngọt sắc. Những chiêu này, có lẽ Nguyễn Hiếu học từ các đấng thi nhân tiền bối thơ Tản Đà, Nguyễn Bính, Hoàng Cầm, Tố Hữu, Nguyễn Duy... chăng?!...Về giọng điệu, cách gieo vần lưng, chân, liền, cách, trắc, bằng trong thơ dân gian đương đại LÀNG MÌNH, nét nổi bật làm nên cái duyên Nguyễn Hiếu là giọng tưng tửng khen đấy, chê đấy, nhiều lúc tựa hồ ngơ ngẩn, vụng về, khi làm duyên, làm điệu, sắc sảo, chua ngoa, mặn mòi, đắng đót... Bạn thử đọc lại vài câu, vài đoạn tung tẩy, chênh chao nhất của lão mà xem:-Thuyền thúng lúng liếng đưa em qua ao/Thuyền thúng nghiêng nghiêng/Thuyền thúng chao chao/Cặp chèo đuã cả/Một khúc lới lơ/Thuyền thúng ôi a/Thuyền thúng ý a/Chòng chành lòng ai /Tơ vàng vấn vít lòng ta/Ngày xưa tơ vàng/Ngày xưa lặng thinh, ngày xưa chúm chím, tồng tềnh...Cứ lới lơ đi em à! (Thuyền thúng)

Tóm lại: LÀNG MÌNH là một trong những tập thơ chuyên đề đáng đọc, nên đọc để suy ngẫm, cộng cảm, đồng cảm cùng tác giả. Nguyễn Hiếu không chỉ là một nhà báo, nhà văn, nhà viết kịch mà còn là nhà thơ đích thực của làng quê Hà Nội, Việt Nam, thời đổi mới. Đọc LÀNG MÌNH, thấy càng yêu và tự hào hơn cái làng quê yêu dấu của mình. Nội một điều đó, chẳng bổ ích và đáng quý lắm sao?!./.

*LÀNG MÌNH, thơ Nguyễn Hiếu; NXB Văn học, 2021. * Trèm/Chèm là 2 cách phát âm, chính tả đang hiện tồn trên sách báo và trong đời sống sinh hoạt Việt Nam. Ở đây, chúng viết cả 2 phụ âm TR/CH; thiên về TR.

Những ngày ở nhà chống dịch, mưa hoàn lưu bão số 7, 8.  Thụy Phương, 18/10/2021. ĐV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét