ÔNG BẠN VŨ NHO
GS.TSKH. MAI THANH TÂN
GS.TSKH. MAI THANH TÂN
Tôi ít am hiểu về văn chương nhưng hình như lòng yêu văn học đã tạo cơ duyên nhiều dịp giao lưu với các nhà văn. Âu cũng là dịp để bù đắp những thiếu thốn trong kiến thức văn học nghệ thuật của mình. Có lần gặp cụ Nguyên Ngọc ở Hội An lúc cụ đang chuẩn bị cho bài diễn văn ở trường Phan Chu Trinh, tôi cứ nghĩ cụ là cây đa cây đề lừng lững với những “Đất nước đứng lên”, “Rừng xà nu”…thì sao còn phải vất vả với cái việc quản lý này, thế nhưng qua bài của cụ tôi nhận ra trí tuệ và bản lĩnh của một nhà văn. Rồi có lần đến quán nhậu bên Gia Lâm diện kiến chủ quán Nguyễn Huy Thiệp, cứ nghĩ cớ sao nổi tiếng với “Tướng về hưu”, “Vàng lửa”…mà nhà văn này còn kiêm luôn việc chủ quán, rồi qua câu chuyện phiếm về vòng danh và lợi trên đời đã làm tôi ngộ thêm một góc nhìn về thế sự…
Và hôm nay tôi muốn viết về một trong những nhà văn mà tôi yêu quý đó là Vũ Nho. Tôi biết về Vũ Nho từ khi ông còn làm “chuyên viên” ở Bộ Giáo dục và Đào tạo. Một người bạn trao cho tôi các bài bình thơ của Vũ Nho và tôi nhận ra những nét rất riêng của ông cho dù chưa được gặp. Rồi cái duyên tình cờ trong một chuyến đi Châu Mộc dự lễ khởi công khu tưởng niệm trung đoàn Tây Tiến cùng các cụ cựu chiến binh năm nào và các con cháu các cụ, tôi có dịp đi cùng nhà đạo diễn “Đừng đốt” Đặng Nhật Minh và “ngài” Vũ Nho mà tôi vẫn thường nghĩ đến. Chúng tôi đã có thời gian nhàn đàm thân mật đủ thứ chuyện, đặc biệt là ý tưởng kiến trúc khu tưởng niệm và về thơ Quang Dũng. Phải nói Vũ Nho có cách bình thơ rất thú vị, tôi đã đọc “Tây Tiến” nhiều lần nhưng nghe lời bình của Vũ Nho vẫn thấy nhiều điều mới mẻ. Tôi nhớ có chi tiết về “cái nhớ” trong “Tây Tiến”. Trong cuộc đời, già trẻ giàu nghèo ai cũng từng trải qua nỗi nhớ, nhớ nhung, nhớ da diết, nhớ cồn cào, nhớ kinh khủng… nhưng nhớ “chơi vơi” thì hình như chỉ có Quang Dũng.
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”.
Chỉ riêng chi tiết này cũng đủ làm cho các cô giáo hôm ấy say đắm “chơi vơi”với Vũ Nho. Thế rồi cái duyên để chúng tôi có nhiều dịp hội ngộ, khi thì ông đến thăm tặng sách, khi thì tụ hội ở nhà bạn bè. Tôi cảm phục sự sáng tạo bền bỉ và đam mê văn chương của Vũ Nho. Nào là “Thơ chọn và bình”, “Đi giữa miền thơ”, “Thơ cho tuổi thơ”, “ Hà Nội văn chương từ một góc nhìn”… cứ ra đều đều với con số mà ít người hình dung được, đó là hơn 400 bài báo, 113 đầu sách và con số sẽ không dừng ở đây.
Quê tôi ở Nghi Xuân, quê hương cụ Nguyễn Tiên Điền nên rất xúc động khi được ông tặng cuốn “Từ Kim Vân Kiều đến truyện Kiều” để nhâm nhi và suy ngẫm. Có thể nói “Truyện Kiều” được coi là đỉnh cao trong kho tàng văn học Việt Nam. Trong nhiều năm qua đã có rất nhiều tác giả và tác phẩm phân tích, đánh giá Truyện Kiều. Có câu chuyện vui trong nhóm “Đồ Nghệ” chúng tôi là vào dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của Nguyễn Du, cụ GS.TS Phùng Hồ (vật lý) có bài “Văn tế Đại thi hào Nguyễn Du” đạt được giải nhì cuộc thi, cụ GS.TS Lương Phương Hậu (công trình biển) còn phát hiện số câu trong Truyện Kiều đúng bằng số km bờ biển từ Bắc chí Nam, rồi câu thứ 2020 lại vận vào thế sự “Lênh đênh chi nữa vẫn còn lênh đênh”. Tuy vậy về Truyện Kiều cũng có những vấn đề cần làm sáng tỏ hơn. Từ một câu chuyện bình thường “Kim Vân Kiều truyện“ của Thanh Tâm Tài Nhân ít người biết đến bên Tàu, Nguyễn Du đã thể hiện tài năng sáng tạo như thế nào khi mà chỉ không phải dịch thuật đơn thuần mà chuyển đổi sáng tạo để trở thành kiệt tác “Truyện Kiều” bất hủ của Việt Nam. Tại sao trải qua hai thế kỷ mà Truyện Kiều vẫn luôn được coi là đỉnh cao thơ lục bát. Rồi trải qua năm tháng thăng trầm thế sự các phiên bản chứ Nôm khác nhau có những nhầm lẫn không tránh khỏi, vậy đâu là đúng sai… Những vấn đề này cũng là nỗi băn khoăn của những người yêu “Truyện Kiều”. Và một người con quê ở Ninh Bình đã dày công tìm hiểu, cố gắng dẫn giải để dần dần làm sáng tỏ, đó là Vũ Nho qua “Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều”. Có một chi tiết nhỏ là trong một lần về quê thăm khu tưởng niệm Nguyễn Du, tình cờ tôi đọc được ở đây bức phù điêu câu kết trong “Độc Tiểu Thanh ký”:
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ thùy nhân khấp Tố Như”
Tôi cứ băn khoăn là thùy nhân hay hà nhân vẫn được nghe. Thế rồi Vũ Nho đã làm tôi yên tâm hơn với các lý giải chữ “hà” hợp lý hơn chữ “thùy”. Nhân chuyện ngữ nghĩa tôi lại có một kỷ niệm khác với Vũ Nho. Một lần vào Bình Định tôi có dịp đến thăm bảo tàng Quang Trung và đọc được dòng tên hiệu Quang Trung (光中).Tôi nghĩ Nguyễn Huệ lấy hiệu là Quang Trung vì Quang (光) là ánh sáng, Trung (忠) là trung nghĩa nhưng tại sao ở đây trong chữ Trung không có chữ tâm?. Và Vũ Nho đã giải thích cho tôi chữ (中) là đúng vì Nguyễn Huệ không thần phục trung nghĩa với Thiên triều mà hiên ngang độc lập ở giữa trần gian!
Là người con Ninh Bình nhưng đã gắn bó với Hà Nôi 35 năm, Vũ Nho có một một tình yêu Hà nội sâu đậm và ông đã thể hiện tấm lòng của mình qua “Hà Nội văn chương từ một góc nhìn”. Tôi cũng sống ở Hà Nôi trên 60 năm nên rất thú vị khi đọc cuốn sách dày trên 600 trang mà ông thân tặng. Dưới gọc nhìn của Vũ Nho, các tác giả “Người Thăng Long - Hà Nội” từ trung đại đến hiện đại, từ Mãn Giác Thiền sư đến Lê Tiến Vượng đã được thể hiện rất ấn tượng. Chắc vẫn còn những con người văn chương khác của Hà Nội chưa được nhắc đến nhưng với 48 nhân vật đã là một sự công phu đáng nể. Trong tác phẩm này của ông còn có phần “Viết ở Hà Nội” và “Viết về Hà Nội” cũng thật thú vị nhưng nếu viết tiếp thì tôi phải bỏ nghề địa chất đi theo nghiệp văn của ông mất.
Xin chúc nhà phê bình văn học, dịch giả, nhà thơ, nhà văn Vũ Nho luôn “chân cứng đá mềm”, tươi trẻ (cho dù đã ở tuổi thất thập tam), luôn hạnh phúc, cứ tiếp tục cho ra nhiều tác phẩm cho bạn đọc và mãi mãi là VŨ NHO./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét