Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

ĐA ĐOAN CHI MỘT CHỮ TÌNH

ĐA ĐOAN CHI MỘT CHỮ TÌNH

                        PGS.TS. Nhà văn Vũ Nho

         Tôi muốn dùng câu thơ của nhà thơ Lan Linh  trong bài thơ  Không nhau 1” làm nhan đề cho bài viết về thơ tình của tác giả trong tập “ Cổ tích mùa Đông”. Có thể nói suốt tập chỉ toàn viết về Em, về tình Em, về tình “tôi” với Em, về một hoài  niệm mối tình đã  đã lỡ, đã chia xa nhưng không thể nào quên. Thời gian của hoài niệm là mùa Đông, mùa giá lạnh, nên nỗi nhớ nhung   hơi ấm càng trở nên khắc khỏai, cồn cào, day dứt. Nghe gió trở mùa, thấy khúc giao mùa, về lại  quê xưa, đi qua phố cũ. Gặp gió, gặp nắng, gặp mưa, gặp bão, gặp đêm trăng, gặp  lá vàng rơi, gặp vạt cải vàng,…  bất cứ điều gì cũng làm cho người thơ đa tình thổn thức nhớ, vời vợi mong, cuồn cuộn trong lòng hoài niệm.

          Nhớ nhất là mắt em, môi em. Môi mắt của người thiếu nữ vừa chớm độ xuân thì. Không ít lần người thơ  nhắc đến làn môi đỏ tỏa hương, mắt long lanh quyến rũ:

          Nhìn trời thu như màu mắt em trong

          Màu môi đỏ vẫn tỏa hương quyến rũ

                   (Sắc hoàng hôn)

          Ngày xưa môi em đỏ thắm

          Mắt huyền tỏa nắng long lanh

                             (Giấc mơ trưa)

          Ta vẫn nhớ  em ta đôi mắt ngọc

          Lóng lánh cười khi mỗi độ thu sang

                      (Đông về qua phố)

                                                                    Vũ Nho

Người thơ thú nhận : “Nụ cười em đẹp như hoa/ Mắt em lúng liếng làm ta bần thần” (Giá).  Có lần, chàng đã uống cạn “màu mắt “ ấy : “Ta uống cạn màu mắt em như ngọc/ Giấu nụ tình  trong sâu thẳm vần thơ” (Tình em). Và  Thương nhớ nhiều màu mắt ấy nào phai” (Đêm trắng).  Thậm chí cái màu mắt ấy ám ảnh đến nỗi : “Hẹn đời nếu có kiếp sau/ Ta mong ta mãi trong màu mắt em” (Trong màu mắt em). Và thật lãng mạn là  chàng tự  say  Anh ngồi chẳng rượu cũng say. Tình em sao vẫn đọng đầy mắt nhau” ( Hương xưa). Chàng  tự cảm, tự mơ : “Hạ về, em đỏ làn môi/ Tôi mơ tôi hái sao trời tăng em  (Tặng em).

          Chẳng biết vì quá trẻ, ngây thơ nông nổi, hay vì sự dỗi hờn vô cớ, cũng có lúc chả hiểu vì lí do gì mà chàng “trốn chạy tình yêu”, vì thế cho nên :

                   Một người đi…một người trông

                   Một người ngóng đợi…một không trở về

                             (Tình khúc giao mùa)

Thế là có sự kiện, có nguyên cớ để viết những vần thơ Gửi cho em,  Tặng em, Nhớ, Nhớ em, Vu vơ 1, 2, 3,4,  Hoài nhớ,Tương tư,  … Tất cả những mùa, nhiều nhất là mùa Đông, rồi giao mùa Thu chuyển sang Đông, mùa Thu; tất cả các địa điểm phố cũ, Hồ Tây, Huế, Đà Lạt, vạt cải ven sông, ngôi nhà cũ, …các khoảnh khắc sáng, trưa, nhiều nhất là chiều và đêm,… đều được nhắc đến với kỉ niệm ánh mắt, màu môi, tóc gió, giọng nói, bàn tay ấm của người yêu mình hoặc người mình yêu. Đúng như tác giả trần tình:

                   Tình dĩ vãng cả một thời duyên nợ

                   Cả một thời ta nhung nhớ hoài mong

                                     (Tình thu)

Ai đó khi chấm dứt mối tình ,  không bình thường được, thậm chí có thể oán hận, thù ghét “Còn tình đâu nữa mà thù đấy thôi”. Nhưng với Lan Linh thì không thế. Bất cứ vì lí do gì không đến được với nhau, mối tình mới chớm hay đậm sâu đều để lại những ấm áp, những dấu vết đáng trân trọng, nâng niu. Ngay cả  Khi trái tim em không đập vì anh” (tên một bài thơ) thì tác giả vẫn nặng lòng:

                   Một cuộc tình mà nỗi nhớ chẳng nguôi

                   Bóng hình em vẫn ảo mờ phía trước

                   Anh giơ tay mà không sao giữ được

                   Câu thơ tình một nửa biết tặng ai?

                             (Khi trái tim em không đập vì anh)

Cũng hiếm có người nào mà nỗi nhớ đeo đẳng, day dưa như  thi nhân, dù biết một sự thật mười mươi, vẫn cứ đơn phương :

                   Thu tàn …trời đã vào đông

                   Sao ta cứ nhớ…người không nhớ mình

                               (Hỏi em)

Quả thật là đoa đoan, đa tình, đến mức  gần gần  mang màu sắc  lụy tình.

          Với ai đó thì  cần học quên để nhớ. Quên quá khứ buồn  để chỉ nhớ những niềm vui. Khép lại quá khứ , hướng tới tương lai.  Họ sẽ hỏi sao lại mua dây buộc mình, sao lại nhớ  cả những mối tình mà vui ít buồn nhiều để cho mình ngẩn ngơ, thẫn thờ,   trở trăn, day dứt…?  Nhưng nếu mỗi người một tính cách, một “vũ trụ riêng không lặp lại bao giờ” (E.Evtusenko), thì tôi nghĩ tác giả có quyền làm thế,  làm cả một tập thơ tình chỉ để nhắc  những mối tình không đi đến hôn nhân.

          Thi hào Nga A. Pushkin có câu thơ nổi tiếng “Trái tim không thể một ngày không yêu”. Nhà văn xô viết Raxputin có cuốn sách “ Còn sống, còn yêu”.  Hẳn là cũng với tinh thần ấy, Lan Linh  in tập “ Cổ tích mùa đông”, coi như một bảo tàng tình yêu được ghi lại bằng thơ. Chắc những giai nhân từng có liên quan đến tác giả, những bè bạn từng xướng họa với anh sẽ vui mừng khi thấy bóng dáng và kỉ niệm của mình ở đây.

          Chúc mừng tác giả với tập thơ giàu ý nghĩa!

                                                     Hà Nội 11 tháng Tư năm 2022

         

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét