Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2022

ẤN TƯỢNG TẬP THƠ “THỨC BƯỚC THỜI GIAN” CỦA BÙI KIM ANH

ẤN TƯỢNG TẬP THƠ “THỨC BƯỚC THỜI GIAN” CỦA BÙI KIM ANH

 Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2022

                                             Vũ Nho

                                                                 Vũ Nho & Bùi Kim Anh
 

        Ấn tượng đầu tiên là tập thơ in và trình bày đẹp. Không chỉ tập này, mà các tập thơ gần đây của Bùi Kim Anh đều được chăm chút về hình thức. Thành thử đọc thơ thấy nhẹ nhõm, thanh thoát như đang dạo chơi trong khu vườn đẹp, trong  không gian thoáng đãng, mát dịu rợp bóng cây.

          120 bài thơ viết không ghi ngày tháng bên dưới, nhưng căn cứ vào nội dung và cảm xúc thì dễ nhận ra những bài thơ này viết trong những ngày gần đây. Một cố gắng như không cần cố gắng,  một việc làm như là thói quen, vì làm thơ với tác giả bây giờ như là công việc đi chợ, mua bán, hay  uống cà phê, ngồi vi tính, hoặc nhìn trời, nhìn mây, nhìn cây qua khung cửa…

          Vì sao nói thơ viết gần đây dù cuối bài không ghi ngày tháng?

Ấy là vì có không ít bài nói đến dịch Covid 19. Đó là bệnh dịch mấy năm nay hoành hành trên toàn cầu, trên cả nước ta, trong đó có Thủ đô Nà Nội, nơi nhà thơ sống và viết. Chỉ cần qua không gian buổi sáng và chiều là rõ:

          sớm đầu ngõ không ồn ã bán mua/ mớ rau củ hành phải đi xa mới có

          người già cũng mua hàng online chuyển qua grab/ tin nhắn qua lại nhiều lên

                                                 (Buổi sáng nơi ngõ hẹp)

          những dòng tin pha trộn phá vỡ cảm xúc/ cái mã số bổ sung thay tên họ

          một kí hiệu và dãy thứ tự /gợi lo lắng lặng lẽ / một chiều nắng hạ nhạt

          phố đeo khẩu trang giảm âm thanh /đã là thói quen cách li hơi thở

                                                 (Chiều nắng hạ)

Và sau một đêm giãn cách khi mọi người hốt hoảng  lo tích trữ thực phẩm:

          Hà Nội thức sau một đêm/ tinh mơ nháo chợ nháo siêu thị

           chẳng cần thịt sạch rau sạch/  chẳng  hỏi của ta của đâu

          nhanh tay/ nhanh tay / chỉ một đêm/ chỉ một sáng / đổi thay phố xá

                                                           (Sau một đêm)

  Bình thản, Không thể đếm, Một mình thôi phố,  Phố giãn cách, Phiếu đi chợ, Lời thao thức của đêm,Nối vần cứ thế mà ra,Thêm độ giãn cách…  thơ làm trong thời gian Covid  bủa vây Hà Nội.

             Không ít bài thơ nhắc đến cái già, tuổi già. Như là một sự tự nhiên, hiển nhiên. Không phải nhắc cái già để tiếc thời tuổi trẻ, tiếc thanh xuân như phần lớn người đời thường cảm thán, trong đó có không ít các nhà thơ. Bùi Kim Anh nhắc đến với sự “bình thản”. Phải đạt đến minh triết sau bao thăng trầm, trồi sụt, thành công và thất bại, hạnh phúc và đắng cay, mới có được sự tĩnh tâm, bình thản, an nhiên như thế.

          người gọi ta ư/  ta đâu còn trẻ nữa

                                      (Gọi ta ư)

          ta về thêm nét gìa nua

                                  (Dạo phố đồng tiển cỏn con)

Chẳng những thân  người già, mà cả kí ức cũng “già nua”:

kí ức già nua thức dậy lúc ban trưa/ mơ về một miền cổ tích mỗi tối nghe lời kể của bà

                                                      (Tiếng gà trưa)

Nỗi buồn cũng thêm tuổi, cũng già theo năm tháng:

          giãi ra mẹt mớ ơ hờ / buồn ta già với bơ phờ gió mưa

                                         (Lẻ loi một mối buồn thừa)

Ta bây giờ “Tóc trắng nắng mai” (tên tập thơ). Ta  cũng như mọi người thôi, số đông của thiên hạ:

          quanh ta bao kẻ vô tình  tự an ủi già rồi/  có ai nỡ trách người già

                                                  (Đủ cảm giác ngày đông)

Nhà thơ tự biết mình và thấu thị lẽ đời:

           ta đã cũ lời đúng sai cũng cũ/  ta đã già nhịp điệu cũng lạc đi

                                                     (Khép cửa)

Tuy vậy không có nghĩa là buông xuôi, phó mặc. Không phải vin vào già mà không gắng gỏi, để mặc cho vần thơ “xanh xao” :

          đừng cười ta/  người đàn bà làm thơ bao tuổi vẫn dại khờ 

          cứ luẩn quẩn thu sang đông tới/   cứ giá như để rồi không thể

          trắng bợt mái đầu thơ vẫn xanh xao

                             (Hà Nội ơi đêm lạnh)

Có thể nói chưa khi nào  người viết ý thức đầy đủ về thơ và nghiệp làm thơ của mình như trong tập này! Dù có khi là tự giễu, tự cười mình, cười thơ mình:

          thơ mình dở dở ương ương/  đã không “hót” lại nhiều buồn ai mua

                                     (Dạo phố đồng tiển cỏn con)

Cuộc trò chuyện với người “đồng nát”  là sự tự trào nhẹ nhàng:

          Ơi này đồng nát ơi! / mua nhiều thời tôi tặng quà

          bao nhiêu thương nhớ hóa ra cũ càng/ bán cho sạch những đa mang

          bán cho hết những mơ màng trong thơ

                                    (Trả tôi cái giá hững hờ)

          Đây là nhà thơ tự đánh giá về thơ mình. Nhiều thương nhớ, nhiều đa mang, nhiều mơ màng. Dẫu là chủ quan nhưng bạn đọc tin  vì ai  có thể hiểu người viết hơn chính người viết?

        Nhà thơ có thể  viết  bất kì thời gian nào. Trong sáng sớm, trong  ban trưa, trong chiều muộn, trong nắng, trong mưa, và nhiều khi viết trong đêm :

          câu thơ viết lúc canh tư/  sáng ra đọc lại nhiều từ gõ sai

                            (Giời mưa đội nón đi chơi)

          viết trong giấc ngủ chậm / thơ không lây nhiễm thói xấu và dịch bệnh

           không có lời nào cần cách li

                             (Lời thao thức trong đêm)

      Tác giả ý thức về cách viết của mình, cứ như chơi, cứ như ngồi thiền, nhưng những bài thơ “tự nhiên” tưởng như không có sắp xếp gì,  theo tôi, là loại  sắp xếp tinh vi. Câu kết mỗi bài thơ vô cùng quan trọng. Trong một cuốn chuyên luận  tôi đã viết  có nhiều kiểu kết bài thơ. Có thể kết bất ngờ, đột ngột; kết hứa hẹn tương lai; kết bằng câu hỏi; kết  đóng (gói lại), kết mở ra, kết  bỏ lửng,...  (Thơ và dạy học thơ , nxb Đại học Thái Nguyên, 2012). Nhưng nhà thơ chủ trương:

          ta thuộc về thơ đâu cần trọn vẹn / cứ để lời dở dang lơi lỏng nỗi niềm

                                    (Câu kết bài thơ)

Phải chăng đây là  đúc kết, chiêm nghiệm  sau nhiều tập thơ? Mà cũng có thể là quan niệm tôn trọng bạn đọc thời đại dân chủ, một quan niệm tiến bộ, hiện đại!

Có thể nói người viết đã trung thành với quan niệm của mình trong suốt tập.

          Thực tế, không phải là không có lúc  người làm thơ hoang mang hoài nghi, và cả bế tắc.

          những mụn thơ rời rã/  không viết nữa […]

          ý thơ không thoát ra được/ không viết nữa

                                      (Lối phố)

Nhưng đó chỉ là giấy phút thoáng qua. Một người thơ đã có đến hơn mười tập thơ. Làm thơ đã như là công việc, là vui buồn, là hơi thở,    biểu hiện của sự sống. Bởi vậy mà không thể nào ngừng viết. Đúng như  Bùi Kim Anh tự bạch:

          Thơ mình / cảm xúc tràn cảm xúc

          không ghi năm tháng để nhớ / nhãng quên

          Thế là đi mãi chưa hết căn nhà / viết mãi chưa hết cuộc đời

          ngã lại dậy đi / xóa rồi lại viết

                                     (Đi mãi chưa hết căn nhà)

Chúc mừng tập thơ thứ 12 của nhà thơ Bùi Kim Anh! Và hi vọng sẽ còn nhiều tập nữa vì “Viết sao cho hết cuộc đời người ơi!”.

                                            Hà Nội,  16 háng Tư năm 2022

 

 

 

 

 

 

         

         

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét