Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2022

IU.LERMONTOV NGƯỜI KẾ TỤC XỨNG ĐÁNG "MẶT TRỜI THI CA NGA"

 

  1. IU. LERMONTOV - NGƯỜI KẾ TỤC

XỨNG ĐÁNG “MẶT TRỜI THI CA NGA”

Bạn đang có trong tay tập “Thơ trữ tình” của M. Iu. Lermontov  (1814-1841), nhà thơ Nga kiệt xuất, người kế tục một cách xứng đáng A. S. Puskin sau khi “Mặt trời thi ca Nga” vừa lặn. Trong cuộc đời rất ngắn ngủi (chưa đầy 27 năm) của mình, ông đã để lại một di sản văn học khổng lồ gồm thơ trữ tình, trường ca và văn xuôi.

Mikhail Iurievich Lermontov sinh ngày 3 tháng 10 năm 1814 ở Moskva, trong gia đình một viên đại úy nghèo đã nghỉ hưu. Gần 3 tuổi, mẹ mất, Lermontov được bà ngoại đưa về Tarkhanư nuôi dưỡng (nay làng này mang tên ông, ở quận Belinxki, tỉnh Penza). Với mất mát lớn về tình cảm như thế nên từ thuở ấu thơ Lermontov đã khao khát tình người. Vào những phút giờ hiu quạnh nơi thôn dã hẳn cậu bé Lermontov đã đắm mình vào những cánh đồng Nga mênh mông, chứng kiến cảnh sống khốn cùng của những người nông dân trên đồng ruộng. Rồi sau này, những tình cảm thời thơ ấu đó đã phát triển, nẩy nở thành tình yêu quê hương, đất nước, khát vọng hướng tới tự do và công lý.

Năm 14 tuổi, Lermontov lại được đưa về Moskva để học ở trường Nội trú quý tộc thuộc trường Đại học Tổng hợp. Thời gian này ông đã đọc thơ của A. X. Puskin, bắt đầu sáng tác thơ và tham gia các tạp chí viết tay của học sinh nội trú. Lòng thương cảm đối với những thân phận nghèo khổ đã bộc lộ trong thơ ông rất sớm:

Lão hành khất áo quần tơi tả

Đứng co ro trước cổng nhà thờ

Phơi tấm thân tàn tạ héo khô

Bị đói rét, bị khát thèm hành hạ.

Cùng với nó là lòng căm ghét sự độc ác:

Mà có kẻ nỡ đặt viên đá nhỏ

Lên bàn tay chờ đợi mỏi mòn.

(Lão hành khất - 1830)

Năm 1830, Lermontov chính thức vào học khoá Đức dục – chính trị của trường Đại học Tổng hợp Moskva, một trung tâm văn hoá - tư tưởng lớn của nước Nga thời ấy. Tại đây, ngọn lửa của cuộc Cách mạng đân chủ đầu tiên của Nga do giới trí thức quý tộc tiến hành vào Tháng Chạp năm 1825 bị chính quyền Sa Hoàng đàn áp khốc liệt vẫn âm ỉ cháy. Những luồng gió tự do từ phương Tây, thông qua các tác phẩm của Bairơn, Gơt, Hainơ… cũng tràn vào Nga, khiến giới sinh viên, trí thức Nga như được tiếp thêm nguồn sinh lực mới. Lermontov cùng các bạn học đã tích cực hoạt động trong phong trào sinh viên, và ông đã sáng tác nhiều bài thơ trữ tình, trong đó có bài “Cánh buồm” được xem như một trong những bài thể hiện rõ nhất “chất” Lermontov - tính triết lý, chất lãng mạn, anh hùng kiểu Bairơn, chứa đựng những bi kịch nội tâm sâu sắc. Với ông, ngay cả trong tình yêu thì sự bình yên dường như cũng chỉ có thể tìm trong phong ba bão táp. Kết cấu bài thơ hoàn chỉnh và sự đối nhau trong từng câu, chữ và nghĩa khiến nó rất gần gũi với thơ Phương Đông…

CÁNH BUỒM

Thấp thoáng trắng cánh buồm đơn chiếc

Trong mờ xanh sư­­ơng sớm biển khơi;

Buồm bỏ lại gì nơi cố h­­­­­ương thân thiết?…

Kiếm tìm chi ở chốn xa xôi?

Sóng cuồn cuộn trào dâng, gió rít,

Cột buồm cót két, nổi chìm...

Ôi, hạnh phúc – buồm không chạy trốn,

Cũng không tha thiết kiếm tìm! 

Dư­­­ới buồm luồng biếc trong như ngọc,

Trên buồm tia nắng rực tựa vàng...

Nhưng buồm sôi sục đòi giông tố,

Dường có bình yên trong bão gió kinh hoàng.

Năm 1832 Lermontov về Petersburg theo học trường Sỹ quan kỵ binh. Bầu không khí chính trị ngột ngạt ở trường này càng nung nấu trong ông ý chí sáng tác văn học về chủ đề xã hội (tiểu thuyết “Vađim” viết về cuộc khởi nghĩa của Pugachov đã được hoàn thành trong thời gian này). Năm 1834, sau khi tốt nghiệp trường Sỹ quan kỵ binh, Lermontov được điều về trung đoàn kỵ binh cận vệ đóng ở Hoàng Thôn. Cánh cửa vinh hoa phú quý rộng mở trước chàng quý tộc, một sỹ quan khinh kỵ trẻ tuổi, nếu chàng biết xu thời phụng thế. Nhưng Lermontov đã không đi theo con đường ấy, chàng nhìn thẳng vào sự thật, rời bỏ cuộc sống phù phiếm, giả tạo, kiên quyết đứng về phía những người Tháng Chạp bị đàn áp, những nông nô bị bóc lột cực cùng.

Ngày 21 tháng Giêng năm 1837, A.S. Puxkin bị hạ sát trong một cuộc đấu súng. Đó là kết cuộc tất yếu của một mưu đồ đen tối do chính quyền Sa Hoàng độc tài tạo dựng. Gần như ngay sau đó, những dòng chép tay đầu tiên bài “Cái chết của nhà thơ” được truyền tay nhau khắp kinh thành, rồi lan truyền rộng rãi trong nước Nga:

Người chết rồi, Nhà Thơ! - chết vì danh dự -Chết trong oan nghiệt những lời đồn,  Đã gục xuống mái đầu từng ngẩng cao kiêu hãnh,Một viên đạn trong tim và khát vọng rửa hờn.... . .Các ngươi, lũ tham lam chen chúc bên ngai,Lũ đồ tể giết Tự do, Danh dự, Thiên tài!Các ngươi nấp dưới bóng triều đình, luật pháp, Bức lặng câm công lý và sự thật!. . .Và bằng tất cả máu đen tim mình chất chứaCác ngươi rửa được làm sao dòng máu chính nghĩa của Nhà Thơ!

 

Bài thơ này về sau được Macxim Gorki đánh giá là “bài thơ có sức nặng bậc nhất của thi ca Nga”. Sa Hoàng Nikolai I và toàn bộ triều thần đã trút cơn cuồng nộ lên đầu Lermontov - tác giả bài thơ bất khuất đó. Ông bị đày đi Kapkaz. Bốn năm trời sống trong sự trừng phạt, tù túng, o ép mọi bề, Lermontov vẫn dồn hết tâm sức cho ra đời những bài thơ ca ngợi tự do, chính nghĩa. Ông vẫn day dứt khôn nguôi về sứ mệnh của nhà thơ:

Âm hưởng của những lời ca hùng tráng

Từng đốt lửa trong tim chiến sĩ chốn sa trường,

Cần cho đám đông như rượu cho tiệc yến,

Cho phút nguyện cầu - một chút trầm hương.

(Nhà thơ - 1938)

Nhưng rồi, đúng như tiên lượng của Lermontov trong bài “Chúc thư”, ngày 15 tháng 7 năm 1841 viên đạn của viên sỹ quan Martưnov đã kết thúc đời ông trong một cuộc đấu súng. Thảm kịch  từng diễn ra với Puxkin đã lặp lại một lần nữa.

Đương thời, Lermontov đã được coi là người kế tục xứng đáng “Mặt trời thi ca Nga”. Sau cái chết của ông, nhà phê bình văn học lỗi lạc Belinxki đoán định rằng Lermontov sẽ còn được đọc và yêu mến mãi mãi “chừng nào người Nga còn nói tiếng Nga”.

Lời tiên đoán đó từ lâu đã trở thành sự thực. Ngày nay, Lermontov không chỉ được đọc và yêu mến ở Nga mà còn ở khắp nơi trên thế giới. Người đọc Việt Nam cũng đã được làm quen với nhiều bản dịch thơ và trường ca của Lermontov trong tuyển tập “Thơ” (NXB Văn học, 1978). Một số bài thơ M. Lermontov được dịch sang tiếng Việt rất đạt, từ lâu đã trở thành quen thuộc và chiếm được cảm tình của độc giả. Bản dịch bài thơ dưới đây do dịch giả Thuý Toàn thực hiện là một ví dụ:

*  *  *

Không tôi nào nữa yêu em

Mộng xưa đau đớn cuồng điên qua rồi;

Nhưng nơi sâu kín lòng tôi

Hình em vẫn sống tuy vời vợi xa;

Đã say mộng mới thiết tha

Nhưng hình ảnh ấy dễ là đã quên;

Tượng thờ dù đổ vẫn thiêng,

Miếu thờ bỏ vắng vẫn nguyên miếu thờ!

Tập thơ này chỉ là một góc nhỏ thơ trữ tình của Lermontov được Tạ Phương tuyển dịch theo sở thích của mình. Dịch giả trước đây đã sống, học tập và nghiên cứu ở Nga nhiều năm. Ông từng dành thời gian đi thăm thú đó đây, từng yêu thiên nhiên, đất nước, con người Nga như yêu “Tổ quốc thứ hai” của mình. Một lần, khi dạo bước trên cánh đồng lúa mạch mênh mông ngập ánh trăng ở Sibir, ông viết:

Đêm nay trăng rất trong

Ngày mai rồi lạnh lắm

Tôi ngước mắt nhìn trời cao thẳm

Hiểu chiều sâu vô tận của đêm Nga...

(Đồng trăng 1970  - “Biển thức”, thơ Tạ Phương 1995)

Đó là khổ đầu bài thơ ông sáng tác và gửi về cho tôi từ nước Nga xa xôi. Bài thơ với cảm xúc chân thành, giản dị ấy đã đồng hành cùng tôi từ những tháng năm khói lửa chiến tranh đến tận hôm nay.

Giờ đây trong tay tôi là tập “Thơ trữ tình” của Lermontov do ông tuyển dịch và tin cậy trao cho tôi, người bạn đồng môn năm xưa, viết lời giới thiệu. Với đôi dòng ngắn ngủi không thể nói nhiều về sự nghiệp thơ ca vĩ đại của thi hào Lermontov, cũng như những kỳ phu trong dịch thuật, chuyển ngữ của dịch giả Tạ Phương. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tập thơ nhỏ in song ngữ này, kèm theo là những bức ảnh màu rất đẹp về đất nước Nga của nhà nhiếp ảnh Dương Minh Long.

Hạ Long 6-2006

PHẠM QUANG CHIẾN

TRÍCH TỪ SÁCH THƠ TRỮ TÌNH IU LERMONTOV DO TẠ PHƯƠNG TUYỂN DỊCH.

nh_my_mh


 

 

Phản hồi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét