CÂU LẠC BỘ VĂN NGHỆ SĨ XỨ ĐOÀI
LƯU GIỮ VÀ LAN TỎA NHỮNG GIÁ TRỊ
VĂN HÓA QUÊ HƯƠNG
Nguyễn Thị Thiện
Xứ Đoài, quê hương của núi Tản sông Đà là một trong những cái nôi của người Việt cổ. Vùng nhân kiệt địa linh này với những giá trị truyền thống lịch sử lâu đời, văn hóa đặc sắc đã sản sinh, nuôi dưỡng nhiều bậc hiền tài cho đất nước. Xưa nay, người Xứ Đoài ngày đêm chiến đấu dũng cảm, lao động cần cù bảo vệ và dựng xây quê hương mỗi ngày càng thêm giàu đẹp. Song hành với điều đó, rất nhiều người con của quê hương luôn có ý thức giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa riêng của Xứ Đoài trong dòng chảy hội nhập với văn hóa Thăng Long Hà Nội và nền văn hóa Việt nói chung, tiêu biểu là hoạt động của Câu lạc bộ văn nghệ sĩ Xứ Đoài.
Sự ra đời của Câu lạc bộ
Những năm 90 của thế kỷ XX, một số khá đông văn nghệ sĩ Xứ Đoài, sau những dịp gặp gỡ trao đổi, đàm đạo, nhiều người cùng có chung chí hướng, nguyện vọng muốn có một sân chơi riêng để giao lưu, bày tỏ tình cảm, suy nghĩ nhằm duy trì và lan tỏa những giá trị đặc trưng của văn hóa quê hương. Vượt qua những khó khăn thuở “vạn sự khởi đầu nan”, mùa thu năm 1994, Câu lạc bộ Văn nghệ sĩ (CLB VNS) Xứ Đoài chính thức được thành lập với tôn chỉ mục đích cơ bản là: thông qua
các sáng tác văn - thơ - nhạc - họa - nhiếp ảnh, các tác giả là những người yêu mến xứ Đoài, bày tỏ tình cảm đối với quê hương và con người; giới thiệu, giữ gìn, lan tỏa và phát huy những giá trị đặc sắc của văn hóa Xứ Đoài.
Thời kỳ đầu (1994 - 2017): Họa sĩ Phan Kế An làm chủ nhiệm CLB những năm 1994 - 2010. Kế tiếp là Thiếu tướng - nhà văn Hồ Phương làm chủ nhiệm CLB nhãng năm 2010 - 2017. Giai đoạn này, rất ghi nhận những gương mặt văn nghệ sĩ sáng lập, có nhiều đóng góp với CLB: họa sĩ Phan Kế An, nhà văn Hồ Phương, nhà văn Phan Văn Đà, họa sĩ Tôn Đức Lượng, nhiếp ảnh gia Mai Nam, nhạc sĩ Lê Việt Hòa, nhạc sĩ Hoàng Long, nhạc sĩ Hoàng Lân, nhạc sĩ Đoàn Bổng, nhà thơ Bằng Việt, nhà văn Phan Quế, nhà văn Nguyễn Kiên, nhà thơ Vân Long, nhà thơ Huy Dung, nhà văn Nguyễn Trí Huân... Suốt trong nhiều năm, CLB đã hoạt động mạnh mẽ trên nhiều phương diện. So với những câu lạc bộ khác trong tỉnh - thành, CLB văn nghệ sĩ Xứ Đoài có nhiều thành tựu được nhân dân và các cấp chính quyền ghi nhận. Mỗi năm xuân thu nhị kỳ đều có gặp mặt anh chị em, trao đổi nghiệp vụ sáng tác, tổng kết hằng năm và bàn bạc phương hướng hoạt động phù hợp với từng thời kỳ. CLB rất cảm ơn sự quan tâm của Đảng ủy, UBND Thành phố Hà Nội (như bà Nguyễn Thị Hằng Phó Bí thư Thành ủy, ông Lại Hồng Khánh - nhà thơ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy) tuy bận nhiều công việc vẫn thu xếp dành thời gia tham dự họp). Cảm ơn các cơ quan chủ quản: trường THPT Việt Đức, Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, Bảo tàng Phòng không không quân, các huyện thị: Sơn Tây, Ba Vì, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Hà Đông, Hoài Đức… và một số mạnh thường quân khác đã ủng hộ và tạo điều kiện để CLB tổ chức hội họp. CLB đã phát triển được 6 chi hội hoạt động từ đó đên hiện nay như: Ba Vì, Sơn Tây, Hà Đông, Đan Phượng, Thạch Thất, Hoài Đức. Những năm này, được sự ủng hộ mạnh mẽ của một số cơ quan, ban ngành nên năm 2012, Ban chủ nhiệm dự định chuyển đổi CLB thành Hội văn nghệ sĩ Xứ Đoài, hồ sơ đã đệ trình lên cấp trên chỉ chờ phê duyệt, nói như nhà thơ Chế Lan Viên là “chỉ chờ một tiếng chim thôi là trái ngọt…” Thật tiếc là sự việc này bên cạnh sự đồng thuận của những tổ chức, cá nhân lại gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Tuy kế hoạch chuyển đổi này không thành hiện thực nhưng hoạt động của CLB vẫn duy trì và hoạt động đều đặn.
Thời kỳ thứ hai từ 2017 - 2021. Nhạc sĩ Hoàng Lân làm chủ nhiệm CLB bởi nhà văn Hồ Phương (sinh 1931) đại thọ (90 tuổi), sức khỏe và trí tuệ không còn như trước nên xin nghỉ. Thế hệ tham gia kế tiếp có các VNS nhiệt tình với hoạt động của CLB như: Đào Hà, Phan Văn Đà, Minh Nhương (Đan Phượng), Bùi Phương Thảo (con nhà thơ Quang Dũng), Phùng Quang Vinh, Vũ Đình Lương (Ba Vì), Khuất Quang Thái, Xuân Phương (Sơn Tây), Đào Ngọc Chung, Nguyễn Địch Long và Vũ Quang Huy (Hà Đông), Kiều Cao Lâm (Thạch Thất), Nguyễn Vinh - Nguyễn Văn Lượng (Quốc Oai), Nguyễn Đức Căn (Hoài Đức)… Hoạt động của CLB giống như cỗ máy tiếp tục vận hành đều với những hoạt động, việc làm rất ý nghĩa .
Thời kỳ thứ ba từ 2021 đến nay: Nhà nghiên cứu Đào Hà làm chủ nhiệm CLB. Hai năm qua đại dịch covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến họat động của CLB. Song các hội viên ở nhiều chi hội vẫn sáng tác đều đặn, một số chi hội vấn xuất bản ấn phẩm mới. Riêng CLB, Ban chủ nhiệm tập hợp được các sáng tác tiêu biểu, đã xin được giấy phép xuất bản của Hội Nhà văn, cuốn Văn nghệ Xứ Đoài năm 2022 đang được ấn loát. Mong sao tân chủ nhiệm CLB là ngọn cờ tập hợp, phát huy được tinh thần đoàn kết và sức mạnh tập thể của toàn thể hội viên.
Hoạt động của CLB 28 năm
Nhìn lại chặng đường qua, với sự cố gắng
của Ban Chủ nhiệm và toàn thể hội viên, hoạt động của CLB văn nghệ sĩ Xứ Đoài từng được các cấp chính quyền ban ngành và đông đảo nhân dân ghi nhận. UB ND Thành phố Hà Nội đã tặng Giấy khen CLB ; Ban tổ chức Ngày Thơ Việt Nam đã biểu dương khen thưởng năm 2017. Bên cạnh đó, những việc CLB đã làm được với những hoạt động nổi bật như sau.
1- Hằng năm CLB và nhiều chi hội đều ra được tác phẩm mới. Toàn thể hội viên CLB đã xuất bản hàng trăm ấn phẩm (mỗi cuốn 250 - 300 trang khổ 16x24) với hàng nghìn sáng tác kết tinh tâm hồn, trí tuệ của những nghệ sỹ chuyên và không chuyên gửi tới bạn đọc ở đủ các thể loại: thơ, truyện ngắn, tranh, ảnh và ca khúc. Hầu hết mỗi năm đều đặn. CLB xuất bản mỗi năm một cuốn tập hợp những sáng tác đặc sắc nhất của các chi hội thành “Văn nghệ Xứ Đoài - năm…” do NXB Hội Nhà văn cấp phép. Ngoài ra, mỗi Chi hội của CLB địa phương hằng năm cũng thường xuất bản một ấn phẩm. Đáng chú ý là
CLB đã xuất bản riêng được một tập “Ca khúc - Người Hà Tây” do NXB âm nhạc ấn hành năm 1997 và 2 tập Xứ Đoài thơ, tập hợp những bài thơ
hay nhất của các chi hội trong khoảng 5 - 7 năm. Những bài thơ hay nhất được chọn in tham gia trưng bày và giới thiệu với bạn yêu thơ trong
ngày Thơ Việt Nam tại Văn miếu Quốc Tử Giám. Đi đôi với việc in ấn còn có những ra mắt, giới thiệu, hội thảo về sách. Đây là những sân chơi bổ ích
và lành mạnh.
2- Tổ chức thực hiện được 3 lần triển lãm tranh tại các địa điểm: Trung tâm Văn hóa Hà Đông, Thư viện Hà Nội và Tòa nhà triển lãm Bờ Hồ quận Hoàn Kiếm - người có nhiều công lao nhất với hoạt động ngày là họa sĩ Phan Kế An và các cộng sự.
3- Bày tỏ lòng ghi nhớ và tri ân sâu sắc các danh nhân nổi tiếng của đất nước quê hương Xứ Đoài bằng những việc làm thiết thực: tham mưu với UBND Thành phố, năm 2004 đã di dời mộ của thi sĩ Tản Đà từ chùa Hương về quê hương Cụ tại làng Khê Thượng - Sơn Đà (Ba Vì). Dựng được 3 bức tượng bán thân danh nhân: một tượng Nghệ sĩ Nhân dân Tào Mạt đặt tại trường THCS Hữu Bằng - Thạch Thất quê ông; 2 bức tượng Quang Dũng đặt tại trường THCS Đan Phượng quê ông và một tượng đặt tại nhà lưu niệm Tây Tiến.
4- Nhiều lần tổ chức tham quan, giao lưu văn hóa văn nghệ . Các chi hội tập luyện, chọn cử các hạt nhân văn nghệ giao lưu trình diễn: tại Nhà hát chèo Kim Mã, tại thị xã Sơn Tây. Ngoài ra Ban chủ nhiệm CLB còn tổ chức chuyến đi thực tế sáng tác Về nguồn, thăm nhà lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến tại Mộc Châu - Sơn La.
5- Tổ chức thành công rực rỡ kỷ niệm 25 năm thành lập CLB VNS Xứ Đoài ngày 25/4/ 2019 tại Hội trường UBND huyện Đan Phượng và ấn phẩm Văn nghệ Xứ Đoài năm 2019 - số đặc biệt. Cuốn VNXĐ - 2019 đã kết tinh rất nhiều tâm huyết, trí tuệ của anh chị em trong CLB. Đây là bó hoa lớn
đa sắc, đa hương của toàn thể hội viên dành tặng bạn đọc.
Như vậy, CLB VNS Xứ Đoài với lực lượng đông đảo mấy trăm hội viên hoạt động hoàn toàn tự nguyện, kinh phí hoạt động và in ấn tự đóng góp nhưng anh chị em rất tâm huyết, nhiệt tình. Điều này quả là đáng quý bởi những văn nghệ sĩ chuyên và cả không chuyên ấy chính là lực lượng cầu nối, hạt nhân đã và đang lan tỏa tình yêu văn hóa nghệ thuật thơ ca, nhạc họa, tranh ảnh… đến rộng rãi quần chúng nhân dân, Chính các hội viên đã góp một phần nhỏ của mình trong hoạt động nâng cao dân trí và nhất là nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, văn minh. Song thật đáng tiếc một bộ phận nhà quản lý, các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ khác lại chưa thấy hết giá trị, ý nghĩa hoạt động và những cống hiến thầm lặng của CLB VNS Xứ Đoài. Mong sao hoạt động của CLB được Hội liên hiệp VHNT Thành phố và cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận và quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để CLB hoạt động tốt hơn nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét