Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2022

HỒ THỦY GIANG - CÂY TRUYỆN NGẮN

 HỒ THỦY GIANG - CÂY TRUYỆN NGẮN

                          Vũ Nho

 


Ở mảnh đất Thái Nguyên mà tôi một thời gắn bó, từ trước đến tận bây giờ, những cây bút gạo cội có thể kể là nhà giáo, nhà văn Vi Hồng, nhà thơ Ma Trường Nguyên, nhà văn Hà Đức Toàn và cây truyện ngắn Hồ Thủy Giang. Hồ Thủy Giang xuất hiện sớm, được giải cao trong khi những cây bút khác cùng lứa như Trịnh Thanh Sơn, Hoàng Minh Tường, Võ Nhu, Chu Hồng Hải, sau này là Nguyễn Đức Thiện…mới lác đác có vài truyện ngắn in trên tờ Văn Nghệ Việt Bắc, tờ tạp chí của Khu tự trị gồm sáu tỉnh Cao Bắc Lạng Hà Tuyên Thái.

Nếu ai hay theo dõi các giải thưởng thì sẽ có một sự kinh ngạc khác : Hồ Thủy Giang là người luôn luôn có duyên với giải thưởng. Hầu như “tuần chay” giải thưởng  nào anh cũng có “nước mắt”. Mà lại nhiều giải cao. Công bố 27 tác phẩm gồm truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, kịch bản phim truyền hình, thơ, bình thơ trong đó có  12 tập truyện ngắn, Hồ Thủy Giang ẵm tất cả 20 giải thưởng của Báo Văn Nghệ, Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Báo Tuổi trẻ, Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam…Truyện ngắn của anh được làm luận văn thạc sĩ, được chọn vào sách giáo khoa tiểu học, sách giáo khoa văn học địa phương…

Tôi ấn tượng mãi khi cùng Hoàng Minh Tường đến Cát Nê để thăm nhà văn Hà Đức Toàn. Lúc đó anh Toàn cần phải mượn thêm một xe đạp nữa cho hai văn sĩ từ Hà Nội lên. Anh nói chuyện với bà cụ chủ nhà và giới thiệu Hoàng Minh Tường với tôi là “nhà văn” từ Hà Nội muốn đi thực tế Cát Nê. Bà cụ chủ nhà mau mắn nói: “- À, tôi biết rồi, các ông đây là nhà văn như ông Hồ Thủy Giang chứ gì!”.

Nổi tiếng sớm và vang danh ở đất Thái Nguyên như thế, nhưng Hồ Thủy Giang lại vào Hội nhà Văn Việt Nam khí hơi muộn so với bạn bè cùng lứa. Có lẽ cũng là một bí ẩn số phận văn chương chi đó chăng. Cũng giống như chuyện anh là cây truyện ngắn Thái Nguyên, nhưng nhiều khi lại bị khuất lấp sau cái anh làm thơ tay ngang, hay viết kịch bản phim truyền hình, thậm chí là tay bình thơ tài tử của chính mình…

Tập truyện ngắn thứ 12 của Hồ Thủy Giang có cái tên rất “hiện thực” – Không phải là ảo ảnh. Nghe có vẻ như muốn đối thoại, tranh luận với bạn đọc. Mà lại cũng có vẻ như tác giả muốn tranh cãi với chính mình, thay đổi cách nhìn hiện thực của mình. Bởi năm 1997, tác giả in tập truyện ngắn có nhan đề “ Ảo ảnh”.

Thú thật, tôi là người đọc Hồ Thủy Giang rất sớm vì cùng trang lứa, cùng được giải  truyện ngắn của Tạp chí Văn Nghệ Việt Bắc. Vẫn nhớ mãi những truyện được giải của anh như “ Cô bánh xích”, “Những trang bản thảo”, “ Bông hoa cô đơn”,  cả những truyện bình thường  không có giải như “Ông Lừng Vang”,  “Có một cô gái trong đời”, “ Lúc ấy biển hoàng hôn”…

Với tập truyện mới  “ KHÔNG PHẢI LÀ ẢO ẢNH”- Nhà xuất bản văn học năm 2013, gồm 38 truyện ngắn, Hồ Thủy Giang chứng tỏ một sức bút mạnh mẽ, một tình yêu mãnh liệt, bền bỉ với thể loại mà anh thành danh đầu tiên.

Ba mươi tám truyện, từ chuyện trẻ con  ( Kim) đến chuyện người lớn (  Lão căn ke); từ chuyện anh ăn cắp vặt đến chuyện của đại gia (Tên trộm, Nửa giờ với một tỉ phú); từ chuyện văn sĩ ( Quyền được nói to) họa sĩ ( Danh họa) sang chuyện nhà thơ, chuyện nhạc sĩ ( Nhạc sĩ)…; từ chuyện góc phố nghèo ( Người kéo xe ba gác), đến chốn ăn chơi ( Sàn nhảy); từ chuyện tòa án ( Có một phiên tòa),  đến chuyện Chia tài sản; từ chuyện Vàng, Báu vật,  đến chuyện cái Đệm điện , chuyện Chiếc nhẫn… Có cảm giác chỗ nào ở cái mảnh đất Thái Nguyên này,  từ phố thị cho đến xóm núi mờ sương … ông nhà văn cũng có mặt và nhặt ra chuyện . Đủ loại. Từ chuyện to đến chuyện nhỏ, chuyện  buồn  đến chuyện vui, chuyện thương tâm đến chuyện bức xúc; chuyện ngành này, nghề nọ,...Nhặt ra, đưa lên để cùng bạn đọc suy ngẫm về nhiều phương diện của thời cuộc, về lẽ đời… Chẳng hạn, sao cái khoảng cách hơn một mét mà một trong hai người không thể vượt để gặp nhau? ( Khoảng cách) Rồi cái giá của niềm tin ở cuộc đời này là bao nhiêu? ( Giá của niềm tin). Ứng xử của chị em sau phiên tòa là thế nào? ( Có một phiên tòa).  Tỉ phú mà cũng khổ. Nỗi thống khổ của tỉ phú là gì? ( Nửa giờ với một tỉ phú). Vì sao ông ta lại không thể làm một người bình thường? (Một người không thể trở thành…người bình thường). Báu vật của hai vợ chồng nhà nọ là gì? ( Báu vật)…Tác giả sẽ cùng bạn đọc giải đáp các câu hỏi và cùng  chiêm nghiệm.

Có thể thấy rất rõ  một điều. Trước đây Hồ Thủy Giang say sưa với những nét đẹp của cuộc sống mới, nhiều điều lãng mạn, nhiều điều tốt đẹp dù hiện thực đời sống không thiếu những khó khăn, gian khổ. Giờ đây, anh điềm tĩnh hơn khi tiếp cận với hiện thực nhiều điều buồn, nhiều chuyện đau lòng, nhiều thứ  trớ trêu…Cái giọng kể vui tươi, hóm hỉnh, tràn đầy niềm yêu đời, lạc quan giờ được thay bằng giọng điềm đạm, kìm nén, ẩn chứa nhiều băn khoăn, day dứt.

Trước đây truyện ngắn của Hồ Thủy Giang thường khá dài. Anh thích kể, thích tả, thích trữ tình ngoại đề. Bây giờ, sau khi đã thành công với thử nghiệm truyện ngắn mi ni ( Được giải thưởng, rồi in tập Tuần hoàn của đất, 2003), Hồ Thủy Giang thích viết cô đọng. Mỗi truyện quân bình trên dưới 7 trang in. Có truyện còn ngắn hơn như  Khoảng cách, Đệm điện, Nhạc sĩ, Danh họa, Sáu chữ, Vàng… Việc tiết chế này là một xu hướng tốt. Cứ xem những truyện ngắn Trung Quốc qua bản dịch của nhà văn Vũ Công Hoan thì rõ. Các nhà văn không tả cành tả cảnh mà thường bập ngay vào tình huống truyện, bỏ qua tất cả các khâu dẫn dắt, làm quen. Nhịp điệu truyện bao giờ cũng nhanh, gấp gáp. Bây giờ bạn đọc có quá nhiều thứ cần đọc và mời đọc. Họ không có nhiều thời gian. Hồ Thủy Giang đã đi rất đúng hướng của truyện ngắn hiện đại: truyện ngắn cần phải ngắn, càng ngắn càng tốt.

Có thể nói Hồ Thủy Giang có duyên kể chuyện. Chuyện chẳng có gì, nhưng nhờ cái duyên đó mà nhà văn giữ được người đọc, người nghe. Rồi dần dà cuốn hút họ vào mạch truyện.

Ví như truyện “ Đệm điện” trong tập truyện ngắn này. Cu Quân nói với ông nhà thơ rằng ai nằm đệm điện thì cãi nhau và bỏ nhau. Ông nhà thơ kinh ngạc không tin. Cu Quân lại rất tin tưởng, vì thấy bố mẹ thằng Hoàng bỏ nhau ; bố mẹ nó thì cãi nhau và đã làm đơn li dị… Thế là người đọc phải theo đến hết để xem cái đệm điện kia vì sao lại có tác dụng như thế. Cũng như vậy, người đọc không thể không theo dõi đến cuối phiên tòa để xem kết quả tòa xử cho bên nguyên là Khuất Thị Đanh và bên bị là cô Hoài Mơ bị tố cáo cướp chồng ra sao ( Có một phiên tòa). Trường hợp “sáu chữ”  là sáu chữ gì trong truyện ngắn “ Sáu chữ” cũng thế. Phải thừa nhận là Hồ Thủy Giang kể chuyện có nghề, đáng xếp vào hàng cao thủ.

Có thể gặp nhiều “duyên kể” của Hồ Thủy Giang trong tập truyện này. Cái duyên ấy, cái duyên thầm ấy như là nhan sắc trời cho ở người đàn bà. Có người mới ba chục tuổi đã toan về già; có người thì ngoại năm mươi vẫn còn xuân sắc. Hồ Thủy Giang giữ được cái duyên kể ấy thật bền qua mười một tập truyện ngắn đã in.

Cũng cần phải nói rằng Hồ Thủy Giang không mấy thay đổi về bút pháp. Vẫn cách dựng chuyện giản dị; vẫn sự quan sát tinh tế, chi tiết; vẫn lối kể có duyên thầm, Hồ Thủy Giang ít dùng các thủ pháp lạ hóa, huyễn tưởng, huyền ảo … Có phải thế này chăng, một khi đã đủ bản lĩnh tự tin vào vấn đề đặt ra, tự tin vào cách dựng truyện, có lẽ cũng không cần phải mất công viện đến các thủ pháp khác lạ nữa? Nói vậy, không có nghĩa là Hồ Thủy Giang không biết đến những thứ đó. Chẳng những biết, mà anh dùng cũng thành thục chẳng kém ai trong các truyện :  Trinh nữ, Đối thủ. Phải chăng  chỉ là anh không thích mà thôi.

Truyện ngắn là một thể loại khó.  Không ít các cây bút ẵm giải cao trong các cuộc thi rồi sau đó lặn một hơi, mất hút. Một số nhà văn chỉ coi nó như là bước tập dượt để rồi khi đủ lực,  sẽ toàn tâm thử sức với những truyện vừa và tiểu thuyết. Một số người viết thì song song cả truyện ngắn với tiểu thuyết. Hồ Thủy Giang có viết tiểu thuyết ( được in lại hẳn hoi) và nhiều thể loại khác. Nhưng rút cuộc thì truyện ngắn mới là sở trường, mới là gia tài của anh. Gọi Hồ Thủy Giang là cây truyện ngắn thiết nghĩ hoàn toàn xứng đáng với những đóng góp của một nhà văn sống trên mảnh đất Thái Nguyên miệt mài lao động âm thầm, bền bỉ.

                                                                      Hà Nội, tháng 8/2013

sinh__hoat___thang_ba_chuan_5


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét