ĐI TÌM DẤU VÂN CHỮ - MỘT CÁCH TIẾP CẬN TÁC PHẨM THÚ VỊ
Vũ Nho
Chúng ta đã
quen với cách tiếp cận tác phẩm có tính cổ điển là phê bình văn chương. Chỗ hay
thì khen, chỗ dở thì chê. Hoàn toàn phụ thuộc vào chủ quan của người viết. Rồi
dần dần có sự du nhập các lí thuyết và
kiểu phê bình phương Tây, chúng ta tiếp cận tác phẩm theo thi pháp học, theo kí hiệu học, theo
phân tâm học, theo phong cách học… Các bài viết của những người phê bình,
nghiên cứu hiện nay đều có cả những yếu tố trên chứ ít người chuyên theo một lí
thuyết.
Tuy nhiên với tác giả Hoàng Kim Ngọc,
chúng tôi nhận thấy nữ tác giả “đi tìm dấu
vân chữ” tức là đi tìm phong cách của tác giả
in trên tác phẩm của mình. Nếu vân tay mỗi người mỗi vẻ để phân biệt các
cá thể, thì “vân chữ” cũng là của riêng người sáng tạo văn học nghệ thuật. Chữ
hay ngôn ngữ là của chung cho mọi người. Nhưng “vân chữ” là dấu ấn sáng tạo cá
nhân trong tác phẩm của người viết.
Tác giả Hoàng Kim Ngọc trong 20 bài viết của mình đã nhất quán trong cách tiếp cận và bình giá. Có thể có bài nghiêng về nghiên cứu, khảo sát công phu (Thi pháp ngôn ngữ thơ Dương Kiều Minh, Thiên tính nữ trong Giấc mơ sông Thương của nguyễn Phúc Lộc Thành, Ngôn ngữ trong tập thơ Giấc mơ sông Thương, Đồng sáng tạo để giải mã văn bản thơ Hoa giấu mặt của Mai Văn Phấn) ; có bài nghiêng về phê bình đánh giá như Cảm nhận về tập thơ Lữ hành của Hữu Đạt,Tín hiệu thẩm mĩ trong Chút sen còn lại của Hồng Thanh Quang, Bản giao hưởng nhiều bè trong tập thơ Chiếc giỏ mây trắng, Nghĩ về viết ngắn và những “viết ngắn” trong Trần gian muôn nỗi của Văn Giá. Nhưng tất cả đều dựa trên thi pháp, các thủ pháp tu từ cú pháp, tu từ từ vựng, thủ pháp lạ hóa,… mà người viết vốn là một chuyên gia.
Với cảm nhận cá nhân, tôi thấy có 2
cây bút tiếp cận tác phẩm văn chương khác với mọi người hiện nay là PGS.TS. Hữu
Đạt và PGS.TS. Hoàng Kim Ngọc. Cả hai đều là nhà ngôn ngữ học và tiếp cận tác
phẩm văn chương theo phong cách học. Tác giả Hữu Đạt đã thành công và tiếp theo là Hoàng Kim Ngọc.
Ấn tượng mạnh nhất của tôi là với những
bài khảo cứu nặng về tính chất nghiên cứu như đã kể ở trên. Chỉ riêng một chi
tiết Hoàng Kim Ngọc thống kê Dương Kiều Minh đã sử dụng 807 từ láy và dạng láy
khác nhau, tần số xuất hiện là 2.022 lần. So với Nguyễn Duy dùng 728 từ láy và
tần số là 1247 lần (tr. 31) cho thấy sự công phu, tỉ mỉ của người làm nghiên cứu.
Chính thống kê tỉ mỉ và chính xác đã làm cho tác giả có những kết luận bất ngờ
nhưng khả tín về Dương Kiều Minh: “Nhưng Dương Kiều Minh lại có một cảm quan thẩm mĩ
riêng : càng lạnh càng đẹp, càng buồn càng đẹp “Càng giá lạnh
vẻ đẹp càng trong suốt” (tr.510), Ồ, trăng tháng mười như khối ngọc giữa nền trời
lạnh
(tr.343), Vẻ ảm đạm của chiều thu thật đẹp (tr.507). ( tr. 24).
Tôi đặc biết chú ý tới bài viết ngắn
nhưng đầy sức thuyết phục “Về một ý kiến xung quanh vần luật thơ Lục bát của
Nguyễn Du và Nguyễn Duy” ( tr. 126).
Không rõ Ngọc Thiên Hoa làm gì, ở đâu. Nhưng cái ý muốn
“đốt đền”, muốn chê bai nhà thơ Nguyễn Du vĩ đại, và nhà thơ Nguyễn Duy có hẳn
một tập thơ hơn trăm bài lục bát được bạn đọc ngưỡng mộ, đã làm cho người này
liều lĩnh đưa ra những nhận định vô cùng
khiếm nhã : “Không biết sư ông Nguyễn Tuân cho Nguyễn Du là loại thi sĩ
nào đây? […] còn với Nguyễn Duy thì “Nhìn màu sắc tô đậm ( cưỡng vận) của người
viết bài này, nào ai có thể cho đây là bài thơ đúng luật 6/8?, chết liền(…)”. (
tr. 127).
Hoàng Kim Ngọc
rất bình tĩnh, từ tốn cho kẻ ngông cuồng
biết những gì (anh hay chị ta) nói là hàm hồ, chẳng có cơ sở khoa học nào. Bằng
sự phân tích thấu đáo của người làm ngôn ngữ học, Hoàng Kim Ngọc đã chỉ ra rằng
Ngọc Thiên Hoa đã hoàn toàn SAI khi viết về bài lục bát “Tre Việt Nam” của Nguyễn
Duy : “Tất cả bài thơ “Tre Việt Nam” có 30 câu với 15 cặp lục bát, bao gồm 15 cặp
âm tiết gieo vần, toàn bài gieo vần đều đúng nguyên tắc ngữ âm học (V.N. nhấn
mạnh)” (tr. 131). Điều thú vị là Hoàng Kim Ngọc cũng thừa nhận có cặp lục
bát có vẻ “cưỡng vận” là xanh/ mình (Nguyễn Duy) và than/viên (Nguyễn
Du). Nhưng người ta không thấy “ngang tai”. Tác giả có thêm phát hiện là “phải chăng những âm tiết gieo vần với nhau
thì âm cuối và thanh điệu có vai trò quyết định chính (?)” (tr. 132).
Có thể nói ngòi bút nghiên cứu phê
bình của Hoàng Kim Ngọc nghiêng về nghiên cứu, phê bình tác phẩm thơ. Nhưng khi
viết về văn xuôi, tác giả cũng có những khám phá riêng, có dấu “vân chữ” Hoàng
Kim Ngọc. Với tiểu thuyết “Cõi nhân gian” của Nguyễn Phúc Lộc Thành, nhiều nhà
nghiên cứu phê bình đã viết (Sương Nguyệt Minh, Bùi Việt Thắng, Tạ Duy Anh, Vũ
Nho,…) Hoàng Kim Ngọc vẫn có cách tiếp cận riêng thông qua ba chữ Tham, Sân, Si
và bi kịch của con người. Có thể nói đó là một bài viết thành công về cuốn tiểu
thuyết dài hơi, dài tập. Khi viết về cuốn “Trần gian muôn nỗi” của Văn Giá,
Hoàng Kim Ngọc đã bàn về “viết ngắn và
những cái viết ngắn” với những nhận xét,
đánh giá sắc sảo, đáng tin cậy.
Giọng văn của Hoàng Kim Ngọc ngay cả
khi tranh luận, vẫn giữ được vẻ điềm đạm,
giàu chất văn và giaù nữ tính. Tất cả đều bằng giọng nhẹ nhàng, mềm dẻo, giàu hàm lượng khoa học. Hoàng Kim
Ngọc thuyết phục người đọc bằng sự tỉ mỉ, thực chứng, bằng một vốn đọc rộng cổ
kim, đông tây. 130 tài liệu tham khảo cho thấy sức đọc rộng của tác giả. Và khi
bàn về bất cứ một hiện tượng câu thơ hay hình ảnh thơ, tác giả đều có những
liên tưởng so sánh thú vị bởi những dẫn chứng được đưa ra đúng lúc, đúng chỗ,
đúng ngữ cảnh.
Cũng có thể thấy tác giả ủng hộ những
tìm tòi của Nguyễn Phúc Lộc Thành về sự cách tân Lục bát của tác giả Giấc mơ sông Thương. Tuy vậy, có lẽ cũng
cần nhắc nhở tác giả lục bát rằng không
phải các từ anh tạo lập đều xuôi tai và được mọi người chấp nhận (tr.133).
Chúng ta đều biết có những cặp từ trong tiếng Việt xuôi và ngược đều như nhau.
Nhưng có một số từ không bao giờ nói ngược. Ví như nhàu nhĩ, mà viết thành nhĩ
nhàu là một sự cưỡng ép! Cũng như thế mượt
mà không thành mà mượt, vẫn vũ không thể thành vũ vần, thừa thãi – thãi thừa, nõn nà
– nà nõn… Vì sức ép vần luật của lục
bát nên buộc phải như vậy. Nếu có nghĩa thì chỉ là nghĩa ép, nghĩa tạm thời
trong ngữ cảnh mà thôi!
Khi trích dẫn Đỗ Trọng Khơi, người viết
cũng sơ suất bỏ qua cái lỗi của tác giả
về Quân trung từ mệnh tập. (trang 234). Lại nữa
có câu “Ngữ bất kinh luân , tử bất
hưu” . KINH NHÂN chứ không phải là KINH LUÂN! (trang 237). Không rõ lỗi biên tập
hay vi tính.
Tập sách gồm 20 bài viết từ năm sớm nhất là
2010 và bài muộn nhất là 2022. Hoàng Kim Ngọc còn công bố cuốn Từ dân gian đến nhân gian, nxb Khoa
Học Xã Hội gồm 15 bài viết từ năm 1998 đến năm 2022. Như vậy tính bình quân từ
1998 đến năm 2022, 15 năm tác giả viết
và công bố 35 bài. Tất nhiên, còn có các bài mà tác giả sẽ công bố trong tập
sách khác. Thêm nữa, trong thời gian đó
tác giả còn biên soạn và chủ biên 7
giáo trình tiếng Việt, Ngôn ngữ văn chương. Một người làm việc cẩn thận, cần mẫn với hiệu suất khá cao.
Cách tiếp cận tác phẩm của Hoàng Kim Ngọc
rất linh hoạt, sáng tạo. Cùng là thơ, tiểu
thuyết, tiểu thuyết giả tưởng, truyện ngắn,
biên khảo, nhưng cách dẫn nhập và phân tích không hề giống nhau. Thành
ra luôn đem đến sự tò mò, thích thú cho người đọc. Viết nghiên cứu phê bình văn
học tinh tế, chặt chẽ và có nhiều phát hiện như Hoàng Kim Ngọc là một điểm sáng
trong giới cầm bút nghiên cứu phê bình hiện nay.
Hà Nội, 24 tháng 9 năm 2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét