NGÔ VĂN PHÚ NGƯỜI LAO ĐỘNG VĂN CHƯƠNG CẬT LỰC
Ngô Văn Phú,
người lao động văn chương cật lực
VŨ QUẦN PHƯƠNG
Anh Ngô Văn Phú, người lao động văn chương cật lực ấy, không còn nữa. Anh đã vĩnh viễn ra đi lúc 15giờ15 ngày 24-10-2022 ở tuổi 88 (1935-2022), tại quê nhà: xã Nam Viêm, thị xã Phúc Yên tỉnh Vĩnh Phúc.
Tôi xin được gọi nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình khảo cứu, nhà dịch thuật cao niên ấy là anh như tôi vẫn gọi từ sáu mươi năm trước.
Năm 1962 ấy, khi tôi đang là sinh viên y năm thứ ba và bắt đầu rụt rè làm thơ thì anh Ngô Văn Phú đã xong đại học tổng hợp văn (khóa 1958-1961), đã là người của tòa soạn, chọn thơ cho tuần báo Văn học (báo Văn nghệ bây giờ) của Hội nhà văn VN. Nghĩa là người đã vào nghề, lại làm ở tung thâm văn chương. Tôi có phần ngài ngại khi trò chuyện với anh. Nhưng tôi hỏi gì anh đều tỉ mỉ trả lời. Không vồ vập mà ôn tồn, thân thiện. Thân thiện nhưng nghiêm cẩn, chín chắn. Tôi có cảm giác ông này không biết đùa. Thành ra, tôi chỉ kém anh ba tuổi (bây giờ theo cáo phó lễ tang, mới biết anh sinh 1935, hơn tôi 5 tuổi, chứ trong kỷ yếu hội viên anh sinh 1937. Nhưng cái cảm giác "ngài ngại" khi trò chuyện với anh thì không phải do chênh lệch tuổi, mà có lẽ do tôi sợ mình hay nói vui, dễ lỡ lời. May sao, cái nỗi ngần ngại ấy đã qua mau. Ấy là nhờ một lần tôi được đi cùng anh về một làng quê, trong lúc định tuổi một con trâu đẹp, anh Phú hồn nhiên và khéo léo đưa cả bàn tay nhỏ nhắn quen cầm bút của mình vào miệng trâu Anh đếm răng nó, định tuổi nó và bình luận năng lực cày bừa của nó rành rọt, thuyết phục như một lão nông nói chuyện mùa màng. Về cái vốn hiểu biết nông thôn của Anh Phú, tôi phục một thì tôi còn phục hai cái cách trò chuyện và tác phong thăm răng trâu mộc mạc của anh. Thấy tôi quá lo trâu cắn nát bàn tay, anh Phu còn giảng: phải có cách chứ, làm con trâu nó khoái mình mà cộng tác chứ. Cũng từ đó tôi lần ra hương vị riêng trong thơ nông thôn nông nghiệp của Ngô văn Phú với các nhà thơ hiện đaị khác cùng đề tài với anh. Ngô Văn Phú khai thác nông thôn thời hợp tác xã, nhiều thứ khác trước và đòi hỏi nhà thơ phải phát hiện và ngợi ca những nét khác ấy. Chất thơ, do vậy, rất dễ trùng nhau. mà trùng nhau thì người đọc chóng bứ lắm. Thơ Ngô Văn Phú, vốn hiền lành về bút pháp, thiên về vẻ đẹp truyền thống của quê ta: con chim ngói nết na chịu thương chịu khó quấn quýt với mùa màng như cô gái quê tự thời nảo thời nào. Đôi khi một thoáng tâm linh cổ sơ đánh thức phần kỳ ảo của tưởng tượng đủ sức quyến rũ đầy thơ mộng những tâm hồn khoa học không mê tín nhưng có nhu cầu mê say vẻ đẹp hư ảo của hồn quê chất phác, Ở bài thơ Cỏ bùa mê có dòng chú thích" trong núi Tản Viên, có loại cỏ..., muốn yêu ai hái cỏ bùa mê này mà bỏ" và chất hồn chất giọng của Ngô Văn Phú đã cộng hưởng với chuyện cũ mà thành thơ. Thơ có chất thơ:
(...) Tôi cũng lên đây cũng sững sờ
Cũng thầm xin cỏ một nhành tơ,
Đem về nhằm thả cho ai đó
Hồi hộp đêm đêm thức đợi chờ
Một đêm, hai đêm, ba bốn đêm
Cỏ bùa tôi bỏ đã lên men
Cái đêm em đến trăng đưa lối
Cỏ lại bay về núi Tản Viên
Bài thơ viết năm 1988, nhưng hồn vía nó lại dẫn ta về cõi xa xưa ngay trên đất đai xứ sở Tản Viên ấy. Chất thơ quê hương ở tâm hồn Ngô Văn Phú là kết tinh từ hai không gian và thời gian ấy. Nó bây giờ và cũng rất ngày xưa. Bài thơ ngắn Mây và bông đẹp như một áng ca dao đẹp nhất:
Trên trời mây trắng như bông
Ở dưới cánh đồng, bông trắng như mây
Những cô má đỏ hây hây
Đội bông như thể đội mây về làng
Bài thơ viết năm 1961, năm mở đầu kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Phấn chấn lắm. Cảnh thu hoạch bông trên cánh đồng hợp tác đúng như vậy đấy. Toàn thủ công cả thôi, có phương tiện cơ giới nào đâu. Mồ hôi mồ kê nắng nôi vất vả lắm chứ. Chất thơ cất lên từ đâu? Có sự lựa chọn như vô thức. Đó là khoảng không gian rộng và sáng của vòm trời và cánh đồng, của mây trưa bay trắng và cánh đồng bông đang vào vụ. Cai vần ông rất vang trong hai từ bông và đồng bắt ríu vào nhau theo vần lưng của thơ 6/8, âm thanh câu thơ trở nên sầm uất tưng bừng. Cái tưng bừng ấy làm hây má đỏ các cô xã viên. Thơ không nói đến nắng, đến mặt trời đứng bóng trưa. Nhưng mây như thế, bông như thế thì phải bộn bề, phải bức sốt chứ sao. Từ lấp lánh hây hây rất dân gian, màu sắc con người khỏe mạnh đủ sức cáng đáng tạo vật, nối liền hai màu trắng của trời-cao-mây và đất-rộng-bông. Ba "nhân vật" chính của bài thơ là mây của trời, bông của đất và ở giữa, con người, các cô gái làng, nối với nhau bằng động từ đội. Động từ này xác định các cô gái má đỏ hây đã thật sự tác động vào cả trời lẫn đất, choán cả kích thước trời và đất, thành hình ảnh ở lại trong tâm trí bạn đọc sau khi bài thơ khép lại.
Phía trên, ngay đề bài viết tưởng nhớ này, sau khi nhắc tên anh-Ngô Văn Phú- tôi đã nghĩ ngay đến phẩm chất lao động văn chương của đời anh. Hơn sáu mươi năm cặm cụi trên từng trang giấy. Mà có ít trang đâu. Theo cuốn kỷ yếu của Hội nhà văn VN xuất bản năm 2020: tính đến năm ấy, anh đã có 230 đầu sách. Nhiều nhất trong các nhà văn VN của mọi thời. Ban đầu anh dồn sức vào thơ. Thành công về thơ cũng là đậm đặc nhất. Nhưng cống hiến của anh tràn ra nhiều thể loại. Văn xuôi, anh viết cả truyện ngắn cả tiểu thuyết. Anh cũng làm phê bình, khảo cứu và dịch thuật. Làm biên tập cả thơ cả văn cả phê bình và dịch Hán Nôm, cho tuần báo của Hội nhà văn VN từ 1961 đến 1966, rồi sang tạp chí Văn Nghệ quân đội từ 1966 đến 1972. Lại trở lại tuần báo Văn Nghệ 1972-1976. Chặng cuối, anh về nhà xuất bản Hội nhà văn làm giám đốc. Hết tuổi quản lý thì làm biên tập. Đến tuổi bảy mươi thì ở nhà và văn thì vẫn viết. Anh ở tầng năm khu nhà lắp ghép Giảng Võ, ngày ngày leo 5 tầng cầu thang tự chợ búa cơm nước lấy. Loanh quanh thế nào mà thành cả đời anh sống xa gia đình. Chả là quê anh gần Hà Nội, chỉ bốn mươi cây số. Anh về nhà lúc nào cũng được mà chị và các con các cháu lên thăm anh cũng dễ. Nhưng dù sao cũng cứ một chốn đôi nơi. Cả nhà xót ruột lắm. Khuyên gì thì anh cũng cho thế này là tiện nhất. Tôi thấy anh sống như ép mọi nhu cầu của mình lại. Mê say nhất, thích thú nhất là ngồi đọc, ngồi viết. Anh hiếm khi tham dự các cuộc họp bạn hay rong chơi, trừ khi anh là người đứng ra tổ chức. Ai đến với anh và anh đến với ai cũng vì công việc. Bàn hết công việc thì ngồi "âu yếm nhìn nhau" rồi về chứ ít khi bàn sang chuyện khác. Nhiều bạn trẻ, trong đó có tôi, cũng khuyên anh "sa đà" một chút cho nó hương vị cuộc đời. Anh ừ ào, cười cười, gật gù. nhưng rồi đâu lại hoàn đấy. Giờ đây... Tất cả đã qua rồi. Cảm phục Anh . Kính trọng nghị lực và sự kiên nhẫn của Anh. Nhưng sao cứ thương Anh. Trên tất cả là thương Anh. Anh Ngô Văn Phú thương yêu!
Hà Nội 26-10-2022
(nguồn: báo Nhân Dân ngày 27-10-2022)
Người gửi / điện thoại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét