NGÀY XƯA... HOA ĐĨA Sửa
NGÀY XƯA …HOA ĐĨA
( bài đã đăng Tạp chí du lịch tp HCM số tháng 9/2022)
Nhẹ tay tháo sợi lạt mảnh, bốn cánh lá dong từ từ hé mở, để lộ bên trong bông hoa mẫu đơn đỏ tươi, cành ngâu mắt cá diếc vàng ươm, hoa móng rồng mập mạp thơm như mít chín, bông ngọc lan trắng ngà như đá cẩm thạch hay cánh hoàng lan cong như những ngón tay thiếu nữ … Ấy là đĩa hoa cúng ngày xưa của người Hà Nội, một vẻ đẹp tao nhã giờ đã chẳng còn nhiều.
TẠI SAO HOA ĐĨA?
Nhớ hồi nhỏ, những ngày sóc, ngày vọng đó, cô bé tôi thích lẫm chẫm theo bà ra chợ Hàng Bè mua hoa gói về thắp hương. Bà bán hoa dùng lá dong bồ tát - một loại lá dong màu lá mạ thường trồng ven rào - để gói những bông hoa mộc mạc, xinh xinh, thơm ngát mà bà vừa hái lúc mờ sáng ở vườn nhà.
Bàn tay chằng chịt những vệt kỷ hà của gai xước và sự vất vả ấy lại rất nâng niu khi chạm vào mỗi bông hoa, đúng như câu “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, nhặt mỗi thứ hoa một hai bông rồi bỏ vào lòng lá. Dường như không có định lượng rõ rệt rằng gói hoa này gồm bao nhiêu loại, mỗi loại có bao nhiêu bông. Cứ đủ là đầy.
Rồi bàn tay đó lại khẽ khàng ấp hai cái lá dong vào nhau, dùng lạt giang đã được ngâm nước mềm oặt khéo léo buộc lại, lại dùng một cái lạt khác xâu vào để người mua xách gói hoa được dễ dàng. Tôi thích được nhìn cảnh tượng ấy bởi thấy bà bán hoa như đang chơi đồ hàng với sự chú tâm hết mực.
Rồi sau khi nhận gói hoa từ bà hàng hoa, bà tôi bèn giao cho cô cháu gái nhiệm vụ xách gói hoa cúng đó bởi vì gói hoa không được phép để cùng các thực phẩm tanh tao khác. Cầm gói hoa tự nhiên tôi thấy mình quan trọng và được việc, cho dù gói hoa đó nhẹ vô cùng.
Về đến nhà, việc đầu tiên là bà cất làn thực phẩm vào một chỗ rồi dắt tôi cùng gói hoa ra bể nước. Múc một chậu nước mưa trong vắt, bà nhẹ nhàng mở gói hoa rồi nhặt từng bông thả vào chậu nước để rửa trôi đi chút bụi vô hình nào có lỡ dính vào hoa. Hà Nội ngày đó sạch sẽ và ít bụi bặm. Những bông hoa được hái còn đẫm hơi sương, nên cũng rất sạch.
Khoắng tay nhẹ trong lòng chậu cho nước khẽ lướt qua hoa rồi bà lại cẩn thận nhặt từng bông cho vào cái đĩa men trắng tinh. Sau khi chỉnh trang cho đĩa hoa thật đẹp đẽ, bà mới kính cẩn đặt lên bàn thờ, cạnh chén nước mưa mới lấy, rồi thắp hương, lầm rầm cầu khấn. Trong âm thanh nhẹ như tơ của bà, hương thơm của những bông hoa hoàng lan, ngọc lan, ngâu thoảng cùng hương trầm thoảng khắp căn nhà nơi phố cổ. Một đĩa hoa mùa nào thức đó, một chén nước sạch trong vắt, một nén tâm hương, ấy là đủ để soạn tấm lòng cúng dường chư Phật, dâng lên tổ tiên. Chỉ vậy thôi, không cần đến các mâm lễ linh đình. Vào những dịp quan trọng thì bà đóng thêm những cái oản xôi hay nấu xôi vò chè đường dâng lễ. Những đĩa hoa đó giản dị và nồng đậm lòng thành kính hồn nhiên, dâng lên Trời Phật, tổ tiên mọi thứ thanh sạch nhất, mà chẳng cầu xin gì ngoài hai chữ bình an cho gia đình.
Thời xưa ấy, dường như người Hà Nội chỉ có gói hoa làm lễ vật cúng tổ tiên và Trời Phật. Có thể nhiều người cho rằng, lúc đó cuộc sống thiếu thốn, khó khăn, cái ăn đè nén mọị thứ nên mới dùng hoa gói cho tiện, các loài hoa cũng rất dân dã. Hồi bé tôi cũng nghĩ thế nhưng lớn lên mới dần hiểu đĩa hoa cúng xinh xinh ấy lại chứa một triết lý nguyên uỷ sâu xa khác.
Vốn dĩ, trong tâm thức của bà tôi hay những người Hà Nội “muôn năm cũ”, bàn thờ tổ tiên và bàn thờ Phật là chỗ linh thiêng nên cần phải hết sức thanh tịnh, thế nên, lễ vật nào dù nhỏ hay lớn cũng phải được thanh tẩy rồi mới bày lên. Phải giữ cho nơi đó luôn vô nhiễm trước mọi thứ dơ bẩn, thối rữa hay uế tạp.
Thế nên, chén nước mưa sạch, đĩa hoa thơm sạch, cùng tấm lòng sạch đủ làm nên một lễ vật đủ đầy, và đáp ứng mọi tiêu chí “thanh tịnh”. Bởi những lễ vật đó, sau một vài ngày, nước sẽ bốc hơi vào hư vô còn đĩa hoa sẽ dần khô lại nhưng vẫn toả mùi thơm, lại không bị thối rữa, bốc mùi khó chịu như cắm trong lọ nước.
Đĩa hoa đó cứ khô dần trên ban thờ cho đến ngày sóc, vọng tiếp theo. Khi đó, đĩa hoa sẽ được bà thay bằng gói hoa mới. Lạ kỳ thay, những thứ hoa vườn mộc mạc kia lại ẩn chứa một hương thơm dai dẳng. Những bông hoàng lan hay ngọc lan sau nửa tháng đã héo đen nhưng vẫn toả ra hương thơm khả ái.
Ban thờ hiện đại ngày nay thường không dùng hoa đĩa mà dùng hoa cắm. Hoa cắm cũng rất đẹp nhưng có một cái dở là nước cắm hoa nếu không thay hàng ngày thì mùi rất tệ nhất là khi cắm cúc, cắm huệ. Phải chăng chính vì điều ý nhị ấy mà khi xưa các cụ đã dùng hoa đĩa để dâng Phật, dâng tổ tiên chăng?
NHỚ THƯƠNG NHỮNG GÁNH HÀNG HOA
Người Hà Nội dùng hoa đĩa để thắp hương từ bao giờ? Chắc là phải từ xa lắm, khi mà Hà Nội lơ thơ nhà phố song lại chi chít nhà ở làng có vườn rộng, ao sâu. Vườn để trồng cây trái, rau cỏ nhưng cũng để trồng những thứ hoa thơm, vừa làm cảnh, vừa là lễ vật thắp hương.
Nhà bà nội của tôi ở phố, nhưng nhà bà ngoại lại ở làng hoa Ngọc Hà. Khi xưa không chỉ Quảng Bá mới có chợ hoa đêm như bây giờ. Chợ làng Ngọc Hà hồi xưa cứ hai ba giờ sáng đã họp. Nhà thơ Vân Long có câu thơ rất hay tả cảnh chợ hoa đêm Ngọc Hà “Yêu sao Hà Nội sương bay trắng/Buổi chợ hoa đêm đất Ngọc Hà...” . Đến lúc sáng bạch, đến lượt những cô gái lại tất tả gánh những gánh hoa toả đi khắp phố phường, giống như cô Liên trong tiểu thuyết “Gánh hàng hoa” của Khái Hưng - Nhất Linh viết hồi thập niên những năm 30.
Thành ra, tôi hiểu rằng, đặc trưng của hoa cúng của người Hà Nội là theo mùa, theo vụ, mùa nào hoa nấy nhưng quan trọng nhất là phải tươi và có hương thơm. Bởi các cụ thường xem trọng hương thơm thanh tao và mang ý nghĩa trân trọng dâng cúng tổ tiên, người âm nhận tấm lòng của người dương qua mùi hương hoa. Hương thơm càng thanh nhã, thứ hoa đó càng được ưa chuộng để kính dâng. Tuy các đĩa hoa đa dạng nhưng không chỉ có mùi thơm mà màu sắc của các loại hoa tiệp với nhau rất thanh nhã, vàng của hoàng lan, của ngâu, trắng của ngọc lan, đỏ của hồng quế, mẫu đơn, lá dong xanh ngắt, trắng của cúc chi. Và một điều rất ý nhị người xưa gửi gắm qua đĩa hoa cúng còn nằm ở chỗ, đĩa hoa cứ được bày như thế, cho đến khi các bông hoa héo khô nhưng vẫn thoảng hương như minh chứng cho tâm thành của con cháu.
Vào tầm này, khi Trung Thu đã qua, đĩa hoa cúng thơm nhất vì có cả ngọc lan và hoàng lan. Bông hoàng lan yểu điệu, cánh hoa thon dài như ngón tay Phật, toả hương thơm thật quyến rũ. Ngọc lan trắng muốt thơm ngào ngạt. Hai loài hoa này đặc biệt được người Hà nội yêu chuộng.
…
Bây giờ cả bà nội lẫn bà ngoại của tôi đã mất, làng hoa Ngọc Hà cũng đã mất, những gánh hàng hoa bán hoa gói cũng mất. Tôi cũng đã trở thành bà nội, nhưng vẫn tiếc thương Hà Nội ngày tháng cũ. Tôi tiếc thương cái gói lá dong buộc lạt vuông vắn đó đã nuôi nấng một đức tin mãnh liệt cho con người vào chư Phật, vào tổ tiên bằng đĩa hoa mộc mạc.
Thế nên, tôi lại lẩn mẩn, đi tìm những cô hàng hoa còn sót lại đâu đó để “cùng chơi đồ hàng”, để được dâng những đĩa hoa tròn vành vạnh như mặt trăng, như Mạn-đà-la, với những bông hoa thôn dã nhưng rất thanh bạch và gần gũi với tâm hồn của người Việt. Gói hoa đó, đĩa hoa đó không chỉ có những bông hoa, mà còn ngan ngát sự chân thành!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét