Thứ Tư, 21 tháng 12, 2022

ĐẾN VỚI MỘT BÀI THƠ HAY

 


ĐẾN VỚI MỘT BÀI THƠ HAY


             HỒNG NHẠN

 Thất ngôn tứ tuyệt- một thể thơ  thường cho là khô khan, gò bó… song không phải là tất cả. Có những bài thơ mang tính hàm súc rất cao(ý tại ngôn ngoại) . Với 28 chữ mà đã phác họa nên một bức tranh đủ âm thanh mầu sắc và đặc biệt đã lột tả tâm trạng sâu lắng hoà quyện trong cảnh sắc thiên nhiên đất trời làm lay động lòng người. Mời quí vị và các bạn yêu thơ hãy đến với một bài thơ hay như thế!
Bài thơ TIẾNG HẠC ĐÊM của nhà thơ NGUYỄN VĂN LUYỆN:
      
       TIẾNG HẠC ĐÊM
Tiếng hạc hờn ai rớt xuống thềm
Nghe buồn não nuột dạ sầu thêm
Từng cơn nấc nghẹn cào đêm tối
Để suốt năm canh giấc chẳng mềm

       Mở đầu bài thơ( câu khai) như một sự bất ngờ:
   “Tiếng hạc hờn ai rớt xuống thềm”
Chỉ một động từ “ rớt “ thôi đủ gợi lên một không gian mênh mang trống vắng và tĩnh mịch đến vô cùng. Nhà thơ đã biến cái vô hình thành cái hữu hình . Cái âm thanh văng vẳng xa xôi vời vợi của tiếng hạc thành cái cụ thể gần gũi cạnh bên như có thể nắm bắt được. Phải có sự yên tĩnh đến mênh mông và sự tập trung quan sát cao độ bằng mọi giác quan thì mới có được cảm giác này  Tiếng hạc hờn dỗi hay lòng ai đang dỗi hờn. Bút pháp tả cảnh ngụ tình là một bút pháp tinh tế và đặc sắc. Câu thơ mở đầu đã báo hiệu tâm trạng nhân vật- cảnh và tình lồng chặt trong nhau. Cảnh buồn khiến lòng người càng thêm lẻ loi, hiu quạnh hay lòng người vốn nặng trĩu ưu tư nên nỗi sầu muộn càng thêm lan tỏa thấm sâu vào cảnh vật. 
  “ Như buồn não nuột dạ sầu thêm”
   Câu (thừa) trở về với tâm trạng bằng một loạt tính từ (buồn, não nuột, sầu) thêm. Như vậy tâm trạng của nhân vật đang trong trạng thái buồn bã cô đơn. Vì vậy tất cả mọi âm thanh và cảnh vật xung quanh như không còn tồn tại…chỉ còn một nỗi cô đơn trong mênh mông huyền ảo, rồi bỗng bắt gặp một tiếng hạc kêu sương từ xa xăm “rớt xuống “ bên thềm giống như một giọt nước tràn ly vậy. 
   Và câu chuyển của bài thơ đã dâng lên một cao trào, cao trào của nỗi buồn day dứt khôn nguôi, khao khát đợi chờ:
   “ Từng cơn nấc nghẹn, cào đêm tối”
    Câu thơ chuyển sang liên tiếp những động từ sắc mạnh ( nấc nghẹn, cào) nỗi buồn đã dâng lên tột đỉnh. Nó không còn lặng lẽ sâu lắng và triền miên nữa. Nhân vật trong bài thơ như muốn vùng lên, trỗi dậy để xé nát cái không gian yên ắng đến chết người này, để vượt lên trên nỗi buồn tái tê này. Tiếng hạc nghe không còn trong trẻo xa xăm vời vợi nữa mà giờ đây nó như những tiếng nấc nghẹn ngào cào xé vào không gian, xé vào màn đêm yên tĩnh. Phép nhân hoá ẩn dụ thật tinh tế lột tả tâm trạng nhà thơ cồn cào day dứt khôn nguôi. Và rồi:
    “Để suốt năm canh giấc chẳng mềm “
    Nếu như giấc chẳng thành thì sự việc bình thường của một người khó ngủ mà thôi. Ở đây “ giấc chẳng mềm” rất độc đáo. Từ ” mềm” đủ cho ta hiểu rằng tâm trạng, trái tim, đôi bờ mi… của nhà thơ tưởng như đã khô cứng lại, ko thể nào nhắm mắt.Một nỗi buồn nặng trĩu con tim,một nỗi cô đơn khát vọng, đợi chờ…!
     Bài thơ TN thật chỉn chu, với cách quan sát tinh vi, sử dụng từ ngữ gợi tả đầy thi ảnh,với thủ pháp nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong việc diễn tả tâm trạng nhân vật rất tinh xảo. Cái đẹp của ngôn từ không chỉ có niềm vui hay những hình ảnh muôn sắc mầu… mà cái đẹp còn tiềm ẩn trong sự vắng lặng mênh mông bao La của Đất Trời. Cảnh tình luôn hoà quyện vào nhau tương hổ cho nhau. Ta thổi vào thiên nhiên cỏ cây trời đất một tâm hồn sống , nó cùng sẻ chia nâng đỡ và cất cánh cho hồn thơ bay bỗng chạm đến trái tim người đọc. Đúng như Đại thi hào Nguyên Du từng viết:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu 
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ “
      “ Tình trong cảnh ấy.   
         Cảnh trong tình này”. 
Cảm ơn nhà thơ Văn Luyện đã cho độc giả thưởng thức một bài thơ hay cả nội dung và nghệ thuật với một tâm hồn nhạy cảm đa đoan…!

     Hà Nội ngày 1/11/2022
  Tg.  Hồng Nhạn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét