Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2022

HOA TAM GIÁC MẠCH

 HOA TAM GIÁC MẠCH

Truyện ngắn của Phạm Khắc Mã

                                                               

Chiếc xe chở đoàn tác nghiệp lên vùng Hà Giang đúng mùa hoa tam giác mạch nở rộ. Ông Giang háo hức, nét vui biểu hiện bằng sự góp hơi nhiều những câu chuyện cười cùng đoàn. Chuyến đi này ngoài nhiệm vụ chung của đoàn, đối với ông Giang còn mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng để khám phá một bí mật mà có thể chính ông là tội đồ hoặc liên quan.

Không khó để ông Giang tìm được địa chỉ và số điện thoại của Giám đốc Nông trường.

Ông Giang cũng không nghĩ rằng Nông trường X còn tồn tại đến ngày hôm nay, bởi Nông trường được thành lập từ đầu thập kỷ 60, với phương châm “Sử dụng đất đai, tận dụng nguồn nhân lực từ các địa phương đất chật người đông, tạo việc làm, cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội…”. Trải qua hơn nửa thế kỷ, bao diễn biến lịch sử, bao cơ chế, chính sách, thay đổi của đất nước, liệu ông có thể tìm được Lanh, người “trốn chạy khỏi làng” mà ông mù mờ biết đã “thay tên, đổi họ”  đến ẩn náu nơi mà hồi đó gọi là “sơn cùng thủy tận”.

***

Men lá vùng miền, sự hiếu khách của đồng nghiệp cùng không khí dịu mát vùng cao nguyên đã đánh thức ông Giang về ký ức quê hương:

…Sau lễ ăn hỏi của đôi bên gia đình, ngày mai Giang tiếp tục tới trường học tập. Cối giã gạo đầu nhà, cạnh bờ ao, đêm yên tĩnh là nơi hai người chọn để giãi bày tâm sự. Giang khó nói, bởi Giang không yêu Lanh, sự cố lễ hỏi hôm nay là do bố mẹ Giang cùng gia đình Lanh tự thỏa thuận, Giang bị bất ngờ sau cú điện tín “Bố ốm nặng - về ngay”. Giang hy vọng nói rõ tâm trạng để Lanh ủng hộ. Giang biết sẽ xảy ra sự tranh luận, giận hờn, nên chủ động ngồi có khoảng cách với Lanh. Giang tỏ lời xin lỗi, biết rằng điều sắp nói ra sẽ làm Lanh phật lòng, đang ngập ngừng thì Lanh nói “Có điều gì anh cứ nói, dù sao chúng mình đã là vợ chồng, không thể giữ mãi những gì trong lòng mãi được”.

-    Không! Không! Chúng mình không thể là vợ chồng được.

-    Anh nói cái gì? Vừa sáng nay gia đình anh mang lễ đến nhà tôi giạm hỏi, anh cũng đi cùng, sao giờ lại nói không?

-    Cứ bình tĩnh, tôi sẽ trình bày hết để Lanh hiểu lòng tôi.

     Giang nói về quan hệ tình cảm giữa hai người, chưa có tình yêu, mới xuất phát từ tình cảm bạn bè, có nhiều kỷ niệm đẹp trong thời thơ ấu. Việc Lanh qua nhà giúp đỡ bố mẹ Giang, là tình làng nghĩa xóm, việc giạm hỏi hôm nay là do các cụ hai bên bàn định. Hôm nay nếu Giang cự nự lại các cụ, không đi tới nhà Lanh thì sự việc còn phức tạp hơn nhiều. Nếu Lanh đồng tình với Giang, thì cùng hợp tác để cho hai bên gia đình yên ấm mà việc của mình không ai chê cười, nhưng Lanh kiên quyết:

-    Tôi không thể chịu được, tuy hai đứa chưa ăn nằm với nhau, đất lề quên thói, danh chính, ngôn thuận tôi đã là vợ anh, sáng nay trước bàn thờ gia tiên, các cụ đã chứng giám, giờ anh bỏ tôi, biến tôi thành góa bụa à?

-    Nếu cuộc hôn nhân này xảy ra, Lanh sẽ rất khổ, bởi chúng mình không có tình yêu, cuộc sống của Lanh sẽ rất vất vả khi bố mẹ tôi ngày càng già yếu, tương lai của Lanh sẽ rất mù mịt.

Lanh thút thít khóc, đầu hơi ngả về phía Giang, một mùi hương thơm dịu cỏ mần trầu và bồ kết từ mái tóc của Lanh làm Giang ngây ngất, một điều gì đó dịu ngọt, lâng lâng khó tả, Giang để cho Lanh tựa đầu vào vai, bằng lý trí Giang hiểu rằng Lanh đã yêu. Giang cũng mến Lanh nhưng còn bao điều ràng buộc, bao kỳ vọng vào tương lai, Giang muốn thoát khỏi làng quê để bay xa, bay cao đến phương trời mới; Nghĩ là vậy nhưng là thằng đàn ông đang hừng hực khí trai, chưa một lần biết hương vị đàn bà, trước hương mỹ nhân như mời gọi làm sao Giang cưỡng nổi. Giang đưa tay quàng qua vai Lanh, ngồi sát hơn, nước mắt con gái cộng mùi da thịt làm Giang mủi lòng, nụ hôn đầu đời nhẹ lên trán Lanh…, như luồng điện trái dấu, Lanh ôm choàng lấy Giang lanh thút thít:

-    Làm sao đây…em đã thành gái có chồng, anh giết em đi, đừng để em sống trong cái làng, cái xã này nữa, tủi hổ lắm, anh là mối tình đầu của em, anh biết không? Được gia đình nhà anh xuống đặt vấn đề giạm hỏi, em đã rất hạnh phúc, hình dung một ngày không xa sẽ là vợ anh, là dâu con bố mẹ, niềm vui chưa được đốt tay… anh mà bỏ, em sẽ chết cho anh xem…, tiếng sụt sùi to hơn, Lanh ôm hắn chặt hơn và cả bầu ngực căng tròn nóng hổi cũng rung lên theo nhịp tim đập mạnh cùng tiếng nấc. Vừa tò mò và cũng là an ủi Lanh, Giang đưa tay chạm nhẹ vào phần vải căng cứng, Lanh không có phản ứng gì, như trẻ không thuộc bài, biết làm thể  nào để chạm tới phần da thịt thật kia. Giang vụng về xoa nhẹ ngoài lớp áo, đưa tay lên phía yết hầu của Lanh, lách hai ngón tay xuống phần mềm mềm nóng hổi, chiếc áo bà ba cổ tròn, có cúc cài bám chặt cổ, bó sát thân thể, khó khăn lắm Giang mới chạm đến phần trên của bầu ngực. Như hiểu việc cần làm, Lanh đưa tay mở cúc, cơ thể căng tròn được giải phóng qua tiếng “pựt”, hương thiếu nữ nóng hổi cà sát vào Giang, vòng tay ra phía sau, thêm một tiếng “pựt” nữa. Bóng đêm làm Giang không thể chiêm ngưỡng thân thể ngọc ngà của Lanh, nhưng hai bàn tay Giang đã làm tròn bổn phận. Môi tự tìm đến nhau, lần đầu tiên Giang biết cảm giác hương thiếu nữ, vừa sung sướng, vừa sợ sệt. Hai kẻ khao khát quấn lấy nhau, chỉ có hơi thở hổn hển và cảm giác cơ thể, ngôn ngữ họ truyền cho nhau là những tiếng chóp chép do áp lực hơi và nước bọt. Hắn thấy “cái ấy” của hắn cương cứng, được bó chặt trong hai lớp quần, hắn đưa tay xuống phần dưới của Lanh…, rời nụ hôn đang cháy bỏng…, Lanh ôm hắn chặt hơn và điều gì đến thì đã đến.

-    Sau sự trao thân đến ngỡ ngàng ấy, mỗi người có dòng suy nghĩ riêng mà không thể nói ra cùng nhau.

Lanh lại ôm choàng lấy Giang, như muốn níu kéo, hoặc cố tìm cách nào đó chứng minh tình cảm của mình là sự thật.

Giữa hai người vẫn hòa quyện về thể xác, nhưng hai dòng suy nghĩ lại khác nhau đến nghiệt ngã, thời gian đã trôi sang ngày hôm sau mà vẫn chưa ngã ngũ, sáng hôm sau Giang phải đi. Trên đường dẫn Lanh về nhà, hai đứa không nói với nhau được câu nào cho trọn vẹn. Khác với sự chia tay của  những mối tình sâu nặng, cả hai đều không đưa ra lời hứa hẹn, chỉ ngầm hiểu và kỳ vọng một sự thay đổi. Đó là lần đầu hai người thuộc về nhau và cũng là mãi mãi xa nhau.

Người Việt Nam có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện” nét văn hóa và phong tục tập quán “cưới, hỏi” của cha ông để lại: Khi gia đình nhà trai có “cơi trầu giạm ngõ” và nhà gái đã “nhận lễ”, như luật bất thành văn, đôi trai gái đó đã thành vợ, thành chồng. Giang được học hành, lớn lên đã rời quê đi học, tuổi đời còn quá trẻ, Giang nghĩ: khi chưa có đăng ký kết hôn, thì quyền quyết định hôn nhân thuộc về cá nhân. Còn cuộc sống của Lanh chỉ gói tròn trong phạm vi làng xã, khi hai bên gia đình đã nhận lời nhau bằng cơi trầu, chén nước thì thân gái như ván đã đóng thuyền, vả lại Lanh đã trao phận đời con gái cho Giang.

***

Từ một lá thư tuyệt tình Giang gửi cho Lanh, sau những đêm không ngủ, những suy nghĩ nông nổi về thuần phong mĩ tục, đất lề quê thói…Lanh đã bỏ rời quê hương không một lời nhắn gửi, gia đình không biết Lanh đi đâu. Biết tin Lanh bỏ quê ra đi, Giang về quê, cũng không biết gì thêm, mọi trông chờ như bóng chim, tăm cá.

Quay lại trường học, chưa kịp tốt nghiệp đại học Giang nhập ngũ, sống cùng với sự khốc liệt của chiến tranh. Máu, lửa, đạn, bom cùng những vết thương cơ thể đã làm Giang khép lại mối tình đầu tội lỗi. Khi rời quân ngũ, vết thương ổn định, Giang xây dựng gia đình và tiếp tục học Đại học. Thời sinh viên sống lại đẹp như hơi thở mùa Xuân. Biết mình có lỗ với Lanh, mong manh với địa chỉ “Nông trường X thuộc huyện …, tỉnh Hà Giang”; Giang lặn lội lên tìm gặp Lanh, nhưng Lanh đã thay tên, đổi họ. Với mênh mông trùng điệp miền cao nguyên có biết bao nhiêu đội sản xuất, hơn nữa trong tâm thâm Giang nghĩ có thể Lanh đã có gia đình hạnh phúc, sự xuất hiện của Giang chỉ khơi lại quá khứ đau buồn của một thời nông nổi. Mỗi tình đó lại một lần nữa Giang khép lại trong ngăn kỷ niệm.

***

Gần 50 năm, ngăn kỷ niệm tưởng chừng đã được bọc nhiều lớp chai cứng của thăng trầm, bươn trải bỗng dưng vỡ toác khi ông Giang đặt chân lên vùng cao nguyên có cái tên “Nông trường X thuộc huyện …, tỉnh Hà Giang”.

Đang lục tìm quá khứ thì máy điện thoại của ông Giang rung chuông, một số điện thoại lạ gọi, phía đầu gọi là giọng phụ nữ trẻ:

-    Thưa…có phải số máy bác Giang không ạ?

-    Tôi là Giang đây, cháu là ai?

-    Cháu tên Hoài Hương, là con của mẹ Lụa thôn….xã …huyện …tỉnh… đây ạ.

-    Vâng đó là quê tôi, nhưng Lụa là ai tôi không nhớ nhỉ?

-    Cháu gọi cho bác từ “Nông trường X thuộc huyện …, tỉnh Hà Giang” ạ. Từ hôm qua Giám đốc nông trường có yêu cầu bộ phận nhân sự tra tìm người tên Lanh, quê thôn ….xã …huyện …tỉnh…làm công nhân nông trường cách đây gần 50 năm. Cháu là cán bộ nhân sự, đó quê gốc mẹ cháu ạ. Như vậy là bác là đồng hương với mẹ cháu rồi, nhưng Lanh là tên gọi khi mẹ cháu ở nhà, còn lên nông trường mẹ không dùng tên đó nữa ạ. Hay bác là người nhà mẹ cháu?

Hoài Hương là con Lanh, vậy đúng như ông Giang suy nghĩ: Lanh có gia đình yên ấm, con cái trưởng thành. Nhưng mong mỏi gặp gỡ chỉ để ông muốn giãi bày sự vụng về của thời trai trẻ, mà vô tình đã để lại ý nghĩ “một lần đò” của Lanh thôi. Giờ cả hai đã gần bảy mươi tuổi rồi, tình ái gì đâu mà khó nghĩ khi gặp gia đình Lanh, nhất là chồng của Lanh, nghĩ vậy ông trả lời:

-    Vậy là bác tìm đúng người rồi. Bác muốn biết mẹ cháu có khỏe không? Gia đình, chị em cháu thế nào?

-    Từ khi cháu biết, cháu chưa thấy ai ở quê lên đây, khi hỏi mẹ, mẹ cháu không nói, thi thoảng nói về một người mà mẹ cháu đã chỉ cho cháu trên tivi thôi, mẹ nói là “người ấy” cùng quê thôi ạ. Hay là bác là “người ấy” đấy? …Vậy đúng rồi…, cháu biết chỗ bác đang nghỉ, từ đó đến nông trường gần 30 cây số, đường cũng dễ đi, mai mời bác lên đây, bác sẽ biết thôi mà…mai cháu đón bác…

Ông Giang nặng lòng, biết Lanh vẫn còn nhớ đến ông, vì trong thời gian công tác, do đặc điểm công việc ông có vài lần xuất hiện trên truyền hình.

Chiếc xe Taxi chở ông Giang vượt qua đoạn đường nhiều khúc cua gấp, đường vắng người qua lại, hai bên đường một số rừng tái sinh, độ che phủ tán lá không cao. Cũng gần một giờ đồng hồ xe chạy, ông Giang có mặt ở khu Thị tứ, lái xe là dân địa phương nên dễ dàng đến địa chỉ Hoài Hương đã nhắn tin. Một phụ nữ khoảng trên 40 tuổi, trong trang phục giản dị, áo xanh nước biển kiểu công chức, trên tay là bó hoa màu tím (đặc điểm Hoài Hương đã báo để ông dễ nhận biết), nhìn Hoài Hương có dáng dấp cao ráo không có nét đặc trưng của dân vùng núi phía bắc. Ông Giang muốn đón Hoài Hương lên xe, nhưng cô nói “đường không thể đi xe được, hai bác cháu đi bộ chút thôi”. Ông Giang nghĩ đường về nhà Hoài Hương sao vắng vẻ và hẹp vậy, trái với tâm trạng tò mò háo hức của ông Giang, Hoài Hương nhìn ông với tâm trạng khám phá. Hai người song bước trên con đường đất, lòng đường chia làm hai vệt do lốp xe tạo thành, hai bên đường những vạt hoa tam giác mạch như những tấm thảm nhung tím lịm. Giờ ông Giang mới nhìn kỹ bó hoa Hoài Hương cầm trên tay là hoa “tam giác mạch”, giọng Hoài Hương trang nghiêm, thành kính:

-    Thưa bác! Thể theo nguyện vọng của mẹ, đúng như dự đoán của mẹ, sẽ có ngày bác tìm tới mẹ. Hôm nay được gặp bác, điều đầu tiên cháu đưa bác tới gặp mẹ, sau đó thì bác sẽ hiểu về cuộc sống của mẹ từ khi mẹ “bỏ làng” ra đi.

Một điều gì đó còn ẩn khuất sau câu nói của Hoài Hương, linh tính mách bảo ông Giang là Lanh đã không còn nữa.

Theo chỉ dẫn của Hoài Hương, ngôi mộ mang tên Nguyễn Thị Lụa, quê quán …. mất ngày …, ngôi mộ nằm trong một khu đất rộng mà Hoài Hương gọi là “Nghĩa trang”, thưa thớt mấy ngôi mộ cỏ mọc phủ kín. Riêng mộ của Lanh cỏ được cắt tỉa gọn gàng, xung quanh hoa tam giác mạch tươi rói, đung đưa trước gió thu.

Mấy nén hương gầy guộc, lất phất làn khói trắng quyện với sắc tím lịm của thảm hoa. Ông Giang lặng người theo lời kể:

…Thân gái dặm trường, một mình với một địa chỉ vu vơ của bạn bè, Lanh lặn lội vượt qua gần 500 cây số lên “Nông trường X thuộc huyện …, tỉnh Hà Giang”. Tại đây Lanh thay tên, đổi họ, xin làm công nhân nông trường, mang một mối tình bất thành, một nỗi uất hận. Hành trang của Lanh là mấy bộ quần áo cũ và cuốn sách Giang tặng: “Romeo và Juliet”. Từ đây cô công nhân nông trường có tên Nguyễn Thị Lụa.

Trong tâm trạng “lửa tình đã tắt” và một mầm sống trong cơ thể đang phát triển, Lụa lao vào công việc, không quản ngày, đêm, gian khổ, công việc vất vả bao nhiêu cũng không thể bằng ở nhà nông. Như một “canh điền” thực thụ, Lụa có thể cày, bừa với sức kéo là trâu, bò rồi tiến tới lái máy cày, máy bừa.v.v. Tự khép mình trong các không khí thi đua của toàn nông trường. Lãnh đạo nông trường dù có quý mến Lụa bởi tính dịu dàng và lao động hăng say song cũng không thể bỏ qua khi cái thai phát triển không thể giấu giếm. Còn khoảng 2 tháng nữa là đến thời điểm sinh em bé, Lụa bị kỷ luật do “chửa hoang”, không còn là công nhân của Nông trường nữa. Thương tình hoàn cảnh của Lụa nên lãnh đạo Nông trường vẫn sắp xếp cho Lụa ở tạm gần nơi chuồng trại và ra mức khoán cắt cỏ làm thức ăn cho bò.

Lụa chấp nhận cuộc sống khó khăn, tủi nhục của mình, vẫn dịu dàng, cần mẫn lao động chỉn chu, không kêu ca cùng ai. Sinh con được hơn một năm, Lụa được tiếp nhận trở lại làm việc. Công việc cuốn hút Lụa, cùng với cô con gái càng lớn càng xinh, Lụa đặt tên con với sự cay đắng của mỗi tình bất hạnh: “Nguyễn Thị Hận”.

…Trong công việc, hằng năm Lụa đều đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”, còn đời sống riêng tư, Lụa khép mình trong một không gian riêng. Gái một con, Lụa như bông hoa rừng giữa bát ngát cao nguyên, nơi có tới trên 90% là nữ. Một số công nhân nam, là những thương binh khi ra quân cũng được làm việc tại nông trường đã để mắt đến Lụa, nhưng luôn bị khước từ. Con gái Lụa lớn lên trong sự thương yêu đùm bọc của mẹ, Lụa nén mối tình đầu để nuôi con khôn lớn, sau đó con gái đổi tên là Hoài Hương (ý của Lụa là nhớ tới quê hương). Hoài Hương lớn lên và xây dựng gia đình, hiện là cán bộ quản lý của nông trường.

Biết mình không thể qua khỏi căn bệnh ung thư; Trong khoảnh khắc còn lại của sự sống Lụa kể chi tiết cho Hoài Hương về mối tình với “người ấy” và nói đó chính là cha của Hoài Hương, Lụa hy sinh cả một cuộc đời, từ biệt quê hương, người thân nơi chôn nhau cắt rốn đến vùng “thủy tận, sơn cùng” để tôn thờ một tình yêu ảo vọng và giữ gìn một kỷ niệm cho riêng mình. Trong di sản chắt chiu cả cuộc đời, Lụa dành hết cho Hoài Hương, trong đó có một kỷ vật là cuốn tiểu thuyết “Romeo và Juliet”.

Ông Giang như bị thôi miên bới lời kể của Hoài Hương, những cánh hoa sắc tím đã báo cho ông biết rằng: trước mặt ông là con gái ông, giọt máu mà ông đã bỏ rơi gần bốn mươi năm, phó mặc cho một thân yếu phận mỏng. Người đó đã thay ông nuôi con trưởng thành rồi gửi xác nơi đây, trong hiu quạnh vẫn làm tươi thêm sắc hoa xứ sở.

Ông Giang không muốn ngắt lời kể của Hoài Hương, nước mắt và những nghẹn ngào, mỗi lời nói của cô là một hình ảnh về một phụ nữ đã yêu ông và chôn chặt mối tình đơn phương trong lòng. Ông lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong, ôm  chặt Hoài Hương, ông nghẹn ngào: “Bố có lỗi quá nhiều với mẹ Lụa và con”!

Cầm lại cuốn tiểu thuyết đã vàng ố, các góc đã mòn vẹt, song vẫn cỏn đủ số trang, ông Giang nhận ra đó là quà ông tặng Lụa thuở thiếu thời. Lật trang cuốn sách vẫn còn nét chữ kỷ niệm mực tím non dại thưở học trò của ông, sau đó là dòng chữ của Lụa: “Tôi không chết như họ”.

Cả hai người ngồi như bất động bên mộ người quá cố, không ai thêm một câu nào, mỗi người suy nghĩ theo sự cảm nhận của riêng mình, nhưng họ đều nhìn về thảm hoa sắc tím, họ hình dung người dưới mộ đã hiểu được lòng họ, người quá cố đang tung tăng theo làn gió thu dịu mát. Ông Giang nhận ra Lụa chính là hoa “Tam giác mạch” của riêng ông; mùi hương thoảng bay trong gió là lạ, một rừng hoa li ti trải dài suốt từ núi bên này sang núi bên kia, những cái lá có hình tam giác ẩn nấp khá kín ở dưới hoa. Sắc hoa lung linh như vui ngày đoàn tụ.

                                                         Tháng 11 năm 2017

 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét