Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

GỬI BẠN CHI LÊ

 GỬI BẠN CHI LÊ

                Trần Đăng Khoa



            Tặng bạn Miraya Hilimét 15 tuổi ở Sanchiagô Chilê, có bài thơ “Bức thư ngỏ gửi Việt Nam” đăng báo Thiếu Niên Tiền Phong số 524

 

Tôi chưa gặp bạn lần nào

Mà nghe thơ bạn lòng sao bồi hồi…

Bạn yêu đất nước của tôi

Trong trong dòng suối, mây trời xanh xanh

Yêu bao bạn nhỏ hiền lành

Nụ cười hé nở, mắt xanh ánh trời

Giặc Mỹ nó đến nước tôi

Búp bê nó giết, bao người nó tra

Nó bắn cả cụ mù lòa

Nó thiêu cả bé chưa và được cơm

Bạn ơi, ai chẳng căm hờn

Làng tôi thêm lượt lên đường tòng quân

Miền Nam thắng trận Đông Xuân

Miền Bắc bắn rụng hàng ngàn máy bay

Chúng tôi đến lớp ngày ngày

Mũ rơm tôi đội, túi đầy thuốc men

Ao trường vẫn nở hoa sen

Bờ tre vẫn chú dế mèn vuốt râu

Chúng tôi chẳng sợ Mỹ đâu

Vẫn vui vẫn hát những câu rộn ràng

Bao giờ bạn đến Việt Nam

Bạn xem Mỹ chết, bạn thăm Bác Hồ…

                          1968

Lời bình của Vũ Nho

Bạn nhỏ Chi lê, với tinh thần thiếu nhi quốc tế đã làm một bài thơ  theo hình thức bức thư ngỏ, ca ngợi nước Việt Nam và cảm thông với các bạn nhỏ Việt Nam bị đói khát trong chiến tranh. Nhà thơ Trần Đăng Khoa khi đó lên mười tuổi, đang học lớp 4 đã có một bài thơ đáp lại.

Bài thơ có hình thức như một bức thư tâm tình. Đúng là chưa gặp, nhưng nghe thơ (chính xác phải là xem vì thơ của bạn Chi lê không đọc trên đài, mà đăng trên báo) vẫn cảm  thấy xúc động, bồi hồi. Bạn Chi lê viết “Việt Nam đẹp tựa dòng suối trong”, nhà thơ  thiếu nhi Việt Nam  hình dung ra tình cảm của bạn:

          Bạn yêu đất nước của tôi

          Trong trong dòng suối, mây trời xanh xanh

          Yêu bao bạn nhỏ hiền lành

          Nụ cười hé nở, mắt xanh ánh trời

Trẻ em Việt Nam cũng như trẻ em toàn thế giới đều hiền lành, dễ thương với nụ cười và ánh mắt thơ ngây trong trẻo.

          Đoạn tiếp theo của bức thư thơ, Trần Đăng Khoa tố cáo tội ác của giặc Mỹ đối với nhân dân Việt Nam. Tội giết  búp bê, giết trẻ em, người  tàn tật. Mỹ quá ác vì đã giết, tra, bắn, thiêu trẻ em và  cả người  mù lòa.

Rồi chú kể  cho bạn Chilê chuyện thanh niên làng mình tòng quân, miền Nam thắng trận, miền Bắc bắn rụng hàng ngàn máy bay giặc Mỹ.

          Điều quan trọng nhất là bé Khoa  nói với bạn về việc học hành của mình và các bạn nhỏ Việt Nam. Không phải là “vắng nụ cười trên môi” và “đói, khát” như bạn hình dung:

          Chúng tôi đến lớp ngày ngày

          Mũ rơm tôi đội, túi đầy thuốc men

          Ao trường vẫn nở hoa sen

          Bờ tre vẫn chú dế mèn vuốt râu

          Chúng tôi chẳng sợ Mỹ đâu

          Vẫn vui vẫn hát những câu rộn ràng

Trong khổ thơ này lí thú nhất là chuyện hoa sen “vẫn nở”, chú dế mèn “vẫn” vuốt râu và chúng tôi  “vẫn vui hát” để nói lên tinh thần “chẳng sợ Mỹ”.

          Cuối thư, thay cho lời chào tạm biệt là một lời mời. Mời bạn đến Việt Nam. Việc thứ nhất là “xem Mỹ chết”, tức là thấy sự thất bại của Mỹ. Việc thứ hai là thăm Bác Hồ. Vì Bác là người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam.

          Bức thư  bằng thơ của chú bé Trần Đăng Khoa đã thể hiện tinh thần lạc quan của trẻ em và nhân dân Việt Nam, thể hiện niềm tin tất thắng  giặc Mỹ của dân tộc đối với bạn bè quốc tế.

                                             Hà Nội ngày 29 tháng 4 năm 2020



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét