Thứ Ba, 10 tháng 1, 2023

CON MÈO TRONG TÍN NGƯỠNG CỦA NGƯỜI VIỆT



 CON MÈO TRONG TÍN NGƯỠNG

CỦA NGƯỜI VIỆT 

              VŨ THỊ HƯƠNG MAI

Trong văn hóa tín ngưỡng dân gian thì người Trung Quốc gọi năm Mão là năm con thỏ, còn Việt Nam gọi năm Mão là năm con mèo.

Có nhiều cách lý giải khác nhau về việc mèo thay thế thỏ trong 12 con giáp ở Việt Nam nhưng cách lý giải phổ biến nhất là chữ thỏ trong tiếng Trung Quốc phát âm là "mao" - nghe giống từ mão (con mèo) trong tiếng Việt. Vì hai từ phát âm gần giống nhau nên trong quá trình thông dịch, đã xảy ra sự nhầm lẫn khiến con thỏ trong 12 con giáp ở Trung Quốc được thay thế bằng con mèo. 

Ngoài ra, còn có cách lý giải khác: Ở Trung Quốc, thỏ được cho là con vật tượng trưng cho những gì hạnh phúc nhất. Trong khi đó, tại Việt Nam, mèo được cho là "bạn đồng hành" sạch sẽ, thông minh và hòa đồng nên người Việt thay thỏ bằng mèo trong danh sách 12 con giáp là phù hợp. Hơn nữa, thỏ là loài gặm nhấm như chuột, trong khi chuột cũng là một trong 12 con giáp mà các con giáp nên là độc nhất và khác biệt với nhau. Thêm nữa, mèo còn giúp tạo ra thế đối xứng với chó. Theo thuyết âm dương, điều này thể hiện sự cân bằng, giúp giải quyết các mâu thuẫn. Vì vậy, dùng mèo thay thỏ trong 12 con giáp được cho là tốt hơn.

Tuy nhiên, theo tín ngưỡng của người Việt Nam ta thì không nên tặng mèo cho người khác vào dịp đầu năm mới. Điều này xuất phát từ quan niệm cho rằng từ "mèo" cùng vần với từ "nghèo" nên nếu tặng mèo vào ngày đầu năm đồng nghĩa với lời chúc cho người nhận nghèo khó quanh năm. 

Tục ngữ và ca daoViệt Nam luôn có rất nhiều câu nói về mèo nhưng ẩn dụ sang người, ca ngợi cũng có mà chê bai mèo rất ý nghĩa:

Mèo con bắt chuột cống: ý nói người tuổi trẻ tài cao, làm vượt khả năng mình

Mèo đen hay trắng, mèo nào cũng được, miễn là bắt được chuột: ý nói chỉ cần hiệu quả công việc không nên để ý soi mói về hình thức.

Buộc cổ mèo, treo cổ chó: ám chỉ kẻ hà tiện, có tính bủn xỉn.

Không biết mèo nào cắn mỉu nào: ý nói mỗi người đều có sở trường riêng, chưa chắc ai đã hơn ai.

Đá mèo quèo chó: ý nói sự tức giận dồn nén vào người khác một cách vô lối, giống như câu ‘giận cá chém thớt’.

Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang: một quan niệm mê tín từ xưa lưu truyền lại.

Chữ viết như mèo quào: ám chỉ chữ viết xấu, không đẹp, ngay hàng thẳng lối.

Mèo khen mèo dài đuôi: ám chỉ những ai tự đề cao, khen ngợi mình.

Mèo mả, gà đồng: ám chỉ hạng người vô lại, trai trộm cướp, gái lăng loàn.

Mèo mù vớ cá rán: ý nói vận may bất ngờ đến với kẻ nghèo hèn đang túng quẫn.

Tiu nghỉu như mèo cắt tai: ý nói tâm trạng thất vọng, buồn rầu.

Mèo uống nước bể chẳng bao giờ cạn: ý nói người biết tiện tặn chi tiêu thì không sợ túng thiếu.

Mèo hoang lại gặp chó hoang, anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai: ám chỉ những kẻ vô lại kết bè, tựu đảng với nhau.

Mèo tha miếng thịt xôn xao, hùm tha con lợn thì nào thấy chi: ngụ ý nói kẻ có quyền thế làm việc sai trái thì không sao, trong khi người cô thế thì bị buộc tội dù chuyện nhỏ không đáng.

Sắc nanh, chuột dễ cắn được cổ mèo: ý nói dù kẻ thù nguy hiểm đến cỡ nào nếu mình có mưu lược, có đối sách thì cũng khó hại được mình.

Không có chó bắt mèo ăn cứt: ý nói buộc lòng bắt người khác làm một công việc không đúng với sở trường của họ.

Chó giữ nhà, mèo bắt chuột: ý nhắc nhở mỗi người có một công việc riêng thích hợp cho từng người.

Chó chê mèo lắm lông: ý nói người hay chê kẻ khác mà không nhìn thấy lỗi của mình.

Chó treo, mèo đậy: ý khuyên phải cảnh giác, đề phòng.

Chửi chó mắng mèo: ý nói biểu lộ sự tức giận người khác bằng cách chửi mắng vu vơ.

*

VŨ THỊ HƯƠNG MAI

Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319 Long Biên - Hà Nội.

Email: huongmai8081@yahoo.com.vn

vbnhuy

 

 
 
 
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
10-01-2023 06:10:14 VŨ NHO 085 589 0003

XIN QUÝ VỊ THAM KHẢO ĐOẠN VĂN CHÉP TỪ GIAO'' BLOG, BÀI CỦA ĐINH VĂN TUẤN
Qua các bằng chứng xác thực từ thư tịch, khảo cổ, ngôn ngữ thì ở Trung Quốc và Việt Nam, cho đến hiện nay ta có thể xác định 12 Địa Chi đã phổ biến từ thời Thương và sau đó vào khoảng thời Tiên Tần, 12 con vật làm biểu tượng của 12 Địa Chi mới thấy xuất hiện, trong đó Chi thứ tư là Mão 卯 đã có hình tượng là con Thỏ, chữ Hán là 兔 (tù thố . Từ khi nội thuộc nhà Hán cho đến khi Việt Nam giành độc lập bắt đầu từ nhà Đinh đến Lý, ở Việt Nam đã chịu ảnh hưởng và dùng tên gọi, hình ảnh con Thỏ để tượng trưng cho Chi Mão như truyền thống của Trung Quốc. 

Nhưng mãi cho đến thế kỉ XVI – XVII, Chi Mão mới bắt đầu được chuyển đổi từ hình tượng con Thỏ sang hình tượng và tên gọi Mèo vì nhu cầu nội tại của đời sống sinh hoạt và tinh thần, tâm lí của người Việt. 

Hiển nhiên, dù muốn hay không, kết luận đã nghiêng về Trung Quốc: Khởi thủy của biểu tượng Chi Mão chính là hình tượng và tên gọi con thỏ Trung Quốc chứ không phải là hình tượng và tên gọi con mèo Việt Nam. Sự thật khách quan này cũng chính là một chứng cứ khoa học dùng để phê bình và phủ nhận giả thuyết thiếu khoa học, nặng tinh thần “tự tôn dân tộc” khi đưa ra lập luận: Khởi đầu tên gọi của 12 Địa Chi chính là tên gọi của 12 con giáp của Việt Nam và nói riêng về biểu tượng con Mèo là hình ảnh và tên gọi ban đầu của Chi Mão.

Trả lời

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bìn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét