CẢM NHẬN “HOẠ MI HÓT TRONG THƠ "
CỦA LÊ HỒNG THIỆN
Nguyễn Thị Thiện
Nhà thơ quê nhãn Lê Hồng Thiện (1943, Hưng Yên), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, với hơn nửa thế kỷ sáng tác đã gửi tới bạn đọc mấy tập thơ các chủ đề khác và hàng chục tập thơ viết cho thiếu nhi với tổng số hàng nghìn bài. Từ trước tới nay, tôi và rất nhiều bạn đọc chỉ biết đến Lê Hồng Thiện ở tư cách một thi nhân thành công nổi bật ở mảng thơ thiếu nhi. Mới đây, ông đã dành thời gian quý báu đến thăm và trực tiếp tặng tôi tập“Họa mi hót trong thơ”- Tiểu luận và phê bình . Tôi đọc ngay cuốn sách còn thơm mùi giấy mới, thật trân quý và ngưỡng mộ nhà thơ và ghi lại cảm nhận đôi điều về ấn phẩm này.
Cuốn “Họa mi hót trong thơ” in giấy đẹp, bìa màu tím nhạt trang nhã, gồm 382 trang khổ 14, 5 x 20,5 cm do Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép tháng 11 năm 2022. Cuốn sách là sự tập hợp trên một trăm bài viết, nội dung gồm ba mảng chính: giới thiệu những tập thơ mà tác giả yêu thích; phẩm bình những bài thơ hay; đăng các bài phát biểu, trả lời phỏng vấn và một số bài các tác giả khác viết về cây bút Lê Hồng Thiện. Có đọc kỹ từng bài mới thấy được Lê Hồng Thiện không chỉ là nhà thơ có tâm hồn nhạy cảm, rất tươi trẻ - lãng mạn mà còn là một cây bút phê bình có cách nhìn và lối viết riêng khá tinh tế.
- Giới thiệu, cảm nhận tác phẩm văn học: là phần chiếm nhiều số trang và tâm huyết nhất của tác giả. Mấy bài mở đầu trình bày rõ cảm nhận của người viết về thơ Hồ Chí Minh, về Đảng quang vinh qua các bài “Ấm áp những vần thơ của Bác viết về tuổi già”, “Những vần thơ dâng Đảng”. Trải lòng mình ở phần này, tác giả tự coi mình là người đại diện cho bạn đọc nói lên tình yêu với đất nước, lãnh tụ và Đảng với tấm lòng kính yêu, tri ân sâu sắc. Điều này các cây bút trẻ dễ cho là cứng nhắc nhưng có sống tới gần một thế kỷ mới thấy những áng thơ nói về lãnh tụ và Đảng là cảm xúc rất chân thành. Ngay sau đó là những bài tác giả cảm nhận về thơ của những thi sĩ thành danh, những cây cao bóng cả trong làng thơ Việt như: Chế Lan Viên, Huy Cận, Tế Hanh, Trần Đăng Khoa…Riêng về Huy Cận và Chế Lan Viên, tác giả yêu quý nhất, coi các thi sĩ ấy như thần tượng để noi theo nên ông dành nhiều bài viết nhất. Trong các nội dung đa dạng của thơ ca, người viết quan tâm đến những hình tượng, những chủ đề xuyên suốt thường gặp trong cả thơ dân gian và thơ hiện đại. Bên cạnh“Hình ảnh con hổ trong thơ ca” còn có bài“Hình tượng con gà trong ca dao và thơ”. Ở bài viết về con gà, tác giả đã có những suy ngẫm, phát hiện mang tính khái quát để lại nhiều ấn tượng cho bạn đọc như: “Có lẽ trong 12 con giáp, con Gà đi vào thơ ca nhiều nhất. Hình tượng con gà đã đi vào lời ăn tiếng nói của người Việt một cách bình dị mà sâu sắc, chuyển tải những kinh nghiệm, những cái nhìn về thế sự, mang nhiều giá trị của văn hóa dân tộc”(trang 304). Hay trong bài “Hình ảnh người phụ nữ Hưng Yên qua thơ ca”, tác giả đã giúp người đọc có cái nhìn tổng quan về một miền đất địa linh nhân kiệt, quê hương của những bậc nữ lưu tài danh như: Đoàn Thị Điểm, Đỗ Thị Kết (nữ sĩ Tương Phố); của những nữ Anh hùng lực lượng vũ trang như Bùi Thị Cúc, tập thể Anh hùng đội du kích Hoàng Ngân, cũng là quê của những anh hùng trong lĩnh vực lao động sản xuất như: Phạm Thị Vách, Lê Thị Lục, Vũ Thị Tỵ. Từ đó, người viết đi đến khẳng định và tôn vinh: “Phụ nữ Hưng Yên không chỉ tài giỏi mà còn đẹp, duyên dáng…Ông không trực tiếp nói lên điều ấy mà dùng thơ Huy Cận để minh chứng. Huy Cận tả đôi mắt – cửa sổ tâm hồn – của cô gái Hưng Yên: “Mắt đen hạt nhãn cười tinh nghịch/ Tóc quấn trần trông rất có duyên” (trang 122). Những bài viết như thế cho thấy tình yêu tha thiết cùng niềm tự hào sâu sắc về đất và người Hưng Yên, nhất là phụ nữ quê nhãn của tác giả.
Điều đáng quý khác ở cuốn sách là nhà thơ trình bày cảm nhận, suy nghĩ của mình về rất nhiều tập thơ của những người bạn cùng đam mê. Việc làm đó giúp người đọc có cái nhìn tổng quát về diện mạo thơ Hưng Yên. Chẳng hạn ở bài tiểu luận“Tiếng họa mi hót trong thơ”, giới thiệu tập “Điều giản dị” của nhà thơ Nguyễn Thị Hương, Lê Hồng Thiện hào hứng ca ngợi vẻ đẹp của tập thơ từ bài đầu cho đến bài cuối, với sự hấp dẫn cả thi tứ và hình ảnh. Trong bài có những đoạn rất thú vị như:“Nhà thơ Nguyễn Thị Hương…như người có duyên mời trầu dẫn dắt bạn đọc thưởng thức những câu, những bài thơ hay đượm đà tình quê, tình bạn và tình đời. Thơ chị nhẹ nhàng, gợi cảm và có duyên” (trang 75). Và đây nữa: “Tôi vẫn thích hơn cả những bài thơ chị viết về tình yêu nam nữ, tình vợ chồng…Tình yêu lặn vào câu chữ để rung lên nhịp điệu, thi tứ từ trái tim!” (trang 78) Tác giả Lê Hồng Thiện còn so sánh thơ của bạn mình với những ý kiến đậm chất triết lý của các nhà thơ lớn. Chẳng hạn: “Điều này rất đúng với câu nói của Chế Lan Viên: “Hãy đánh thức trái tim, thiên tài nằm ở đấy!”Có ai nhớ người yêu nồng nàn, cháy bỏng như chị?: “Nhớ ai cháy ruột, cháy gan/ Nhớ héo mùa hạ, nhớ tàn mùa đông”. (trang 78). Những lời giới thiệu đó thật xác đáng bởi tập thơ này đã lọt vào mắt xanh của Ban giám khảo và đạt giải cao về thơ của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam năm 2020.
Mặc dù tuổi đã vào cõi bát thập, nhà thơ vẫn rất nhiệt tình viết những lời giới thiệu thơ đắt giá cho các tác giả trẻ. Bài“Mây trôi phía làng”- Một tập thơ đậm đà tình quê, ấm áp tình đời” của Lê Đình Tiến, do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 9 năm 2022. Bài viết là những trang văn chứng tỏ cảm xúc của Lê Hồng Thiện đạt tới độ thăng hoa nhất. Trong đó có những đoạn văn phảng phất chất thơ, cứ êm ái đi vào lòng người như một bản nhạc không lời: “Thơ Lê Đình Tiến dắt ta về với tuổi thơ và làng quê xưa, nay xanh mát bóng tre, rộn rã tiếng chim ca…Lê Đình Tiến như một họa sĩ say mê về cảnh quê, làng quê một cách mê mải, hút hồn… Tư duy ấy rất nhân văn, cũng là suy nghĩ của mỗi chúng ta về bảo tồn quê kiểng vốn đầy ắp kỷ niệm của tuổi thơ” (trang 41).
- Bình thơ ở một số bài có sự thấu cảm sâu sắc với các tác giả. Vốn là người làm thơ có nghề nên Lê Hồng Thiện đã sớm biết lựa chọn được nhiều bài thơ hay, lời bình ở một số bài, một số đoạn có sự thấu cảm, tri âm sâu sắc với các tác giả. Tiêu biểu như các bài: “Quê ong” (Trinh Đường) – Một bà thơ hay viết về Hưng Yên” (trang 255); bài “Tháng mấy rồi anh” ( Kim Đính - trang 257)... Chẳng hạn bài “Rượu cần – thơ hay, tình đẹp” (Nguyễn Đức Mậu), tác giả viết “Rượu cần trắng trong tinh khiết, phản chiếu bóng hình bạn, thiên nhiên cảnh quan nơi bạn đang làm nhiệm vụ” và chọn đúng ra được những câu thơ nhãn tự của bài: “Chút tình của bạn tri âm/ Gửi trong men rượu ta cầm trên tay”…Uống rượu là uống cả cái hương vị miền rừng” (trang 238). Điều đáng quý là
Trong khi bình thơ, cây bút Lê Hồng Thiện có tinh thần rất dân chủ trong chọn lựa đối tượng: cả thơ các bậc tài danh lẫn thơ quần chúng trong các Câu lạc bộ, không có sự phân biệt đẳng cấp. Cứ ai thơ có thơ hay khiến cho tác giả thú vị là bình,và bình có cơ sở, ở một số bài, một số đoạn đã chứng tỏ cái nhìn và sự thấu hiểu khá tinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nổi bật của cuốn sách, vẫn còn có điểm đáng tiếc là hình thức trình bày còn chưa theo phần, theo mục, chứng tỏ tính khoa học chưa cao. Hy vọng điều này sẽ được khắc phục ở những ấn phẩm sau của tác giả.
- Sự tỏa sáng ở một phương diện hoàn toàn khác: lý luận và phê bình văn học. Xưa nay, bạn đọc ở nhiều thế hệ mới chỉ biết đến Lê Hồng Thiện là cây bút chuyên viết cho thiếu nhi, có nhiều bài thơ được chọn giảng dạy trong sách Tiếng Việt ở bậc Tiểu học mà giáo viên và học sinh đều yêu thích. Ông đã vinh dự được nhận nhiều Giải thưởng lớn của Hội Văn học nghệ thuật Hưng Yên, Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Sự ra đời của ấn phẩm“Họa mi hót trong thơ” đã cho thấy một tài năng của Lê Hồng Thiện tỏa sáng đột ngột ở lĩnh vực khác, thể tài khác là lý luận phê bình văn học. Hy vọng và tin rằng cuốn sách chứng tỏ ngã rẽ trong sáng tạo nghệ thuật này của tác giả sẽ mở đường cho những thành công tiếp theo.
NGUYỄN THỊ THIỆN – Nhà số 2 ngõ 19/ 20 Trần Quang Diệu, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội.
ĐT: 0915 224 011; Số TK: 221 421 500 6312
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét