NHỮNG NGƯỜI BÌNH THƯỜNG NHƯNG… KHÔNG BÌNH THƯỜNG
PGS.TS.Nhà
văn Vũ Nho
Giới
thiệu tập truyện ngắn của Phạm Khắc Mã
Anh Phạm
Khắc Mã vốn là dân kĩ thuật. Anh đến với văn chương khá muộn màng. Đã từng in
hai tập thơ Dòng chảy ( nhà xuất bản
Hội Nhà Văn, 2017) và Phiên
khúc ( Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2020). Cả 2 tập này tôi đều có liên
quan khi viết bài phát biểu trong buổi ra mắt sách ở Hội trường nhà máy Điện
Cao Ngạn, và tập sau là lời giới thiệu in
lên đầu sách.
Bất
ngờ, tôi nhận được anh đề nghị viết đôi dòng cho tập truyện ngắn gồm 19 truyện
viết từ năm 2017 đến năm 2022.
Như vậy,
có thể thấy tác giả đến với văn chương khá muộn, đến với thể loại truyện ngắn còn muộn màng hơn.
Nhưng vấn đề không phải là sớm hay muộn. Mà cái chính là đến như thế nào, có ghi được tên mình vào trí nhớ bạn đọc hay không.
Mười
chín truyện ngắn, trong đó có 2 truyện viết cho thiếu nhi, còn lại đều là viết
về các nhân vật mà tác giả đã thuộc, đã quen. Họ là người hết sức bình thường,
nhưng lại có số phận không bình thường.
Một
anh Nam giáo viên giỏi bị o ép dưới thời Xưởng trường Trần Văn Hoàng (Điều ước của cha). Một cô Hơn bí bách phải bán con nhỏ để cứu chồng và đứa con lớn ( Bán
con). Anh Giang bộ đội và cô Lụa làm việc
ở Nông trường cùng mối tình éo le ( Hoa tam giác mạch); một cô Mùi mĩ nhân xứ Hồi
bị đánh ghen ( Hồi mất hương); anh chàng Đại không chịu nhận con mình vì nhu
nhược ( Vòng ôm muộn); cô Thủy, bạn với
Mai hết lòng vì bạn và con bạn (Trinh Tiết) ; chàng sinh viên Trần Cường và cây
bút kỉ niệm với cô gái gặp trên tàu ( Cây bút vỏ bằng trúc); chàng Doanh phạm tội đội tên Minh ẩn náu tận Cà Mau,… Trong truyện
ngắn cuối tập, “Hắn”, một nhà quản lí phong độ, người lấy “bằng lao động sang tạo” che khuyết điểm kinh
khủng là khóa quần bị bung khi chụp ảnh, cũng chỉ là một kĩ sư chế tạo máy.
Những
nhân vật đó đều là những người bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng họ
khác thường vì số phận riêng. Đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh chống Mĩ,
trong hoàn cảnh cơ chế thị trường.
Có thể
thấy, tác giả là người tin vào tâm linh, tin vào việc ăn ở thiện lương của con
người. Người tốt bao giờ cũng vượt qua
khó khăn để có một cuộc sống an lành, còn kẻ xấu, sớm muộn cũng lãnh hậu quả đau
xót. Tinh thần của luật nhân quả thể hiện khá rõ trong các truyện “Đồ tể”, “Tiết Vu Lan” , “Trời có
mắt”. Vấn đề tâm linh là một vấn đề của
đời sống, không thể xem thường. Người viết
thành tâm tin vào điều đó. Không
phải điều đó chỉ được thể hiện rõ ràng
trong truyện ngắn “Trời có mắt”, mà còn trong
các truyện “Phía sau một bản án”, “Tiết Vu lan”, “Đồ tể”,…Ngay cả truyện ngắn đầu
tập “Điều ước của cha” cũng thể hiện khá rõ điều này. Cha ông ta có câu “Đời
cha ăn mặn đời con khát nước”, lại có câu “Quả báo nhãn tiền”. Lái xe Trần Văn
Lắm đã xử đểu với bạn, làm cho việc Mai đón bố mẹ lên sum họp Tết với bao năm chờ
đợi không thành, khiến cho vợ Mai phải đón
tết một mình vì chồng nhỡ xe. Thì Lắm đã phải chịu quả báo là con nghiện ngập,
lấy cắp xe của bố đi cắm lấy tiền ăn tiêu và sử dụng ma túy. Chính người hàng xóm
mà Lắm nhẫn tâm không giúp lại là Hội thẩm nhân dân trong phiên tòa. Nhân vật Mùi
nhọ trong truyện “Nợ đời” đã vu oan giá
họa cho Tuyên làm cho anh bị bồi thường
oan cái bình vỡ và phạt hành chính hết bốn triệu đồng. Khi Tuyên chết bất đắc kì
tử vì cứu cháu bé, Mùi nhọ đã mơ thấy Tuyên về. Và thị đã hối hận chuộc lỗi bằng
cách đặt lên bàn thờ Tuyên số tiền bốn triệu. Cô Thanh róm ghen ghét mọi người, cả đến anh em, rồi chồng cũng
không chịu nổi, phải nhận cái kết đắng bị Ngà lừa (Trời có mắt).
Một điều
thú vị là khi đọc, có khá nhiều chuyện liên quan đến phiên tòa, về việc khai mạc tòa, việc xét hỏi, tranh tụng,
việc kết án. Hóa ra trong đời sống, tác giả Phạm Khắc Mã là một hội thẩm nhân dân. Điều đó khiến cho tác
giả phải nghiên cứu pháp luật, và tiếp xúc với nhiều phiên xử với các nhân vật
khác nhau. Tuy nhiên, phải thấy rằng không phải ai dự phiên tòa cũng có thể viết
về số phận của các bị cáo. Chỉ có người quan tâm đến số phận con người , có khả
năng viết lách mới biến những “tư liệu” khô khan đó thành truyện cuốn hút bạn đọc.
Truyện “Vòng ôm muộn” cho thấy giữa cái lí ở tòa và cái tình trong đời sống không phải dễ được
chấp thuận. Anh Đại không công nhận bé Thương là con ruột vì lí do riêng, song
không chống án khi tòa buộc anh ta phải chu cấp cho bé. Bố mẹ Đại cũng thừa nhận bé Thương là cháu mình. Chỉ khi Đại
không thể qua khỏi mới thừa nhận. Và Duyên cũng không hẹp hòi, cho Thương được
nhận cha.
Truyện “Phía sau một bản án” cho thấy
cái éo le giữa lí và tình. Lí thì anh đánh người gây thương tích thì phải bị kết
án, bị bồi thường. Nhưng cái “người bị hại”
lại là kẻ cố tình khiêu khích để đẩy người khác vào bẫy nhằm hưởng lợi. Vì thế mà vợ của anh ta đã âm thầm giúp bên “bị” vì biết rõ tim đen của chồng mà chị đang li thân.
Truyện “Gió xanh” viết về mối tình lãng
mạn tuổi trẻ giữa chàng sinh viên Quang Thái và và cô thanh niên xung phong tên
Thanh. Truyện ngắn như một bài thơ tình, như một ngọn gió xanh làm đẹp cho tập
truyện.
Trong hai truyện viết cho thiếu nhI,
truyện “ Năm hổ nghe kể chuyện hổ” khá thú vị, như một truyện ngụ ngôn.
Có thể nói Phạm Khắc Mã có vốn sống,
chịu khó quan sát nên những người bình thường có số phận không bình thường được
anh đưa vào truyện khá ấn tượng. Về phương diện nghệ thuật kể chuyện, dựng chuyện của tác giả, bạn đọc sẽ
thấy không theo mốt thời thượng, cách tân
mà cơ bản là bình dị, cố điển. Tình huống truyện khá điển hình là nhân một sự cố,
một cuộc gặp gỡ bất ngờ bên đường, trong tòa án, trong bệnh viện, hay cuộc trò
chuyện trên ô tô, một cú điện thoại, …nhân vật chính và các nhân vật khác lần
lượt xuất hiện qua hồi ức của chính tác giả hay của một nhân vật mà tác giả dựng
lên. Phải thừa nhận rằng thành công của các truyện không đồng đều. Có một vài
truyện chuyển biến , thay đổi của nhân vật có vẻ khá đơn giản, dễ dãi như “An Lạc
Viên”, “Nợ đời”. Tác giả thiên về “kể” mà không phải là “dựng” truyện, ngôn ngữ
đối thoại có lúc chưa được chăm sóc đầy đủ để nhân vật tự bộc lộ
tính cách,… Bởi thế lời kể của nhân vật “người kể chuyện” ngôi thứ ba nhiều khi dài,
tiết tấu của truyện bị chậm.
Cũng khá ngạc nhiên là trong khi một
cây bút văn xuôi Thái Nguyên là Nguyễn Đức Hạnh công bố nhiều truyện có yếu tố
ma quái (quái dị) mà người thì nói là học
theo huyền ảo Mĩ la tinh, người lại khẳng định là theo kiểu “Liêu trai” của Bồ
Tùng Linh. Người khác thực tế hơn thì cho rằng ảnh hưởng trực tiếp từ “ Việt điện
u linh” của Lý Tế Xuyên, “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ và xa
hơn có thể có “liêu trai” và huyền ảo Mĩ la tinh. (Trong tập truyện ngắn Tiếng
chuông chùa Tử Đằng, nxb Hội Nhà Văn, 2022). Trong khi đó Phạm Khắc Mã
không hề sử dụng một chút nào yếu tố này. Điều đó cho thấy việc không chạy theo
mốt, và mặt khác cũng có thể kĩ thuật đó không hợp với ngòi bút của anh.
Công bằng mà nói, Phạm Khắc Mã lần đầu
bén duyên truyện ngắn đã có được những thành công. Cùng với 2 tập thơ, tác giả đã
góp thêm một tập truyện để bày tỏ tình yêu với con người, niềm tin vào lẽ phải,
khuyến khích, ngợi ca cái đẹp, phê phán cái xấu, cái ác. Để cuộc sống
thêm đẹp, thêm tốt lành. Thế chẳng đáng vui sao!
Trân trọng chúc mừng tác giả và giới
thiệu với bạn đọc!
Hà Nội, 12/12/2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét