Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

ĐÊM MƯA

 TÔ HOÀN

 

ĐÊM MƯA

 

Con về thăm mẹ, đêm mưa

Mới hay nhà dột, gió lùa bốn bên

Mưa rơi sợi thẳng, sợi xiên

Cứ nhằm vào mẹ những đêm trắng trời

 

Con đi đánh giặc suốt đời

Mà không che nổi một nơi mẹ nằm.

 

LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN THỊ THIỆN

 

"MÀ KHÔNG CHE NỔI MỘT NƠI MẸ NẰM"

 

Thơ viết về mẹ có rất nhiều bài hay khiến người đọc xúc động. Trong số đó, không thể không kể đến bài "Đêm mưa" của nhà thơ Tô Hoàn. Ông sinh năm 1949, quê Việt Yên, Bắc Giang; là một sĩ quan quân đội về hưu. Bài thơ được ông viết rất nhanh vì những nỗi niềm đã dồn nén trong tim      từ lâu trở thành nỗi bứt rứt, ám ảnh không viết      ra không được. Sáng tác này được in trong cuốn "100 bài thơ hay thế kỷ XX", NXB Giáo dục 2007.

Hẳn phải có giá trị độc đáo và sâu sắc bài thơ mới được đánh giá cao như vậy. Mặc dù đề tài thi phẩm viết về “Đêm mưa”, một hiện tượng thiên nhiên thường gặp trong cuộc sống nhưng cảm xúc chủ đạo tác giả muốn hướng tới lại là niềm thương xót vô hạn đối với mẹ, người đã mang nặng đẻ đau và nuôi dưỡng con nên người. Chính mẹ dù rất thương nhớ, không muốn xa con nhưng đã tiễn con lên đường đánh giặc cứu nước. Bài chỉ với sáu câu viết theo thể thơ lục bát chân phương nhưng rất cô đọng, hàm súc. Mở đầu, tác giả kể lại việc người lính – đứa con về thăm mẹ vào một đêm mưa và tình cảnh nhà dột. Nhà dột có nghĩa là cũ nát lắm rồi. Nhà dột trời mưa lúc nào cũng khổ - từng trải qua cảnh ấy nên người viết bài này hiểu rất rõ. Khổ nhất là nhà dột vào ban đêm bởi nó khiến conngười đã mệt mỏi sau một ngày làm việc khó nhọc, muốn được nghỉ ngơi, lại phải dậy che đậy thứ này, thứ kia. Rồi vì ướt át, có khi vì lạnh, vì không an lòng mà bị mất ngủ cả đêm. Người chiến sĩ trong bài thật xót xa khi chứng kiến cảnh nhà bị dột, đã vậy gió lại lùa khắp tứ bề: "Con về thăm mẹ đêm mưa/ Mới hay nhà dột gió lùa bốn bên”. Ngôn từ dung dị, chân thực, có sức biểu đạt, gợi cảm mạnh mẽ. Từ “mới hay" tác giả dùng đắt giá. "Mới hay" là vừa mới biết được mẹ mình đã phải chịu đựng cảnh nhà dột suốt bao lâu nay. Nếu như biết từ trước điều này,  có thể anh đã xin đơn vị về phép sớm hơn để lợp  lại mái nhà cho mẹ. Cũng vì nhà dột nát, cửa và tường trống hoác, gió lùa được cả tứ bề bốn bên nên tình trạng đêm mưa ấy được tả rất cụ thể: "Bao nhiêu hạt thẳng hạt xiên / Đã rơi vào mẹ những đêm trắng trời?"."Đêm trắng trời" là những đêm mưa lâu, mưa to, ngẩng đầu nhìn trời và xung quanh chỉ  thấy miên man một màu trắng đục của nước. Nhờ sự cảm nhận tinh tế và cách dùng ngôn ngữ thơ gợi tả của tác giả nên hai câu thơ thật giàu giá trị tạo hình.  Lời  thơ  như  nét  vẽ  sống  động  với  những đường nét thẳng và xiên sắc sảo về bức tranh nhà dột đêm mưa. Bức tranh giàu tính hiện thực này nói lên sống động, đầy ám ảnh về nỗi gian truân và    sự chịu đựng của người phụ nữ thân thương quen vất vả, cơ cực. Hàng loạt hạt mưa rơi liên tiếp vào người mẹ, "những hạt thẳng, những hạt xiên" rơi suốt đêm, nhiều đêm và cơn gió lùa tứ phía làm người mẹ trắng đêm không ngủ. Chắc hẳn khi viết những dòng này, tác giả không cầm được nước mắt và day dứt nghĩ: những đêm mưa trắng trời giống  như hôm nay hẳn mẹ đã từng trải nhiều lắm? Nhìn cảnh trời mưa nhà dột, tác giả có những suy ngẫm rất  sâu sắc và cũng rất xót xa: "Con đi đánh giặc suốt đời / Mà không che nổi một nơi mẹ nằm!". Sự so sánh đối ngẫu giữa hai đại lượng thời gian rất dài giữa người con đi xa “đánh giặc suốt đời” và không gian rất nhỏ ở nhà“một nơi mẹ nằm” tạo nên sự tương phản gay gắt, ám ảnh lòng người. Câu thơ tác giả có ý tự vấn bản thân đã quá vô tâm với cuộc sống của mẹ. Đọc đến câu này có mấy ai tâm can không rung lên đồng cảm, xót xa cùng tác giả? Hai câu thơ trào dâng lên tình thương mẹ ở đỉnh điểm cao độ nhất, sâu lắng nhất và cũng nhân văn nhất. Đó cũng là  lời người con nhận lỗi với mẹ và tự trách mình. Tấm lòng nhà thơ thành thật, chân chất vô cùng bởi thực ra đây là trách nhiệm chung của toàn thể xã hội. Đành rằng vào thời điểm những năm tháng chống Mỹ, đất nước ta nói chung, miền Bắc nói riêng, có rất nhiều hộ gia đình và cá nhân điều kiện sống còn rất thiếu thốn, đói nghèo. Một điều thú vị về ảnh hưởng tích cực của bài thơ theo nhà thơ  Kim Ô thuật lại là: “Ở Lục Nam (Bắc Giang) có anh chàng đọc bài Đêm mưa của Tô Hoàn khóc, bởi mẹ già của anh cũng đang phải ở nhà dột. Anh ta đã đem bài thơ Đêm mưa này đọc cho mấy anh chị em ruột nghe. Sau đó không lâu, ngôi nhà của mẹ già anh được trùng tu li”. Như vậy, nghệ thuật thơ đã lay động trái tim con người, có sức cảm hóa đối với những người con trong cuộc đời thực để có được việc làm cụ thể và kịp thời báo hiếu với mẹ mình. Từ một hiện tượng thực tế, tác giả đã khái quát lên ý nghĩa sâu sắc về sự hy sinh to lớn của người lính, những người “vì nước quên thân” và nhất là sự hy sinh nhẫn nại của người mẹ, người phụ nữ ở hậu phương thời kì vệ quốc nói chung. Cả bài thơ toát lên tình cảm yêu thương mẹ vô hạn, niềm xót xa day dứt của người con khi chưa giúp được gì cho mẹ bớt cơ cực. Bài thơ là một bức tranh buồn truyền đi thông điệp:  con cái cần phải có trách nhiệm đối với cuộc sống của cha mẹ. Đây quả là một bài thơ hay, một bài thơ đọc lên chỉ thấy chan chứa tình mẹ, tình người.

unnamed


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét