Thứ Năm, 12 tháng 1, 2023

TẤM LÒNG NGƯỜI XA XỨ

 TẤM LÒNG NGƯỜI XA XỨ

Giới thiệu tập thơ Thương gửi gió mây của Bùi Thu Nga

                        PGS.TS. NHÀ VĂN  Vũ Nho



          Con người ta ai cũng có một nơi sinh, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi cất tiếng khóc đầu tiên chào đời. Tự bao đời nơi ấy là quê hương, là mảnh đất mà khi rời xa, họ luôn luôn nhớ về. Bởi thế mới có bài ca dao thấm đẫm tình cảm:

            Anh đi anh nhớ quê nhà

            Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương

            Nhớ ai một nắng hai sương

            Nhớ người tát nước bên đường hôm nao

Xa làng sang làng khác, tổng khác thì : Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Ngó về quê mẹ, ruột đau chin chiều. Xa quê sang tỉnh khác, miền khác thì vọng cố hương:

            Vì mây cho núi nên xa

            Mây cao mù mịt, núi nhòa xanh xanh

Đấy là ngày xưa.

Còn bây giời thế giới phẳng, thời 4.0, xa  nhau tỉnh nọ tỉnh kia trong nước là chuyện thường. Điện thoại thông minh, iphone, ipad, xe cộ, máy bay làm không gian gần lại. Ngay cả không gia xa cách nước này nước khác, châu lục này châu lục khác cũng vậy thôi. Tuy thế, Bùi Thu Nga, sang tận Anggola thì cũng không phải nhiều người Việt như cô. Không phải chốc lát, ngày một ngày hai có thể bứt khỏi công việc về lại cố hương. Bởi thế mà niềm thương nỗi nhớ, tác giả đành trút vào những vần thơ, đành “Thương gửi gió mây” về   quê Việt.

Tác giả đã đi xa nửa vòng trái đất, sang tận châu Phi, đến một nơi không an toàn, nguy hiểm rình rập:

Nơi chúng tôi đến xa nửa vòng trái đất

Không phải quê hương

chẳng phải thiên đường

nơi nội chiến thường ngày

nước mắt đau thương, chết chóc

đêm đêm giật mình tiếng trẻ ngằn ngặt đói ăn

                        (Nơi chúng tôi đến)

Người bác sĩ đã nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống nơi xa lạ. Chị đã thấy một An gô la thân thiện, đẹp xinh:

Ang gô la…Ang gô la

Đất nước muôn vàn những loài hoa

Và lòng yêu thương nhân ái

                        (Nơi chúng tôi đến)

Nhà thơ cảm nhận chợ quê Ang go la:

            Người chợ quê đây cũng ân tình lắm

            Nhìn nhau cười mà cả râm ran

            Họ trao nhau ngững ánh mắt nồng nàn

            Từ hạ cám đến thượng vàng đều có

            Mảnh đất châu Phi bạt ngàn nắng gió

                                    (Chợ quê)

Với tấm lòng người mẹ, người thầy thuốc Việt Nam, chị vui mừng trước những em bé nhiều màu da, đa chủng tộc nơi mình công tác:

Những bàn tay nhỏ xíu chào đời

Gương mặt thiên thần

da đen, da vàng, da trắng đều xinh

ánh mắt lung linh mặt trời buổi sớm […]

Những bàn tay da đen

da vàng, da trắng vẫy chào nhau

múa hát bên nhau duyên dáng

xẻ gỗ, gieo lúa, trồng hoa

thả lưới, quăng chài, bắt tôm, bắt cá

giữ gìn mái nhà trái đất vĩnh hằng bình yên xanh

                        (Những bàn tay)

Hòa nhập với con người, thiên nhiên nơi làm việc, nhà thơ mời người mình yêu mến  đến nơi này:

            Anh có về đây với biển cùng em

            Sóng lớp lớp vỗ vào bờ dào dạt

            Ngồi bên nhau ta cùng nghe biển hát

            Khúc tình nồng dào dạt Đại Tây Dương

                                    (Anh có về nghe biển hát)

Vui , mơ nơi xứ người, tác giả vẫn không quên nhớ về quê Việt:

                        Nắng vàng ươm mật vườn say

                        Nong dâu tằm kén tơ dày vàng ươm

                        Đường làng ngai ngái mùi rơm

                        Tha hương bỗng nhớ thảo thơm hương mùa

                                                (Thu đắm say)

Và hình dung trai gái hẹn mùa  bội thu, hẹn mùa  hạnh phúc:

                        Thiếu nữ mắt mơ màng

                        Bên trai làng bánh mật

                        Trao nụ cười chân thật

                        Hẹn tháng mười…bội thu

                                    (Hẹn mùa)   

Đặc biệt là khi mùa dịch covid hoành hành, tác giả đã dành nhiều tình cảm cho hoàn cảnh quê hương , đất nước trong các bài : Lỡ hẹn mùa Đông, Các màu áo thân thương,  Sức mạnh nào hơn,  Phố buồn, Thu không bình yên, Niềm mong, Mong mưa… Những vần thơ ca ngợi ngành y, công an, bộ đội:

            Áo trắng, vàng, xanh nguyện lòng sắt son

            Vì cuộc sống bình an dân no ấm

            “Từ mẫu mẹ hiền” bao nhiêu cô Tấm

            Xa quê hương thề thắng dịch mới về

                                    (Các màu áo thân thương)

Không tránh khỏi những giây phút cô đơn, ưu tư:

                        Một mình

                       riêng cõi lặng thinh

                       Ngắm hoàng hôn

                      đợi bình minh xứ người

                        Ưu tư

                       mơ bóng nụ cười

                        Trái tim yêu

                       gửi mây trời phương anh

                                    (Ưu tư)

Có những nỗi niềm khó ngỏ:

                        Tảo tần cơm áo long đong

                        Thu xanh ơi có thấu lòng ta yêu

                                    (Thu tự tình)

Dù thế nào đi nữa thì nỗi nhớ vẫn đầy tràn:

            Tình đẹp muôn đời ở trong thơ

            Người dưng còn nhớ bến sông chờ

            Hai nửa địa cầu xa tít tắp

            Ân tình vời vợi những giấc mơ

                        (Chỉ còn nỗi nhớ)

Khoảng cách xa đã không ngăn được  tình cảm của người viết gửi gió mây đến người mình yêu:

            Người xa tít tận chân trời

            Nhớ mong gửi gió vạn lời yêu thương

                       (Nhớ)

Có khá nhiều bài thơ nhắc đến người yêu thương : Anh có về nghe biển hát, Chỉ còn nỗi nhớ, Xa xôi, Mãi yêu người, Bâng khuâng, Nhớ, Ưu tư, Thu tự tình, Mơ thu,  Thu chín, Hò hẹn mùa thu,Lỗi hẹn mùa đông, Mùi hương cho anh, Chia tay mùa thu, Niềm mong, Mong mưa, Hồi ức mưa xưa, Thương gửi gió mây,…Tất cả đều thể hiện sự khao khát, ước mơ về hạnh phúc lứa đôi, thủy chung, son sắt.

Có thể nói tập thơ của người bác sĩ xa xứ là tấm lòng của người phụ nữ Việt Nam với đất nước Ang go la, với quê hương, với người thương, với con gái , chị gái, với bạn bè. Tựa như  bông hoa lục bình:

            An nhiên dung dị dâng đời thắm

            Mãi mãi hoa màu tím thủy chung

                        (Lục bình)

Thật vui khi được viết đôi lời giới thiệu tác giả Bùi Thu Nga với bạn đọc!

                             Hà Nội, 14 tháng 11 năm 2022



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét