BÀI CỦA VŨ NHO TRÊN THỜI BÁO VHNT
“Hồn Việt” và “Dặm Đời” trong thơ Lê Cảnh Nhạc
Đọc tập thơ “Đi về phía mặt trời” của Lê Cảnh Nhạc, NXB Hội Nhà văn, 2024
Trong tôi, cái tên Lê Cảnh Nhạc gợi một nhà báo thành danh, có tên tuổi, có chức sắc trong làng báo. Dù anh đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, lại cũng là thành viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội đương nhiệm, nhưng quả tình tôi chưa đọc truyện ngắn, cũng chưa đọc bút kí và cả thơ của anh nữa, dù cho anh đã in đến ba tập thơ. Mới biết là sức đọc của mỗi người dù chăm mà vẫn có hạn, vô cùng có hạn. Tập thơ thứ 4 của anh có tên là Đi về phía mặt trời, do cơ duyên mà đến tay tôi. Tôi đọc và ngạc nhiên, khâm phục về sức cảm, sức viết của anh.
Bìa tập thơ "Đi về phía mặt trời".
Tập thơ gồm 123 bài được chia làm 2 phần với tên gọi: Dặm Đời và Hồn Việt. Dặm Đời là những bài thơ có tính riêng tư về cuộc đời tác giả, về những cảm xúc tình bạn, tình yêu, hạnh phúc. Còn Hồn Việt là những bài thơ về đất nước, quê hương, trong đó không chỉ quê Nghệ Tĩnh, mà hầu như mọi vùng miền trên đất Việt Nam, kể cả hải đảo cho đến đất liền khắp Bắc, Trung, Nam. Có lẽ với cương vị nhà báo, tác giả đã có điều kiện và phương tiện đi rất nhiều nơi. Điều đặc biệt là nơi nào người đặt chân đến đều có thơ ghi lại, gửi lại, neo lại. Phải là người giàu cảm xúc lắm, nhạy cảm lắm mới có thể làm như vậy. Có thể dẫn ra nhiều khổ thơ tràn đầy tình đất, tình người:
“Chè Hương Trà thắp đọt nắng quê em
Sông dâng mỡ màu cây trái tươi xanh
Ngô trổ cờ mướt phù sa đồng bãi
Rặng gió bầu ngậm hương rừng núi
Bậu mật ong ngọt lịm vị môi mềm”
(Hương Khê tình đất tình người)
Lên cao nguyên đá Hà Giang, phải mơ mộng, lãng tử lắm mới có thể nghe đá hát, nhìn thấy những sắc màu rực rỡ trong cuộc sống đời thường:
“Ngô mướt xanh ôm mỏm đá tai mèo
Trăng treo cheo leo bạt ngàn núi đá
Tím trắng bồng bềnh hoa Tam giác mạch
Váy Mông xanh đỏ, gùi ngô vàng ươm
Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn
Khúc hát cổng trời “thiên đường xám”
(Đá hát)
Về miền Trung, nhà thơ say mê với dòng sông Đăk Bla đỏ nặng phù sa, dòng sông kì diệu:
“Thuyền độc mộc êm trôi như lá
Thần chiêng, tinh linh, âm thanh đại ngàn
Ánh lửa bập bùng soi bóng nhà Rông
Đăk Bla, đàn T’rưng ngân xanh thành phố
Ngân xanh huyền sử, ngân xanh núi rừng
Giọt nước lập làng, cung đàn âm vang
Qua bao thăng trầm, hùng thiêng Kon Tum”
(Đi về phía mặt trời)
Đến mảnh đất Bạc Liêu người thơ lại cảm xúc với màu áo tím, với tiếng hò lay sông nước, với hào phóng gió của miền Tây:
“Màu áo em nhuộm tím cả chiều hoang
Tà áo phập phồng nép vào da thịt
Ánh trăng sông Tiền rắc cườm lên mái tóc
Nghe tiếng ai hò lay sông nước mênh mang
Trời miền Tây hào phóng gió xô rừng
Đất phương Nam ngân nga hồn sông nước”
(Với Bạc Liêu)
Thăm nhà hát Bông Sen, xem vũ điệu Sen, nhà thơ cảm xúc:
“Thổn thức rưng rưng vũ điệu Sen lên
Dáng em bay trong giấc mơ của mẹ
Ôi cánh Sen tưởng chừng mong manh thế
Mà đài Sen bung thắm cả khung trời”
(Vũ điệu Sen Việt)
Hiếm có nhà thơ nào mà mọi vùng đất, mọi vùng quê đều in dấu lung linh trong thơ như thế. Đấy là một nét độc đáo trong tập thơ Đi về phía mặt trời của thi sĩ Lê Cảnh Nhạc.
Phần Dặm Đời không phải ngẫu nhiên mà tác giả đặt lên trước. Phải chăng nhà thơ muốn bạn đọc hiểu và cảm thông với con người cá nhân, cụ thể riêng tư của mình trước khi hiểu con người công dân với quê hương, đất nước. Quả thật, phần thơ này cho bạn đọc thấy một con người với những vui buồn, trăn trở, ưu tư.
Chúng ta tin những điều thành thực này:
“Ta biết trong ta những góc nào u tối
Mê hoặc ta đâu dễ dứt lìa”
(Cám dỗ)
Và cả những chiêm nghiệm này nữa của người trong cuộc:
“Khi danh lợi còn cơ may ban phát
Chức tước nấp sau sấp ngửa kim tiền
Cửa quan còn luồn lách bon chen
Sẽ còn nhiều tượng đài bất ngờ sụp đổ”
(Chợ đời)
Chứng kiến những đồng đội, đồng chí bị gục ngã trước cám dỗ, nhà thơ đã viết một sự thật xót xa:
“Quyền lực, tiền tài, hư danh, cơ hội
Đốn ngã biết bao đồng chí dọc đường đi
Và bao người đã phản bội lời thề
Mượn danh Đảng vấy bẩn màu cờ Đảng”
(Lời tuyên thệ)
Không phải vô cớ mà nhà thơ mượn sân khấu văn nghệ để nói về sân khấu đời. Thơ xưa đã từng nói điều này: “Vua chèo còn chẳng ra gì/ Quan chèo vai nhọ, khác chi thằng hề”, nhưng người đọc vẫn thích những câu dưới đây:
“Trên sân khấu oai phong lẫm liệt
Danh tướng vung gươm vâng dạ ran trời
Sau hậu trường trút cân đai áo mũ
Phận kép đào rẻ rúng quá người ơi”
(Nhân thế)
Trong ván cờ đời, ván cờ thời cuộc, số phận, có kẻ thắng kẻ thua. Nhưng dù sao, thì người chơi cũng cần chơi đẹp, chơi đúng luật, nói theo tinh thần thể thao thì bằng thuật ngữ tiếng Anh Fair Play, còn ngôn ngữ đời sống thì không “ăn gian”, không “chơi bẩn”:
“Người khôn nhiều ván thắng
Người dại nhiều ván thua
Thắng thua phù du cả
Đừng ăn gian bao giờ”
(Hạt bụi)
Những câu thơ trong Câu chuyện trái tim như là những lời chân thành:
“Em là bầu trời trong đôi mắt con
Em là bài ca tình yêu cuộc sống
Trong giá băng nhen lên niềm hi vọng
Cho anh vượt qua vòng xoáy cuộc đời”
(Câu chuyện trái tim)
Có thể nói những suy ngẫm của tác giả về lẽ đời, về sự trái khoáy, tréo ngoe đáng để lưu tâm, nghĩ ngợi:
“Nước mắt dài hơn ngày
Nỗi đau sâu hơn đêm
Mỗi khi thiên thần trong anh gục ngã
Dẫu một phút giây thôi, một phút giây lầm lỡ”
(Thiên thần và quỷ sứ)
Lầm lỡ một phút giây thôi, nhưng hậu quả thật kinh khủng. Không ai ngờ, không ai muốn, không ai đợi. Nhưng:
Anh ra đi hay em đã ra đi
Giọt lệ vỡ đôi lăn về hai phía
Phía khô khát gió xạc xào lục địa
Phía mặn mòi sóng bể buốt trời khuya
(Anh ra đi hay em đã ra đi)
Thật đau buồn nhưng biết làm sao:
“Ngón tay nhẫn cưới còn nguyên
Mà tờ hôn thú đã miền cỏ lau
Nửa nhòa thăm thẳm bể dâu
Nửa mờ nhân ảnh bạc màu pha sương”
(Vợ đi xác nhận đơn thân)
Tác giả Lê Cảnh Nhạc.
Điều đáng nói là người thơ không đổ lỗi cho hoàn cảnh, không đổ lỗi cho ai, không thở than, gục ngã, mà âm thầm, can trường chịu đựng. Thái độ ấy làm nhớ đến bài thơ Có một ngày rất nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
Có thể nói gọn rằng tập Đi về phía mặt trời là tập thơ hay, gợi nhiều cảm xúc và ấn tượng.
Chúc mừng tác giả, một đồng nghiệp văn chương. Cám ơn anh đã cho tôi cơ hội sẻ chia và đồng cảm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét