CẢM NHẬN BÙI QUANG THANH
Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại
NHÀ THƠ BÙI QUANG THANH
Lý lịch, căn cước của một nhà thơ là ở những câu thơ.
Với một nhà thơ Việt Nam, thì những câu thơ ấy phải chảy từ máu huyết của một trái tim yêu nước, từ cuộc đời của một người “thương người như thể thương thân”, yêu người yêu “tam tứ núi cũng trèo”, yêu Tổ quốc đến hy sinh cả sự sống của mình và hàng ngày:
Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi
Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu
Tôi sống với cuộc đời chiến đấu
Của triệu người yêu dấu gian lao.
(Xuân Diệu – Những đêm hành quân)
***
Anh sinh ngày 05-05-1950, tại xóm Kim Tỉnh (Giếng Vàng), xã Cẩm Tiến, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
Mười chín tuổi nhập ngũ, trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Bùi Quang Thanh viết: “Bình minh tuổi trẻ trong ngần những ước mơ dự định của các chàng trai cô gái chân đất chưa kịp buông dây cho cánh diều của mình bay bổng thì tiếng lòng đã thôi thúc đón chờ buổi lao vào binh lửa chiến trường. Những đôi môi chưa biết nói lời yêu, những ánh mắt chưa tan hết ngu ngơ của tuổi thơ đồng nội; những giọt nước mắt nhớ nhà chưa biết lặn vào trong mà nóng hổi lăn tròn trên những đôi má phúng phính lông tơ. Họ ra đi từ miền quê nghèo khó nhưng tuyệt đẹp về truyền thống ông cha, lòng vẫn thầm ước mong sớm được trở về dưới những mái nhà tranh để xây đời mở nghiệp…" (Đến hẹn lại về - Nam hành ký sự).
Trong những ngày đói cơm, nhạt muối; những ngày mà cái chết có thể bay đến lúc nào từ họng súng kẻ thù, từ những cánh rừng âm u sốt rét; anh nhận thấy sự sống con người thật là vô giá, ý nghĩa của chỉ một ngày sống thôi cũng thật là vô giá. Anh nhận thấy tình đồng ngũ, tình đồng bào Kinh Thượng sẵn chết vì nhau, son sắt niềm tin ở Bác Hồ, ở cách mạng. Tây Nguyên còn cho anh sự hùng vĩ đại ngàn; của tráng chí Đăm San. Và từ một chàng thanh niên hồn hậu, Bùi Quang Thanh trở thành Anh Bộ đội Cụ Hồ, thành Anh Giải Phóng quân “ Mũ tai bèo áo quần lem thuốc súng” - một thứ thép đã tôi, một hình tượng trung tâm và đẹp nhất của nghệ thuật thế kỷ XX.
Tôi từng có câu thơ kể chuyện nhà mình “Ông tôi, cha tôi và tôi/ Ba đời làm lính ba đời nông dân”. Gia đình Bùi Quang Thanh còn có truyền thống cách mạng hơn thế. Ông nội nhà thơ là cụ Bùi Quang Thị (tức Bùi Thị, bí danh Phấn Đấu). Năm 1927, cụ tham gia Đảng Tân Việt, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, cụ là người đảng viên đầu tiên, là Bí thư Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở huyện Kỳ Anh. Năm 1930, cụ Bùi Thị bị thực dân Pháp bắt vì tham gia lãnh đạo Xô Viết Nghệ Tĩnh ở nam Hà Tĩnh, bị kết án khổ sai chung thân và bị đày ở các nhà tù Vinh, Lao Bảo, Quảng Trị, Đăk Min, Buôn Mê Thuột... Bố của nhà thơ Bùi Quang Thanh là Chính trị viên Đại đội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Và người mẹ ở quê không chỉ gánh trên vai mình mọi cuộc chiến mà còn nuôi con lớn nên người, nuôi dưỡng dòng máu anh hùng và thi sĩ, đúng như Bùi Quang Thanh đã viết trong trường ca Đò dọc sông đêm:
Cha cùng Trung doàn hành quân vào Bình Trị
Hoành Sơn Quan giăng chiến lũy ngăn thù
Đoàn Vệ quốc bạc đà mây, chân đất
Đến Ba Rền, Cự Nẫm giữ chiến khu
Súng giặc nổ. Bốn phương súng nổ
Đất tự do một tay mẹ chống chèo
Một tay mẹ giữa mưa nguồn chớp bể
Tôi: cục than hồng
Tôi: mảnh trăng treo…
Không phải chỉ những tháng năm trong quân ngũ, mà chính cả truyền thống gia đình và quê hương như thế, một người Mẹ như thế mới làm nên Bùi Quang Thanh, một Nhà thơ – Chiến sĩ, nhà thơ công dân. Và làm nên sự trung thực, “mắt sáng lòng trong bút sắc”; một Bùi Quang Thanh nhà báo với chí nguyện “phò chính trừ tà” khi viết cho các báo, trong đó đáng kể nhất là mười năm làm Trưởng Cơ quan đại diện Miền Trung – Tây Nguyên báo Bảo vệ pháp luật của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
***
Bùi Quang Thanh là Hội viên Hội Văn nghệ Hà Tĩnh (1992), Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (2003), Hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng (2004). Ông đã có 7 tập thơ riêng, một tập truyện ký dày dặn, hàng ngàn bài báo, bức ảnh… in ấn trên các ấn phẩm sách báo đương đại, được tặng nhiều giải thưởng ở trung ương và địa phương, góp phần vào tài sản văn chương nghệ thuật của Hà Tĩnh nói riêng và làng Văn Việt Nam nói chung. Qua đó cũng khẳng định được một gương mặt thơ của Đất Thơ Hà Tĩnh.
*** Năm 1991, Hà Tĩnh tách khỏi Nghệ Tĩnh. Cán bộ Hà Tĩnh ngành nào cũng thiếu. Cái gì cũng gầy dựng lại từ đầu. Hồi đó, có câu nói cửa miệng: Hà Tĩnh có mười nhà văn/ Xuân Hoài là một, Đức Ban là mười. Nói là “mười” cho vui thế thôi chứ thực ra lúc đó cả tỉnh chỉ có hai người ấy (một thơ một văn xuôi) là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Từ ngành giao thông, đang làm ở một đơn vị xe máy xây dựng công trình, Bùi Quang Thanh đầu quân về Hội Văn nghệ, xây dựng Hội Văn nghệ Hà Tĩnh từ những ngày đầu. Suốt 8 năm công tác ở Hội VHNT Hà Tĩnh, trong cương vị Chánh Văn phòng, vừa làm phóng viên, biên tập viên Tạp chí Hồng Lĩnh, ông đã góp sức xây dựng và phát triển Hội và Tạp chí Hồng Lĩnh, là nhịp cầu thân thiết kết nối Hội Hà Tĩnh với các Liên hiệp các Hội VHNT, các hội chuyện ngành Trung ương và nhất là các hội Miền Trung anh em. Theo tôi được biết, Đức Ban (Chủ tịch Hội) và Bùi Quang Thanh (Chánh văn phòng) đóng vai trò quan trọng trong sự kết nối này bởi khoảng thời gian ấy, Báo Nhân Dân cử tôi về làm Phóng viên Thường trú tại Nghệ An và Hà Tĩnh, có điều kiện gần gũi các anh.
Mỗi khi ở Vinh vào Hà Tĩnh công tác, nơi tôi đến đầu tiên là Báo Hà Tĩnh và Hội Văn nghệ; cả hai đều ở chung tòa nhà. Anh Thanh thường tổ chức các cuộc giao lưu cho bạn bè. Khi sang thì được anh kéo về nhà anh ở cầu Vọoc hoặc nhà Đức Ban, Lê Văn Thơn làm bữa lẩu bò; xoàng hơn thì thịt chó, lòng heo, rượu côộc toóc và… thơ. Ngoài anh Xuân Hoài là bậc đàn anh, lại mang phong cách nhà giáo, ít khi suồng sã; anh Đức Ban còn giấu thơ; thì Duy Thảo, Nguyễn Bá Linh, Nguyễn Văn Hùng, Phạm Việt Thư, Xuân Hải, Bùi Quang Thanh… có cuộc là có thơ. Anh Duy Thảo, anh Bùi Quang Thanh, Xuân Hải là người thuộc thơ nhiều nhất và đọc thơ hay nhất.
Tôi nhớ, một ngày tháng 8-1996, sắp tới ngày giỗ 10 cô gái Đồng Lộc, Bùi Quang Thanh “xin phép” đọc bài thơ “Hà ơi” mới viết.
Chén rượu trắng chắc em không biết uống
Khói hương thơm bay hết cả lên trời
Giọt lệ anh rơi vào lòng đất
Có ấm chỗ em nằm?
Hà ơi!
Mười chị em ngủ hai tám năm trời
Ngàn thông xanh như tóc em mười bảy
Cụm sả ai trồng thơm trong nắng cháy
Thay hương bồ kết bạn anh mong
Tiểu đội đã dàn hai hàng ngang ngoảnh mặt xuống đường
Hố bom Mỹ chắn ngang sâu xoáy ruột
Chị Tần thương em không cho em đứng trước
Lúc hy sinh, Hà ơi có nguyên lành?
Chẳng hiểu sao mỗi lần anh đến thăm
Hoa cỏ may níu dày hơn một chút
Những hạt ngâu màu buồn không chịu được
Cứ rưng rưng như muốn nói điều gì…
Hãy yên lòng bên các chị, ngủ đi
Đừng sợ tiếng quạ kêu
Đừng sợ bom lại nổ
Màu hoa đỏ cành bông trang bên mộ
Nhắc anh không quên được một thời
Ngã ba này, những mất mát – Hà ơi!
Chén rượu trắng hôm đó của tôi chan cùng nước mắt. Bài thơ ám ảnh mãi. Bài thơ ấy cùng bài ký “Đi tìm nơi vĩnh hằng của Dũng sĩ phá bom Vương Đình Nhỏ” của Bùi Quang Thanh; bài thơ “Cúc ơi” của nhà thơ Yến Thanh; các bài viết về Đồng Lộc của Bùi Minh Huệ… và những kỷ niệm ngày nhỏ khi đại đội 552 của các cô đóng quân quê tôi làm nhiệm vụ ở cống 19 đã thôi thúc tôi viết vở kịch “Khoảng trời con gái” được công diễn tại TP Hà Tĩnh và Ngã ba Đồng Lộc năm 2018 có đến 6 nghìn người xem, khiến tôi rất xúc động và hạnh phúc, rất biết ơn anh Thanh và các anh, các chị đã thôi thúc nguồn cảm hứng.
***
Bùi Quang Thanh là một người đa tài. Anh viết văn xuôi, viết báo, làm thơ, chụp ảnh, cái gì cũng say mê, cái gì cũng có những thành tựu ấn tượng. Nhưng có lẽ, đến bây giờ, thơ vẫn là “tay thuận”, là thành công hơn cả.
Những thập kỷ trước, đọc thơ Bùi Quang Thanh, tôi thấy anh thuộc dòng thơ hiển ngôn. Đọc là hiểu ngay. Anh viết văn như thơ và viết thơ như văn. Không có sự lấp lóa của từ ngữ, hình ảnh, liên tưởng lạ lẫm, bất ngờ như những nhà thơ xuất phát từ văn khoa lấy cầu kỳ, tìm tòi mới lạ thay cho vốn sống và hơi thở tự nhiên.
Thơ của Bùi Quang Thanh dựa vào sức mạnh của cảm xúc; vào những điều thiêng liêng, vào những mạch ngầm nhói xót chảy trong đất đai. Anh có nhiều bài viết về Mẹ, về thương binh, liệt sĩ, bài nào cũng rưng rưng. Và nghệ thuật cao cường của thơ nằm ở chỗ tự nhiên, ở sự hóa thân:
Những tiếng nấc "Mẹ ơi!" trong gió thoảng
Tượng đài cao run rẩy giọng trăm miền
Nghìn con mắt đỏ mòng đêm thương nhớ
Gió chợt dừng. Trăng lạnh. Phút giây thiêng...
Ngày con đi, con là măng là sữa
Giờ con về, con là đất là đai
Giọt máu mẹ thấm vào rừng biên giới
Trong quế thơm hoa trẩu trắng lưng trời
(Đêm A Lưới)
Tôi ít thuộc thơ mình nhưng thuộc nhiều câu thơ của Bùi Quang Thanh mà tôi cho là hay, cái hay của ước mơ trong sáng, hiến dâng:
Cứ làm hạt thóc ngày xuân
Mẹ gieo buổi sớm nảy mầm buổi trưa
Cứ làm cánh mạ đong đưa
Đất ải cha bừa lúa trổ hương thơm
Cứ làm hạt tấm hạt cơm
Hoặc làm cọng rạ nhành rơm cho đời…
(Nhân thế)
Cái hay của từ ngữ giản dị mà chất chứa suy tư, mà mang nặng câu hỏi về cuộc đời:
Sông đã cạn, núi đã mòn
Mẹ ơi sao mẹ vẫn còn khổ đau?
(Về quê)
Thuyền chật biển, súng ken bờ
Nghìn năm dựng nước mấy giờ dân yên?
(Đò dọc sông đêm)
Mảng thơ thiếu nhi của anh cũng rất hay, rất thiếu nhi mà làm người lớn giật mình:
Gà trống thuộc mỗi chữ O
Thế mà sáng sáng gáy to nhất làng.
(Học chữ)
Dáng bản đồ Tổ quốc
Giống bà em ra đồng
Đỉnh nón là cực bắc
Mây vờn Phăng Xi Phăng
(Dáng bà)
Như phần lớn các nhà thơ khác, chiếm số lượng lớn nhất trong hàng nghìn bài thơ trong hơn nửa thế kỷ sáng tác của mình, thơ Bùi Quang Thanh dành nhiều cho tình yêu. Không biết anh có yêu nhiều không, nhưng trong thơ thì yêu rất say:
Liền Pay... ai nỡ buông tay nữa
Kìa em, bè bạn trẩy chợ tình
Anh liêu xiêu bước mà như tựa
Vào bờ vai trắng - đóa ban xinh.
(Đêm Mộc Châu)
Nhưng trong cái liêu xiêu, run rẩy vẫn có “một lằn ranh đỏ”, một sự bảo đảm, đó là sự thanh cao:
Sông quê đêm ấy hoa bần nở
Chén rượu môi em quá ngọt ngào
Những cánh hoa lòng như nhắn nhủ:
Vâng! Từ bùn đất đến thanh cao...
(Từ bùn đất)
Tôi là một người nhà quê, nên rất thích những câu thơ của Bùi Quang Thanh viết về nhà quê. Viết về nhà quê, trong thơ Việt Nam hiện đại, không ai có thể so với Nguyễn Bính: Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy… (Mưa xuân, 1936); Xanh biếc đầu xuân nương mạ sớm/ Dậu tầm xuân nở, bướm vàng hoe (Trở về quê cũ); Nào ai nhìn thấy rõ mưa xuân/ Tơ nhện vừa giăng sợi trắng ngần/ Bươm bướm cứ bay không ướt cánh/ Người đi trẩy hội tóc phơi trần (Mưa xuân, 1958). Nhưng đây là cảnh nông thôn Miền Bắc. Nguyễn Bính chỉ lấy nông thôn làm bối cảnh, dù thật, dù đẹp, nhưng chiều sâu vẫn là tả tâm trạng. Tôi yêu thơ Bùi Quang Thanh giống như khi sau Tết, thấy đám ruộng mình vừa cấy trước Tết đã bén rễ:
Lúa ríu chân cò chuyển sắc xanh
Chiều qua nhỏn mạ mới chia nhành
Dấu chân người cấy chưa trong nước
Đã bén duyên đời những mong manh
(Ý xuân)
Hoặc là:
Thong thả kéo cày, trâu đủng đỉnh nhá cỏ non
Đất uể oải phơi lườn cong thiếu phụ
Lúa sau rét đỏng đảnh đỏi sinh nở
Yếm tơ non hấp hé cuối chân đòng…
(Đỏng đảnh giêng hai)
Câu nào cũng tài, cũng gợi, cũng sống động vô cùng.
Khi bước chân người cấy vừa rời khỏi ruộng, còn vẩn bùn, nước còn chưa trong hẳn, thế mà nhỏn mạ đã bén rễ, chia nhành, mà cò đã về trong bước chân líu ríu, duyên đời đã bén…
Phải là người nông dân thực thụ, mùa này sang mùa khác nhìn sâu vào từng góc bờ, bụi lúa, màu nước mới viết được như thế. Khổ thơ không nói đến mùa xuân, đến sức sống mà cái sức sống mùa xuân nó dào dạt, nó rạo rực lan nhanh trông thấy. Nhưng đây không phải bài thơ về canh nông. Tôi tin Bùi Quang Thanh là một thợ cày, thợ cấy chính hiệu, một lão nông tri điền, đồng thời là một thi sĩ đa cảm, một thợ cấy tài tình trong tình yêu, vào trái tim người con gái.
Cái mong manh rồi sẽ bền chặt, tốt tươi. Tôi tin tình yêu của Thanh, thơ của Thanh sẽ chặt bền, tươi tốt.
Tôi tin, Bùi Quang Thanh sống vào thời Hoài Thanh, Hoài Chân làm Thi nhân Việt Nam, chắc chắn, nhiều bài thơ của anh sẽ được tuyển chọn./.
Xuân 2025
Nguyễn Sỹ Đại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét