Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

So sánh ở trong thơ

So sánh ở trong thơ
Nov 1, 2010 3:41 AMPublicPageviews 148 2






SO SÁNH Ở TRONG THƠ
(Trích Kỹ thuật làm thơ với các nhà thơ)

Vũ Nho


 Trong đời sống, nhà thơ nói năng chẳng có gì khác người thường. Trong thơ anh ta nói theo ước lệ của thơ, tuy có khác thường nhưng người thường vẫn hiểu. Có một loại ngôn ngữ thơ, có một loại ngữ pháp thơ. Song nhiều câu thơ cũng chỉ như là lời nói thường, vì thế cái vách ngăn, sự phân chia giữa ngôn ngữ thơ ca và ngôn ngữ đời sống chỉ là có tính chất hoàn toàn tương đối.
- Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
- Đau đớn thay phận đàn bà
- Năm nay cày cấy vẫn chân thua
- Dậy dậy dậy
- Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Đó là những câu thơ, nhưng đó cũng là câu nói thường.


Bây giờ chúng ta sẽ bàn đến sự so sánh ở trong thơ.
Không phải các nhà thơ độc quyền về so sánh. Cái cách thức làm cho lời nói có tính cụ thể dễ cảm nhận đã được tất cả mọi người sử dụng. Không gì tiết kiệm hơn bàng cách kèm với lời nói là hình ảnh. Đi liền với nghe là nhìn thì thông tin bao giờ cũng tin cậy hơn, tường minh hơn. Kiểu so sánh không đem hình ảnh ra trưng bày trực tiếp nhưng nó gợi lại hình ảnh, sự vật trong kinh nghiệm của người liếp nhận. Bởi vậy tác dụng của nó cũng là tức thì. Nói anh ta cao chung chung quá, nhưng "cao như là sào chọc ổi" thì độ cao được cụ thể hóa. Cũng như vậy "rỗ như tổ ong", "đỏ như râu ngô", "đỏ như vang", "đỏ như cổ gà chọi", "trắng như ngà", "trắng như tuyết", "trắng như trứng gà bóc", v.v. là cách thức so sánh nhan nhản trong lời nói thường. Còn đây là so sánh ở thơ, thơ dân gian :
Cổ tay em trắng như ngà
Con mắt em  sắc như là dao cau
Miệng cười như thể hoa ngâu
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen
Cũng giống như là so sánh trong ngôn ngữ đời thường thôi. Khác chăng là ở đây nó khuôn các lời so sánh vào khuôn "Sáu - tám"; nó chú ý đến vần, sự hiệp vần của câu này với câu kia. Nhưng nếu xem xét kỹ, ta thấy khi so sánh mắt sắc với "dao cau thì đã là một sự so sánh "siêu bản chất". Một cái "sắc" rất cụ thể có thể làm chảy máu, đứt tay, và một cái "sắc" mơ hồ có thể làm đứt tim, choáng ngất. Như thế là đã không còn ở lối nói thông thường nữa.
So sánh ở trong thơ hầu như là một cách nói phổ biến. Các nhà nghiên cứu (được nhiều người đồng tình) đã chỉ ra rằng ba kiểu diễn đạt của ca dao Việt Nam là phú (miêu tả) hứng (bộc lộ cảm xúc trực tiếp) và tỷ (so sánh). Cố nhiên, có không ít bài ca dao đã kết hợp cả ba hoặc hai cách diễn đạt chứ không chịu chỉ là phú, là tỷ hoặc là hứng.
Với những bài ca dao thể tỷ, sự so sánh khá đậm đặc. Ba lần so trong hai câu lục bát
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp mật như đường mía lau.
Đôi ta như lửa mới nhen
Như trăng mới mọc như đèn mới khêu
Thông thường là hai lần so sánh, mỗi lần ở một câu, và so sánh ở câu lục, còn câu bát nói rõ thêm tính chất hoặc bộc bạch thêm những điều nhắn nhủ, khuyên răn:
- Đôi ta như thể con tằm
Cùng ăn một lá cùng nằm một mong
Đôi ta như thể con ong
Con quấn con quýt con trong con ngoài
- Anh em như thể chân tay
Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần
So sánh trong thơ ca dân gian dùng nhiều tới mức thành ra phổ biến, thành một kiểu diễn đạt. Bởi thế chỉ có những so sánh độc đáo mới có giá trị nghệ thuật, còn những so sánh khác thì coi như một yếu tố đưa đẩy, một cách nói thông thường.
Các nhà thơ học hỏi lời ăn tiếng nói của quần chúng họ cũng học luôn cái cách so sánh trong lối nói thường và lối nói thơ ca.
Độ đầu xuân thảo lục như yên
(Cỏ xuân như khói bến xuân tươi)
(Nguyễn Trãi)
Đời nay nhân nghĩa tựa vàng mười
(Nguyễn Bình Khiêm)
Đừng xanh như lá bạc như vôi
(Hồ Xuân Hương)
Thiếp như hoa đã lìa lành
Chàng như con bướm lượn vành mà chơi
 (Nguyễn Du)
Mây về ngàn Hống đen như  mực .
Gió lọt rèm thưa lạnh tựa đồng
(Nguyễn Công Trứ)
Đêm khuya lặng lẽ như tờ
Nghênh ngang sao mọc mịt mờ sương bay
 (Nguyễn Đình Chiểu)
Nước biếc trông như từng khói phủ
(Nguyễn Khuyến)
Văn như hũ nút chữ như mù
(Tú Xương)
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
(Hồ Chí Minh)
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng
(Trần Đăng Khoa)
Trong thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Tố Hữu, không khó khăn gì, ta đều có thể tìm thấy những câu thơ có sử dụng so sánh.
Bên trên đã nhắc tới tính chất tương đối của sự khác biệt giữa lối so sánh trong nói năng hàng ngày với sự so sánh ở trong thơ. Dù sao, trong đời sống người ta so sánh dễ đàng, so cái cụ thể với cái cụ thể khác là chủ yếu. Người ta thường so màu sắc, độ dài, độ lớn, tính chất của sự vật. Đỏ như gấc, dài như sông, to tày đình, nóng như lửa. Thơ cũng tiếp thu lối so sánh đó, nhưng chú ý nhiều hơn đến việc đem cái trừu tượng khó cân đo đong đếm ra so với cái cụ thể, giúp người ta lượng hóa được cái trừu tượng.
- Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu
- Cầu bao nhiêu nhịp dạ sầu bấy nhiêu
- Bao nhiêu nuộc lạt thương ông bà bấy nhiêu
Mặt khác thơ lại đem so cái cụ thể với cái trừu tượng hơn lung linh khó nắm bắt hơn:
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng
(Hoàng Cầm - Bên kia sông Đường)
Trái tim như vớt từ sông Hậu
Sao em nỡ vội lấy chồng
(Võ Nhu - Bài ca)
Nhìn về quê mẹ xa xăm
Lòng ta - Chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa
 (Nguyễn Duy - Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa)
Ngay cả khi đem so sánh thì cái vẻ ngập ngừng, không dứt khoát của người thơ làm cho sự vật có vẻ mơ hồ hơn, lãng đãng hơn, và cũng khác thường hơn:
Nàng là tuyết nay da nàng tuyết điểm ?
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương ?
(Bích Khê)
- Em là ai ? Cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay không có tuổi
Mái tóc em đây hay là mây là suối
Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông
 (Tố Hữu - Người con gái Việt Nam)
Hồn đất nước bâng khuâng theo tiếng chim dân dã
 Như chưa nghe bao giờ - mà như đã
Nghe rồi - Tự đâu thời xa xửa xa xưa
(Chế Lan Viên - Vòng cườm trên cổ chim cu)
 Nếu nói về lịch sử thì có lẽ so sánh là biện pháp cổ xưa nhất trong các cách nói của thơ ca. Nhưng thơ hay dường như không có tuổi. Có những bài thơ từ mấy mươi đời nhưng vẫn mới vẫn hay. Việc so sánh cũng như vậy. Tuy chẳng có gì là mới, cũng không có gì đặc biệt với mấy từ như, như thể, tựa, tựa như, là, như là... ấy thế mà người đọc vẫn khoái trá, xuýt xoa khi bắt gặp một sự so sánh mới lạ.
Mỗi sáng sớm thần vui hằng gõ cửa
Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần
(Xuân Diệu - Vội vàng)
Lạ trước hết là thời gian, không gian dài rộng của tháng giêng giờ đây được thu gọn lại. Được khuôn thành khích thước của một cặp môi. Sự trừu tượng bỗng trở nên cụ thể có đường nét, hình khối màu sắc, có thể nhìn thấy, có thể tiếp cận. Môi gần, môi ngon ấy là làn môi khêu gợi, môi mời mọc. Nếu hôn lên đó, nó sẽ
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Viết về thời gian, về tháng giêng với tất cả sự rạo rực và mời gọi của nó như thế cũng chỉ có Xuân Diệu mới làm được. Đây là một sự so sánh giản dị của nhà thơ Tố Hữu nhưng hiệu quả so sánh cũng rất cao. Chúng ta hãy đọc trong "Từ ấy"
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn riêng chim
Ở đấy có cách thức của những câu ca dao. Nghĩa là một câu so sánh còn câu khác bổ sung làm rõ điều muốn nói. Nếu chỉ là "Vườn" thì có thể là một khu vườn buồn
Lả lả cành hoang nắng trở chiều
(Xuân Diệu - Thơ duyên)
Có hoa, có lá nhưng cũng có thể là hoa tàn, lá úa, lá rụng. Có thể có tiếng chim nhưng đó là tiếng chim nao lòng, khắc khoải (Qua đèo ngang của Bà Huyện Thanh Quan) hay là tiếng chim buồn:
Chim chiều chiu chít ai nào kêu ai
(Tố Hữu - Tiếng hát đi đày)
Vì thế mà hương (rất đậm) và tiếng chim (rộn) đã diễn tả đúng cái vườn ăm ắp hoa lá, hương sắc và âm thanh réo rắt. Nó là tâm hồn giác ngộ phơi phới sức xuân dào dạt mê say, cởi mở...
So sánh hay là những so sánh bất ngờ, so sánh nổi rõ bản chất của sự vật hiện tượng, so sánh gợi ra, mở ra những liên tưởng mới. Càng ngày những điều dễ so sánh càng được sử dụng nhiều đến nỗi muốn có được một so sánh độc đáo nhà thơ cũng phải lắm công phu tìm tòi, hoặc có đôi mắt tinh đời.
Mưu như trời đất chăng dây
Chúng mình cùng vướng ai đây gỡ giùm
(Đoàn Thị Ký - Cái đêm ấy thế mà mưa)
Nếu chỉ dừng lại ở so sánh "mưa" với"dây" thì chẳng có gì mới vì "mưa" với "tơ" với "dây" ai mà chẳng nhận ra. "Trời đất chăng dây" thì đã khác đi. Trời và đất được kéo vào cuộc, trở thành người tinh nghịch, người giăng lẫy. Họ đánh bẫy đôi trai gái kia., làm cho hai kẻ vướng dây mưa và bên trong dây mưa đó còn có "dây tơ" xe kết, thắt buộc nữa. Nói như vậy vì nếu nguyên dây mưa thì có vướng cũng không phải gỡ...
Thế là sự so sánh của nhà thơ đạt hiệu quả nghệ thuật cao.
Chúng la thử xem miệng của người đẹp được các tác giả so sánh như thế nào.
- Miệng em cười
Như hoa mới nở như mặt trời mới lên
(ca dao)
Miệng cười như thể hoa ngâu
(Ca dao)
Đến Tế Hanh, nhà thơ không thể lập lại sự so sánh đó.
Anh yêu nơi em cái miệng như  trái mọng mùa thu
 làm ngọt cả cành cây
(Văn xuôi cho em)
Vậy là từ hoa đã thành ra trái, từ hương (hoa) đã thành ra vị (quả). Một cái miệng không rõ làn môi nhưng gợi cảm biết bao nhiêu (như trái mọng mùa thu).
Con mắt người tình cũng được các tác giả nói đến không ít trong thơ ca. Con mắt lá răm ấy là con mắt có đuôi dài, con mắt đa tình (Mười thương con mắt có tình với ai)
- Con mắt em sắc như là dao cau
-  Trời sinh con thắt là gương
- Mắt người lóng lánh như sao trên trời
- Và đôi mắt em như hai giêng nước
(Văn Cao - Thời gian)
Ngôi sao như mắt anh
Trong những đêm không ngủ
(Bùi Công Minh - Ngày và đêm)
Vâng, đúng là nhà thơ đã cụ thể hóa thêm ngôi sao, nó không chỉ long lanh mà nó còn thao thức... Tả nhà thơ Mai A, Thanh Thảo viết:
Tóc như  mây mắt như lá
Vầng trán như  khoảng trời yên ả
(Maiacôpxki sống đến tuổi chín mươi)
Viết như thế hay, vì Maia đã về với thiên nhiên, Maia là thiên nhiên kỳ vĩ.
Nhà thơ Xuân Diệu lại ví mắt với con thuyền dù chẳng có sông có bến mà vẫn thấy bâng khuâng.
Bên cửa ngừng kim thêu bức gấm
Hây hây thục nữ mắt như thuyền
(Thu)
Ta hãy dừng ở câu thơ của Lưu Trọng Lưu viết về con mắt với sự so sánh khá tân kỳ.
Mắt em là một dòng sông
(Đôi mắt)
Con mắt gương (sáng), con mắt sao sáng (long lanh), con mắt dao cau (sắc) con mắt thuyền (?) con mắt chớp lửa (rực sáng). Con mắt dòng sông (rộng, trong, mát xanh, long lanh, lấp loáng...). Đó là một so sánh táo bạo, mở rộng trường liên tưởng. Nó rất mới so với những so sánh khác, thường chỉ đem so một nét điển hình. Tuy nhiên để có được sự táo bạo này thì hai trăm năm trước, thi hào Nguyễn Du đã tả mắt nàng Kiều - "làn thu thuỷ", trong như nước mùa thu. Cái hay của so sánh không chỉ là đúng tính chất, đúng đối tượng, gợi ra nhiều liên tưởng. Cái hay đó nhiều khi ở sự táo bạo mới mẻ. Nguyễn Đình Thi viết:
Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần
 (Nhớ)
Yêu đối tượng như yêu đối tượng khác thì không có gì đặc biệt. Nhưng cô gái mà coi như đất nước, như Tổ quốc thì quả là vô cùng táo bạo. Người ta thường ví Tổ quốc với mẹ hiền. Người chiến sĩ trẻ tuổi đã coi tổ quốc (đất nước) như người yêu.
Đất nước vất vả thương đau tươi thắm vô ngần. Em cũng vất vả thương đau tươi thắm vô ngần. Em gắn chặt với đất nước, em hòa trong đất nước. Em là đất nước. Tình yêu riêng và tình sông núi đều lớn lao đẹp đẽ, càng lớn lao đẹp đẽ khi hòa quyện trong nhau.
Cũng vần mối tình lớn lao đó, một chục năm sau Chế Lan Viên so sánh
Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu  thịt
Như mẹ cha ta, như vợ như chồng
(Sao chiến thắng)
 Biên độ so sánh rộng hơn, nhưng ấn tượng mạnh mẽ và mới mẻ có phần đã giảm.
Về thân phận, vẻ đẹp của người phụ nữ thì quả thật trong ca dao, thơ ca đã ăm ắp những so sánh, tràn trề so sánh.
- Em như cơm nguội đỡ khi đói lòng
- Thân em như hạt mưa rào
- Thân em như tấm lụa đào
- Thân em như như con hạc đầu đình
- Em như cây quế giữa rừng
- Thân em không bằng thân con bọ ngựa
(Tiễn dặn người yêu)
- Thân em như quả mít trên cây
(Hồ Xuân Hương)
- Thiếp như hoa đã lìa cành
(Nguyễn Du)
- Em là dòng sông Mã
- Em là búp bông trắng
(Cầm Giang - Núi Mường Hung dòng sông Mã)
 - Em là mực trong ngòi là cơm trong nồi là gà gáy nhưng cũng là quả ớt.
(Y Phương Em - Cơn mưa rào - ngọn lửa)
 Nhà thơ muốn cho mình không lặp, không mòn, phải tìm những so sánh mới. Nỗi thất vọng và cô đơn của cô gái bên đám cỏ xanh phải so sánh và diễn tả như thế nào đây. Lê Thị Mây đã viết:
Lỡ hẹn bóng không còn đôi
Em như con dế  không rời cỏ xanh
(Đám cỏ xanh)
Không phải là một con vật to lớn hay thiêng liêng được xếp hạng "tứ linh". Chỉ là con dế 'bé nhỏ hiền lành đang níu vào cỏ, lẫn vào cỏ, lấy cỏ làm điểm tựa, làm cứu cánh cho mình. Phút giây thất vọng, thất tình "hóa dế" thư thế thật mới mẻ và có lẽ cũng chỉ riêng Lê Thị Mây.
Các nhà thơ hiện nay liếp thu cách so sánh của ca dao nhưng không dừng lại ở đó. Nếu ca dao có sự lặp lại nhiều đối tượng thì cũng chỉ nhằm nhấn mạnh điều được so sánh ban đầu mà thôi.
Nhớ chàng như nhớ lạng ràng
Khát khao về nết mơ màng về duyên
Nhớ chàng như bút nhớ nghiên
Như mực nhớ giấy như thuyên nhớ sông
Nhớ chàng như vợ nhớ chồng
Như chim nhớ tổ như rồng nhớ cây.
Tất cả các so sánh đều chỉ làm rõ nỗi nhớ chàng. Các hình ảnh so sánh đều chỉ làm rõ sự gắn bó tự nhiên, hiển nhiên của các sự vật cũng như em với chàng. Cả bài ca đầy dâng nỗi nhớ. Chế Lan Viên diễn tả nhà thơ rời tháp ngà nghệ thuật, đem nghệ thuật phục vụ nhân dân, gặp lại nhân dân trong một loạt những so sánh:
Còn gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng, hai, chim ép gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa
(Tiếng hát con tàu)
Ở đây có sự gặp gỡ là giống nhau. Mỗi cuộc gặp lại mang sắc thái và ý nghĩa tượng trưng khác nhau. Nai về suối cũ là trở lại nguồn nước, trở lại quê hương, cùng đồng nghĩa với cội nguồn. Cỏ đón giêng hai là đón mùa xuân để hồi sinh nảy nở. Chim én gặp mùa để bay lượn tự do, để làm tồ sinh sôi. Trẻ thơ gặp sữa là được nuôi dưỡng, được tiếp thêm nguồn sống, sức sống. Nôi được đưa là đứa con được chăm chút, yên ủi, vỗ về... Như thế "con gặp lại nhân dân" có biết bao nhiêu là ý nghĩa lớn lao.
Sự so sánh trong thơ hiện đại thường mở rộng biên độ, mở rộng tính chất. Em là cơn mưa rào, em cũng là ngọn lửa, Lửa và Nước là hoàn toàn đối lập nhau, nhưng em là cả hai thứ đó. Trong bài thơ Thời hoa đỏ Thanh Tùng cũng thấy bao điều lạ ở trong hoa:
Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao
Hoa như mưa rơi rơi
Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
Như máu ứa của một thời trai trẻ
Hoa như thưa rơi rơi
Như tháng ngày xưa ta dại khờ
(Thời hoa đỏ)
Hoa như lửa, hoa như mưa, hoa như máu ứa, hoa như tháng ngày xưa ta dại khờ...
Sự so sánh bây giờ nhiều khi không làm rõ đối tượng mà lại làm nó nhòe mờ, khơi gợi sự hình dung tưởng tượng của người đọc.
Sau bài hát rồi, em như thể
em của thời hoa đỏ ngày xưa
(Thanh Tùng - Thời hoa đỏ)
Người con gái trong "tình ca ban mai" ta không rõ mặt, ta không biết về tính tình, khí chất, nhưng ta cảm nhận được đó là kỳ diệu, người có quyền năng ngang với hóa công:
Em đi như thể chiều đi
Gọi chim vườn  bay hết
Em về tựa mai về
Rừng non xanh lộc biếc
(Chế Lan Viên)
Một cách nói phủ định "không so sánh" thế mà cũng lại tạo ra một kiểu so sánh mới. Ấy là trường hợp thơ Hữu Thỉnh :
Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím
(Thơ viết ở biển)
Tiếp nối con đường các bậc tiền bối đã đi qua, các thế hệ nhà thơ luôn luôn đem những tìm tòi, đóng góp mới của mình làm cho con đường sáng tạo càng thêm dài vô tận.
Xoay trần trong ý nghĩ
Đi con đường người trước đã đi
Bằng rất nhiều lối mới
(Thanh Thảo - Một người lính nói về thế hệ mình)
Ý thơ đó có thể nói về việc sáng tạo không ngừng của các nhà thơ. So sánh là một cách nói cũ xưa, nhưng với những bài thơ hay của các nhà thơ tâm huyết, ta sẽ còn gặp nhiều bất ngờ và lý thú.

Đã in trong Thơ Những vẻ đẹp, nhà xuất bản Giáo dục, 2008.

4 nhận xét:

  1. Cảm ơn bác Vũ Nho đã đăng lại bài viết này. Trong thơ hiện đại, sự so sánh nhuyễn hơn rất nhiều.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn bác Vũ Nho đã đăng lại bài viết này. Trong thơ hiện đại, sự so sánh nhuyễn hơn rất nhiều.

    Trả lờiXóa