Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Vũ Nho bình bài thơ GIÓ QUẢ PHỤ

Lời bình cho bài thơ Gió quả phụ
Apr 17, 2011 5:45 AMPublicPageviews 6 0
Nhà thơ Lê Thị Mây (áo xanh) và nhà thơ Kim Hoa 2011 ( Vũ Nho chụp)
GIÓ QUẢ PHỤ                                      LÊ THỊ MÂY

Gió quả phụ dịu dàng
Rời khỏi vòng tay của bình minh và cỏ
 Căng nhịp thở
Sau nhiều ân ái sau đêm
Những đám mây áo xống ném lên trời
 Cả thỏi son –
Vừng dương
Cả kem xoa mặt
Vừng trăng ngát thơm mười bốn
Gió quả phụ sau mỗi lần trang điểm
Ngoái lại sau lưng thêm một nỗi buồn vui
Cỏ và bình minh run lên
Li biệt với gió sau nhiều ân ái
Sau đêm
Gió trầm ca gió
Đấy là tóc của những người đàn bà chết bom
trong
thành phố
đấy là tóc của người đàn bà goá bụa nuôi con
Sau chiến tranh đã qua được mười năm.

Lời bình của Vũ Nho


Người đàn bà goá Gió được Lê Thị Mây miêu tả một cách thấp thoáng nhưng cũng đủ cho ta cảm thấy nàng là một phụ nữ khổng lồ. Nếu Xuân Diệu cho đã từng cho ta nhìn ra bóng dáng của gió khá cụ thể :
             Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối
thì gió của Lê Thị Mây còn cụ thể hơn, chi tiết hơn. Nàng mặc những đám mây. Nàng dùng son - vầng dương đỏ thắm. Nàng dùng kem - vầng trăng ngát thơm mười bốn - Những xiêm y và mỹ phẩm kích cỡ như vậy đủ biết gió có tầm vóc nhường nào. Ta không được rõ mặt nàng, nhưng chắc nàng còn trẻ và xinh đẹp. Nguyên cách chọn mỹ phẩm và trang phục cũng đủ thấy nàng là người tinh tế. Ấy là ta đoán thế. Còn điều biết chắc là nàng dịu dàng. sự dịu dàng này có được sau khi nàng thỏa mãn "sau nhiều ân ái sau đêm" hay đó là bản chất vốn có của nàng ? Không rõ lắm. Nhưng hiển nhiên, nàng có điều gì đó "bất bình thường" hoặc nàng là người bất cẩn. Vì sao nói vậy ? Vâng chính là vì chữ "ném" kia. Một người đàn bà dịu dàng không thể ném "áo xống" của mình như vậy. Đã hết thôi đâu. Nàng còn ném kem, cả thỏi son. Vì cùng một hướng ném "lên trời" sau những đám mây áo xống bị ném, hai từ "cả" (thỏi son - cả kem xoa mặt) cho thấy son và kem xoa mặt cũng cùng chung số phận.
Vậy là nàng giận hay là nàng bất cẩn mà phũ phàng với những gì làm đẹp cho nàng ? Tôi nghiêng về phía nàng bực bội, nàng không thỏa mãn, nàng chán ngán. Nếu không có tâm trạng ấy, làm sao sau mỗi lần trang điểm nàng lại "ngoái lại sau lưng thêm một nỗi buồn vui" ? Về ý nghĩa thì buồn và vui là trái nghĩa, nhưng chả mấy khi nói nỗi vui, thành ra "nỗi buồn vui" thì nỗi buồn là chính. Ngoái lại sau lưng thêm một nỗi buồn vui chủ yếu là thêm một nỗi buồn (đây không phải là trạng thái tâm lý trái ngược nhưng rất thực mà Tế Hanh đã có lần cảm được : Những ngày buồn nghĩ đến thấy vui vui - Những ngày vui sao lại thấy ngùi ngùi. Nỗi buồn chán của nàng là gì ? Sao nó lại gắn liền với việc ngoái lại sau lưng, nhìn lại quá khứ ? Phải chăng đó là một quá khứ "đói no có thiếp có chàng" trái với hiện tại goá bụa, cô đơn. Phải chăng hiện tại nàng vẫn còn trẻ trung, tràn đầy sức sống (căng nhịp thở) khát khao tình ái, nhưng nàng đành phải đi hoang với cỏ, với bình minh. Khổ thơ ngăn ngắn mà lại có tới hai lần nhắc tới "nhiều ân ái" và "sau đêm". Có tới hai đối tượng "bình minh và cỏ". Điều ấy gợi cho thấy gió khao khát tình ái biết bao.
Nàng như có vẻ  quá say sưa với chuyện ân ái và không thoả mãn, bực bội phần nào cũng vì chuyện ái ân.
Câu chuyện của Gió quả phụ đang còn gợi cho người đọc nhiều suy đoán, phân vân, thì tác giả đã đột ngột chuyển mạch. Người đàn bà tượng trưng – Gió quả phụ, Gió trầm ca bỗng biến mất rồi hiện nguyên hình là "tóc của những người đàn bà chết bom trong thành phố - Tóc của người đàn bà goá bụa nuôi con". Nếu theo logic thuần tuý thì những người đàn đã chết bom, họ đâu còn goá bụa ?  Sao họ lại là gió quả phụ ?  Nhưng họ vẫn là gió trầm ca. Họ vẫn nhập vào Gió quả phụ vì tuy họ chết, nhưng niềm khát khao sống, khát khao hạnh phúc được làm người yêu, làm vợ, làm mẹ của họ không hề chết. Nó vẫn gào thét trong khúc cuồng ca trầm lắng và phụ họa cho những gào thét âm thầm của những người chị em của họ đang goá bụa nuôi con. Goá bụa ! Bao nhiêu là đau khổ, thiệt thòi trong ý nghĩa của từ này. Goá bụa lại thêm gánh nặng nuôi con. Sau cuộc chiến tranh, nhiều thiếu nữ thanh tân cũng còn đành chịu lỡ tuổi xuân - hay "chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền" (thơ Hữu Thỉnh) - ở vậy suôt đời, thì người đàn bà goá bụa hay goá kèm theo những đứa con sao có thể đi bước nữa ? Nếu Gió có quá say đắm, có quá nhiều "ân ái" thì cũng phải vì đó là nàng mang nỗi khát khao của một phần nhân loại bị thiệt thòi, đã mất mát quá nhiều trong chiến tranh và vẫn phải chịu mất mát, hy sinh sau chiến tranh kết thúc.
Sau chiến tranh đã qua được mười năm. Câu thơ thừa chữ nếu xét từ góc độ thông tin. Chỉ cần "Sau chiến tranh mười năm" là đủ. Nhưng có nhiều từ đệm, một mặt làm chậm nhịp câu thơ để diễn tả sự chậm chạp, đằng dặc của thời gian, mặt khác xét về ngữ pháp "sau chiến tranh" chỉ là mốc thời gian, làm rõ ý cho "người đàn bà goá bụa nuôi con đã qua được mười năm". Đã - qua - được "như là sự tính đếm, mong mỏi, càng thấy rõ hơn sự chật vật nặng nề của cảnh goá bụa nuôi con.
Phải có một trái tim nhạy cảm, có tấm lòng đầy vị tha, có sự cảm thông sâu sắc của người đàn bà mới thấy hết mất mát hy sinh của người phụ nữ trong chiến tranh và nhất là những mất mát hy sinh khi chiến tranh đã từ lâu kết thúc. Gió quả phụ là một lời hiệu triệu có ý nghĩa toàn cầu nhân danh những khổ đau, mất mát của người phụ nữ : hãy vĩnh viễn ngăn chặn và chấm dứt chiến tranh. Để mãi mãi Gió không là quả phụ. Gió không là trầm ca. Để mãi mãi Gió sẽ chỉ là người đàn bà hát những khúc ca ngọt ngào hạnh phúc.

In trong  Vũ Nho - Thơ Những vẻ đẹp, nxb Giáo dục 2008.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét