Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Trần Đăng Thao viết về sách của Vũ Nho


Trần Đăng Thao viết về sách của Vũ Nho
Jul 26, 2011 11:52 AMPublicPageviews 27 0

Nhà thơ Trần Đăng Khoa khi viết Từ góc sân nhà em



CẢM NHẬN VŨ NHO QUA TẬP SÁCH “ TRẦN ĐĂNG KHOA thần đồng thơ ca”

                    TS.Trần Đăng Thao

     Tên tuổi của PGS TS Vũ Nho- nhà nghiên cứu phê bình văn học, nhà sư phạm đã trở nên quen thuộc với các đồng nghiệp và bạn đọc từ hai chục năm nay. Hai mươi năm ấy, Vũ Nho đã lần lượt cho in tới hơn hai mươi đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực : Dịch thuật, nghiên cứu phê bình, sáng tác…sách hướng dẫn tham khảo phục vụ cho việc giảng dạy và học tập của thầy và trò ở bộ môn Văn. Cuốn “ Trần Đăng Khoa thần đồng thơ ca” của anh do nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành gần đây đã gây được sự chú ý của dư luận, bởi lẽ đây là một công trình nghiên cứu chuyên biệt và tương đối có hệ thống về thơ Trần Đăng Khoa ở tuổi thần đồng.
    Từ góc độ nghiên cứu, với nhiều hướng tiếp cận, Vũ Nho có những đóng góp quan trọng trong việc tìm hiểu và giải mã thơ Trần Đăng Khoa trên cả hai bình diện lí luận và thực tiễn sáng tác. Viết về Trần Đăng Khoa xưa nay đã có nhiều. Song nghiên cứu sâu và hệ thống về thơ Khoa thì hãy còn ít. Đây chính là ưu thế và điều đáng quý trong quyển sách của Vũ Nho.


    Điều gì đã khiến một chú bé 8-9 tuổi, xuất thân trong gia đình một nông dân thuần túy, sống ở một miền quê giữa thời đạn bom của cuộc kháng chiến chống Mĩ, trở thành thần đồng thơ ca? Tại sao hầu hết cậu bé, cô bé cùng trang lứa, cùng làm thơ một thuở với Khoa, đến nay phần lớn hoặc đã tạt ngang, hoặc vắng bóng trên thi đàn, chỉ còn lại chú bé Khoa ngày xưa – anh Trần Đăng Khoa ở tuổi 40 hôm nay, thủy chung gieo trồng, cày xới trên cánh đồng văn chương?
    Vũ Nho, thông qua các trang viết, đã giải mã và giải quyết tương đối thấu đáo ở vấn đề thứ nhất, còn vấn đề sau, đây đó mới thấy có những ý kiến trao đổi có tính gợi mở, động chạm, chưa được bàn tới góc, tới cạnh.
    Để làm sáng tỏ bốn chữ thần đồng thi ca, nhà nghiên cứu Vũ Nho đã tập trung tìm tòi, khảo sát xem xét vấn đề khá toàn diện, song theo chúng  tôi, sức nặng quyết định trong các bài viết của anh được tập hợp lại ở hai điều then chốt sau đây:
-    Cái hồn nhiên và cái siêu việt trong thơ Khoa
-    Vai trò ảnh hưởng của thơ ca dân gian đối với toàn bộ hành trình thơ Trần Đăng Khoa.
Vũ Nho có một nhận xét “ những bài thơ hay nhất trong “Góc sân và khoảng trời” cũng là những bài thơ hay nhất của đời thơ Trần Đăng Khoa. Những bài thơ này in đậm dấu ấn hồn nhiên của tuổi ấu thơ” ( trang 21). Đây là một nhận xét tinh tế, đầy xúc cảm thẩm mĩ về thơ của Trần Đăng Khoa ở tuổi thần đồng. Từ tập thơ “ Góc sân và khoảng trời” của Khoa, chúng ta có thể kể tên đến hàng chục bài thơ hay, thậm chí rất hay, hay đến mức lạ lùng, kinh ngạc của nhà thơ tí hof ấy, tiêu biểu như những bài : Trăng sáng sân nhà em, Sao không về Vàng ơi, Đêm Côn Sơn, Hạt gạo làng ta, Lời của than,.v.v. Nó hay trước hết bởi nó đạt đến chất lượng cao, rất cao của thi ca. Và cũng hay hơn nữa, bởi vì đó là những dòng thơ của một chú bé 8-9 tuổi – cái tuổi mà theo quy luật thông thường của tâm sinh lí còn hết sức ngây thơ, non nớt. Thơ Khoa hay trong cái hồn nhiên của tuổi thơ, chỉ có tuổi thơ mới có thể nhìn thấy, phát hiện thấy. Tuy nhiên theo chúng tôi nghĩ, nếu thơ Khoa chỉ dừng ở mức hồn nhiên như vậy thì chưa chắc đã để lại ấn tượng gì sâu đậm trong lòng bạn đọc. Nó phải có cái vế sau, vế quan trọng có tính quyết định, mới có một Trần Đăng Khoa – thần đông thi ca được. Đó là sự siêu việt trong thơ. Đây là cái phần thiên phú, ít người có được cái may mắn ấy. Chú bé Khoa, ngoài cái sự hồn nhiên cần thiết của lứa tuổi mình, còn phải có sự hồn nhiên siêu viêt để “tự thắng mình”, tự vượt lên trên mình, để viết ra những câu thơ hồn nhiên mà phi thường, hay phi thường trong sự hồn nhiên?
    Ai có thể nghĩ rằng bé Khoa lúc 9 tuổi lại có thể có những suy nghĩ chín chắn, sâu xa, người lớn hơn cả người lớn, mà thật ra đây là sự cô đọng, hàm súc, sâu sắc, đầy chất trí tuệ như ở bài thơ “ Hạt gạo làng ta”? Từ một hạt gạo, từ trong thế giới vi mô, nhỏ nhoi của một không gian, thời gian hết sức chật chội, cụ thể của làng quê, chú bé Khoa đã nhìn thấy những điều phi thường cả ở kích cỡ, tầm vóc, cả trong những ý tưởng. Hạt gạo, theo cách nhìn hồn nhiên mà siêu viêt ( như lời Vũ Nho) của nhà thơ thần đồng là tổng hợp, là tinh lọc đến mức tinh túy của mọi giá trị cao quý trên đời.
    Điều nữa, Vũ Nho rất có lí khi anh nhận định rằng : Thơ ca dân gian có ảnh hưởng sâu đậm đối với toàn bộ hành trình thơ của Trần Đăng Khoa. Theo chúng tôi, đây là vấn đề rất căn bản, thuộc loại chìa khóa để nhận biết, nghiên cứu và giải mã thơ Trần Đăng Khoa. Đọc thơ Trần Đăng Khoa, ai cũng cảm nhận thấy như vậy. Không gian nghệ thuật trong thơ của chú bé thần đồng ấy là không gian nông thôn, cái sân, cái ao, cây na, con gà, con vàng, con cà cuống. Xung quanh em là cha mẹ, bé Giang, là bầu bạn, là thầy giáo, nghĩa là tất cả những con người có thật, cùng sống, cùng giao hòa, giao cảm với Khoa ở trong đời. Còn âm hưởng vọng ra từ những bài thơ Khoa viết trong tập “Góc sân và khoảng trời” về căn bản là những âm hưởng dân gian. Văn chương bác học, đó đây có xuất hiện, song là là một sự hiện diện còn xa xăm, mờ nhạt. Đọc “Góc sân và khoảng trời” chúng ta biết được lúc ấy tâm hồn chú bé Khoa còn thuần khiết, trinh trắng, tư duy thơ của Khoa tựa trên cái nền móng vững chắc, thẳm sâu của thơ ca dân gian, thấm đẫm chất liệu dân gian, cả trong nội dung và hình thức biểu hiện; cả trên phương diện đề tài, trường cảm xúc và hệ thống thi tứ, thi mạch của tư duy. Chúng tôi đánh giá cao đóng góp này của PGS TS Vũ Nho. Cái chất dân gian ( có phần quê kiểng một tý) lại chính là máu thịt là tinh  chất làm nên thần đồng của thơ ca ấy.
                                Bài đăng báo Đại Đoàn Kết, ngày 30 tháng 7 năm 2000

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét