Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Trò chuyện với nhà văn-dịch giả VŨ CÔNG HOAN

Trò chuyện với nhà văn dịch giả Vũ Công Hoan



Vũ Nho hỏi chuyện nhà văn Vũ Công Hoan ( Vũ Xuân Quản chụp)

Vũ Nho ( V.N.): -    Bác Vũ Công Hoan thân mến!
Anh em  ta gặp nhau từ thời trại viết Việt Bắc đến giờ cũng lâu rồi. Mấy bận Hội nghị quốc tế, Đại hội nhà văn lần nào cũng vội, không có dịp chuyện trò, tâm sự. Là người có dịch sách tiếng Nga, Vũ Nho rất khâm phục và  nể trọng những tiểu thuyết và truyện ngắn rất ngắn của Trung Quốc mà bác Hoan dịch. Nay xin nêu lên một số câu hỏi  với bác, coi như là trò chuyện của hai người. Trước là đăng ở trang vunho.com. Sau nữa có thể đăng báo. Vậy bác đồng ý  trả lời cho tôi nha.

 Nhà văn Vũ Công Hoan ( V.C.H. ) : -Vâng, xin anh Vũ Nho cứ hỏi!

V.N. : -  Bác Hoan ạ, tôi biết bác từ thời “Việt Bắc boong hây” trong trại viết gồm Ngọc Bái, Dương Quang Tỏa, Nguyễn Hoàng Đạt, Võ Nhu... Khi ấy chỉ thấy bác làm thơ và viết kịch . Tôi còn nhớ  bài thơ Cây đèn và kịch  ngắn Cái đầu húi cua của bác. Bẵng đi một thời gian mấy chục năm, khi gặp bác ở Hà Nội thì hóa ra bác trở thành dịch giả tiếng Hán – Vũ Công Hoan. Bác có thể cho biết  cơ duyên nào dẫn bác đến với dịch thuật ?



V.C.H : -Thưa anh Vũ Nho, chắc là do Đức Chúa Trời an bài. Lần đầu tiên anh em mình quen biết nhau ở trại viết Khu tự trị Việt Bắc là năm 1973.Khi ấy mình chỉ biết anhVũ Nho là sinh viên, hoặc thầy dạy văn ở Trường đại học Việt Bắc, còn mình đã đi lính được 6 năm, đang là tiểu đội trưởng bộ binh vừa được điều từ đơn vị huấn luyện chiến đấu lên Ban tuyên huấn Sư đoàn 304B Quân khu Việt Bắc, chuyên sáng tác kịch, chèo, thơ, tấu cho Đội tuyên văn sư đoàn có tính chất nghiệp dư. Mình được đi dự trại là để bồi dưỡng nghiệp vụ sáng tác và hoàn chỉnh vở kịch ngắn Cái đầu húi cua được Hội văn nghệ Khu tự trị Việt Bắc trao giải ba đăng trên tạp chí của hội.Thời gian đó mình có tặng anh Vũ Nho một tấm ảnh làm kỷ niệm, mà mới đây anh Vũ Nho lục lại, pốt lên Blog chàng hạ sĩ gầy guộc nhếch nhác“trông rất khủng”. Cám ơn anh Vũ Nho đã cho mình được gặp lại bản thân của một thời xa vắng. Hồi ấy anh Nho đâu có biết mình đã theo học Trường trung cấp phiên dịch, đã làm phiên dịch ở Phòng chuyên gia khu gang thép Thái Nguyên, rồi đi dịch cho đoàn thực tập sinh Phòng thí nghiệm trung tâm và đoàn thực tập sinh cán thép Việt Nam tại An Sơn tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc từ năm 1964 đến cuôí năm 1967 về nước và đi bộ đội theo lệnh tổng động viên thời chiến vào ngày 30 tháng 6 năm 1968. Bỏ nghề ngót chục năm. Mãi đến năm bảy tám, bảy chín, có lẽ do ý Trời mới được trở lại với chữ vuông. Đó là cơ duyên mình đến với dịch thuật.

V.N. : -  Thưa bác Hoan, tôi được biết bác học tiếng Hán khi theo học lớp trung cấp phiên dịch. Cái vốn ấy chắc không đủ cho việc dịch thuật. Làm thế nào mà bác có thể hiểu và dịch được tiếng Hán văn chương?
     
V.C.H. :- Đúng thế! Cái vốn còm ấy sao đủ được. Để hiểu và dịch được tíếng Hán văn chương như hiện nay mình đã cố gắng làm sáu việc:

    1.Phải giỏi tiếng mẹ đẻ.
          2.Tu dưỡng về kiến thức văn học, gắng làm nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình càng tốt.
          3.Tinh thông ngôn ngữ nước dịch, như tinh thông tiếng mẹ đẻ.
          4.Thông hiểu lịch sử địa lý, phong tục tập quán lối sống, lối nghĩ, tình hình kinh tế chính trị xã hôị nước đó.
          5.Dám chịu trách nhiệm, cẩn thận tỉ mỉ, không ngán tra tự điển, không ngại hỏi, biết lắng nghe, biết nhận lỗi, biết xấu hổ trước sai sót và nhớ kỹ để sửa chữa.
          6. Thực hành sinh ra hiểu biết, cứ dịch từ dễ đến khó, từ ngắn đến dài, từ đơn giản đến phức tap, kịp thời rút kinh nghiệm.
          Trên nền tảng nhiệt tình say mê, mình thực hiện lời khuyên: “Thư sơn hữu lộ cần vi kính, học hải năng độ khổ tác châu”. Nghĩa là : Núi sách có đường lên, siêng năng cần cù chính là lối. Biển học có thể vượt, chịu khổ chịu khó đóng tàu thuyền.         
   
V.N. :- Cho đến nay, theo tôi biết, những tác giả quan trọng nhất của Trung Quốc mà bác đã dịch và in ở Việt Nam là Giả Bình Ao, Dư Hoa và Diêm Liên Khoa. Bác có thể cho biết cuốn nào bác dịch hứng thú, say mê và cuốn nào bác cảm thấy dịch rất khó khăn?

V.C.H. : - Ngoài các nhà văn trên, mình còn đọc và dịch truyện dài của Kha Vân Lộ, Trương Bình, Trương Kháng Kháng và Vương Sóc cũng là bậc đại gia của Trung Quốc. Mình dịch hứng thú nhất là các cuốn Phế Đô của Giả Bình Ao, Mông Muội của Kha Vân Lộ, Người tình của phu nhân sư trưởng và Phong Nhã Tụng của Diêm Liên Khoa, Sống và Huynh Đệ của Dư Hoa.
    Văn của Dư Hoa bình dị dễ hiểu, nhưng toàn những vấn đề quyết liệt nóng hổi, cuốn Huynh Đệ vừa dịch vừa chơi mà khá nhanh. Văn của Giả
Bình Ao uyên thâm sâu sắc nhiều ẩn ý, phải tra phải hỏi, phải cân nhắc nhiều khi hạ bút, cuốn Phế Đô phải mất 6 tháng trời. Văn của Kha Vân Lộ cũng nhiều hàm ý sâu xa, nhưng dễ dịch.Văn của Vương Sóc hóm hỉnh, dí dỏm, phóng túng thường hay dùng ngôn ngữ lưu hành ở đô thị. Khó dịch nhất là văn của Diêm Liên Khoa, câu dài, dùng nhiều thuật ngữ, hình ảnh ví von, ẩn dụ, nhưng vấn đề đặt ra rất rộng lớn, táo bạo, dữ dội, có tính thời sự, thời đại, phải dũng cảm lắm mới viết nổi. Ông Khoa vừa viết xong cuốn Tứ Thư còn sâu xa, mạnh mẽ hơn Phong Nhã Tụng và Người Tình…Ngay trên trang đầu cuốn sách ông viết lời đề tặng: “Xin hiến tặng cuốn sách này cho hàng triệu trí thức đã chết và đang sống bị lịch sử lãng quên”. Đây là một tư duy mới, lối viết mới về Thần học có tính chất thử nghiệm lần đầu tiên của ông, có thể không được xuất bản trong nước, song hiện nay đã có bảy nước và khu vực như Đài Loan, Hồng Kông, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Nhật Bản và Hàn Quốc xin ông bản quyền dịch xuất bản.

V.N. : - Trong các tác giả mà bác dịch, bác đã gặp nhà văn nào? Ấn tượng của bác về nhà văn đó?
 
V.C.H. : - Tháng 9 năm 2007, mình đã gặp nhà văn Diêm Liên Khoa và cùng uống cà phê ở quán Thượng Đảo Bắc Kinh. Ông Khoa lái xe riêng đến đón mình tại nhà hàng. Ông ấy ăn mặc giản dị, hiền lành chất phác, nói giọng Hà Nam pha Bắc Kinh, rất cởi mở, thân tình, khiêm tốn, không hề có dáng vẻ là một nhà văn có tên tuổi. Thấy mình cao tuổi, ông cứ gọi mình là “Vũ lão sư”. Ông  tự viết giấy cho mình bản quyền dịch sách, nét chữ to dễ đọc. Ông  tặng mình một cặp da và nguyên bản cuốn Người Tình… xuất bản ở Xanh ga po. Hai người đã chụp ảnh kỉ niệm trước quán cà phê. Mình cũng đã gặp và chụp ảnh kỷ niệm với ông bà Kha Vân Lộ ở khách sạn. Ông Lộ rẩt điển trai, dáng vừa là trí thức, lịch lãm, vừa là vận động viên to khoẻ, nói đặc giọng Bắc Kinh. Bà Lộ là La Tuyết Kha thanh mảnh, dịu hiền như phụ nữ Việt Nam. Ông bà Lộ cũng vui vẻ hồ hởi nói chuyện gia đình và phong tục hai nước. Ông Lộ thân chinh lấy bút giấy viết cho mình bản quyền dịch sách Siêu thòng lọng, Phòng mạch hôn nhân và Vì sao hôm nay chúng ta cưới nhau. ( kèm nhóm ảnh kỉ niệm).
 
V.N. : -  Tôi biết tác phẩm Người tình của phu nhân sư trưởng ( tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa), tác giả viết rất táo bạo. Ấn tượng nhất của bác về tiểu thuyết này là gì?

V.C.H. : - Quá táo bạo, dám xoá bỏ một thần tượng mà tương lai có lẽ  sẽ bị xoá bỏ. Bằng ngôn ngữ văn học và hình tượng văn học hấp dẫn, qua một cuộc làm tình ngoạn mục giữa một nữ quân y đang hơn hớn, phu nhân vị tư lệnh sư đoàn mất khả năng tình dục với chú lính công vụ lưc lưỡng của ông ta, tác giả đã to gan hạ bệ một thần tượng một thời được tôn vinh hơn cả Đức Chúa Trời. Tác giả đã phải trả giá, ra khỏi quân đội, thu hồi toàn bộ sách xuất bản. Nhưng từ đó cuốn sách đã trở thành “một cuốn sách viết ở Trung Quốc đọc khắp thế giới” .  
   
V.N. : - Bác còn dịch hàng loạt các truyện rất ngắn của Trung Quốc. Theo bác, cái độc đáo của truyện rất ngắn ấy là ở chỗ nào?

V.C.H. : - Mình xin cung cấp cho anh Vũ Nho một con số thống kê các truyện ngắn và truyện cực ngắn đã dịch từ năm 1998 đến nay theo thứ tự thời gian, gồm:
                     Tuyển truyện ngắn hiện đại Trung Quốc hai tập 145 truyện (Nxb Văn Học).
                     Truyện ngắn Gỉa Binh Ao  37 truyện (Nxb Văn  Học)
                      Truyện ngắn " Tình yêu cổ điển" của Dư Hoa, Nxb Văn học, 11 truyện.
Truyện cực ngắn :
                   Tặng một vầng trăng sáng, 140 truyện( Nxb Quân đội nhân dân)
                     Hoa hồng dại, 66 truyện (Nxb Quân đội nhân dân)
                     Nước sạch tẩy trần, 50 truyện  (Nxb Hà Nội)
                     Hôn lễ bình thường, 41 truyện (Nxb Hà Nội)
                     Nước mắt hoàng hôn, 59 truyện (Nxb Công an nhân dân)
                     Lắng nghe bằng tình yêu, 37 truyện (Nxb Dân Trí)
                     Lời tỏ tình không lãng mạn, 39 truyện (Nxb Dân Trí)
                     Truyện ngắn độc đáo, 45 truyện (Nxb Dân Trí)
                     Mời tình địch ăn cơm, in chung, có 8 truyện (Nxb Văn Học)
                     Người chồng người vợ, in chung, có 8 truyện (NxbVăn Học)
                    Gõ cửa ba lần: Anh yêu em! In chung có 8 truyện (nxbVăn Học).

    Tổng số là 683 truyện chưa tính số mới dịch chờ xuất bản thành tập. Nếu Trung quốc là một cây Đời, thì những truyện ngắn và cực ngắn là những cành chạc lá ngọn taọ nên sự sum sê, rậm rịt, tươi xanh. Mỗi truyện là một mặt cắt, một khía cạnh, một nét, một dáng vẻ của hiện thực đa dạng phong phú của đời sống muôn hồng ngàn tía. Nó phản ánh kịp thời tâm tư tình cảm trên mọi lĩnh vực mà ta đang quan tâm, nó nói hộ ta những điều ta nghĩ mà không tiện nói ra. Truyện ngắn Trung Quốc ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, dễ kể, dễ mang theo, giầu hình tượng, nhiều ý thơ, nhiều triết lý sâu sắc, hàm súc, thú vị, đặc biệt là mở đầu bập ngay vào câu chuyện, kết thúc lại đột ngột, bất ngờ, khiến ta cứ ồ ồ, ngỡ ngàng ngẩn ngơ, hay khoái chí vỗ đùi đánh đét một cái.
   
V.N. : - Quả là một số lượng truyện dịch đáng kính nể. Và những lời nhận xét của bác thì rất khái quát, chắc chắn, hàm súc. Bác có thể cho biết công việc dịch hiện nay của bác không?

V.C.H. : - Mình vẫn chọn dịch các truyện mi ni mình thích, vì nó phù hợp sức khoẻ của mình. Mình dịch truyện cực ngắn đăng báo, hoặc lên mạng của bạn bè thân quen, vừa là niềm vui giải trí của tuổi già, vừa tận dụng món “võ ”đã tôi luyện, có khi laị có thêm một khoản thu nhập nho nhỏ và cũng là thông điệp gửi đến ạnh chị em bạn bè thân quen gần xa: Vũ Công Hoan của họ vẫn còn sống.

    Mình chỉ mong khoẻ mạnh, bình an. Nếu mình khỏi bệnh hen suyễn, hở van hai lá, to động mạch vành, mình sẽ cố gắng dịch xong cuốn Tứ Thư của nhà văn Diêm Liên Khoa. Mình định lấy  việc  dịch xong quyển ấy để kết thúc cuộc đời dịch thuật đầy thú vị. Không biết Đức Chúa Trời có thương xót, thuận cho mình? Kính lạy Chúa, A men!

V.N. : -  Tôi nghĩ là Chúa Trời sẽ thuận cho bác, cho ước nguyện tốt đẹp của bác. Xin được hỏi bác câu chót : Những truyện ngắn bác gửi cho vunho.com  tôi đã đăng liên tục và được mọi người rất thích thú, bác có định in thành tập không?
   
V.C.H. : - Đương nhiên là có, dù đã được đăng báo, lên mạng, song in lại thành tập vẫn ra tấm ra miếng hơn!

V.N. : -  Tôi  cho rằng những bạn đọc yêu mến sách bác dịch biết thông tin này, chắc chắn sẽ có thêm  nhã hứng khi đọc. Cám ơn  bác Vũ Công Hoan về cuộc chuyện trò nhiều thông tin thú vị!
                                                               
                                                       Ngày 5 tháng 10 năm 2011
                                                         Hà Nội - Thanh Xuân Bắc
                                                          (Âm lịch ngày 9 tháng 9)


Nhà văn Vũ Công Hoan và nhà văn Diêm Liên Khoa, tác giả tiểu thuyết
Người tình của phu nhân sư trưởng và Phong Nhã Tụng
( ảnh chụp ở Bắc Kinh)





3 nhận xét:

  1. Toi biet nha giao Vu Nho, qua may bai binh tho cua bac si- nha tho Vu Quan Phuong... Nay, doc chuyen phong van dich gia Vu Cong Hoan... That thu vi va sau sac. Thi ra, Van di hoi huu! Kinh chuc hai van si Viet duong dai manh khoe va co nhieu ang tam tu mcong juong nhan tinh hon nua!
    Hau hoc- Mac Khai Tuan- Hoi VHNT NB

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn bác Mạc Khải Tuân đồng hương NB!
    Chủ trang
    VNNB

    Trả lờiXóa
  3. Thuong tiec & bai phuc Dich Gia Vu Công Hoan, cam on pgs ts Vu Nho NB, chu Trang nay,

    Trả lờiXóa