SOS …! SÔNG TRÈM!
(Tản văn)
ĐƯỜNG VĂN
Quê hương tôi bên dòng sông Nhuệ,
Bãi dâu mươn
mướt xanh bờ…
(Lời bài hát: Người con gái Việt (1958). Nhạc: Lân Tuất; Lời: phỏng thơ: Anh
Thơ)
Bao lâu nay, tôi vẫn tưởng đó là sáng
tác của Đỗ Nhuận hoặc Đoàn Chuẩn… viết từ thời tiền chiến hoặc
kháng chiến chống Pháp. Và tôi cũng chưa bao giờ thuộc quá 2 câu đầu!
Cho đến khi xem chương trình Sao mai –
Điểm hẹn (2007), nghe giọng nam cao Lê Anh Dũng hát rất hay bài
này; lại đến lần tranh luận vụn với ông bạn văn cùng làng… vào Google tra cứu, mới tường: ca sĩ
lừng danh đầu tiên thể hiện bài ấy là Trần Khánh. Còn dòng Nhuệ Giang, thì hiển nhiên, đã gắn bó với tuổi thơ tôi biết bao ấm
lạnh, ngọt bùi…
Sinh thời,
có lần bố tôi kể: Con sông Đào
chảy qua phía tây làng Trèm được Tây (Pháp) cho thi công vào đầu những
năm 10 - 20 thế kỷ trước, sau trận vỡ đê Liên Mạc năm 1915; (khi đó cụ
chưa ra đời; cũng chỉ nghe thân phụ kể lại). Cầu Sông – Cống Liên Mạc bắc qua đầu nguồn sông Đào thì tác giả thiết kế là
một nữ kiến trúc sư Pháp tài hoa. Cầu
– cống được xây dựng vào khoảng 1924; không biết hoàn thành năm nào!?
Tôi tò mò hỏi: - Thế tại sao người ta gọi là sông Nhuệ? Ông cụ cười, chậm rãi phân giải với thằng bé
con tọc mạch: - Gọi thế là lầm! Vì sông
Nhuệ là dòng sông trời đào (thiên tạo) cỡ trung bình ở đồng
bằng Bắc Bộ, nối sông Hồng với sông Đáy, chảy qua tỉnh Hà Tây (cũ).
Còn đoạn sông nhân tạo thẳng tắp,
dài cỡ trên dưới 20 km, nối sông Cái (Hồng) từ ngã ba Chùa Hoàng (xã
Liên Mạc) – xóm Ngõ Đồng (nay là thôn Đại Đồng, xã Thụy Phương), đưa
nước sông Mẹ nhập vào sông Nhuệ phía trong mạn Hà Đông; điều tiết lưu lượng của 2 sông. Gọi
là sông Đào, vì nó do con người
tạo ra. Nhưng không hiểu sao và từ bao giờ đoạn, nhánh sông này lại
được gọi luôn thành sông Nhuệ,
nhập với sông Nhuệ?! Ấy, chuyện
đặt tên, chuyển tên, nhập tên…có khi lạ lùng thế đấy! Ví như tên Cầu Sông – Cầu (cống) Liên Mạc - Cầu (cống) Chèm… gọi thế nào cũng
đúng, đều chỉ chiếc cầu – cống đầu tiên trong hệ thống cầu – cống bắc qua sông Đào. Cái tên thực nôm na, dân
dã: cầu bắc qua sông, gọn lại thành danh từ riêng Cầu Sông! - Nhà tôi ở gần Cầu Sông - Cống Trèm. Chỉ cần nói với khách lạ lần đầu hỏi thăm về
làng tôi như thế, là đủ! Vừa cầu vừa cống. Trên cầu, dưới cống,
lưỡng lợi, bề thế, chắc chắn mà trang nhã, duyên dáng. Cách đây hơn
nửa thế kỷ, có anh sinh viên ĐHSPHN về thực tế lao động ở quê tôi 2
tuần, khi chia tay đã cảm tác, lưu luyến tặng lại một bài thơ dài tả
cảnh quan làng Thụy. Đến nay, tôi vẫn còn lõm bõm 2 câu:
Cầu Liên
Mạc, cái tên quen thuộc,
Cống 5 ô đưa nước sông Đào…
Hồi kháng
chiến 9 năm, thực dân Pháp cho xây án ngữ đầu cầu phía bên kia một
cái boongke (bốt) kiên cố để
ngày đêm lũ Tây trắng, Tây đen súng ống lỉnh kỉnh kiểm soát người qua
lại, hòng chặn đứng sự thâm nhập của Việt Minh từ phiá Đăm, Kẻ,
Mạc, Hoàng sang Chèm, Vẽ, Noi, Cáo... Bốt
Cầu Sông, một thời trở thành mối đe dọa và cái gai cần phải nhổ
trong mắt nhân dân và du kích 3 làng.
Ít năm sau hòa bình, cái bốt bê tông
cốt sắt nửa nổi nửa chìm ghê gớm ấy, bị dân làng san phẳng.
Hằng ngày,
không kể người đi đường thập phương, vài bốn lượt dân làng tôi đi, về
qua Cầu Sông xuống dưới đồng làm
lụng và lên làng, về nhà. Chiều chiều, tôi thường dắt con bò sừng cán bèo, mình hổ, đủng đỉnh
đi chăn thả, lững thững qua cầu. Hôm thì chăn ở lòng sông bên kia, buổi lại cho gặm cỏ ở rệ sông bên này. Vấn đoạn
chạc giang lên đầu, quanh cặp
sừng nghềnh nghễnh, mặc chú bò mải mốt gặm những mảng cỏ xanh rờn
nơi triền sông, tôi tìm một vườn sắn, hoặc bụi chuối râm mát, ngồi sệp
trên cỏ, giở Tây Du hay Tam Quốc ra, đọc cho mấy thằng bạn
mục đồng cùng trang lứa cùng xúm xít lắng nghe. Đọc - nghe mải mê
đến nỗi có bận bò đi ăn quá xa, lạc xuống tận khu xưởng gốm chum chĩnh. Có lần bò lạc, phá nát cả vườn dây
lang của cụ Ba Kha, bị cụ bắt bò, bắt đền. Tất nhiên, chiều tối
hôm ấy, bố tôi phải nói khó với cụ chủ, rằng sẽ dạy bảo cháu.
Thật là con dại cái mang! Thằng bòi Tạo là tôi không ít lần đã bị
bố quật vài roi, quắn đít. Nhưng cũng có buổi chiều cuội trời, tôi
nằm ngửa trên đống đá hộc, ngắm trời, ngắm sông. Kìa, đám mây trắng
quái nào đang ngẩn ngơ bay? Này, có con thuyền chở cát vàng của ai
đang lặng lẽ, êm ả xuôi phiá cầu Noi, cầu Diễn? Thấy thơ thới mà bâng
khuâng buồn, cái buồn tuổi mới lớn, không
hiểu vì sao tôi buồn…! Có trưa nắng nóng, lũ quỷ sứ mục đồng
chúng tôi nghịch ngợm, chơi đùa trận giả trong vườn phi lao bên kia
sông. Chơi chán, nhảy xuống sông bơi lội, bắt cá, mò trai ì ùm. Lại
nhớ sáng mưa chăn bò cùng anh bạn lớn tuổi mê thơ. Hai anh em để bò ăn
dọc rệ sông, trong tầm mắt, rồi chui vào lều vó bè của một lão
ngư cùng xóm nằm chơi, trò chuyện. Anh bạn bỗng cất giọng khàn
đục, ngâm nga mấy câu thơ Bầm ơi!(Tố Hữu): Mưa phùn ướt áo tứ
thân/Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu! Hai gã chăn bò trông ra
màn mưa xuân giăng giăng kín mặt sông, che mờ cả Cầu – cống Liên Mạc già nua, nhìn từ hạ lưu. Lòng trẻ
chợt nao nao, ngùi ngùi, dâng dâng nỗi buồn, xót xa thương mẹ mình
chẳng khác chi bà bầm Phú Thọ thời chống Pháp. Kỷ niệm tuổi thơ
gắn với sông Đào - sông Nhuệ, với Cầu - cống Trèm - Liên Mạc,
với tôi, càng nhớ càng nhiều, càng buồn càng nhớ. Khó kể, viết hết
trong một bài tản văn – đoản văn như thế này. Âu cũng là tiện đâu nhớ
đó, ghi đó… mà thôi!
Chỉ mấy
chục năm, từ tuổi niên thiếu đến trưởng thành của tôi, cảnh quan vùng
sông Đào - sông Nhuệ đã trải qua
biết bao biến đổi. Xa xăm, cuối những năm 50, đầu 60 thế kỷ trước, bờ
sông bên này mọc lên trạm bơm trung thủy nông Thụy Phương
đồ sộ, hiện đại nhất vùng, có lẽ chỉ kém đại thủy nông Bắc Hưng Hải bên Xuân Quan (huyện Gia Lâm). Nhìn 4 cỗ máy bơm điện, môtơ đặt đứng, ống dẫn nước to
đùng, không bằng cao su như vòi voi mà ghép bằng cống bê tông, đường
kính hơn 1m, chạy vo vo. Nước từ sông chảy vào gian bể ngầm dưới đáy,
luồn chéo lên ngầm dưới mặt đường, ùa vào cửa mương chứa cuồn cuộn,
ùng ục, ngầu phù sa mát lạnh,… thật thích mắt và khâm phục. Mương
dẫn dòng chảy qua thôn Đồng, qua Cổ Nhuế, vào Mễ Trì, tỏa sang Hà
Tây rồi xa đâu nữa… tới điểm tận cùng của hệ thống tưới tiêu?! Tiếp
liền là sân kho HTX nông nghiệp Hải
Phong, ngày mùa vàng rộm những đống lúa, đống rơm ngất nghểu.
Tiếng đập lúa lên cối đá chàn chạt, nhịp nhàng. Mấy năm sau là
tiếng máy tuốt phì phì, ầm ầm.
Thóc bay rào rào, thơm nức. Điện đèn tròn sáng rực. Rổn rảng tiếng
cười nói, trong những buổi làm đêm, chia lúa, bình công… khí thế làm
ăn tập thể XHCN ở làng tôi (và nông thôn khắp miền Bắc hồi ấy vui
lắm, phấn khởi lắm!). Không ít những đêm trăng tỏ, trăng mờ, lũ trẻ
con nghịch ngợm ma lanh tìm mọi cách chui lủi, trốn vé vào xem phim
(chiếu bóng) hoặc văn công cải lương các đoàn Chuông Vàng, Kim Phụng về diễn tại sân kho, bên bờ sông Đào.
Từ Vụ án Từ Thu Ảnh (Trung Quốc )
đến Câu chuyện Trầm Thanh (Triều
Tiên) qua Sông Đông êm đềm, Đất vỡ
hoang (Liên xô)… Nghe Tiêu Lang và Kim Xuân, Mộng Dần và Tuấn Sửu
diễn Kiều, Tùng Ngọc và Lệ
Thanh ca Hồng Kiều diễm sử, lòng trẻ cứ mê đi! Sao mà
hay thế! đẹp thế, thần tiên thế! Ước gì lớn lên, cũng xin vào văn
công!!! Lại nhớ đến nao lòng mối tình đầu thời chanh cốm với cô gái làm
dây nan làng bên, để trong đêm
không ngủ, bỗng vụt lóe 4 câu mơ hồ, thoang thoảng:
Nõn nường, muôn muốt cắp cuốn nan thanh/
Vu
vơ chuyện ròn sân kho chiếu bóng?
Mỗi đứa một đầu đan, đêm gió lộng/
Cầu Sông mở cống, sóng dào tình xanh…
Kế bên sân
kho là khu chuồng trại chăn nuôi HTX, suốt ngày đêm ủn à ủn ỉn lợn to,
lợn bé ngàn ngạt trong những dãy chuồng mới xây bốc mùi thum thủm
kinh niên. Ống khói Nhà máy bê tông
Trèm như chọc vào mây xanh, len
qua những cụm khói trắng vật vờ. Sau Nhà
máy Cơ khí đúc gang là cửa
ngõ trường trung cấp Nông Lâm, mà
khóa đầu tiên, có vị TBT Đảng CSVN về sau, từng là học viên ở đây.
Hằng tối thứ bảy, lũ trẻ thường rủ nhau ăn cơm sớm, rồi kéo rồng
rắn vào sân khu nhà 8 mái xem
phim truyện, xem văn nghệ miễn phí. Tan về, bước thấp bước cao trong
gió rét, trên con đường đất gồ ghề sống trâu dọc dải lòng sông, bãi chuối âm u, hoang vắng, cứ ghê ghê, rờn
rợn. Nhưng rồi tối thứ bẩy tuần sau lại vẫn hào hứng rủ nhau đi xem
tiếp. Bờ sông bên kia bắt đầu là dốc
ông Bàn (tên ông công nhân bảo vệ Cầu
Sông thời đó), khu cửa hàng mậu
dịch mua bán tre, nứa, nhà máy chế biến phân Mêtan (CH4). Lối rẽ xuống Cầu
Đồ, Đồng Vườn. Dọc bờ sông,
những đống đá hộc xếp khối chữ nhật lớn phòng chống lụt khiến tôi
liên tưởng đến bát trận đồ Khổng
Minh. Dưới nữa: xưởng ngói - chum
– chĩnh. Xa xa, vườn phi lao (vườn thông?!). Rồi chênh vênh Cầu Noi (Cổ Nhuế)… Sông Đào, cho đến
những đầu những năm 80 thế kỷ trước, mùa nước lên, những lần mở
cống nâu rực một màu nước phù sa cuồn cuộn, hăm hở như chú ngựa
lồng phi mãi về phiá tây nam. Từ thu đông cho đến tận muà xuân năm sau,
hầu hết thời gian là nước cạn. Liu riu, lăn tăn một dòng trong êm ái
vẫn đủ nước cung cấp cho các mương, kênh thủy lợi 2 tỉnh Hà Nội, Hà
Tây (cũ) và sinh hoạt của cư dân dọc đôi bờ. Tắm táp, giặt giũ, rửa
rau, vo gạo, gánh nước về đổ vại, đổ chum dùng dần. Mỗi lần vung tay
đập bèn bẹt chiếc chiếu cói vang mặt sông thì cũng thường văng vẳng
trong tôi tiếng chày đập chăn, áo rét của cô gái Trung Hoa bên bờ
Trường Giang, bên chân thành Bạch Đế, cửa ngõ vào đất Thục, trong
bài Thu hứng của Đỗ Phủ: Thành Bạch chày vang bóng ác tà. Mỗi buổi trưa nắng
gắt hay chiều nắng nhạt, lũ trai làng Trèm thích ùa ra sông Đào bơi
lặn, rỡn đùa, thách nhau bơi vài vòng qua sông, thi nhau xem ai lặn xa
hơn. Khi nằm ngửa trên mặt nước êm ái, mát lạnh, nhắm mắt, hướng lên
bầu trời thăm thẳm, thì mấy câu thơ ríu rít Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh lại vang trong trí nhớ: Quê hương tôi có con sông xanh biếc/Nước
gương trong soi tóc những hàng
tre/Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè/Tỏa nắng xuống lòng sông lấp
loáng… Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi! Nhưng có lẽ sông Đào – sông Nhuệ quê Trèm tôi, dù trong đến mấy cũng không bao giờ mang màu xanh
biếc như dòng Trà Khúc miền Trung mà con sông Đào miền Bắc trong trắng, trong hồng, màu trong
mang dấu vết phù sa của Nhị Hà – sông Mẹ.
Sông Đào – sông Nhuệ xưa, dòng sông
tuổi thơ thân yêu, êm đềm, lặng lẽ quê Trèm chúng tôi, dòng sông hiền
hòa, xinh xắn hầu như chỉ còn trong ký ức thi thoảng buồn, nhớ miên
man của lớp người già ưa hoài cổ!
Nói vậy
không có nghĩa là sau gần 1 thế kỷ ra đời và tồn tại, sông Đào - sông Nhuệ đã hoàn toàn biến mất hoặc hóa cánh đồng, nơi làm nhà cửa, nơi trồng ngô khoai như sông Lấp trong thơ Tế Xương. May chưa
đến nỗi thế! Nhưng thật đau lòng, cũng như hàng chục dòng sông lớn,
nhỏ trên đất nước ta, sông Nhuệ -
sông Đào quê tôi đang ốm nặng, đang hấp
hối vì ô nhiễm, đang quằn quại đau đớn, ngắc ngoải vì cạn nước,
vì lòng đáy dâng cao phù sa, đất bùn, phế thải đủ loại… Đã từ lâu, sông Đào – sông Nhuệ tự mình lên
tiếng báo động SOS!!! Ai đời sự
lạ đã nhiều lần xảy ra: nước sông chảy
ngược! Dòng nước đục lờ, xam
xám, thum thủm, tanh ngòm lại từ sông
Nhuệ - sông Đào đổ lại vào sông
Cái - sông Hồng! Thượng nguồn hóa hạ lưu?! Phải vì đã lâu lắm
đoạn sông gần chùa Hoàng -cầu Liên Mạc vắng bóng những chiếc tàu cuốc nạo vét đáy, xoang xoảng,
cần mẫn suốt ngày đêm? Rồi thay thế những chiếc tàu hút cát, bùn hòa nước lõng bõng, đổ tràn qua mặt đê
thành mảng đồng cát chạy dài hết con dốc bên kia sông. Những tàu ấy đâu
rồi? Để mùa thu đông nước cạn, sớm chiều, lũ trẻ con làng tha hồ chạy
chơi, đá bóng trên đáy sông bùn phù sa cứng lại như mặt sân kho, sân
nhà. Nhìn dòng sông bị thu hẹp, đầy ứ dần lên theo năm tháng, dù hai
đoạn bờ thượng nguồn từ cống Liên
Mạc 1 (cũ) tới cống Liên Mạc 2 (mới) đã được kè, xây bằng xi măng - đá hộc, chênh
vênh, mỏng manh đến thảm hại! Từ Cơ Khí xuôi đến Cầu Noi, cầu Diễn và
xa hơn nữa … thì hỡi ôi! tới hàng trăm chiếc cống đại tuôn nước thải không qua xử lý, từ các nhà máy,
xí nghiệp hai bên bờ chảy thẳng xuống sông, lúc ào ào, khi rỉ rích…
ngày đêm, không ngừng. Những đàn cá hám ăn cuối cùng thích tụ lại nơi
khoảng nước gần miệng cống kiếm mồi, thành mồi ngon cho mấy ông ngư
phủ quê tôi quăng cần đợi giật. Nhưng những đàn cá dại dột ấy cũng
ngày một thưa thớt dần vì người câu thì ít, vì nhiễm độc thì
nhiều. Vắng hẳn những chiếc vó bè
kẽo kẹt, ròng ròng nước, chiếc giỏ
đại nặng chịch, ũng oẵng cá quẫy. Cụ chủ vó, mặt đỏ bừng vì rượu, vì phấn khích, lưng trần
cánh phản nâu bóng, hai tay bơi bơi mái chèo tí xíu như 2 chiếc đũa cả khủng, quạt nước hai bên,
lướt chiếc thuyền tôn hay thuyền nan bé
tẻo teo từ lều ra vó đổ cá. Những cốn bè gỗ, tre nằm im lìm, dập dềnh theo sóng như đàn trâu
mộng biếng lười nghỉ ngơi sau vụ cày xuân… Bây giờ thì quanh năm, bốn
mùa, sông vắng ngơ, vắng ngắt. Trưa hè chang chang nắng như càng gắt bỏng,
ngột ngạt hơn. Chiều thu mù mịt sương bay là là mặt sông lặng lẽ,
buồn hiu hắt. Ô tô, xe máy vun vút qua cầu. Bụi mù. Đường đê 2 bên sông
trải nhựa ápfan phẳng lỳ. Mỗi
năm, vào những lần mở cống mùa nước
lên, ngắm dòng nước đục ngầu, cuồn cuộn chảy ào ạt qua 5 cửa cống,
vỗ ào ạt vào thành đá xi măng, (những đợt mở nước hiếm hoi), chợt
thấy mát lòng mát dạ, cứ muốn để mãi những giọt nước li ti bắn
vào mặt, vào tóc một cách sung sướng, ngây ngất. Còn suốt 12 tháng,
chỉ lưu cữu dòng nước đen, bốc mùi xú uế, lười nhác, lờ đờ, ngái
ngủ của dòng sông sớm già nua, cạn kiệt, đã và đang bị đủ loại
chất phế thải bức tử làm cho ô
nhiễm nặng nề. Nghe nói có dự án
cải tạo môi trường, biến khu vực sông
Nhuệ, đoạn thượng lưu thành khu du
lịch sinh thái vùng Tây bắc Thủ đô. Nhưng mới chỉ là… nghe nói…! Hay
đó cũng là một trong nhiều dự án
treo - vấn nạn dự án hiện
nay ở nước ta, không biết bao giờ mới được thực thi?! Nếu được, thì một
trong những hạng mục đầu tiên, tôi hình dung, là phải nạo vét tận đáy, trả lại mặt bằng đáy nguyên thủy cho sông Đào – sông Nhuệ; và bịt ngay
lập tức, triệt để, tất cả mọi cửa cống đổ ra sông, phạt thật nặng nếu các chủ sở hữu, dù cơ quan
nhà nước hay cá nhân, không tuân thủ nghiêm túc quy trình xử lý nước
thải.
Hơn chục
năm lại nay, mỗi lần đứng trên lan can tầng 3, tầng 4 nhà mấy ông bạn,
hướng về phía tây, ngắm dòng sông
Đào - sông Nhuệ úa tàn, uể oải, mỏi mệt, đẫn đờ như người đàn
bà sản hậu thiếu máu trong nắng nhạt chiều đông, nghe đâu đây hồn sông Trèm đang thiểu não, thều thào và thao thiết mấy tiếng: SOS! tôi lại thở dài, thầm bẻ câu ca dao cổ mà ngậm ngùi, băn
khoăn… Song vẫn lại le lói tin tưởng vào điều kỳ diệu của Con
Người, của Nhân dân, của Dân Trèm trong thế kỷ 21- thế kỷ
của tri thức và sáng tạo, sáng tạo ra hiện tại và cả tương lai:
Bao giờ sông
Nhuệ lại trong,
Để cùng
sông Nhị vang lừng khải ca?!
Cưỡi thuyền
lên tận Ngân Hà!...
Hạ tuần tháng 12 – 2012.
ĐV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét