Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

NHỮNG KỈ NIỆM VỀ X.EXENHIN


NHỮNG KỈ NIỆM VỀ X.EXENHIN
N.Vonpin
Vũ Nho dịch
KHÔNG PHÒNG NGỪA
    Vào buổi chiều, tôi vừa mới bước vào phòng đã cảm thấy trong đó không khí nặng nề đến nghẹt thở. Ở một góc, trong lô ghế của những người theo chủ nghĩa hình tượng, một mình E-xê-nhin ngồi, cô đơn dường như bị bỏ rơi xuống ghế. Một tay thõng xuống sau đi văng, tay khác lửng lơ không sức sống. Tôi đi lại gần hơn. Những dòng lệ lặng lẽ chảy, anh không giữ chúng mà cũng không lau đi. Nhưng ngực và cổ thì bất động. Chỉ có đôi mắt khóc. Anh ngẩng lên nhìn tôi :
- Người ta thông báo cho chị chưa ? Blôc, Blôc đã chết ! Tiếng ồn ào các giọng nói gần lại :
- Nhà thơ tốt nhất thời đại mình. Không phòng ngừa … Thật xấu hổ cho tất cả … cho tất cả chúng ta !
Giọng ai đó bình thản - triết nhân
- Bốn mươi tuổi ! Đối với nhà thơ Nga không phải là ít quá. Puskin chỉ có ba mươi bảy.
- Chỉ đối với Nga ư ?

Có tiếng trút ra :
- Bai-rơn - ba mươi sáu.
- Còn Kon-sốp ba mươi ba …
- Selli - ba mươi …
- Kitx hai mươi lăm. Trẻ hơn Ler-môn-tôp !
- Tuổi tác nhà thơ … lẽ nào đo bằng con số ?
E-xê-nhin ném câu đó vào chúng tôi.

THÊM CHUYỆN VỀ MAI-A-CÔP-XKI
Tháng tám năm hai mốt. “Ngăn Phi mã”. Lô ghế của những người theo chủ nghĩa hình tượng. Ai đó chỉ ra :
- Hãy xem kìa, cặp đi vào mới đẹp làm sao !
E-xê-nhin :
- Còn tôi thì không biết “người đẹp” nghĩa là thế nào, “người không đẹp” là thế nào. Với tôi, những gương mặt chỉ có thể là “thông minh”, “sắc sảo”, “đôn hậu”, “biểu cảm” … Mai-a-cốp-xki tuyệt vời !


NÓI MỘT CÁCH SÒNG PHẲNG
Năm hai mốt. Mùa thu. Tôi ngồi với Man-đen-stam trong gian thứ hai của Hiệp hội các nhà thơ. Nhìn qua gương tôi nom thấy E-xê-nhin đi vào. Gật đầu nhẹ và nháy mắt. Rồi ngồi xuống bàn bên cạnh. Một mình. Tôi ngồi quay lưng lại phía anh.
Man-đen-stam tiếp tục say sưa đoạn văn trích tiếp : Về Pê-tơ-rap-ka hay về Đăng-tơ ? Tôi nghe rất chăm chú. E-xê-nhin bỗng nhổm phắt dậy, đi vòng qua ghế của tôi và sau khi dừng lại một cách ngoạn mục trước người đàm thoại với tôi, nhìn vào mặt anh ta bằng cặp mắt nheo lại. Sau đó lùi ra xa nửa bước, đoạn ném qua vai, dường như là nhân tiện, nhưng rành rọt :
- Còn anh, O-xip E-mi-le-vit, đang viết những câu thơ tồi !
Man-đen-stam nổi khùng, đứng vọt lên. Nhưng lại ngồi xuống, cười gằn. E-xê-nhin đi xa hơn - vào phòng ban chấp hành.
- Vì sao anh ta làm thế nhỉ ? - Và sau khi nhún vai, O-xip E-mi-le-vit quay lại với cà phê của mình và với chủ đề. Tuy nhiên, câu chuyện của chúng tôi đã không còn sôi nổi nữa. Tôi mất hứng và nghe rất kém.
Nhưng có thể chuyện này làm cho tôi nhớ chính xác đến mối liên hệ với chuyện sau đó. Qua một tuần, trong cuộc nói chuyện riêng với tôi, trong điều kiện ở trong nhà, E-xê-nhin nói một cách khẳng định :
- Nếu như phán xét một cách sòng phẳng - Thơ của ai thật sự tuyệt vời hơn, thì đó chính là thơ của Man-đen-stam. (Nhân thể tôi lưu ý rằng : trong khi nói E-xê-nhin rất hay dùng tính từ “tuyệt vời” …)
- Vậy làm gì mà khi ấy …
Với giọng quở trách, tôi nhắc E-xê-nhin về ‘trò đểu’ của anh tuần trước.
- Ồ, đó chỉ như là trong sự xung khắc của trường phái thơ ca.
Sự xung khắc trường phái ! Nó liên quan gì ở đây ? Nhà ăn vắng người đâu phải bục sân khấu ? Đơn giản là sự ghen tị, không phải là ghen tuông đàn ông, không. Đấy là sự ghen tị với sự chú ý của thế hệ các nhà thơ trẻ. Tôi nhớ lại cách nửa năm Man-đen-stam đã nói :
- Những người theo chủ nghĩa hình tượng ! Hình tượng ! … Bọn họ chỉ làm phức tạp hóa sự đơn giản. Phải nói “Căn bậc hai của bốn”, đâu có thể nói đơn giản “hai”.
Với câu hỏi của tôi, chuyện đó có liên quan đến E-xê-nhin không, anh ta đáp :
- Đặc biệt là với E-xê-nhin - với những người khác chẳng đáng phải bàn … Nhưng E-xê-nhin … anh ta chẳng có gì để nói : anh ta đứng trước gương, ngắm nghía : “Hãy nhìn đây - tôi là thi sĩ !”
Cần phải xác nhận một cách công bằng : Sau khi vượt qua sự khó chịu cá nhân, E-xê-nhin đã biết đánh giá cao thơ của O-xip Man-đen-stam - một loại thơ khác trường phái. Còn Man-đen-stam thì … Đúng, chính xác là E-xê-nhin không chỉ nói một lần : “Hãy nhìn đây - tôi là thi sĩ !” Nhưng bản chất sự sáng tạo của anh không phải là ở đó. Cái đó làm cho E-xê-nhin trở thành nhà thơ của toàn nhân dân thì Man-đen-stam vẫn xa lạ, không vào được nhận thức của anh ta.
Còn tiếp


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét