Vũ Nho chủ trang
GÓP LỜI VỚI HAI NHÀ THƠ MAI VĂN
HOAN VÀ VƯƠNG TRỌNG
VŨ NHO
Tôi theo dõi sát cuộc trao đổi giữa hai nhà thơ về
cách hiểu một đoạn trích Truyện Kiều ( Tạp chí thơ số 7/2013 và các số 4, 6 năm
2014). Nhà thơ Mai Văn Hoan đúng là đã rất thận trọng, nhưng cũng mạnh dạn đề
xuất một cách hiểu khác với học giả Đào Duy Anh. Mai Văn Hoan cho là “ Phải chăng cụ Đào Duy Anh có sự nhầm lẫn”.
Tuy đặt vấn đề khiêm tốn và thận trọng như thế, nhưng nhà thơ Mai Văn Hoan đã
cố chứng minh rằng vì sự “thiếu minh
xác” trong ngôn ngữ Truyện Kiều nên cụ Đào Duy Anh đã có sự hiểu nhầm khi phân
tích đoạn trích. Trong bài trả lời nhà thơ Vương Trọng, ( Tạp chí Thơ số 6 năm
2014), tác giả vẫn khẳng định phát hiện của mình : “ Cụ Đào Duy Anh viết “ Sau khi Thúc Sinh về thăm quê, Thúy Kiều ở lại
Lâm Tri một mình, nàng cũng nhớ cha mẹ trước rồi mới nhớ đến tình nhân” là hơi
sơ suất” – Bây giờ hình như nhà thơ không tự tin lắm chăng nên mới thay
“nhầm lẫn” bằng “ hơi sơ suất”! Nhà thơ Vương Trọng trao đổi lại và cho rằng
cách hiểu của Mai Văn Hoan là thiếu cơ
sở khoa học, không chính xác. Cách hiểu đó không đúng với bản chất tính cách
Thúy Kiều. Nhà thơ Vương Trọng đã dẫn ra cả 5 đoạn thơ Kiều nhớ cha mẹ, nhớ
người tình, và cho thấy không bao giờ nàng quên chữ Hiếu và chữ Tình, nàng là
người “tình nặng, nghĩa dày”. Tôi nghĩ
rằng cách phân tích của nhà thơ Vương Trọng hoàn toàn thuyết phục bạn đọc. Và
tôi cứ nghĩ nhà thơ Mai Văn Hoan chắc cũng sẽ bị thuyết phục. Nhưng với bài
viết “ Trao đổi lại cùng nhà thơ Vương Trọng”, nhà thơ Mai Văn Hoan vẫn bảo lưu
ý kiến của mình, đồng thời có thanh minh một vài điều khác nữa.
Tôi muốn góp thêm với nhà thơ Mai Văn Hoan để giúp cho
anh thấy rằng cụ Đào Duy Anh không nhầm lẫn, mà người nhầm lẫn chính là anh -Mai
Văn Hoan.
- Thứ nhất, nhà thơ cho rằng Thúy Kiều lần nhớ Thúc Sinh
chỉ nhớ Thúc Sinh thôi vì “trong hoàn cảnh dầu
sôi lửa bỏng” ( chữ của Mai Văn Hoan), nàng không nhớ đến ai khác. Thật ra
thì Nguyễn Du không cho ta biết nỗi nhớ
này của Kiều bắt đầu từ lúc nào. Có thể
ngay sau lúc “ người lên ngựa kẻ chia bào”.
Nhưng vì sau đoạn nói nỗi nhớ, Nguyễn Du tả Thúy Kiều đang thắp hương thì bọn tay chân nhà Hoạn
Thư ra tay. Như thế nên có thể suy đoán là ngày hẹn trở về cận kề mà chưa thấy Thúc Sinh quay lại.
Nhưng dù có cho là nàng Kiều nhớ vào
thời điểm ấy đi nữa, thế thì có gì là “ hoàn
cảnh dầu sôi lửa bỏng” như nhà thơ Mai Văn Hoan tưởng tượng ra?
- Thứ hai, bảo rằng Kiều nhớ Thúc Sinh
thì giải thích thế nào về câu thơ:
Tóc
thề đã chấm ngang vai
Nào
lời non nước, nào lời sắt son
Nhà
thơ Mai Văn Hoan vì mải mê chứng minh theo ý mình đã quên rằng, Kiều chỉ thề
bồi với Kim Trọng, nói lời sắt son với chàng Kim khi lần đầu hẹn ước: Tiên thề cùng thảo một trương/ Tóc mây một
món dao vàng chia hai. Bất cứ ai đọc
Kiều một cách bình thường cũng có thể nói rằng câu thơ này Nguyễn Du tả Kiều
nhớ về Kim Trọng, chứ không nhớ Thúc Sinh, vì
Kiều và Thúc hai người không có thề thốt gì cả.
- Thứ ba, điều quan trọng nhất là nhà
thơ Mai Văn Hoan đã hiểu sai hình ảnh bóng dâu, vì máy móc hiểu câu thơ. “ Bóng
dâu đã xế ngang đầu”. Trong thi liệu cổ, khi nói đến bóng dâu, là người ta nói
đến cha mẹ, nói đến tuổi tác cha mẹ. Nhà
thơ Vương Trọng đã hoàn toàn chính xác khi cho rằng “ Sự thật “bóng dâu tà tà” hay “bóng dâu đã xế ngang đầu” chỉ cùng một
ý, cùng nói rằng cha mẹ đã xế bóng, đã già rồi chứ không hề định lượng sự hơn kém về độ gìa
giữa hai hình ảnh ấy”. Không hiểu vì sao nhà thơ Mai Văn Hoan lại cố ý hiểu
“ bóng dâu đã xế ngang đầu” là chỉ
thời gian quá giờ Ngọ. Cứ cho là có cây dâu thật đi nữa thì bóng nó đã “xế”,
lại “ngang đầu” thì phải là chiều khá sâu rồi chứ đâu phải quá
Ngọ? Bởi vì nhà thơ đang cố chứng minh
rằng đây là Kiều nghĩ về thân phận mình, nên mới ép khoảng thời gian quá Ngọ,
rồi suy ra “ bóng dâu đã xế ngang đầu”
là nàng Kiều nói về tuổi của mình. Không thể nào cô Kiều chừng độ 20 tuổi lại
có thể nghĩ tuổi của mình “ đã xế”, mình
sống “đã hơn một nửa đời người”. Rõ ràng, thi liệu văn học cổ chỉ cho
phép hiểu “ bóng dâu” là chỉ tuổi tác của cha mẹ, chứ chưa có trường hợp nào
chỉ tuổi tác của một cô gái, lại là cô gái trẻ như nàng Kiều.
Một sai lầm khác của Mai Văn Hoan là
anh không hiểu ( hay cố tình không hiểu) câu thơ Biết đâu ấm lạnh, biết đâu ngọt bùi. Ấm lạnh
và ngọt bùi ở đây không thể hiểu là
“sự yên thân” của nàng Kiều như Mai Văn Hoan nghĩ. Ấm lạnh trong Truyện Kiều chỉ có thể được hiểu nghĩa như một cách
nói “ quạt nồng ấp lạnh” ( Mùa hạ nóng thì quạt cho mát, mùa đông lạnh thì ấp
cho ấm). Trong lần nhớ thứ hai, nhớ cha
mẹ, Kiều đã nghĩ “ Xót người tựa cửa hôm
mai/ Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ”. Ấm lạnh trong câu thơ này là nói về sự chăm sóc của con cái với cha
mẹ.
Mai Văn Hoan cứ cố chấp căn cứ vào “ bóng dâu tà tà” và “bóng dâu đã xế ngang đầu” để
nói rằng nếu chỉ tuổi tác cha mẹ Thúy Kiều thì các cụ không thể “quay ngược
lại” trẻ hơn vì cái bóng dâu sau cao hơn cái bóng dâu trước! Như anh khẳng định
: “ Chính hai chữ “ ngang đầu” đã giúp
tôi SUY ĐOÁN ( Vũ Nho nhấn mạnh) câu Bóng
dâu đã xế ngang đầu nói về tuổi đời của Thúy Kiều lúc này phù hợp hơn là
nói về tuổi của cha mẹ nàng”.
Thật ra thì do nhiều yếu tố ( ước lệ và cả việc gieo vần)
cho nên Nguyễn Du viết bóng dâu tà tà và bóng dâu đã xế ngang đầu. Chúng ta nhớ lại đoạn Nguyễn Du tả Kiều
gặp Kim Trọng :
Tà tà bóng ngả về tây (câu 51)
Một vùng cỏ áy bóng tà ( câu 97)
Bóng chiều đã ngả, dặm về còn xa (
câu 114)
Bóng tà như giục cơn buồn ( câu 167)
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha (
câu 170)
Cứ
câu nệ như Mai Văn Hoan thì thấy cụ Nguyễn Du làm thời gian xáo trộn hết cả!
Tóm lại, tôi quý trọng sự tìm tòi của
nhà thơ Mai Văn Hoan, nhưng tôi còn quý hơn là một cách hiểu đúng đắn và hợp lí
đoạn trích. Vì vậy mà tôi muốn khẳng định rằng, học giả Đào Duy Anh không nhầm,
nhà thơ Vương Trọng không nhầm, không “rập khuôn máy móc”. Người nhầm lẫn, đáng
tiếc lại chính là nhà thơ Mai Văn Hoan
vậy!
Hà Nội, 27/8/2014
Muốn đọc cuộc tranh luân giữa Vương Trọng và Mai Văn Hoan thì vào địa chỉ nào bác Vũ Nho ơi
Trả lờiXóaĐọc hai lần bài này thì bu tui tán thành lập luận của bác.
Kính bác Bu!
XóaHai nhà thơ trao đổi trên Tạp chí Thơ của Hội nhà Văn VN.
Tôi có ghi nguồn : số 7/2013, nhà thơ Mai Văn Hoan đưa ra cách hiểu mới về đoạn trích " Thúy Kiều nhớ Thúc Sinh".
Nhà thơ Vương Trọng trao đổi lại trên Tạp chí Thơ số 4/2014. Nhà thơ Mai Văn Hoan trao đổi lại cũng trên tạp chí đó số 6/2014.
Tạp chí THƠ không đưa mạng, nên bác chịu khó đọc báo giấy vậy!
Cám ơn bác đã chung cách nhìn nhận với tôi!
Trao đi, đổi lại rõ vàng - thau
Trả lờiXóaNhận diện đục - trong hiện trước - sau
Bản lĩnh, tầm nhìn ngời thế sự
Tri ân - người viết - ấm lòng nhau.
Cám ơn bạn Lãng Du đa ghé trang và chia sẻ!
Trả lờiXóa