BẮC
CUNG HOÀNG HẬU – CÔNG CHÚA LÀNG NÀNH
Đọc
Bắc
Cung Hoàng hậu, tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Vũ Tiềm
Vũ Nho
Với công chúa Lê Ngọc Hân, người dân
Việt chỉ biết sơ lược rằng đó là một người tài sắc, chẳng những có vẻ đẹp yêu
kiều, mà còn là người tài giỏi giúp vua Quang Trung công việc liên quan đến bút
mực và là tác giả của tác phẩm “Ai tư vãn” và “ Văn
tế vua Quang Trung” có trong lịch sử văn học dân tộc.
Những ai ở Hà Nội, từng đọc nhiều sách
vở hoặc thăm đền Ghềnh còn được biết thêm rằng hài cốt của mẹ con Lê Ngọc Hân,
vì sợ nhà Nguyễn trả thù đã được bí mật đem về táng ở quê, rồi vẫn bị đào lên
vứt xuống sông Hồng. Nhưng như có sự linh thiêng, hài cốt đó không trôi mà nổi
lên, nên được vớt và an táng, lập đền Ghềnh để ghi nhớ sự kiện này.
Hết sức kính trọng nhân vật Lê Ngọc
Hân, công chúa là con của bà Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền, người làng Nành, quê
hương của mình, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức để viết về cuộc đời của
công chúa triều Lê, gắn liền với lịch sử hào hùng của người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, đại
phá quân Thanh.
Tuy nhan đề cuốn sách là Bắc Cung
Hoàng hậu, nhưng cuộc đời làm hoàng hậu
không được nhắc nhiều, mà tác giả chú ý viết kĩ về thời niên thiếu của công
chúa, khi cùng với mẹ, em ( công chúa Ngọc Bình) và nhũ mẫu chạy loạn về dinh
Thiết Lâm, làng Nành và học tập với hai thầy giáo quê nổi tiếng là Cống Hải và
Thanh Tâm. Chính ở nơi làng quê êm đềm, Ngọc Hân đã bộc lộ khả năng là một cô
gái thông minh, ham học hỏi, có năng khiếu văn chương. Cuộc nói chuyện với Lê
Quý Đôn, dịch bài thơ của vị đại quan này ra thơ lục bát truyền thống của dân
tộc, việc tự chọn thầy học, và những nhận xét sắc sảo của công chúa…cho thấy
một khả năng khác thường của công chúa. Việc có mồ hôi thơm như mẹ và dung nhan
xinh đẹp khác thường, thông minh, công
chúa đã được hai thầy học dự đoán là sẽ có một số phận phi thường, can dự vào lịch sử. Quả nhiên,
sau khi kết hôn với Bắc bình Vương Nguyễn Huệ, công chúa đã giúp chồng rất đắc
lực trong các công việc giấy tờ, đã giúp chồng hòa giải với Nguyễn Nhạc và
Nguyễn Lữ,…. Ngọc Hân không chỉ là một Bắc Cung Hoàng hậu thông minh, xinh đẹp,
mà còn như là một “cố vấn” cho chồng trong những việc riêng, việc chung. Vai
trò của Ngọc Hân rất lớn khi giúp chồng
lên ngôi Hoàng đế để chính danh khi đánh quân Thanh. ( Điều này có lẽ do tác
giả yêu mến nhân vật của mình mà gán cho bà, chứ các tài liệu lịch sử chưa hề
nói).
Có lẽ những sử liệu về Ngọc Hân không
nhiều lắm, nên nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm cũng không thể viết
chi tiết về giai đoạn làm hoàng hậu, đặc biệt là khi sinh con, rồi khi
chồng mất, Ngọc Hân viết hai tác phẩm “ Ai tư vãn” và “ Văn tế vua Quang
Trung”. Đây chính là chỗ mà ngòi bút của
nhà tiểu thuyết lịch sử có thể tung hoành.
Có cảm giác nhân vật chính không thật nổi bật. Nhưng
bù lại, nhà văn đã viết rất kĩ về làng Nành, quê ngoại của Ngọc Hân. Làng Nành
với những đặc điểm nổi tiếng của mình, có hai cô gái lấy vua, rồi con gái của
hai người ấy lại cũng lấy đến ba vua. Làng Nành ( Phù Ninh) sầm uất buôn bán, là đất thiêng “
Phù Ninh danh thắng địa”, Làng Nành có người tài giỏi, hay chữ đến nỗi Tôn Sĩ
Nghị khi vào Thăng Long cũng phải đến
nơi xem và được tặng thơ. Bên cạnh các nhân vật có tên trong Lịch sử như vua
Lê, vua Lê Chiêu Thống, Quang Trung, Nguyễn Gia Thiều, Ngọc Hân,…nhà thơ đã
sáng tạo hai nhân vật Cống Hải và Thanh Tâm, tiêu biểu cho trí tuệ dân gian và
trí tuệ tâm linh của làng. Để hai ông thầy quê dạy Ngọc Hân, Ngọc Bình, miêu tả
các cuộc trò chuyện của hai ông thầy với Nguyễn Gia Thiều, một đại quan, một
nhà thơ lớn, Nguyễn Vũ Tiềm đã đề cao trí tuệ dân làng Nành, và cắt nghĩa vì
sao Ngọc Hân có được sự mẫn tiệp. Đó chính là nhờ tiếp thu kiến thức uyên thâm,
tiến bộ của những người thầy.
Theo kiểu viết chương hồi, mỗi hồi có bốn câu vần vè
tóm tắt nội dung chính, Nguyễn Vũ Tiềm đã sử dụng nhiều nguồn tài liệu lịch sử
để dựng lại bức tranh của một thời tao loạn. Anh cũng không ngần ngại sử dụng
các đoạn trích trong tiểu thuyết chương hồi “ Hoàng Lê nhất thống chí” để minh
họa rõ thêm cho những chương miêu tả của mình. Kể cả việc sử dụng tài liệu của
phía Trung Quốc có liên quan đến cuộc xâm lược của nhà Thanh và tướng Tôn Sĩ
Nghị. Đó là điều thành công đáng ghi nhận. Vệc dịch thơ chữ Hán thành lục bát, ( Thơ Lê Quý Đôn, Đặng Trần Côn), bình phẩm bài thơ
“ Quốc biến dân bất biến” được tác giả vốn là
nhà giáo, nhà thơ, cũng đã từng dịch thơ cổ, viết thanh thoát, say sưa,
có thể coi là những điểm sáng trong tiểu thuyết. Hai người đồng hương làng Ninh
Hiệp đã đánh giá rất cao cuốn sách của Nguyễn Vũ Tiềm. Nhà văn Thạch Văn Thân
cho rằng “ tác phẩm Bắc Cung Hoàng Hậu góp phần giải mã những trầm tích và dấu
ấn lịch sử” của quê hương Ninh Hiệp ( tr.246); ông Nguyễn Đạo Dư ( Câu lạc bộ
thơ Ninh Hiệp) thì viết “ Cuốn tiểu thuyết lịch sử như một bộ phim đặc sắc về
quê hương Ninh Hiệp” ( trang 248). Như vậy, có thể kết luận, thành công của
tiểu tuyết Bắc Cung Hoàng Hậu chính là ở chỗ viết về quê hương của Ngọc Hân,
chứ không phải về nhân vật chính được đặt tên cho tiểu thuyết, mặc dù đối với
Ngọc Hân, nhà văn cũng đã dụng công trong nhiều trang viết.
Nếu có điều gì còn băn khoăn khi đọc tiểu thuyết Bắc
Cung Hoàng Hậu thì không phải là chuyện nhà thơ lần đầu viết tiểu thuyết, lại
là tiểu thuyết lịch sử. Thử bút trên một lĩnh vực mới đôi khi lại là một thách
thức, một cuốn hút để người viết có thể bộc lộ khả năng tiềm ẩn của mình. Điều
băn khoăn thứ nhất là người viết quá ưu ái với nhân vật, quá ưu ái với quê
hương nên đã không thật khách quan khi dựng chuyện mà miêu tả. Cứ cho là một cô
bé mới 13 tuổi có thể dịch thơ lục bát,
nhưng có đáng để Lê Quý Đôn nói về thơ chữ Hán của mình “ thấy thiếu vẻ tế nhị, thanh cao, nhất là câu thứ bảy” ( Trang 18) ?
Rồi cũng chính cô công chúa trẻ con đó mà có nhận định về cả sự học của kinh
thành liệu có đáng tin? “ Hân còn nói
riêng với tôi là sự học ở kinh thành cũ kĩ, không hợp thời” ( trang 88).
Thứ hai, nhà văn trong khi kể chuyện bắt chước lối
trần thuật của Hoàng lê nhất thống chí,
gọi Nguyễn Huệ trống không là Huệ ( trang 148) liệu có thỏa đáng không? Tại sao
không gọi Nguyễn Huệ, hoặc Bắc Bình vương, hoặc Quang Trung ( khi đã lên ngôi)?
Mặc dù có tài liệu nói
binh lính và Tôn Sĩ Nghị đến làng Nành, nhưng tả thầy Công Hải, Thanh
Tâm “viết sẵn để tặng người thân, bạn bè
và bán. Nếu ngài thích thì tôi xin tặng” ( trang 210). Nội dung toàn những
chuyện liên quan đến người “chinh chiến”
thì lộ rõ cái ý “địch vận” và ý định quy
công của tác giả cho người làng Nành. Hơn nữa khi Cống Hải làm thơ tặng Tôn Sĩ Nghị, ông không
hỏi han gì mà biết rõ Tôn kia “ Tứ thập niên trung công dữ hầu” ( Ở địa vị công
hầu bốn mươi năm nay) thì quả Cống Hải
là “siêu thầy bói”! ( trang 212).
Ngay một số cách xưng hô cũng cho thấy tác giả lúng
túng. Ngọc Hân xưng hô với thầy tự gọi mình là “tiểu sinh” trước đó; rồi lại
tự xưng là “em”, là “con” ( trang
149). Cống Hải khi gặp vua Quang Trung xưng là “thần”! ( Ông có làm quan đâu mà
xưng hô thế?). Cách mấy dòng lại xưng là “ tiểu dân” ( trang 238). Vậy thì xưng
hô thế nào mới phải? Một số các từ ngữ như cám ơn, xin lỗi, thông cảm,… hoàn
toàn là những từ ngữ hiện đại, đặt vào ngữ cảnh thế kỉ XVIII không thích hợp.
Một chi tiết khác, Ôn Như Hầu, mẹ ông là con gái chúa Trịnh Hy Tổ ( Hợp tuyển
thơ văn Việt Nam thế XVIII – giữa thế khỉ XIX,
Nhà xuất bản Văn Hóa, Hà Nội,
1963, trang 114), không có tài liệu nào nói
vợ ông là con gái chúa Trịnh như trang 117 của tiểu thuyết.
Dù cho có những chỗ khiến ta băn khoăn, nhưng dẫu sao
công phu của tác giả khi sưu tầm văn liệu, sử liệu là đáng ghi nhận. Rồi việc
suy nghĩ kĩ lưỡng, dựng một cốt truyện để các nhân vật bộc lộ phẩm chất, tính
cách của mình khá hợp lí, thuyết phục có thể coi là thành công của nhà thơ lần
đầu cầm bút viết tiểu thuyết lịch sử.
Hà Nội, đầu tháng Bảy 2014
Khen cho con mắt tinh đời
Trả lờiXóaĐục - Trong thấu hiểu, sáng ngời chữ Tâm
Muôn màu - Thế sự - dễ lầm
Khơi trong gạn đục, ca ngâm Tình Người!
Cám ơn Lãng Du đã ghé trang và để lại lời chia sẻ bằng lục bát!
Xóa