Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Thầy LƯƠNG DUY THỨ




Thầy Lương Duy Thứ 
                           
                               Vũ Nho

Giáo sư, nhà giáo ưu tú Lương Duy Thứ là giáo sư đầu ngành về Văn học Trung Quốc ở Việt Nam. Là một thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô, được cử đi học Đại học ở Trung Quốc ( 1955-1960); tốt nghiệp về nước, theo sự  phân công của tổ chức, đi dạy học khắp ba miền Bắc, Trung, Nam của đất nước. Các khoa Văn của  những trường Đại học lớn của nước ta là Sư phạm Vinh, Sư phạm Việt Bắc, Sư phạm Hà Nội, Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh đều đã là nơi  giáo sư từng giảng dạy. Vào hội nhà Văn Việt Nam  năm 1990, được phong hàm Giáo sư năm 1991, người thầy giáo đại học kiêm nhà văn ấy miệt mài với sự nghiệp trồng người và sự nghiệp văn chương.

Tôi là người có  duyên may  được thụ giáo với người anh trai của thầy là GS Lương Duy Trung, một giáo sư đầu ngành về văn học phương Tây. Với thầy Lương Duy Thứ, tôi vừa được học thầy, lại có may mắn được cùng dạy với thầy ở Khoa Văn Đại học sư phạm Việt Bắc sau khi tôi tốt nghiệp. Sau này khi thầy từ thành phố Hồ Chí Minh ra sống ở bên Gia Lâm, thầy trò lại có dịp gặp nhau thường xuyên hơn. Bởi thầy trò cùng là hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Tôi vẫn nhớ mãi thời kì học ở Việt Bắc rồi trở thành một cán bộ trẻ. Thầy Thứ luôn luôn gần gũi, thân mật với chúng tôi. Nói chuyện, bao giờ thầy cũng gọi là cậu, các cậu và thầy thường mở đầu :  “Nì, các cậu có biết…”, “ Nì, cậu đã đọc bài báo này chưa?”. Không rõ các bạn khác ra sao, với tôi, thầy vừa uyên bác nhưng lại vừa rất giản dị, gần gũi, dễ mến…Tôi đã học được bao điều từ các thầy mình, trong đó có thầy Lương Duy Thứ về tinh thần nghiêm túc nghiên cứu khoa học, về thái độ gần gũi, giản dị với sinh viên, với đồng nghiệp…
Trong một cuốn sách in năm 2011, thầy cho , tôi được biết tên của thầy có ý nghĩa như thế nào : “ Thứ là một trong hai nội dung chính của đạo  nhân của nhà Nho. Đó là Trung và Thứ. Trung được giải thích là “Kỉ sở lập, lập ư nhân” – điều mình muốn thành đạt thì cũng giúp người khác thành đạt. Còn Thứ là “ Kỉ sở bất dục vật thi ư nhân” – nghĩa là điều mình không muốn thì cũng đừng gán cho người khác. Trong chữ Hán, Thứ thuộc loại hội ý, trên chữ Như dưới chữ Tâm; Cha Duy dạy con như vậy nên cả 5 người con trai đều có chữ Tâm ở dưới ( Trung, Thứ, Tuệ, Tưởng, Thái)”.  Quê hương là trái bần chua ngọt, nhà xuất bản Hội nhà văn, trang 41-42.
Quả thật tôi thấy thầy đã hành xử đúng như ý nghĩa tên của thầy được các cụ đặt cho.  Thầy luôn luôn coi trọng chữ Tâm, coi trọng tấm lòng. Ở đâu, thầy cũng được sinh viên yếu mến, bạn bè đồng nghiệp kính trọng. Một đời dạy học, nghiên cứu, thầy đã  viết và in những cuốn sách quan trọng: Cù Thu Bạch, Để hiểu 8 bộ tiểu thuyết cổ Trung Quốc, Đại cương văn hóa phương Đông ( Chủ biên), Lỗ Tấn- phân tích tác phẩm, … Thầy cũng dịch những tác phẩm : Lịch sử văn hóa Trung Quốc,  Truyện ngắn Trung Quốc hiện đại, Truyện Lỗ Tấn,  Tuyển tập truyện kí,…Là nhà giáo, thầy đã viết Giáo trình văn học Trung Quốc, tham gia viết sách giáo khoa THPT nhiều năm với các chương trình cải cách và đổi mới.
Khi gặp thầy  lần đầu ở Hội nhà văn, thầy bảo tôi: “ Nì,theo lá số tử vi thì mình chỉ thọ được bảy mươi ba tuổi thôi. Lúc nào cậu rỗi thì sang chơi với mình !”. Tôi đã sang Gia Lâm thăm thầy cô. Tôi giới thiệu thầy với nhà văn, dịch giả tiếng Hán Vũ Công Hoan. Rồi năm 2011 viết bài giới thiệu cuốn sách của thầy trên báo Giáo dục và thời đại. Báo ra, tôi mang biếu thầy. Tôi cùng  vợ chồng cựu lớp trưởng Hoàng Ngọc và các bạn khoa Văn  Việt Bắc khóa một thăm thầy cô. Thầy nói chuyện rất vui. Lần ấy, tôi tặng thầy cuốn sách “Thơ và dạy học thơ” của mình, trong sách, có trích những luận điểm thầy bàn về dạy thơ Đường.
Bây giờ thì thầy đã  mãi mãi đi vào cõi vĩnh hằng. Theo lời thầy nói thì thầy đã “vượt số tử vi” được 7 năm. Một đời dạy học, viết văn. Khi suy nghĩ về nghề, thầy viết “ Gọi tôi là nhà giáo thì đúng hơn. Tôi học nhà giáo để làm nhà văn, nhưng nhà văn phải tài hoa hơn, lãng mạn hơn, rộng lòng hơn và phải có thiên bẩm, thiên tính”.  ( Nhà văn Việt Nam hiện đại, in lần thứ tư, trang 469). Thầy khiêm nhường biết bao!
Viết những dòng này về thầy, sau khi được giáo sư Nguyễn Khắc Phi, người đồng nghiệp nghiên cứu văn học Trung Quốc với thầy báo tin thầy mất, tôi kính cẩn cầu chúc cho linh hồn thầy siêu thoát miền cực lạc. Xin thầy ghi nhận lòng biết ơn của tất cả những  thế hệ sinh viên đã được học thầy.
Vĩnh biệt thầy Lương Duy Thứ của chúng em!
                                                       1/8/2014

Đăng báo Văn Nghệ, Hội nhà văn Việt Nam số 32 ngày 9/8/2014



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét