Thứ Hai, 11 tháng 9, 2017

Cây bàng Côn Đảo






Cây bàng Côn Đảo

(Bút kí)

Nguyễn Thị Lan-

Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương

Côn Đảo là một “Thiên đường du lịch” Đến đây, du khách trải nghiệm “Du lịch tâm linh” với Hệ thống nhà tù Côn Đảo, Nghĩa trang Hàng Dương, Đền thờ Bà Phi Yến, Miếu và mộ Hoàng Tử Cải, Chùa Núi Một,… “Du lịch sinh thái”, ngoài những danh lam thắng cảnh của Côn Đảo như: Mũi Cá Mập, Hòn Bảy Cạnh, Bãi Đầm Trầu, Đỉnh Tình yêu,… du khách hẳn sẽ ngạc nhiên bởi những điều kỳ thú về cây bàng Côn Đảo. Có lẽ không đâu trên trái đất này, cây bàng Côn Đảo lại lạ lùng và mang trong mình nhiều câu chuyện lịch sử đến thế. Cây bàng là một trong những nét độc đáo, là loài cây đặc thù của vùng đất nơi đây.


1. Là cây thân gỗ lớn, ưa sáng, sống ở vùng nhiệt đới; một loại cây tưởng đã rất quen thuộc ở mọi địa phương từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng đến trung du nước ta nhưng lại rất đặc biệt mà chỉ ở Côn Đảo ta mới bắt gặp: Cây bàng Côn Đảo.

Có đến đây mới biết bàng ở Côn Đảo hiện diện ở khắp nơi như thể loài cây này cũng là một sinh thể sống, một loại “cư dân” của đảo này. Bàng trong sân trường học, bàng trước cổng và lẫn vào trong vườn nhà, bàng bên vệ đường, bàng ở mọi ngóc ngách đường phố, bàng ven biển, bàng trên sườn núi,… Những cây bàng cổ thụ nhiều cây được công nhận là “Cây di sản Việt Nam” có tuổi đời rất cao, thường hơn 100 năm (từ 130 đến 150 năm) tính từ năm thực dân Pháp bắt đầu xây dựng nhà tù (1862). Những cây này thường cao trung bình 15 mét, gốc cây 2 hoặc 3 người ôm không xuể. Những cây bàng di sản tập trung trong khuôn viên các nhà tù (trại Phú Hải, Phú Sơn) có 15 cây, trong di tích nhà Chúa Đảo có 8 cây. Ở Côn Đảo, có những con đường chỉ duy nhất có sự hiện diện của cây bàng cổ thụ mà nhiều người quen gọi là “con đường bàng”. Đó là đường Lê Duẩn với 11 cây bàng di sản. Rồi đường Tôn Đức Thắng – con đường ven biển đẹp nhất Côn Đảo chạy qua cầu tàu 914 (nơi 914 tù nhân chính trị đã hy sinh khi xây dựng cầu này) cũng có đến 19 “cụ” bàng di sản, mọc thành hàng thẳng tắp, đứng ngạo nghễ giữa đất trời.

                  Tác giả Nguyễn Thị Lan



2. Không giống bàng ở đất liền (càng khác xa cây bàng vuông *) bàng ở Côn Đảo có nhiều sự lạ làm du khách phải ngạc nhiên, bất ngờ.

Nếu trong đất liền, cây bàng thường đứng riêng lẻ, bàng ở Côn Đảo lại tập trung thành từng hàng, từng cụm lớn.

Nếu trong đất liền, cây bàng lá mỏng, thân cây tròn trịa, dáng cây nghiêng ngả thì bàng Côn Đảo độc đáo và đặc hữu: lá bàng cứng dày và xanh biếc, dáng thẳng tắp sừng sững vươn lên trời, vỏ cây sần sùi, nứt nẻ, thân cây nổi nhiều u bướu như xà cừ cổ thụ, có những cái bướu to ngang phần thân cây còn lại và có hình thù kì lạ. Những u bướu đó là “đề tài” cho những câu chuyện của những du khách đến đây...

Nhiều người giải thích có lẽ do môi trường khí hậu khắc nghiệt cùng với độ mặn của nước biển nên vỏ cây bàng mới trở nên kỳ dị như vậy. Thời tiết Côn Đảo thật lạ (chúng tôi đã trải nghiệm khi nghỉ tại “Khu quản lý di tích Côn Đảo” – nơi có ngôi biệt thự của Chúa Đảo) đang nắng có thể mưa rào, gió giật như bão, rồi lại trời quang mây tạnh ngay được. Những cây bàng có thể bị quật gãy, từ vết sẹo đó nhựa ứa ra, về sau lại xuất hiện một cái bướu không rõ hình thù gì. Hình tượng cái bướu có lẽ tùy thuộc vào nội dung câu chuyện mà các “cụ bàng” kể với hậu thế chăng?

Có những người giàu xúc cảm và tưởng tượng lại nghĩ khác. Những u cục kia phải chăng là những dòng máu bàng ứa ra khi phải chịu đựng và chứng kiến bao đau thương dưới chế độ hà khắc của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Những khối căm hờn ấy cứ lớn dần tích tụ mãi cho đến tận ngày hôm nay và đâu dễ nguôi ngoai...

Rất nhiều cách lý giải khác nhau, chỉ biết một điều chắc chắn là những cái u bướu đó thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách đến nơi đây.

Những cây bàng cổ thụ ở Côn Đảo cao lớn, hùng vĩ, trầm mặc, cổ lão, gốc xoải rộng đến 5 - 7 mét cũng gây ấn tượng với du khách. Có phải khí hậu nơi đây thích hợp với loại cây ưa sáng này khi ánh sáng trên đảo tràn trề để chúng tồn tại với thời gian, hay những cây bàng ấy buộc phải vĩnh cửu để nói với hậu thế về những gì mà mình đã chứng kiến suốt hơn 150 năm, kể từ khi thực dân Pháp đặt viên gạch đầu tiên để hình thành nên “địa ngục trần gian”? Có lẽ cả hai.

Nhìn hàng cây bàng Côn Đảo có thể thấy được sự vững chãi, trường thọ của loại thực vật này trước gió biển, trên đất cằn khô và ta có thể liên tưởng đến sự can trường, bất khuất của những người yêu nước đã bị giam giữ nơi đây. Hơn bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam, ở đảo này cây cũng như người.

3. Cũng như những cây bàng cùng “họ hàng” trong đất liền, ở nơi đầu sóng ngọn gió này, cây bàng Côn Đảo đẹp suốt bốn mùa. Mỗi mùa cây mang vẻ đẹp riêng.

Cuối Đông, đầu Xuân (từ cuối tháng 12 đến tháng 3 dương lịch) lá bàng Côn Đảo chuyển từ màu xanh thẫm đến đỏ rực. Nhìn xa, cây bàng như một cây đuốc khổng lồ. Múa lá đỏ, những con phố nhỏ của Côn Đảo trông thật lộng lẫy huy hoàng. Từng tốp học sinh đi học về nhặt lá rụng tung lên theo gió. Đất trời Côn Đảo thật thơ mộng, bình yên.

Rồi những lộc xanh non tơ nảy mầm dưới trời xuân

Rồi những chiếc ô khổng lồ xanh biếc dưới trời nắng hạ

Rồi những chùm hoa li ti trắng xanh vương đầy phố nhỏ

Mùa hè, các tháng 6, 7, 8 trái bàng chín rộ. Những quả bàng vàng ươm lấp ló trên cành. Rồi bàng chín vàng đậm. Từng trái, từng trái bàng sau một đêm mưa gió rụng xuống đầy hè đường. Người Côn Đảo rủ nhau đi nhặt bàng rụng về để làm mứt hạt bàng.

Mùa thu, mùa đông lá bàng dần chuyển màu, trụi lá, những cành cây gầy guộc khẳng khiu như những cánh tay của các cựu tù chính trị trước đây đang giơ tay đấu tranh đòi công lý. Cây bàng đẹp một cách khắc khổ mà kiêu hãnh. Lại một chu trình “sinh, trưởng, diệt” mới, tàn lụi để lại hồi sinh.

4. Không chỉ đẹp, cây bàng còn là “người bạn” thân thiết của người dân Côn Đảo. Cây bàng được ví như linh hồn của Côn Đảo.

Bàng âm thầm tỏa bóng mát trong những ngày nắng hạ.

Bàng chắn sóng, chắn gió chở che cho người dân trên đảo mỗi mùa biển động. Dáng của bàng vững chãi, hiên ngang tựa bức tường thành vững chắc để chở che những con sóng cuồng nộ của biển cả và những trận gió táp mưa sa. Như những cọc tiêu, mỗi ngày bàng chịu hàng trăm nghìn đợt sóng tơi bời nhất là những ngày mưa gió.

Không chỉ chắn gió, chắn sóng, bàng còn làm đẹp cho một vùng đất nhiều gian lao. Những cây bàng cổ thụ tạo nên nét vừa cổ kính trầm mặc vừa nên thơ, một cảnh quan độc đáo mà chỉ Côn Đảo mới có. Cây bàng làm cho cư dân Côn Đảo càng yêu mến tự hào về hòn đảo xinh đẹp mà mình đang sống và tạo được ấn tượng đẹp cho du khách. Đến “thiên đường du lịch” này có bao du khách đã làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc ca ngợi cây bàng Côn Đảo?

Cây bàng còn ban tặng cho cư dân trên đảo một món ăn ngon mang đậm vị ngọt bùi thơm thảo. Ở đây nhân bàng được rang khô rồi tẩm với đường hoặc muối để trở thành món quà vặt quen thuộc của dân trên đảo và là món quà đặc sản mà người đất này gửi về đất liền. Hạt hàng Côn Đảo mập chắc, ăn có vị bùi bùi, béo ngậy, thơm rất hấp dẫn, vừa ngon vừa lạ. Mỗi du khách mang về cho người thân và bè bạn của mình có một chút mặn mòi của biển khơi, của nắng gió đại dương, của những vất vả tảo tần, kiên nhẫn khéo léo và cả ân tình của người Côn Đảo. Đến đây, trực tiếp xem quy trình chế biến hạt bàng, hẳn du khách sẽ thấy cái nhân bàng bé nhỏ kia ngon và quý hơn nhiều.

5. Cây bàng Côn Đảo còn là một phần không thể thiếu trong ký ức của người dân Côn Đảo và những tù nhân chính trị nơi đây.

Như một “chứng nhân” lâu năm nhất những cây bàng cổ thụ ở Côn Đảo đã trải qua những thăng trầm cùng với lịch sử của hòn đảo này. Nó chứng kiến tất cả các hoạt động của Chúa Đảo và tay sai, cùng với cuộc sống của người tù Côn Đảo.

Cây bàng chứng kiến tất cả những lớp người tù đã đi qua để đến trại giam hay lê bước đi lao động khổ sai. Nó vĩnh biệt những người tù đã trút hơi thở cuối cùng, qua đây để đến yên nghỉ ở nghĩa trang Hàng Dương vĩnh viễn.

Cây bàng chứng kiến những ngày bị giam cầm đầy đọa cùng quá trình đấu tranh gian khổ, ý chí cách mạng của lớp lớp người tù cộng sản. Nó cũng chứng kiến sự đàn áp dã man vô nhân tính của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Không chỉ là một “chứng nhân” lịch sử, cây bàng còn là người bạn thân thiết của người tù Côn Đảo.

Mỗi khi được cai ngục cho ra ngoài, người tù nhanh tay tìm cách hái lá bàng non và cả lá bàng xanh, trái bàng về, lén giấu trong người, ngậm trong miệng, nhét cả vào thùng vệ sinh đem vào phòng giam cho đồng đội ăn. Lá bàng, quả bàng với người tù Côn Đảo là rau xanh, thực phẩm, giúp chống chọi lại với những cơn đói run người. Lá bàng còn giúp vết thương chống đau nhức, chữa tiêu chảy, kiết lỵ. Lá bàng còn là nguồn cung cấp vitamin C, giúp người tù khỏi lung lay răng, rụng răng trước chế độ ăn uống kham khổ chỉ có cơm hẩm và cá mục của nhà tù. Có khi một chiếc lá nhỏ phải chia 5, 6 phần để đồng đội nào cũng được ít chất, bổ sung vitamin. Lá bàng khô còn được đốt để tù nhân lấy tro làm mực viết thư truyền thông tin cho nhau hoặc để trải trên sàn xi măng giá lạnh. Lá bàng còn để chép những vần thơ của người chiến sĩ. Gốc bàng nhiều ngóc ngách như các hộp thư liên lạc bí mật được các chiến sĩ cách mạng chọn làm nơi cất giấu thư từ. Mùa cây thay lá được người tù ghi dấu tháng năm trôi qua ở chốn địa ngục trần gian giữa biển khơi.

Bọn cai ngục nhà tù Côn Đảo hàng ngày canh giữ, khám xét gắt gao. Nhiều người bị phát hiện, tình nghi giấu lá quả bàng là bị đánh đập dã man, có người bị đánh gẫy cả xương.

Chính vì cây bàng gắn bó với người tù như vậy cho nên những lần trở về thăm Côn Đảo, nhiều cựu tù ôm gốc bàng cổ thụ khóc ngon lành vì đó là người bạn thân thiết, là những cứu tinh của họ trong những ngày tháng gian khổ.

Từ sau ngày giải phóng, cây bàng lại gắn với người dân, chứng kiến sự thay da đổi thịt hàng ngày của mảnh đất này. Thế mới thấy mảnh đất bi hùng Côn Đảo, ngay cả cây xanh cũng chất chứa bao điều.

6. Hơn 40 năm sau ngày Côn Đảo giải phóng (01/5/1975), một ngày đầu Đông chúng tôi đến nơi đây. Dưới gốc bàng cổ thụ trong sân trại giam Phú Hải, chúng tôi đã được nghe kể nhiều chuyện thương cảm xót xa về cây bàng Côn Đảo.

Tuổi thơ của tôi gắn với cây bàng: những cây bàng trong sân trường, những cây bàng ở con phố cổ. Cây bàng cho bóng mát, cho trái chín, cho không gian vui chơi đùa nghịch, cho không gian tưởng tượng và ước mơ, cho muôn vàn kỷ niệm với tuổi thơ và gia đình. Ở đó, trong ngôi nhà cũ dưới gốc bàng, tôi có tuổi thơ đầy nắng với bao kỷ niệm trong trẻo hồn nhiên; tôi có gia đình đủ đầy ấm áp với cha, với mẹ, với các chị, các em… Cây bàng đã lưu giữ ký ức tuổi thơ tôi.

Tôi đâu biết rằng, cách quê tôi gần 2000km, ở chốn địa ngục trần gian giữa biển khơi này lại có những câu chuyện gắn với cây bàng buồn thương, xót đau đến thế - những câu chuyện có lẽ không đâu có trên trái đất này. Đứng dưới gốc bàng nơi đây sao thấy buồn tê tái và muốn trào nước mắt.

Mai chúng tôi về đất liền rồi bàng ơi. Có lẽ rất khó có dịp trở lại… Chiều nay, trong không gian của con phố cổ tĩnh lặng, tôi đi dưới gốc bàng cổ thụ Côn Đảo, lắng nghe tiếng bàng rì rào trong lá biếc. Tôi âu yếm vuốt ve những u cục nổi sần trên thân “cụ bàng” nứt nẻ, nhặt một chiếc lá rơi, tự chụp ảnh với bàng… Tôi đã làm tất cả những gì có thể để được “gần” bàng hơn trong buổi chiều nay.

Ra về và nhớ. Nhớ cây bàng Côn Đảo không chỉ là cây bóng mát, cây phòng hộ mà còn là loài cây tâm linh, loài cây huyền thoại đã gắn liền với mảnh đất này, để lưu giữ bao ký ức của cộng đồng nơi đây.

Nhớ và cảm. Vẻ uy nghi, lừng lững, cổ kính, phong trần của cây bàng Côn Đảo toát lên đức hạnh, phẩm chất mà con người ở thời đại này rất cần đến. Hơn bất cứ nơi nào, ở nơi đây tôi đã rút ra được bài học từ cây.

------------------------------------------------------------------------------------------



*Cây bàng vuông (còn gọi là Bàng quả vuông, Bàng biển, Chiếc bàng) không có họ hàng với cây bàng (còn gọi là Cây bàng ta, Bàng lá to). Cây bàng vuông do có lá hao hao như lá bàng nên được gọi là “bàng”. Nếu “bàng” thuộc loại quả hạch hình bầu dục nhẵn dẹt với hai bên rìa hẹp, đầu hơi nhọn thì quả “bàng vuông” có hình khối chóp nón 4 hoặc 5 cạnh vuông. Bàng vuông là loại cây gỗ đặc trưng của các vùng hải đảo, ven biển. Ở Việt Nam, bàng vuông xuất hiện ở đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Cồn Cỏ, Lý Sơn... Bàng vuông cũng là cây biểu tượng của Trường Sa; được đánh giá là loại quý hiếm và được ghi vào Sách Đỏ

Hải Dương đầu Đông 2016


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét