SO SÁNH ĐOẠN “KIỀU
NHỚ THÚC SINH” GIỮA “KIM VÂN KIỀU” VÀ “TRUYỆN KIỀU”
Vũ Nho
Chúng
ta đều biết rằng trong cuộc đời 15 năm lưu lạc của mình, Thúy Kiều có 7 lần nhớ
nhà. Bảy lần ấy được Nguyễn Du thể hiện bằng số lượng những câu lục bát khác
nhau, và cả về thứ tự những người được nhớ cũng khác.
Bảy lần đó là:
1. Trên đường đi Lâm Tri:
8 câu, từ câu 911 đến 918
2. Ở lầu Ngưng Bích: 8
câu, từ câu 1039 đến 1046
3. Ở lầu xanh Tú Bà: 14
câu, từ câu 1253 đến 1266
4. Khi Thúc Sinh khen: 4 câu,
từ câu 1317 đến 1320
5. Vắng Thúc Sinh: 8 câu,
từ câu 1627 đến 1634
6. Ở nhà Hoạn Thư: 4 câu,
từ câu 1785 đến 1788
7. Vắng
Từ Hải:14 câu, từ câu 2235 đến 2248
Chính
đoạn thơ nhớ lần thứ 5 khi vắng Thúc Sinh đã gây ra một cuộc thảo luận nho nhỏ
giữa nhà thơ Mai Văn Hoan với nhà thơ Vương Trọng. Vũ Nho tôi cũng góp lời và
bài viết sau cùng trên Tạp chí Thơ là của nhà thơ Mai Văn Hoan. (Tạp chí Thơ, số
7/ 2013, số 4, 6, 8, 9/2014). Chúng tôi còn nhớ một thầy giáo ở Nghệ An cũng
đăng bài trên mạng để góp vào cuộc thảo luận này.
Bây giờ chúng ta hãy so sánh đoạn này trong “Kim Vân Kiều”
(KVK) với “Truyện Kiều” (TK) để tìm xem Nguyễn Du đã làm gì khác biệt. Đồng
thời cũng làm sáng tỏ nghi vấn mà nhà thơ Mai Văn Hoan đưa ra và một mực bảo vệ.
Đoạn
này trong KVK được viết:
“Nói về Thúy Kiều, sau khi chàng Thúc đi khỏi,
vẫn lo ngay ngáy cho gia đình chàng sẽ bị xáo trộn. Khi tiếp thư chàng gửi sang
nói rằng cả nhà không hay biết gì về việc ấy cả, thì nàng lấy làm hồ nghi, tưởng
đâu những việc tày đình như vậy mà sao chẳng có một người bắn tin. Hoặc giả bên
trong có duyên cớ chi khác.
Nhưng rồi luôn luôn nhận được thư
chàng đều nói một loạt như thế, nên nàng cũng thấy an tâm. Chỉ còn nỗi nhớ Thúc
Sinh, ngày đêm không hề sao nhãng, bèn theo thơ “Tự quân chi xuất hĩ” ở trong
Cổ thi ngâm thành 6 bài ngũ ngôn tứ tuyệt như sau […].
Đề xong 6 vần thơ rồi mà lòng tưởng
nhớ chàng Thúc vẫn không nguôi được! Đêm ấy nàng ra đứng giữa vườn sau, đốt nén
hương đêm, miệng đọc một khúc tình thương để cầu Trời Phật phù hộ:
Nhớ vung trời đất nhớ càng sâu,
Cả ngày những rầu rầu,
Cách biệt bao tháng mấy lòng đau
Sum hợp tại lúc nào?
Cúi đầu khấn vái thiên đình
Mau tác thành,
Giục giã chồng tôi sớm hồi trình
Nối lời ước minh.
Thúy Kiều khấn xong định quay trở vào,
bỗng thấy ở dưới lùm hoa có đến mấy chục tráng sĩ coi vẻ dũng mãnh, hung hăng, xông
tới trói tay nàng lại rồi xô đẩy đi” (Phạm Đan Quế - Truyện Kiều đối chiếu , trang 288-291) *.
Thì ra,
có thể là nhà thơ Mai Văn Hoan, căn cứ vào KVK để khăng khăng cho rằng học giả
Đào Duy Anh đã sơ suất, nhầm lẫn. Quả thật trong đoạn này Kiều chỉ nhớ có một mình Thúc
Sinh. Chỉ một mình Thúc Sinh thôi, không hề nhớ ai khác.
Nhưng, nếu
như vậy, nhà thơ Mai Văn Hoan quên một điều tối quan trọng rằng Nguyễn Du không
chuyển nguyên xi KVK từ truyện sang thơ. Nhà thơ không để cho nàng Kiều của
mình giống y nàng Kiều trong KVK. Bởi vậy mà đoạn thơ sau đây của Nguyễn Du
không phải là thơ bám sát nguyên văn truyện. Đoạn thơ ấy là sáng tạo riêng của
Nguyễn Du. Nàng Kiều nhớ Thúc Sinh, nhớ cả cha mẹ và Kim Trọng nữa. Đó chính là
nàng Kiều của Nguyễn Du. Trật tự của đoạn này là nhớ cha mẹ, nhớ Kim Trọng rồi
nhớ Thúc Sinh.
Đọc đoạn
nói về Kiều trong KVK, chúng ta thấy Kiều liên tục nhận được thư và nàng “thấy
an tâm”. Nguyễn Du biết chắc nàng an tâm vì thế không có câu thơ nào nói hoàn
cảnh “dầu sôi lửa bỏng”. Cái lí do “dầu sôi lửa bỏng” để Kiều chỉ nóng lòng nhớ
một Thúc Sinh của nhà thơ Mai Văn Hoan đưa ra, chỉ là một tưởng tượng để biện
luận cho phát hiện không đúng mà thôi.
Nhà thơ
Mai Văn Hoan muốn làm khác đi, muốn chỉ ra sự nhầm lẫn, sơ suất của học giả Đào
Duy Anh là một việc dũng cảm nhưng không có căn cứ khoa học nào cả. Dưới đây, chúng
ta sẽ tìm hiểu kĩ hơn đoạn trích tương ứng của Nguyễn Du để khẳng định thêm.
Nàng từ chiếc bóng song the
Đường kia nỗi nọ như chia mối sầu
Bóng dâu đã xế ngang đầu
Biết đâu ấm lạnh, biết đâu ngọt bùi?
Tóc thề đã chấm ngang vai
Nào lời non nước,
nào lời sắt son?
Sắn bìm chút
phận con con
Khuôn duyên biết
có vuông tròn cho chăng?
Thân sao nhiều
nỗi bất bằng
Liều như cung
Quảng Ả Hằng nghĩ nao?
Đêm thu, gió lọt
song đào
Nửa vành trăng
khuyết, ba sao giữa trời
Nén hương đến
trước thiên đài
Nỗi lòng khấn chửa cạn lời vân vân.
Nguyễn Du nói tâm trạng và nỗi nhớ của Kiều "Đường
kia, nỗi nọ như chia mối sầu". Đây là tâm trạng buồn, nhớ về nhiều hướng
về nhiều ngả, nhiều người, chứ không phải chỉ nhớ một phía, một người.
Có thể vì quá nệ
vào KVK chỉ nói Kiều nhớ Thúc Sinh chăng hoặc giả quá tin vào "phát hiện"
của mình, nên nhà thơ Mai Văn Hoan khăng khăng cho câu thơ Kiều nhớ cha mẹ là
câu thơ Kiều thương mình.
Bóng dâu đã xế ngang đầu
Biết đâu ấm lạnh,
biết đâu ngọt bùi.
Bóng dâu đã xế
ngang đầu, và Một ngày một
ngả bóng dâu tà tà là hai câu thơ nói về cha mẹ. Vì không muốn hiểu Kiều
nhớ cha mẹ, nên nhà thơ Mai Văn Hoan cố ép để hiểu câu lục Bóng dâu đã xế... này là Kiều chỉ cuộc đời mình. Một cô gái trên
dưới 20 tuổi sao lại có thể nghĩ mình quá nửa đời người, là đã vào tuổi "bóng
xế"? Tính ước lệ chỉ cho phép hiểu bóng dâu là tuổi tác cha mẹ mà thôi, không
khác được.
Cũng vì khăng khăng cho là Nguyễn Du
chỉ để cho Kiều nhớ một mình Thúc Sinh, nên nhà thơ Mai Văn Hoan đã gán câu thơ
viết về Kim Trọng là câu thơ viết về Thúc Sinh.
Tóc thề đã chấm
ngang vai
Nào lời non nước, nào lời sắt son.
Ai đọc Truyện Kiều cũng đều nhớ chi tiết Kiều cắt tóc thề
với Kim Trọng:
Tiên thề cùng
thảo một chương
Tóc mây một món dao vàng chia hai.
Và Kiều
nhắc chuyện cắt tóc thề cùng lời thề:
Cùng nhau trót đã nặng lời
Dẫu thay mái tóc, dám dời lòng tơ.
Còn với
Thúc Sinh thì sao? Kiều có thề thốt với Thúc Sinh, nhưng không hề có chuyện cắt
tóc. Nguyễn Du viết về chuyện hai người:
Cùng nhau căn vặn đến điều
Chỉ non thề bể, nặng gieo đến lời.
Không
thể lẫn lộn chuyện nhớ Kim Trọng, nhớ người cắt tóc thề sang chuyện nhớ Thúc
Sinh, cũng có thề thốt nhưng không có chuyện cắt tóc.
Và
trong nỗi nhớ của Kiều lần này, chỉ có hai câu cuối là nhớ đến Thúc Sinh, nhớ
chuyến đi của chàng để giải quyết chuyện vợ cả vợ lẽ mà Kiều luôn luôn lo lắng:
Sắn bìm chút phận con con
Khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng?
Tóm lại,
qua đối sánh hai đoạn trích này Nguyễn Du đã làm khác với Thanh Tâm Tài Tử:
- Thứ
nhất, không nói về chuyện Thúy Kiều nhận được nhiều thư của Thúc Sinh, không
nói nàng “an tâm”.
- Thứ
hai, không nói về chuyện Thúy Kiều làm sáu bài thơ nhớ Thúc Sinh.
- Thứ
ba, không nói về nội dung “khúc tình thương” mà Kiều khấn Trời Phật, chỉ nói
lược: “Nỗi lòng khấn chửa cạn lời vân vân”.
- Thứ
tư, để cho Kiều nhớ đến cha mẹ trước.
- Thứ năm, để cho Kiều nhớ đến Kim Trọng sau cha mẹ.
- Thứ
sáu, để cho Kiều nhớ Thúc Sinh chỉ 2 câu.
Như vậy,
Nguyễn Du đã làm khác với Thanh Tâm Tài Tử. Nguyễn Du làm cho nhân vật Thúy
Kiều lúc nào cũng tình nặng, nghĩa dày.
Chúng tôi sẽ nói chuyện Thúy Kiều của Nguyễn Du rất khác biệt với Thúy Kiều của
Thanh Tâm Tài Tử trong phần thứ ba của sách này khi so sánh nhân vật.
_______
(*) Phạm Đan Quế - Truyện
Kiều đối chiếu (bản dịch Kim Vân Kiều - Thanh Tâm Tài Tử của Tô Nam- Nguyễn
Đình Diệm, Bản phiên Truyện Kiều - Nguyễn Du của Đào Duy Anh), NXB Hải Phòng, 1999,
tái bản lần thứ nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét