SO SÁNH NHÂN
VẬT THÚY KIỀU CỦA “KIM VÂN KIỀU” VỚI “TRUYỆN KIỀU”
Vũ Nho
Nguyễn
Du đã bỏ nhiều công sức để nhân vật Từ Hải chỉ là một nhân vật tiểu thuyết trở
thành nhân vật “anh hùng ca” như nhà phê bình Hoài Thanh đã viết rất thuyết
phục ngay từ năm 1943. Đối với nhân vật Thúy Kiều cũng vậy. Nguyễn Du đã làm
cho người con gái sinh trưởng ở Bắc Kinh bên Tàu trở thành người con gái Việt
Nam như Phạm Công Thiện giải thích: “Đó
là do cái thiên tài phi thường của Nguyễn Du và có khả tính lạ thường chuyển
hóa một cái gì rất xa thành ra một cái gì rất gần gũi đến nỗi cái ấy đi vào trú
ngụ tận lòng của cả một dân tộc. Có người ái quốc cực đoan có thể vội vàng cho
rằng Nguyễn Du vô tình bỏ quên “dân tộc tính” của dân tộc để phải mượn một cô
gái Tàu cho đề tài văn chương của mình. Thực ra Thúy Kiều của Nguyễn Du chẳng
còn gì là Tàu nữa, cũng chẳng phải Tàu lai, mà là một cô gái Việt Nam thời Lê
Mạt Nguyễn Sơ ở quê hương, vẫn muôn đời là một cô gái Việt Nam trẻ đẹp cho đến
mấy ngàn năm sau nữa và lại còn có “dân tộc tính” hơn tất cả những người hăng
hái chủ trương rầm rộ việc trở về nguồn” (Phạm Công Thiện - Nguyễn Du đại
thi hào dân tộc, Viện triết lý Việt Nam và triết học thế giới, 1996, trang 148).
Chúng
tôi không đi sâu vào phân tích tính dân tộc của nhân vật. Chúng tôi chỉ so sánh
nhằm chứng minh rằng Thúy Kiều của Nguyễn Du không còn là Thúy Kiều của Thanh
Tâm Tài Tử nữa.
Trước
hết, như chúng tôi đã so sánh ở phần thứ hai, mục 1 về việc Nguyễn Du tả tài
sắc của chị em Thúy Kiều, đặc biệt là của nàng Kiều. Chúng tôi thấy rằng cần
phải nhắc lại tóm tắt ở đây sự sáng tạo của Nguyễn Du: “Chín điểm khác biệt của
Nguyễn Du, những khác biệt có chủ ý làm cho Kiều và Vân đẹp hơn, tài năng hơn, và
đáng yêu hơn. Ấy là chưa kể đến Nguyễn Du đã ngầm báo trước số phận hai nhân
vật. Thúy Vân sẽ thuận lợi, suôn sẻ trong cuộc đời vì thiên nhiên tự nguyện
chịu thua,
chịu nhường
(mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da). Còn
Thúy Kiều thì sẽ gặp nhiều tai ương, trắc trở vì thiên nhiên đố kị hờn, ghen
(Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh). Số phận Kiều đã được dự báo trước theo
quan niệm tài, mệnh tương đố và "Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen".
Viết có
lớp lang và dự báo kín đáo như vậy, nếu không phải là một ngòi bút thiên tài, không
có tấm lòng yêu thương, trân trọng nhân vật phụ nữ như Nguyễn Du thì không thể
làm nổi”.
Trong đoạn Kiều gặp gỡ Kim Trọng ngày hội đạp
thanh tiết Thanh Minh, hai chị em Kiều và Vân đã ý tứ, chủ động tránh Kim Trọng
chứ không đợi cậu em Vương Quan nhắc nhở.
Chàng Vương quen mặt ra chào
Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa.
Rõ ràng
phẩm cách của hai Kiều được tôn lên rất nhiều qua hành động chủ động giàu nữ
tính, tế nhị “nép vào dưới hoa” do Nguyễn Du sắp xếp.
Chúng tôi
thấy rằng Nguyễn Du đã tước bỏ nhiều câu đối thoại giữa Thúy Kiều với Thúy Vân
sau khi hai chị em đi chơi về. Những câu thoại khá thô về chàng Kim.
Về căn bản, nàng Kiều của Nguyễn Du ít nói hơn
hẳn nàng Kiều của Thanh Tâm Tài Tử. Khi gia biến, Kiều của Thanh Tâm Tài Tử
quyết định bán mình. Nàng giải thích, thương thuyết với bọn sai nha, thuyết
phục Vương ông, cắt đặt mọi việc. Nàng cũng chủ động nói thẳng với Mã Giám Sinh,
bàn bạc với Chung công và tự tay viết tờ hôn thú. Khi Vương ông không chịu kí
vào tờ hôn thú đó, Kiều đã giải thích thật dài (Trang 142, trang 143, vắt qua
một phần trang 144 của Truyện Kiều đối
chiếu). Một chi tiết không thể không nhắc tới là Thúy Kiều rất quyết liệt. Khi
Vương ông không chịu kí, Kiều nói mãi không được, nàng đã đập đầu vào cột tự
sát.
"Thúy Kiều nóng ruột nói thẳng với cha rằng:
Cha ơi, nếu cha không kí, tất nhiên
là việc không thành, mà việc không thành thì cha bị chết, tính mệnh em con cũng
khó bảo toàn, gia đình rồi đến tan nát. Sống mà nhìn cái cảnh thảm ấy, chẳng
thà chết trước cho rồi.
Nàng nói đến đây, thì nghe đánh ầm
một tiếng, nàng đã đập đầu vào cột, đương nằm sóng sượt dưới đất, chỉ còn cái
xác không hồn!
Vương ông thấy vậy lo sợ hết vía, vội
vã ôm ghì lấy con, vừa lay vừa gọi” (Phạm Đan Quế - Truyện
Kiều đối chiếu, trang 146).
Nguyễn
Du đã bỏ hết các chi tiết này để cho nàng Kiều của mình chỉ là một người con
gái hiếu thảo thương cha mẹ cùng với các em và quên mình hi sinh mối tình chớm
nở.
Khi
Kiều được Mã Giám Sinh đón về trú phường, nàng băn khoăn trước hành động "khi
vào có vẻ dùng dằng, khi ra có vẻ vội vàng” của Mã, nàng định tự tử nhưng nghĩ
lại nên chỉ giấu con dao vào chéo khăn. Sau khi Mã làm phận sự và ngủ im thin
thít, Kiều làm chín chương oán hận theo bốn chữ “nãi kiến cuồng thư” (Chỉ thấy
đứa điên rồ) và thức cho đến sáng. Nguyễn Du để cho nàng Kiều của mình nhớ đến
Kim Trọng và hối hận vì đã không chiều theo ý chàng ngày trước. Có thể nói đây
là một suy nghĩ rất con người, rất giàu tình cảm chân thực của nàng. Nàng Kiều
của Thanh Tâm Tài Tử không hề có điều này:
Ngập ngừng thẹn lục e hồng
Nghĩ lòng lại xót xa lòng đòi phen
Phẩm tiên rơi đến tay hèn
Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai
Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.
Nguyễn
Du đã để cho nàng Kiều của mình trong 15 năm lưu lạc có 7 lần nhớ người thân. Điều
này cho thấy nhân vật của Nguyễn Du rất giàu nội tâm. Trong khi nàng Kiều của Thanh
Tâm Tài Tử chỉ có 3 lần nhớ. Mà nỗi nhớ cũng tản mạn trong hai bài thơ, một lần
khác chỉ nhớ người yêu mà không nhớ cha mẹ. Tưởng cũng nên nêu lại kết luận của
chúng tôi khi khảo sát ở phần thứ hai.
“Đối
sánh bảy lần nhớ của Thúy Kiều, chúng ta thấy chỉ có một lần nhớ thứ 4 vắn tắt
bốn câu là Nguyễn Du trung thành với nguyên tác. Hai lần nhớ có thêm sáng tạo
của Nguyễn Du. Lần nhớ thứ nhất, nhà thơ đã sáng tạo thêm dựa vào ý của hai bài
thơ. Lần nhớ thứ hai, nhà thơ đã thêm vào nỗi nhớ cha mẹ. Còn lại 4 lần nhớ
khác (lần thứ 3, 5, 6, 7) là hoàn toàn sáng tạo thêm của Nguyễn Du. Đối chiếu, so
sánh như thế để thấy rằng Nguyễn Du dựa vào cốt truyện của Thanh Tâm Tài Tử
trong KVK, nhưng nhà thơ đã sáng tạo lại theo cách riêng của mình. Chính vì các
nỗi nhớ khác biệt như thế, đã góp phần làm cho nhân vật Thúy Kiều của Nguyễn Du
khác với nhân vật Thúy Kiều của Thanh Tâm Tài Tử”.
Về mối
quan hệ giữa Kiều và mụ Tú Bà, Nguyễn Du cũng làm khác hẳn trong tác phẩm
Truyện Kiều. Trong Kim Vân Kiều, sau khi Kiều bị đánh đòn và chịu đồng ý tiếp
khách, Tú Bà gọi Kiều là con. Kiều gọi Tú Bà là má.
“Mã Kiều vội báo cho mụ Tú biết. Mụ tất tả
vào thăm, khẽ bảo nàng rằng:
Thúy Kiều con ơi, cái thằng Sở Khanh
là đứa côn đồ vô lại, sao con lại bị nó lừa?[…]
Vậy nay má xin nói thật, nếu con vui
lòng theo má tính chuyện làm ăn, má sẽ đối đãi với con một cách biệt nhỡn. Bằng
không, má sẽ xem nhà chủ nào có thể bỏ ra được món tiền lớn, rồi chiếu giá cũ
để bán con đi làm nghề tiếp khách cho cửa hàng khác. Vậy
tùy ý con định liệu.
Thúy Kiều đáp: Dẫu sao bình đã vỡ rồi,
làm tôi chỗ mới sao bằng chỗ cũ. Vậy con tình nguyện theo má để tính công
chuyện làm ăn”. (Truyện
Kiều đối chiếu, trang 218).
Mối
quan hệ má - con này còn tiếp tục cho đến khi Thúc Sinh nhờ Vệ Hoa Dương can
thiệp để chuộc Kiều. Trong bữa tiệc mừng cho Kiều lấy được Thúc Sinh, Tú Bà đối
đáp với Kiều:
“Tú Bà rằng: Chúc mừng cho con gái yêu của ta
lấy được người chồng phong lưu tử tế.
Kiều đáp: Việc đó nhờ hồng phúc của
má má đấy ạ” (Truyện
Kiều đối chiếu, trang 254).
Cứ cho
như đây là lời nói đãi bôi đi chăng nữa, song cái quan hệ MÁ - CON ấy là quan
hệ được hình thành và củng cố trong suốt thời gian Kiều ở lầu xanh của mụ Tú.
Thế mà
khi báo oán, Thúy Kiều của Thanh Tâm Tài Tử đã quên phắt quan hệ đó. Chúng ta
hãy cùng xem đoạn báo oán trong Kim Vân Kiều:
“Phu nhân hỏi: Tú
Bà, mi có nhận được ta là ai không?
Tú Bà đáp: Kẻ hèn mọn này không nhận
được ạ.
Phu nhân thét bảo: Mi hãy ngóc đầu
lên nhìn xem ta là ai?
Quân sĩ dạ ran, túm tóc mụ kéo lật về
phía sau, bấy giờ mụ mới nhận rõ là Vương Thúy Kiều, thì luôn miệng kêu rằng:
Tội của kẻ hèn mọn này thực đáng muôn lần chết chém. Chỉ xin phu nhân thương
cho phần nào”. (Truyện
Kiều đối chiếu, trang 368).
Trong
Truyện Kiều, Nguyễn Du làm khác hẳn. Nguyễn Du không để cho Kiều bằng lòng theo
Tú Bà “tính công chuyện làm ăn”. Kiều vẫn xưng tôi đàng hoàng. Tôi, phận tôi và vốn của người. Dù thế nào Kiều cũng không gọi Tú Bà là má và xưng
mình là con. Nhà thơ chỉ nói Kiều hứa xin chừa tấm lòng trinh bạch:
Nhưng tôi có sá chi tôi
Phận tôi đành vậy, vốn người để đâu
Thân lươn bao quản lấm đầu
Chút lòng trinh bạch từ sau cũng chừa.
Không
một lần Kiều gọi Tú Bà bằng má. Một lần duy nhất Tú Bà gọi Kiều là con, nhưng
cũng không xưng mình là má. Đó là ở câu thứ 1209:
Này, con thuộc lấy làm lòng
Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề.
Không
để có quan hệ MÁ - CON giữa Kiều và Tú Bà làm cho Thúy Kiều của Nguyễn Du cứng
cỏi hơn. Việc nàng chịu trận đòn của viên quan xử kiện cho Thúc ông càng chứng
tỏ việc Kiều ở lầu xanh chỉ là sự ép buộc, sự cùng đường. Và sau này khi báo
oán, Kiều của Nguyễn Du cũng không tra hỏi Tú Bà, mà chỉ sai “thề sao thì lại
cứ sao gia hình”. Đủ thấy Nguyễn Du đã làm cho nàng Kiều của mình đẹp hơn hẳn
nàng Kiều trong Kim Vân Kiều.
Việc báo ân báo oán cũng cho chúng ta thấy sự khác biệt
của nhân vật Thúy Kiều. Chúng tôi đã so sánh và nêu lên kết luận. Ở đây chỉ
nhấn mạnh một vài điểm. Thúy Kiều của Nguyễn Du rất trọng tình, trọng nghĩa. Dù
rằng mối tình với Thúc Sinh chỉ là duyên phận lẽ mọn, chàng Thúc bất lực “thấp
cơ thua trí đàn bà” không chống lại được âm mưu thâm độc của Hoạn Thư đành
dương mắt nhìn người yêu bị hành hạ và đầy đọa. Tuy vậy Nguyễn Du để cho Kiều
vẫn trân trọng chàng. Khi nhớ người thân lần thứ bảy, Kiều không quên nhớ Thúc
Sinh (Điều này không có trong KVK):
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.
Đến khi
báo ân, Nguyễn Du để Kiều báo ân cho Thúc Sinh đầu tiên, trước cả mụ quản gia
và vãi Giác Duyên. Một lễ vật báo ân cực kì hậu hĩnh:
Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân
Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là
Vợ chàng quỷ quái tinh ma
Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau.
Rất
nhiều người đã ngạc nhiên về thái độ của Thúy Kiều của Nguyễn Du đối với Hoạn
Thư. Trong KVK, Hoạn Thư bị lột hết quần áo chỉ còn độc một cái khố, bị treo
lên đánh 100 trượng. Thúc Sinh mang về nhà chạy chữa nửa năm mới khỏi. Nhưng
Kiều của Nguyễn Du sau khi nghe lời kêu xin của Hoạn Thư thì tuyên bố tha bổng
cho ả.
Tha ra thì cũng may đời
Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen
Đã lòng tri quá thì nên
Truyền quân lệnh, xuống trướng tiền tha ngay.
Nàng Kiều của Nguyễn Du không muốn mang tiếng là “nhỏ
nhen”. Mặt khác là phụ nữ với nhau, nàng hiểu rõ “chồng chung chưa dễ ai chiều
cho ai”. Đó là thái độ nhân đạo, thấu hiểu tình đời của Nguyễn Du. Bởi thế mà
nàng Kiều của nhà thơ khác với nàng Kiều của Thanh Tâm Tài Tử.
Nguyễn Du bao giờ cũng tìm cách làm cho nhân vật Thúy
Kiều của mình đẹp hơn lên. Vì thế chi tiết nào có hại cho tính cách và phẩm giá
của nàng, nhà thơ hoặc là lược bỏ, hoặc là nói nhẹ đi. Có nhiều điều để chứng
minh. Chúng tôi chỉ đưa một ví dụ. Đó là khi Kiều trốn khỏi Quan Âm Các của nhà
Hoạn Thư. Thanh Tâm Tài Tử viết: “Đợi lúc
hai con Xuân Hoa, Thu Nguyệt ngủ say, nàng bèn thu nhặt một ít đồ thờ bằng vàng
bạc, gói làm mười bao, đem ra bức
tường phía tây, cột một đoạn dây vào cành cổ thụ, rồi nàng cải trang thành một
đạo cô” (Truyện Kiều đối chiếu, trang 330). Về giá trị của món đồ mà Kiều
lấy đi, Hoạn Thư hỏi thì được thông báo: “Con
liễu đầu thực sự mau chân, nó đã trốn đi lúc nào, chúng bay xem xét có mất đồ
vật gì không? Hai tên thưa rằng: Thấy mất chuông vàng, khánh bạc, cây đèn ngọc
và lư hương, giá độ hơn 200 lạng vàng” (Truyện Kiều đối chiếu, trang 340). Nguyễn
Du cho việc lấy đồ của Thúy Kiều chỉ là việc làm bắt buộc để “hộ thân”, phải
suy tính chán rồi mới làm. Nhà thơ cũng không nói giá trị như trong KVK:
Chỉn e quê khách một mình
Tay không chưa dễ tìm vành ấm no
Nghĩ đi nghĩ lại quanh co
Phật tiền sẵn có mọi đồ kim ngân
Bên mình giắt để hộ thân.
Sự khác
biệt giữa nàng Kiều của Nguyễn Du với Kiều của Thanh Tâm Tài Tử còn thể hiện
rất rõ trong đoạn Kiều nói với Hồ Tôn Hiến về Từ Hải. Ở đây không gì thích hợp
bằng dẫn lại lời phân tích tinh tế và sâu sắc của nhà phê bình Hoài Thanh.
“Nàng Kiều của Dư Hoài, tác giả Ngu sơ tân chí, cũng như nàng Kiều của
Thanh Tâm tài nhân lúc gần nhảy xuống sông Tiền Đường đều than rằng: “Ta đã giết kẻ tù trưởng này lại lấy kẻ tù
trưởng kia thì còn mặt mũi nào”. Trong trí nàng, Từ Hải cũng chỉ là một anh
tù trưởng không hơn gì cái anh tù trưởng tức là anh thổ quan vừa được Hồ Tôn Hiến
ban ơn cho. Nàng Kiều của Nguyễn Du đại khái cũng nói thế. Nàng chỉ đổi có một
chữ:
Giết chồng rồi lại lấy chồng
Mặt nào còn đứng ở trong cõi đời!
Đổi một chữ mà tránh được cái giọng khinh bạc. Nàng không
có giọng khinh bạc vì nàng trọng người chồng đã khuất.
Lòng
kính trọng ấy ta càng thấy rõ khi nàng mới bị bắt vào dinh Hồ Tôn Hiến: “Từ Hải
vì quá tin lời phủ gia đến nỗi bại vong, may mà được phủ gia thương chút lòng
thành, cho nắm đất để vùi hài cốt, thiếp không mong gì hơn nữa”. Mấy chữ “may
mà được phủ gia thương chút lòng thành” thực cũng tủi cho vong hồn người dũng
sĩ đất Việt Đông. Vì sao nàng Kiều của Thanh Tâm tài nhân lại nói như thế? Tôi
dám chắc không phải vì nàng sợ Hồ Tôn Hiến: chính nàng vừa trách Hồ Tôn Hiến
thất tín. Huống chi, nàng cũng sắp tự tận. Người đã liều chết được thì còn sợ
ai? Chẳng qua nàng nói thế vì đối với nàng, Từ Hải, dẫu là một vị đại vương, vẫn
chưa thoát hẳn cái cốt cách một người thường.
Trong Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du tức
là trong Truyện Kiều, thái độ của Thúy Kiều chỗ này khác hẳn. Nàng chỉ xin chôn
cất cho Từ Hải nhưng nàng không cầu Hồ Tôn Hiến thương hại Từ Hải:
Xin cho tiện thổ một doi
Gọi là đắp điếm đến người tử sinh.
Nàng
không trách Hồ Tôn Hiến thất tín, nhưng mở miệng ra, nàng ca tụng người đã khuất
với những lời rất dõng dạc:
Rằng Từ là đấng anh hùng
Dọc ngang trời rộng vẫy vùng bể khơi
Tin tôi nên quá nghe lời
Đem thân bách chiến làm tôi triều
đình
Ngỡ là phu quý
phụ vinh
Ai ngờ một phút
tan tành thịt xương
Năm năm trời bể
ngang tàng
Đem mình đi bỏ chiến trường như không.
Ta hãy nghĩ rằng những lời ca tụng Từ Hải đó nàng nói
trước một kẻ tử thù của Từ Hải, ta sẽ hiểu nàng kính phục Từ Hải đến bực nào".
(Hoài Thanh - Một phương diện của thiên tài Nguyễn Du: Từ Hải. Trong sách Tranh
luận về Truyện Kiều, NXB Văn Học, 2009, tr. 386-388).
Trở lên, chúng tôi đã điểm qua những
nét khác biệt giữa nàng Kiều của Nguyễn Du và nàng Kiều của Thanh Tâm Tài Tử. Nàng
Kiều của Nguyễn Du chẳng những đẹp hơn, tài hơn mà còn là người tế nhị, giàu
tình cảm nội tâm, rộng lượng, vị tha và cư xử có tình có nghĩa hơn. Nàng là chị
em với Vương Thúy Kiều của Thanh Tâm Tài Tử, nhưng nàng đã khác xa người chị
của mình. Sự khác biệt ấy có được chính là nhờ thiên tài của Nguyễn Du, nhờ tấm
lòng nhân đạo vô cùng mênh mông sâu sắc của nhà thơ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét